Dr Lim Jit Fong
Bác sĩ ngoại tổng quát
Nguồn: Shutterstock
Bác sĩ ngoại tổng quát
Tất cả chúng ta đều có lúc trải qua tình trạng này—nơi tần suất đi vệ sinh giảm xuống, và có thể khiến chúng ta cảm thấy cực kỳ khó chịu. Bác sĩ phẫu thuật tổng quát Lim Jit Fong trả lời một số câu hỏi được hỏi thường xuyên xoay quanh vấn đề táo bón.
Táo bón được định nghĩa trong y học là tần suất đi vệ sinh ít hơn 3 lần một tuần.
Bên cạnh số lần đi vệ sinh bị hạn chế, táo bón cũng có thể gây cảm giác khó chịu do bụng chướng, hoặc thậm chí bị đau bụng quặn từng cơn. Nếu táo bón ở mức độ nghiêm trọng, bệnh nhân có thể bị chán ăn. Phân cứng là hiện tượng phổ biến, nhưng không phải lúc nào cũng xảy ra. Tuy nhiên, táo bón thường khiến bệnh nhân phải rặn mạnh khi cố gắng đi vệ sinh, và có thể dẫn đến vấn đề thứ cấp như chảy máu do búi trĩ, hoặc đau vùng hậu môn do nứt kẽ hậu môn.
Những triệu chứng này thường bị nhầm lẫn với một bệnh lý tương tự gọi là đại tiện khó do phối hợp không đồng bộ (dys-synergic defaecation). Thuật ngữ này chỉ nhu cầu rặn bụng quá mức để đi vệ sinh, kể cả khi bệnh nhân có thể đi vệ sinh hằng ngày.
Tuy nhiên, nhiều người đi vệ sinh đều đặn sau mỗi 2-3 ngày vẫn có thể phàn nàn về bụng chướng, đau bụng quặn, và phân cứng khó tống ra. Hiện tượng này khá phổ biến và có thể được điều trị tương tự như bệnh táo bón.
Hầu hết bệnh nhân mắc bệnh táo bón đều mắc chứng táo bón nguyên phát (táo bón chức năng) nơi không có nguyên nhân thứ cấp nào được tìm thấy. Nhóm thứ hai mắc táo bón thứ cấp, nơi bệnh táo bón là do tác dụng phụ của thuốc điều trị bệnh hoặc do một bệnh lý khác như suy giáp.
Có một nhóm thứ ba, táo bón bẩm sinh. Thuật ngữ này bao gồm trẻ sơ sinh sinh ra đã mắc bệnh và có thể được phát hiện nhờ có ít dây thần kinh trong ruột hơn bình thường, khiến ruột già không hoạt động bình thường. Ví dụ của nhóm bệnh này là bệnh Hirschsprung (hiếm gặp).
Nếu tần suất đi vệ sinh giảm nhưng không kèm theo bất kỳ triệu chứng nào của bệnh táo bón, thì không nhất thiết phải tìm kiếm lời khuyên từ bác sĩ một cách gấp rút.
Tuy nhiên, nếu bệnh táo bón mới xuất hiện gần đây hoặc xảy đến bất ngờ, bạn cần đến gặp bác sĩ. Đặc biệt là nếu bị đau bụng, đau vùng hậu môn, chướng bụng, hoặc chảy máu hậu môn.
Bác sĩ cần một bảng ghi lại chi tiết về chế độ ăn, sinh hoạt hằng ngày, lối sống (bao gồm thói quen tập thể dục), và thuốc điều trị bệnh. Thỉnh thoảng, bạn có thể được chụp x-quang để xác định mức độ trầm trọng của tình trạng táo bón. Xét nghiệm máu thường được sử dụng để loại trừ các bệnh lý khác vốn có thể có các triệu chứng tương tự táo bón. Nếu bác sĩ nghi ngờ có khối u hoặc ung thư trong ruột già, họ có thể đề nghị nội soi ruột già. Khi bác sĩ đã loại trừ mọi nguyên nhân thứ cấp gây táo bón, bác sĩ có thể yêu cầu một cuộc nghiên cứu đánh dấu quá cảnh ruột già (colonic transit marker study).
