Chụp cộng hưởng từ (MRI) vú là kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh không xâm lấn sử dụng từ trường và sóng vô tuyến để tạo ra hình ảnh chi tiết của vú.
MRI có thể được sử dụng như công cụ sàng lọc đối với những bệnh nhân có nguy cơ cao. Hướng dẫn hiện tại bao gồm sàng lọc MRI bằng chụp X-quang tuyến vú cho nhóm phụ nữ được coi là có nguy cơ cao hơn (so với dân số nói chung):
Phụ nữ có đột biến BRCA1 hoặc BRCA2
Phụ nữ có thân nhân cấp một (mẹ, chị gái và/hoặc con gái) bị đột biến BRCA1 hoặc BRCA2
Phụ nữ có tỷ lệ mắc ung thư vú 20% đến 25% hoặc cao hơn, dựa trên 1 trong số các công cụ đánh giá nguy cơ được công nhận trong đó có xem xét tiền sử gia đình và các yếu tố khác
Phụ nữ đã được xạ trị ngực trong độ tuổi từ 10 đến 30, chẳng hạn như để điều trị u lympho
Phụ nữ tiêm chất làm đầy vú nhiều lần gây khó khăn cho việc chụp nhũ ảnh và siêu âm tiêu chuẩn để phát hiện ung thư
Tại sao bạn cần chụp MRI vú?
Chụp MRI vú cũng có thể được sử dụng như một công cụ chẩn đoán để:
Là bước kiểm tra tiếp theo sau khi phát hiện bất thường trên chụp nhũ ảnh và/hoặc siêu âm
Xác định mức độ ung thư sau khi chẩn đoán ung thư vú
Đánh giá đáp ứng hóa trị đối với một số bệnh ung thư vú trước khi phẫu thuật dứt điểm
Đánh giá tính toàn vẹn của túi cấy ghép vú nếu có nghi ngờ rò rỉ
Bạn nên thảo luận với bác sĩ vì bác sĩ sẽ khuyến cáo phương án chẩn đoán hình ảnh tốt nhất dựa trên tình trạng của bạn.
Các nguy cơ của chụp MRI vú là gì?
Chụp MRI vú là thủ thuật an toàn và không đau. Tuy nhiên, có một số nguy cơ đi kèm như:
Phản ứng dị ứng với chất cản quang. Phản ứng dị ứng với chất cản quang MRI là cực kỳ hiếm. Phản ứng dị ứng nhẹ có thể gồm buồn nôn, đau đầu và chóng mặt. Các phản ứng nặng, đe dọa đến tính mạng là cực kỳ hiếm.
Kết quả dương tính giả. Chụp MRI có thể xác định các mô vú bình thường là vùng khả nghi. Bạn có thể phải thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu hơn như siêu âm hoặc sinh thiết vú, điều này có thể làm bạn lo lắng và căng thẳng không cần thiết.
Bạn chuẩn bị cho chụp MRI vú như thế nào?
Thông báo cho bác sĩ nếu:
Bạn có bất kỳ thiết bị y tế hoặc thiết bị cấy ghép nào trong cơ thể. Ví dụ như máy tạo nhịp tim hoặc máy khử rung tim, máy bơm cấy ghép, máy kích thích điện tử, kẹp, ghim, vít, chốt và tấm cấy ghép. Mang theo thẻ thông tin thiết bị y tế/thiết bị cấy ghép (nếu có) khi đến hẹn chụp.
Bạn đang mang thai hoặc nghi ngờ có thai.
Bạn sợ ở không gian kín hoặc chật chội. Bạn có thể dùng thuốc an thần khi chụp MRI. Vui lòng nhấn mạnh điều này khi đặt lịch hẹn với chúng tôi. Bạn phải nhịn ăn nếu cần dùng thuốc an thần.
Hầu hết các trường hợp đã phẫu thuật đặt các tấm, ghim và vít từ hơn 4 tuần trước đó sẽ không gây rủi ro trong quá trình chụp MRI.
Điều gì sẽ xảy ra khi chụp MRI vú?
Chụp MRI vú là thủ thuật ngoại trú, vì vậy sau khi chụp xong bạn có thể tiếp tục công việc thường ngày.
Thời gian ước tính
Chụp MRI vú thường mất khoảng 30 – 45 phút.
