-
-
Khu vực chăm sóc và điều trị
Nguồn: Shutterstock
Viêm dạ dày ruột, thường được biết đến với cái tên "cúm dạ dày", là bệnh nhiễm virus hoặc vi khuẩn gây kích ứng và viêm ở dạ dày và đường ruột. Mặc dù bệnh này có tên là "cúm dạ dày", nó không giống chứng cảm cúm thông thường. Bệnh cảm cúm tác động xấu đến mũi, họng, và phổi, còn viêm dạ dày ruột tấn công hệ thống ruột của người bệnh. Bệnh lý này thường lây nhiễm thông qua việc tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc tiêu thụ thức ăn, nước uống bị ô nhiễm. Người lớn khỏe mạnh thường có thể hồi phục tự nhiên mà không gặp biến chứng, nhưng viễm dạ dày ruột có thể nguy hiểm đến tính mạng của trẻ sơ sinh, người cao tuổi và người có hệ miễn dịch kém.
Rotavirus là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra bệnh cúm dạ dày (viêm dạ dày ruột) ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Trong khi đó, norovirus lại tạo ra các trường hợp viêm dạ dày ruột nghiêm trọng và nguồn bùng phát của các bệnh truyền qua thực phẩm. Vi khuẩn như E.coli và salmonella cũng có thể gây ra bệnh cúm dạ dày.
Các triệu chứng điển hình của cúm dạ dày bao gồm: tiêu chảy nước, đau bụng, buồn nôn, nôn mửa, và đôi khi kèm sốt. Ở trẻ em, cúm dạ dày có thể dẫn đến tình trạng mất nước rất nhanh, vì vậy điều quan trọng là phải để ý đến các triệu chứng như da khô, miệng khô, hoặc cảm thấy rất khát nước. Đối với trẻ sơ sinh, hãy chú ý đến việc thay tã cho bé. Nếu tã khô hơn bình thường và việc đi tiểu ít hơn, đó có thể là dấu hiệu của tình trạng mất nước.
Cúm dạ dày rất dễ lây và ngoài việc lây lan qua tiếp xúc với người bệnh, thức ăn hoặc nước uống bị ô nhiễm, bệnh này cũng có thể lây từ việc không rửa tay sau khi đi vệ sinh hoặc thay tã.
Một loại vi khuẩn khác có tên là Shigella cũng có thể gây ra bệnh cúm dạ dày. Đây là loại vi khuẩn thường lây nhiễm ở trường học và nhà trẻ thông qua việc tiếp xúc với đồ chơi, thiết bị phòng tắm, bàn thay tã, thùng tã lót bị nhiễm bệnh, hoặc từ việc thay tã cho một đứa trẻ đã mắc nhiễm trùng Shigella rồi sau đó chạm tay vào miệng mình.
Ngoài các biện pháp hỗ trợ, không có phương pháp điều trị y tế cố định cho bệnh cúm dạ dày. Điều quan trọng nhất là bổ sung lượng nước và muối đã mất, đặc biệt chú trọng đến trẻ em. Giúp trẻ bù nước với dung dịch bù nước bằng đường uống (ORS), có bán sẵn tại các nhà thuốc. Xin lưu ý rằng nước lọc không phải là lựa chọn thay thế tốt nhất cho trẻ em bị cúm dạ dày, vì thế tốt nhất là cho trẻ sử dụng dung dịch ORS để bù đắp lại lượng điện giải đã mất.
Từ từ chuyển trẻ về chế độ ăn uống bình thường để giúp dạ dày ổn định trở lại. Giới thiệu những loại thực phẩm nhạt, dễ tiêu hóa như cơm, chuối và khoai tây. Tránh xa các loại sữa và thực phẩm nhiều đường vì sẽ khiến tình trạng tiêu chảy trầm trọng hơn. Đảm bảo rằng trẻ được nghỉ ngơi nhiều, do việc bị bệnh và mất nước chắc chắn sẽ gây mệt mỏi và suy nhược.
Đối với trẻ sơ sinh, nên cho dạ dày nghỉ ngơi khoảng 15-20 phút sau một cơn nôn mửa hoặc tiêu chảy trước khi bắt đầu cho bé bú cữ sữa tiếp theo. Nếu bạn đang cho con bú mẹ, hãy để bé bú bình thường, còn nếu đang bú sữa bình, hãy cho trẻ uống một lượng nhỏ dung dịch ORS hoặc sữa công thức. Việc pha loãng sữa công thức là không cần thiết.