Đây là một xét nghiệm ngoại trú đơn giản, nơi bệnh nhân được yêu cầu nuốt một viên con nhộng chứa 24 miếng nhựa đánh dấu. X-quang bụng sẽ được chụp 5 ngày sau, và vị trí (cũng như con số) của các miếng nhựa đánh dấu còn tồn đọng sẽ được ghi nhận lại. Xét nghiệm này giúp xác định những trường hợp táo bón nghiêm trọng nhất, những trường hợp có thể cần tới phẫu thuật.
Bệnh táo bón rất dễ chữa, vì vậy không ai cần phải chịu đựng tình trạng này. Mục tiêu của điều trị là làm dịu các triệu chứng mà bệnh nhân có thể gặp phải. Đi vệ sinh không cần phải diễn ra hằng ngày, miễn là không có các triệu chứng từ bệnh táo bón.
Cách điều trị liên quan đến điều chỉnh chế độ ăn và lối sống. Thuốc (như thuốc nhuận tràng) có thể hữu ích trong việc duy trì thói quen đi vệ sinh đều đặn.
Ở một vài bệnh nhân, phản hồi sinh học (anorectal biofeedback) - một dạng vật lý trị liệu hồi phục vùng xương chậu—có thể đem lại sự cải thiện rõ rệt, đặc biệt đối với các bệnh nhân đồng thời mắc chứng táo bón và đại tiện khó do phối hợp không đồng bộ. Phẫu thuật hiếm khi cần thiết, ngoại trừ các trường hợp nghiêm trọng nhất.
Táo bón không liên quan đến việc gia tăng rủi ro mắc bệnh ung thư. Tuy nhiên, vì tỷ lệ mắc bệnh táo bón rất cao trong dân số nói chung, không hiếm gặp trường hợp khi một bệnh nhân ung thư đại trực tràng có tiền sử từng mắc chứng táo bón lâu ngày.
Một lưu ý cảnh báo phải được nhắc đến cho các bệnh nhân mắc chứng táo bón mới xảy ra bất ngờ. Nếu bệnh nhân phát triển chứng táo bón trong vài ngày đến vài tuần, trong khi trước đó có thói quen đi cầu bình thường, hãy đến gặp bác sĩ để loại trừ khả năng ung thư đại trực tràng gây tắc ruột không hoàn toàn. Ở những bệnh nhân tắc ruột không hoàn toàn, họ than phiền về tình trạng bụng chướng và đau quặn ở bụng, được làm dịu bằng việc đi vệ sinh. Họ cũng thải ra ít phân hơn khi phân di chuyển qua phần ruột bị thu hẹp, và do đó số lần đi vệ sinh cũng giảm (táo bón).
Thuốc nhuận tràng được sử dụng theo liều lượng chỉ định từ bác sĩ là rất an toàn. Thuốc được sử dụng nhằm giúp bệnh nhân co bóp thành ruột mạnh hơn để đẩy phân xuống phía trực tràng và hậu môn. Một số thuốc nhuận tràng cũng làm mềm hoặc làm lỏng phân cứng để phân dễ dàng đi qua hơn. Xin nhớ thuốc nhuận tràng được chỉ định cho bệnh nhân mắc bệnh táo bón hoặc đại tiện khó do phối hợp không đồng bộ, không dành cho người có thói quen đi vệ sinh bình thường.
Thuật ngữ "lạm dụng thuốc nhuận tràng" được đặt ra từ lâu và chỉ những bệnh nhân có thói quen đi vệ sinh bình thường nhưng dùng thuốc nhuận tràng vì những lý do khác ngoài việc điều chỉnh thói quen đại tiện vốn đã bình thường của họ. Ví dụ của trường hợp "lạm dụng thuốc nhuận tràng" là chứng biếng ăn hoặc hội chứng Munchausen—bệnh nhân giả vờ bị bệnh nhằm thu hút sự chú ý.
Nếu phải uống thuốc nhuận tràng để cải thiện tình trạng bệnh táo bón (và có tác dụng), bạn không cần phải sợ rằng bệnh táo bón sẽ trở nặng hơn trong tương lai.