Phẫu thuật thoát vị là gì?
Thoát vị là tình trạng một cơ quan trồi (phình) ra qua điểm yếu trên thành bụng và thường làm xuất hiện cục u hoặc chỗ phình lộ rõ. Vị trí thoát vị thường gặp nhất là ở háng (thoát vị bẹn), tuy nhiên, thoát vị cũng có thể xảy ra ở các vùng cơ thể khác. Các dạng thoát vị thường gặp khác bao gồm thoát vị quanh rốn (phát triển ở một bên rốn) và thoát vị qua vết mổ (xảy ra ở nhiều vị trí khác nhau trên vùng bụng sau khi phẫu thuật ổ bụng).
Thoát vị ở các vị trí khác nhau thường do các nguyên nhân khác nhau. Nhìn chung, thoát vị hình thành do áp lực đè lên nội tạng hoặc ruột tại vị trí có cơ hoặc mô suy yếu. Tình trạng yếu cơ thường do tuổi cao, nhưng cũng có thể do bẩm sinh. Mọi hoạt động hoặc thói quen làm tăng áp lực lên vùng bụng đều có thể dẫn đến thoát vị, chẳng hạn như nâng vật nặng, tiêu chảy, táo bón, ho hoặc hắt hơi kéo dài. Béo phì, suy dinh dưỡng và hút thuốc cũng có thể làm tăng nguy cơ thoát vị.
Phẫu thuật là phương pháp điều trị thoát vị chính và thủ thuật cụ thể được áp dụng sẽ tùy thuộc vào vị trí thoát vị. Phẫu thuật được thực hiện bằng cách rạch một vết ở vùng bụng để đưa các tạng vùng bụng về vị trí cũ trong khoang bụng. Chỉ và lưới nylon được sử dụng để khép lại vùng cơ bụng bị suy yếu và tăng cường sức mạnh cho vùng này. Thoát vị bẹn (ở háng) thường được điều trị bằng phương pháp phẫu thuật nội soi xâm lấn tối thiểu. Thủ thuật này sử dụng một công cụ mềm và mảnh, gọi là ống nội soi ổ bụng. Ống này được đưa vào cơ thể qua một vết rạch nhỏ ở háng để sửa chữa thoát vị từ bên trong mà không cần phải rạch một vết lớn trên vùng bụng.
Vì sao bạn nên phẫu thuật thoát vị?
Hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn thấy có cục u hoặc chỗ phình bất thường xuất hiện ở háng hoặc nếu bạn nghi ngờ mình bị thoát vị. Bác sĩ sẽ đánh giá tình trạng của bạn và tư vấn bạn tiến hành phẫu thuật để sửa chữa thoát vị.
- Ca phẫu thuật này có thể được thực hiện trong điều kiện gây mê toàn thân hoặc gây tê tại chỗ, tùy thuộc vào tình trạng của bệnh nhân.
- Những bệnh nhân trẻ tuổi không mắc các vấn đề y khoa đáng kể như đái tháo đường, tăng huyết áp (huyết áp cao) hoặc bệnh tim mạch (tim) có thể được thực hiện phẫu thuật trong ngày – bệnh nhân được xuất viện trong ngày.
- Bệnh nhân cao tuổi và những người có vấn đề sức khỏe nghiêm trọng có thể cần được nhập viện trước khi phẫu thuật một ngày và lưu viện từ một đến hai ngày sau phẫu thuật để theo dõi tình trạng.
- Nếu không được điều trị, tình trạng thoát vị có thể tiến triển nặng hơn và dẫn đến các biến chứng nghiêm trọng như thắt nghẹt hoặc tắc nghẽn. Thoát vị nghẹt có thể gây đau dữ dội, buồn nôn và nôn. Tình trạng này có thể không điều trị được và có khả năng dẫn đến tử vong.
Phẫu thuật thoát vị gồm các bước nào?
Chuẩn bị cho phẫu thuật thoát vị
Trước khi tiến hành phẫu thuật thoát vị, bác sĩ có thể yêu cầu bệnh nhân thực hiện một số xét nghiệm để đảm bảo bệnh nhân có thể trạng phù hợp với phương thức phẫu thuật. Các xét nghiệm này sẽ kiểm tra xem bệnh nhân có mắc bất kỳ tình trạng nào khiến bệnh nhân không thể thực hiện phẫu thuật không.
Trong một tuần trước khi tiến hành phẫu thuật, bệnh nhân sẽ được yêu cầu tạm dừng uống aspirin, ibuprofen và các loại thuốc kháng viêm không chứa steroid.
Trong quá trình phẫu thuật thoát vị
Có hai phương pháp phẫu thuật thoát vị. Tùy thuộc vào loại, kích thước và vị trí thoát vị, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về phương án phẫu thuật phù hợp nhất với bạn. Tình trạng sức khỏe và tuổi tác của bạn cũng sẽ được cân nhắc kỹ lưỡng.
- Phẫu thuật mở:
Phẫu thuật mở được tiến hành sau khi gây mê toàn thân. Bác sĩ phẫu thuật sẽ rạch một đường ở vị trí thoát vị. Tiếp đó, nhẹ nhàng đẩy phần mô lồi ra về vị trí ban đầu. Nếu không thể thực hiện việc này, phần thoát vị sẽ được thắt chặt hoặc cắt bỏ. Để phòng ngừa thoát vị tái phát, các cơ suy yếu được khâu lại và trong một số trường hợp được “gia cố” thêm bằng lưới.
- Phẫu thuật nội soi ổ bụng:
Cũng được tiến hành sau khi gây mê toàn thân, phương pháp phẫu thuật này cho phép bác sĩ rạch một đường nhỏ hơn so với khi phẫu thuật mở. Công cụ phẫu thuật được sử dụng là một ống mềm có gắn camera gọi là ống nội soi ổ bụng. Bác sĩ phẫu thuật sẽ đưa ống này vào cơ thể bệnh nhân qua vết mổ và bằng camera, quan sát và thực hiện phẫu thuật theo các bước giống như phương pháp phẫu thuật mở.
Sau khi phẫu thuật thoát vị
Sau khi xuất viện về nhà, bệnh nhân cần đảm bảo giữ gìn vệ sinh sạch sẽ để phòng tránh nhiễm trùng và tránh nâng vật nặng trong ít nhất hai tuần. Hãy trao đổi với bác sĩ về các hoạt động bạn có thể thực hiện, và thông báo ngay cho bác sĩ nếu có dấu hiệu nhiễm trùng hoặc đau nhiều hơn.
Các hoạt động làm tăng áp lực ổ bụng và một số tình trạng sức khỏe như béo phì, ho mạn tính hay táo bón có thể khiến thoát vị tái phát. Do đó, hãy chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa để giảm nguy cơ tái phát thoát vị.
Thời gian phục hồi sau khi phẫu thuật thoát vị
Thời gian phục hồi phụ thuộc vào thể trạng của từng bệnh nhân, loại thoát vị và phương pháp phẫu thuật. Nhìn chung, bệnh nhân phục hồi nhanh hơn nếu được phẫu thuật nội soi ổ bụng và có thể xuất viện ngay trong ngày phẫu thuật. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thực hiện thêm thủ thuật khác, bệnh nhân có thể phải lưu viện trong vài ngày.
Rủi ro/biến chứng của phẫu thuật thoát vị
Thoát vị là tình trạng thường gặp và phẫu thuật thoát vị được coi là thủ thuật an toàn. Tuy nhiên, mọi loại phẫu thuật đều tiềm tàng rủi ro hoặc biến chứng, chẳng hạn như nhiễm trùng, đông máu hay nguy cơ tái phát thoát vị sau phẫu thuật.
Tại sao bạn nên chọn Bệnh viện Gleneagles?
Bệnh viện Gleneagles đã và đang cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe chất lượng cao tại Singapore trong hơn 60 năm qua.
Quản lý chi phí điều trị
Để hỗ trợ tối đa cho bệnh nhân trong quá trình điều trị tại các Bệnh viện Mount Elizabeth, chúng tôi chấp nhận thanh toán hóa đơn viện phí bằng các loại bảo hiểm viện phí tư nhân trong và ngoài nước, cũng như bảo hiểm được MediSave chấp thuận có tên Chương trình bảo vệ tích hợp. Nếu bạn có tham gia Chương trình bảo vệ tích hợp, bạn có thể không cần tự chi trả chi phí nằm viện.
Tìm bác sĩ từ các bệnh viện liên kết của chúng tôi
Chúng tôi cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo IHH Healthcare Singapore.
Kiểm tra xem bệnh viện yêu thích của bạn có cung cấp điều trị này không:
Trang này đã được kiểm duyệt.