Hãy chú ý sát khuẩn tất cả các bề mặt cứng trong nhà nếu bất cứ thành viên nào trong gia đình bị cúm dạ dày. Điều này bao gồm bàn bếp, vòi nước, tay cầm cửa và công tắc. Rửa sạch và khử trùng tất cả đồ chơi mà người bệnh đã tiếp xúc để ngăn ngừa việc tái nhiễm hoặc lây bệnh sang người khác trong gia đình.
Viêm dạ dày ruột cũng có thể do nhiễm khuẩn như E.coli hoặc Salmonella, thường lây nhiễm qua nguồn thực phẩm như thịt gia cầm, trứng nấu chưa chín kĩ, sữa không tiệt trùng, các loại rau củ quả còn sống hoặc nước ép chưa qua chế biến.
Hãy luôn kiểm tra thật kĩ để đảm bảo thịt gà và trứng được nấu chín hoàn toàn trước khi cho trẻ tiêu thụ. Đối với những thành viên thích ăn trứng lòng đào trong gia đình, hãy chọn loại trứng đã được tiệt trùng. Để bảo vệ cơ thể khỏi ảnh hưởng của E.coli và salmonella, đảm bảo rằng bạn rửa tay và dụng cụ nhà bếp với nước rửa chén thật nóng trước và sau khi chế biến đồ ăn hoặc dùng bữa. Dành riêng một khu vực, dao thớt chuyên để bảo quản và cắt thái thịt sống.
Rửa kỹ rau quả của bạn, nhất là những loại có bề mặt cứng. Chú trọng dùng bàn chải chuyên dụng để cọ rửa rau quả. Sau khi đi chợ về, hãy cho các loại thực phẩm tươi sống vào tủ lạnh hoặc tủ đông càng nhanh càng tốt.
Giữ trẻ ở nhà và cho nghỉ học tại trường cho đến khi tất cả các triệu chứng biến mất. Luôn tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tự ý cho trẻ uống thuốc, vì một số loại thuốc kiểm soát tiêu chảy và nôn mửa thường không được khuyên dùng cho trẻ em dưới 5 tuổi.
Giống như đa số các chứng bệnh, phòng bệnh luôn tốt hơn chữa bệnh. Hãy rửa tay và đảm bảo trẻ cũng làm điều này, đặc biệt là sau khi sử dụng nhà vệ sinh. Ngoài ra, tiêm phòng ngừa rotavirus cho trẻ để tránh các triệu chứng nghiêm trọng của cúm dạ dày.
Biến chứng chính từ cúm dạ dày là hiện tượng mất nước. Đối với người lớn khỏe mạnh có uống đủ lượng nước để bù đắp cho lượng đã mất do nôn mửa và tiêu chảy, tình trạng mất nước có thể được giải quyết một cách dễ dàng. Tuy nhiên, trẻ sơ sinh, người già và người có hệ miễn dịch kém có thể bị mất nước nghiêm trọng nếu lượng nước mất đi nhiều hơn khối lượng họ có thể bổ sung. Trường hợp này sẽ cần nhập viện để truyền dịch.
Hãy đưa trẻ đến Trung tâm Chăm sóc Khẩn cấp (UCC) nếu bé:
Về trường hợp của trẻ sơ sinh, cha mẹ nên đưa trẻ đến Trung tâm Chăm sóc Khẩn cấp ngay lập tức nếu bé đã nôn mửa nhiều hơn vài giờ, không đi tiểu trong vòng 6 giờ, tiêu chảy nặng hoặc phân có máu, thóp lõm xuống, khóc không ra nước mắt, buồn ngủ bất thường hoặc ít phản ứng.
Cúm dạ dày ở trẻ em có thể gây tình trạng leo thang rất nhanh và dẫn đến mất nước nghiêm trọng, đòi hỏi cần được nhập viện. Ngay khi trẻ có triệu chứng cúm dạ dày, tốt nhất là nên đưa bé đến Trung tâm Chăm sóc Khẩn cấp để được điều trị kịp thời.