Trước khi chụp MRI
Bạn cần thay đồ để mặc áo bệnh viện và cởi bỏ tất cả vật dụng như đồ trang sức, đồng hồ, chìa khóa, tiền xu, điện thoại thông minh, ví và thẻ.
Bạn cần điền vào bảng câu hỏi trước khi chụp MRI để cung cấp thông tin về tiền sử bệnh. Thông báo nếu bạn có thiết bị y tế/thiết bị cấy ghép hoặc thủ thuật thẩm mỹ, chẳng hạn như xăm viền mí mắt, gắn mi giả nam châm và xăm hình trên da. Đồng thời hãy cho biết nếu trong cơ thể bạn có dị vật, chẳng hạn như đạn hoặc mảnh kim loại.
Kỹ thuật viên X-quang sẽ xem qua bảng câu hỏi và giải thích về quá trình chụp.
Chụp MRI vú thường được thực hiện khi tiêm chất cản quang. Chất cản quang hoạt động giống như thuốc nhuộm khi được tiêm vào mạch máu. Chất này giúp phác họa các cơ quan cơ thể và các mô mềm để hình dung rõ hơn. Y tá sẽ tiêm chất cản quang qua đường truyền tĩnh mạch trên cánh tay.
Trong khi chụp MRI
Bạn sẽ nằm sấp trên bàn chụp và vú được đặt trên cuộn thu nhận tín hiệu chuyên biệt.
Có tai nghe hoặc nút bịt tai và chuông/nút gọi nếu bạn cần gọi kỹ thuật viên X-quang trong quá trình chụp.
Bàn chụp sẽ di chuyển vào đường hầm hoặc buồng nam châm. Sẽ có tiếng lốc cốc hoặc vo ve không liên tục trong quá trình chụp. Đó là do những thay đổi trong gradient từ trường trong nam châm.
Giữ nguyên tư thế trong lúc chụp là rất quan trọng. Bất kỳ cử động nào của cơ thể cũng làm cho hình ảnh bị mờ và phải chụp lại.
Bạn sẽ không cảm thấy khó chịu trong khi chụp. Tuy nhiên, vài bệnh nhân sẽ có cảm giác ấm sau một thời gian ở trong nam châm. Điều này là bình thường nhưng nếu cảm thấy khó chịu, bạn có thể nhấn chuông gọi và báo với kỹ thuật viên X-quang.
Phần đầu của quá trình chụp không cần tiêm chất cản quang trong khi phần sau của quá trình chụp sẽ bắt đầu sau khi chất cản quang được tiêm vào cơ thể bạn. Phản ứng dị ứng với chất cản quang MRI là cực kỳ hiếm. Nếu cảm thấy khó chịu sau khi tiêm chất cản quang, bạn hãy thông báo cho y tá hoặc kỹ thuật viên X-quang ngay lập tức.
Sau khi chụp MRI
Bạn sẽ được đưa khỏi phòng chụp và y tá sẽ rút dây truyền tĩnh mạch khỏi cánh tay. Hãy cho y tá biết nếu bạn thấy đau hoặc khó chịu sau khi chụp.
Nếu có sử dụng thuốc an thần khi chụp MRI, y tá sẽ theo dõi trong thời gian ngắn đến khi bạn có thể xuất viện.
Bạn sẽ nhận kết quả chụp MRI trong vòng 2 tuần làm việc sau khi chụp. Bác sĩ sẽ xem kết quả và thảo luận với bạn nếu cần làm thêm các xét nghiệm khác.
Chăm sóc và phục hồi sau khi chụp MRI vú
Không có yêu cầu chăm sóc đặc biệt sau khi chụp. Bạn có thể về và làm công việc thường ngày.
Tại sao bạn nên chọn Bệnh viện Gleneagles?
Tại Bệnh viện Gleneagles ở Singapore, chúng tôi cung cấp nhiều loại dịch vụ chẩn đoán hình ảnh toàn diện cho bệnh nhân. Đội ngũ bác sĩ chuyên khoa và chuyên gia hỗ trợ y tế lành nghề của chúng tôi sẽ kết hợp cả kinh nghiệm và chuyên môn để chẩn đoán, kiểm soát và điều trị nhiều bệnh lý khác nhau.
Tìm bác sĩ từ các bệnh viện liên kết của chúng tôi
Chúng tôi cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo IHH Healthcare Singapore. Kiểm tra xem bệnh viện yêu thích của bạn có cung cấp điều trị này không: