Phẫu thuật sọ não thức tỉnh là phương pháp phẫu thuật não được tiến hành trong khi bệnh nhân vẫn trong trạng thái tỉnh táo và có ý thức.
Việc bệnh nhân duy trì sự tỉnh táo và tương tác với bác sĩ trong phần lớn hoặc toàn bộ quá trình phẫu thuật sẽ cho phép bác sĩ theo dõi các chức năng quan trọng khi phẫu thuật. Mặc dù vẫn tỉnh táo nhưng bệnh nhân sẽ không có cảm giác đau đớn do vùng phẫu thuật đã được gây tê cục bộ.
Phẫu thuật sọ não thức tỉnh thường được chỉ định trong những trường hợp nào?
Phương pháp này thường được áp dụng với bệnh nhân có tổn thương hoặc khối u nằm tại hoặc lân cận các vùng não bộ điều khiển các chức năng quan trọng của cơ thể hoặc các khả năng giác quan, ngôn ngữ, vận động.
Phẫu thuật sọ não thức tỉnh cũng là lựa chọn lý tưởng cho bệnh nhân Parkinson hoặc động kinh. Trong những trường hợp này, kíp mổ có thể kiểm tra sự cải thiện chức năng vận động hoặc kiểm soát các cơn động kinh ngay trong quá trình phẫu thuật.
Phẫu thuật sọ não thức tỉnh bị chống chỉ định trong những trường hợp nào?
Phẫu thuật sọ não thức tỉnh bị chống chỉ định trong các trường hợp sau:
Trẻ nhỏ dưới 10 tuổi
Bệnh nhân không thể/ không có khả năng hợp tác
Suy giảm nhận thức
Thiểu năng trí tuệ
Khả năng diễn đạt và thấu hiểu ngôn ngữ kém
Tổn thương mạch máu ảnh hưởng đến màng cứng
Co giật không kiểm soát
Không thể nằm trong nhiều giờ
Ho mạn tính
Rủi ro / biến chứng của việc phẫu thuật sọ não thức tỉnh
Rủi ro và biến chứng đối với phẫu thuật sọ não thức tỉnh ít xảy ra và nếu có, thì mức độ sẽ tùy thuộc vào nhiều yếu tố, ví dụ như: kích thước, vị trí và loại khối u, tình trạng sức khỏe tổng thể và độ tuổi của người bệnh. Các biến chứng có thể bao gồm:
Chảy máu
Thay đổi thị lực
Suy giảm khả năng giữ thăng bằng và phối hợp
Đột quỵ
Sưng não
Nhiễm trùng
Tổn thương não
Chết não
Yếu cơ
Các vấn đề liên quan đến trí nhớ và tư duy.
Tỷ lệ xảy ra biến chứng nghiêm trọng dẫn đến suy giảm chức năng thần kinh vĩnh viễn như đột quỵ hoặc tử vong < 5%. Biến chứng co giật có thể xuất hiện trong phẫu thuật não thức tỉnh, trong một số ít trường hợp có thể phải chuyển sang gây mê toàn thân.
Chuẩn bị cho phẫu thuật sọ não thức tỉnh
Bệnh nhân cần được chuẩn bị kỹ càng về mặt tâm lý vì bệnh nhân vẫn tỉnh táo trong khi phẫu thuật. Trước phẫu thuật, các bác sĩ sẽ trao đổi với bệnh nhân để giải thích về các bước tiến hành phẫu thuật, những khó chịu bệnh nhân có thể gặp phải cũng như các biến chứng có thể xảy ra, và giải đáp các thắc mắc của người bệnh và người nhà bệnh nhân. Đây cũng là một cơ hội tốt để các bác sĩ làm quen với bệnh nhân, đồng thời nắm bắt được mối quan tâm của người bệnh để từ đó tùy chỉnh một bài kiểm tra chức năng thần kinh dành riêng cho bệnh nhân trong quá trình phẫu thuật. Được trò chuyện về vấn đề mình quan tâm sẽ giúp cho bệnh nhân giữ được tinh thần tỉnh táo và tích cực hợp tác với kíp mổ, đây là yếu tố then chốt góp phần vào thành công của ca phẫu thuật sọ não thức tỉnh.
Bác sĩ cũng sẽ tìm hiểu về các thuốc mà bệnh nhân đang dùng trước khi phẫu thuật để có những điều chỉnh phù hợp, đặc biệt là các thuốc có tác dụng ức chế thần kinh.
