Thủ thuật xạ hình xương là gì?
Xạ hình xương là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh hạt nhân có thể giúp bác sĩ chẩn đoán và theo dõi một số loại bệnh về xương, bao gồm cả nhiễm trùng xương. Thủ thuật còn có thể được dùng để phát hiện ung thư có thể đã lan đến xương từ vị trí khởi phát khối u.
Trong quá trình xạ hình xương, một lượng rất nhỏ chất phóng xạ gọi là dược chất phóng xạ được tiêm vào tĩnh mạch. Chất này hoạt động giống như thuốc nhuộm nhưng không làm biến đổi màu mô. Chất đánh dấu được hấp thụ với lượng khác nhau và sẽ được thể hiện rõ trong quá trình xạ hình. Khi thay đổi, tế bào và mô sẽ hấp thụ lượng chất đánh dấu cao hơn và đây có thể là dấu hiệu tồn tại ung thư.
Tại sao cần xạ hình xương?
Bác sĩ có thể yêu cầu xạ hình xương nếu bác sĩ cho rằng bạn có thể có vấn đề về xương hoặc nếu bạn bị đau xương. Xạ hình xương có thể chụp toàn bộ bộ xương và phát hiện nhiều rối loạn xương khác nhau như:
- Viêm khớp
- Gãy xương
- Ung thư xương
- Nhiễm trùng khớp, khớp nhân tạo hoặc xương (viêm tuỷ xương)
- Sụt giảm nguồn cung máu đến xương hoặc chết mô xương (hoại tử vô mạch)
- Loạn sản xơ xương, mô giống sẹo bất thường tăng sinh thay cho xương bình thường
- Bệnh Paget xương, căn bệnh gây yếu, biến dạng xương
Ai không nên xạ hình xương?
Phụ nữ mang thai và người mẹ đang cho con bú không nên xạ hình xương vì việc phơi nhiễm phóng xạ có thể gây hại cho thai nhi và làm lây nhiễm sữa mẹ.
Các nguy cơ và biến chứng của xạ hình xương là gì?
Xạ hình xương có cùng mức độ rủi ro như chụp X-quang thông thường. Chất đánh dấu dùng trong quá trình xạ hình xương dẫn đến phơi nhiễm phóng xạ mức độ thấp. Hầu như toàn bộ chất đánh dấu sẽ được thải ra khỏi cơ thể trong vòng 2 – 3 ngày. Nguy cơ thấp gặp phải phản ứng dị ứng với chất đánh dấu.
Chuẩn bị cho xạ hình xương như thế nào?
Thông thường không cần phải chuẩn bị gì đặc biệt hoặc hạn chế chế độ ăn uống khi xạ hình xương nhưng bác sĩ sẽ xác nhận điều này với bạn.
Hãy thông báo cho bác sĩ về các loại thuốc bạn đang dùng vì một số loại thuốc có thể ảnh hưởng đến kết quả kiểm tra.
Điều gì sẽ xảy ra khi xạ hình xương?
Nhìn chung, xạ hình xương là thủ thuật không gây đau được thực hiện tại phòng khám ngoại trú.
Thời gian ước tính
Cả quá trình tiêm và chụp kéo dài khoảng 1 tiếng nhưng bạn có thể được yêu cầu chờ trong 2 – 4 tiếng giữa hai quá trình.
Trước thủ thuật
Bạn sẽ được yêu cầu tháo toàn bộ trang sức bằng kim loại, kể cả khuyên đeo trên cơ thể.
Trong khi thực hiện thủ thuật
Bác sĩ chuyên khoa sẽ tiêm chất đánh dấu vào cơ thể bạn qua tĩnh mạch ở cánh tay. Sau đó, bạn sẽ được yêu cầu đợi trong 2 – 4 tiếng để chất đánh dấu phân bổ khắp cơ thể. Trong khi chờ đợi, bạn sẽ được khuyến khích uống nhiều nước. Việc này sẽ giúp loại thải chất phóng xạ không tích tụ trong xương.
Bạn sẽ không phải tự cách ly bản thân vì lượng phóng xạ trong cơ thể bạn an toàn đối với những người ở gần bạn.
Sau khi bác sĩ xác định bạn đã sẵn sàng tiến hành xạ hình, bạn sẽ được yêu cầu nằm yên trên bàn trong khi camera nhạy chất đánh dấu di chuyển qua lại trên cơ thể.
Riêng quá trình chụp có thể kéo dài đến một tiếng. Thủ thuật này không gây đau nhưng bạn có thể cảm thấy không thoải mái khi phải giữ nguyên một tư thế trong thời gian dài.
Sau thủ thuật
Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu bạn quay lại để tiếp tục thực hiện xạ hình xương sau khi chụp lần đầu 3 – 5 tiếng. Việc này là để thu thập ảnh chụp tại các khoảng thời gian khác nhau sau khi tiêm.
Bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ kiểm tra kết quả chụp và tìm bằng chứng chuyển hóa xương bất thường. Các vùng này hiển thị dưới dạng "điểm nóng" sẫm màu và "điểm lạnh" sáng màu, vị trí chất đánh dấu đã hoặc chưa được hấp thụ.
Mặc dù xạ hình xương rất nhạy với các bất thường trong quá trình chuyển hóa xương, bác sĩ có thể cần chỉ định các kỹ thuật kiểm tra khác để chẩn đoán đầy đủ bệnh trạng của bạn.
Chăm sóc và phục hồi sau xạ hình xương
Vì bạn sẽ không cảm thấy bất kỳ tác dụng phụ nào do chất đánh dấu hoặc bản thân quá trình xạ hình xương gây ra, bạn có thể tiếp tục các hoạt động bình thường sau khi chụp. Lái xe ngay sau khi chụp cũng hoàn toàn an toàn.
Bạn nên tiếp tục uống nhiều nước trong 1 – 2 ngày tiếp theo để đào thải chất đánh dấu phóng xạ còn sót lại trong cơ thể. Thông thường, toàn bộ chất đánh dấu sẽ được thải sạch sau 2 ngày.
Liên hệ ngay với bác sĩ nếu bạn bị đau, mẩn đỏ hoặc sưng quanh vị trí tiêm trên cánh tay.