Ngoài ra, trước khi phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật hoặc bác sĩ ngôn ngữ trị liệu có thể yêu cầu bệnh nhân gọi tên các hình ảnh và từ ngữ trên thẻ hoặc trên máy tính để có thể so sánh với câu trả lời và khả năng ghi nhớ của bệnh nhân trong khi phẫu thuật.
Phẫu thuật sọ não thức tỉnh gồm các bước nào?
Trong quá trình phẫu thuật sọ não thức tỉnh
Quá trình phẫu thuật sọ não thức tỉnh đòi hỏi phải có sự phối hợp nhuần nhuyễn giữa bác sĩ phẫu thuật não, bác sĩ chuyên khoa thần kinh và bác sĩ gây mê.
Các bác sĩ sẽ cân nhắc các yếu tố để quyết định phương án gây mê thích hợp, có thể là:
Tỉnh táo trong toàn bộ quá trình phẫu thuật
Gây mê ở giai đoạn đầu và cuối, tỉnh táo trong khoảng thời gian còn lại
Với sự hỗ trợ của hệ thống định vị thần kinh, bác sĩ sẽ xác định chính xác các vùng quan trọng trong não bộ của bệnh nhân để giảm thiểu nguy cơ gây tổn thương cho các vùng quan trọng này. Sau đó, kíp mổ sẽ tách rời một phần hộp sọ của bệnh nhân để tiếp cận não. Bệnh nhân có thể được yêu cầu thực hiện làm theo một số các hướng dẫn hoặc trả lời các câu hỏi. Hoạt động giao tiếp này có ý nghĩa quan trọng vì sẽ giúp kíp mổ đánh giá hiệu quả trong phẫu thuật, đồng thời đảm bảo rằng các chức năng quan trọng không bị tổn hại. Việc này không thể loại bỏ toàn bộ rủi ro của phẫu thuật não nhưng có thể giảm rủi ro tới mức tối thiểu.
Sau khi hoàn tất quá trình phẫu thuật não thức tỉnh, bệnh nhân được cầm máu, đóng hộp sọ, khâu vết rạch và băng bó vết thương.
Sau khi phẫu thuật não thức tỉnh
Khoảng 1 – 2 tiếng sau mổ, bác sĩ sẽ thăm khám sinh hiệu, hô hấp, tri giác để đánh giá hồi tỉnh sau mổ. Nếu bệnh nhân có chuyển biến ổn định sẽ được đưa về phòng bệnh bình thường, lưu viện khoảng 2 – 5 ngày để chăm sóc, theo dõi. Bệnh nhân được xuất viện khi kết quả đánh giá cho thấy người bệnh đã ổn định.
Bác sĩ sẽ hẹn lịch đến cắt chỉ và đánh giá lại tùy tình hình thực tế.
Sau khi ra viện, bệnh nhân cần tiếp tục theo dõi và báo ngay cho bác sĩ nếu có các triệu chứng sau:
Đau đầu có xu hướng tăng nặng
Ngất
Sốt
Vấn đề ở vết thương (đau, sưng, tiết dịch nhiều hơn)
Các triệu chứng mới hoặc nặng lên (như yếu cơ hoặc tê bì)
Uể oải nhiều hơn
Phát ban
Thời gian phục hồi sau khi phẫu thuật sọ não thức tỉnh
Bất kỳ cuộc đại phẫu nào cũng sẽ cần vài tuần để bình phục hoàn toàn. Trong một hai tuần đầu, người bệnh có thể gặp các cơn đau đầu, có thể kiểm soát bằng thuốc giảm đau được kê đơn. Bệnh nhân sẽ cảm thấy mệt mỏi nhiều hơn bình thường, khi đó cần phải nghỉ ngơi. Nhìn chung, bệnh nhân sẽ có thể quay trở lại làm việc và hoạt động bình thường trong vòng sáu tuần đến ba tháng.
Tại sao bạn nên chọn Bệnh viện Gleneagles?
Bệnh viện Gleneagles đã và đang cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao tại Singapore trong hơn 60 năm qua.
Tìm bác sĩ từ các bệnh viện liên kết của chúng tôi
Chúng tôi cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo IHH Healthcare Singapore. Kiểm tra xem bệnh viện yêu thích của bạn có cung cấp điều trị này không: