Ghép thận từ người hiến sống (LDKT) là phẫu thuật lấy thận từ người đang sống khỏe mạnh (người hiến) ghép cho người mắc bệnh thận giai đoạn cuối (người nhận).
Phẫu thuật này thường được thực hiện mà không cần cắt bỏ thận của người nhận.
Tại sao cần ghép thận từ người hiến sống?
Ghép thận từ người hiến sống (LDKT) thành công có thể cứu sống bệnh nhân mắc bệnh thận giai đoạn cuối. Thận mới có thể đảm nhận chức năng của thận bị bệnh, cho phép cơ thể tự điều chỉnh cân bằng dịch và chất điện giải, đồng thời sản sinh các nội tiết tố cần thiết để giúp xương khỏe mạnh và sản sinh tế bào hồng cầu.
Tỷ lệ sống sót 5 năm và 10 năm ở bệnh nhân chạy thận so với bệnh nhân ghép thận ở Singapore lần lượt là 57,2% so với 93,6% và 32,7% so với 85,3%*. Có khác biệt này là do biến chứng tim mạch gia tăng ở bệnh nhân chạy thận.
(Nguồn: Báo cáo thường niên năm 2019 của Cơ quan Đăng ký Thận Singapore – Singapore Renal Registry Annual Report 2019)
Chạy thận so với ghép thận
So với chạy thận, ghép thận mang lại những lợi ích sau:
Kết quả về thời gian sống thêm tốt hơn, với ít nhất 90% bệnh nhân được cấy ghép tiến triển tốt sau phẫu thuật
Chất lượng cuộc sống tốt hơn sau khi nhận thận mới
Bệnh nhân có thể tiếp tục công việc và các hoạt động thường ngày
Bệnh nhân không còn phải chịu đau đớn và biến chứng liên quan đến chạy thận
Chế độ ăn uống ít hạn chế hơn
(Đối với bệnh nhân nữ) Khả năng mang thai thành công cao hơn
Ghép thận từ người hiến đã qua đời so với ghép thận từ người hiến sống (LDKT)
So với ghép thận từ người hiến đã qua đời, LDKT có những ưu điểm sau:
Thời gian chờ đợi ngắn hơn, với thời gian phải chạy thận ít hơn và thậm chí có thể không phải chạy thận khi ghép thận ưu tiên
Tỉ lệ sống sót của cả thận ghép và bệnh nhân đều cao hơn
Khả năng lên lịch trước thời gian cấy ghép so với thủ thuật cấy ghép khẩn cấp bằng thận của người hiến đã qua đời
Có thể thực hiện ghép thận không tương thích nhóm máu ở một số bệnh nhân
Ai không nên ghép thận từ người hiến sống?
LDKT không được khuyến cáo nếu bạn gặp phải bất kỳ vấn đề nào sau đây:
Đang bị nhiễm trùng, phải được điều trị trước
Bệnh tim nặng
Ung thư không đáp ứng điều trị lâm sàng
AIDS
Các nguy cơ và biến chứng của ghép thận từ người hiến sống là gì?
Đối với người nhận, LDKT tiềm ẩn những nguy cơ sau:
Suy giảm miễn dịch do dùng thuốc ức chế miễn dịch
Tác dụng phụ khác của thuốc ức chế miễn dịch như đái tháo đường mắc mới sau khi cấy ghép, huyết áp cao
Thải ghép cấp, trong đó hệ miễn dịch nhận diện thận được cấy ghép là thể ngoại lai và bắt đầu “tấn công”. Tình trạng này thường được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch có tác dụng mạnh hơn.
Tăng nguy cơ phát triển ung thư, đặc biệt là một số loại ung thư liên quan đến vi-rút
Đối với người hiến, LDKT tiềm ẩn những nguy cơ sau:
Nguy cơ tử vong, xảy ra ở khoảng 3 – 5 người trong số 1.000 người hiến sống
Nguy cơ suy thận sớm
Tăng nguy cơ tăng huyết áp và/hoặc xuất hiện protein trong nước tiểu sau này
Chuẩn bị cho ghép thận từ người hiến sống như thế nào?
Trước khi tiến hành LDKT, đội ngũ cấy ghép sẽ tiến hành đánh giá kỹ lưỡng trước cấy ghép để đánh giá rủi ro đối với cả người hiến và người nhận.
Đánh giá này nhằm xác nhận tình trạng phù hợp về tinh thần và thể chất của người hiến. Hội đồng đạo đức cấy ghép (TEC) phải thấy thuyết phục về việc người hiến sẵn lòng tự nguyện hiến thận và không hành động do chịu sức ép bất kỳ về mặt tình cảm hoặc vì động cơ tài chính.
Để chuẩn bị cho thủ thuật, người hiến phải:
Trải qua quy trình đánh giá do nhóm bác sĩ độc lập thực hiện, bao gồm xét nghiệm máu và nước tiểu, nhằm xác nhận tình trạng sức khỏe phù hợp để trở thành người hiến thận.
Được nhân viên y tế điều phối cấy ghép và nhân viên công tác xã hội phỏng vấn để xác nhận hoàn cảnh kinh tế xã hội và động cơ hiến thận của người hiến.
TEC gồm 3 thành viên do Bộ Y tế bổ nhiệm, bao gồm:
Một bác sĩ hành nghề y làm việc tại bệnh viện
Một bác sĩ hành nghề y không làm việc tại bệnh viện, và
Một người không hành nghề y
Thành viên TEC không nằm trong đội ngũ chăm sóc ban đầu cho người hiến tiềm năng hoặc người nhận.
Sau khi TEC chấp thuận đơn đăng ký, sẽ đến khoảng thời gian bắt buộc gọi là 1 tuần suy xét thay đổi quyết định. Thời gian sớm nhất có thể cấy ghép là sau 1 tuần kể từ ngày chấp thuận.
Nếu đang phải chạy thận, bệnh nhân sẽ tiếp tục chạy thận cho đến ngày phẫu thuật.
Điều gì sẽ xảy ra khi ghép thận từ người hiến sống?
Ghép thận từ người hiến sống là thủ thuật phức tạp và yêu cầu khắt khe.
Thời gian ước tính
Mỗi phẫu thuật đối với người hiến và người nhận kéo dài khoảng 3 – 4 tiếng.
Sau thủ thuật
Người nhận sẽ ở lại bệnh viện trong khoảng 10 ngày và người hiến sẽ ở lại bệnh viện trong khoảng 5 – 7 ngày để theo dõi chặt chẽ sau phẫu thuật.
Giai đoạn chăm sóc và phục hồi sau ghép thận từ người hiến sống
Bạn sẽ bắt đầu được nâng cao chất lượng cuộc sống, đặc biệt từ sau tháng đầu tiên ghép thận từ người hiến sống. Khi bạn phục hồi tốt, bạn có thể trông đợi được trở lại làm việc và tiếp tục các hoạt động bình thường trong vòng vài tháng.
Bác sĩ có thể sắp xếp lịch khám 2 – 3 lần mỗi tuần để kiểm tra quá trình phục hồi của bạn trong tháng đầu tiên sau phẫu thuật. Bác sĩ sẽ tiếp tục theo dõi bạn chặt chẽ và sắp xếp lịch khám thường xuyên để kiểm tra chức năng thận. Tần suất các lần đánh giá lâm sàng sẽ giảm dần theo thời gian.
Để giảm thiểu nguy cơ biến chứng sau ghép thận, bạn nên nỗ lực hướng đến lối sinh hoạt lành mạnh bằng cách:
Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh
Tăng cường hoạt động thể chất (khoảng 2 tuần sau phẫu thuật)
Giảm cân nếu bạn thừa cân hoặc béo phì
Không hút thuốc
Tại sao bạn nên chọn Bệnh viện Gleneagles?
Tại Bệnh viện Gleneagles ở Singapore, bạn có thể trông đợi tận hưởng dịch vụ chăm sóc sức khỏe thiết kế riêng trong không gian riêng tư và thoải mái với trang thiết bị hiện đại do đội ngũ nhân viên y tế chuyên nghiệp điều hành. Chúng tôi luôn sẵn sàng hết mình giúp đỡ bệnh nhân và người nhà.
Tìm bác sĩ từ các bệnh viện liên kết của chúng tôi
Chúng tôi cung cấp đầy đủ các dịch vụ chăm sóc sức khỏe theo IHH Healthcare Singapore. Kiểm tra xem bệnh viện yêu thích của bạn có cung cấp điều trị này không:
Cơ thể cần được chăm sóc và bồi bổ kỹ lưỡng sau khi ghép thận. Bạn có thể sẽ phải thay đổi chế độ ăn uống cho phù hợp với nhu cầu và khả năng dung nạp cụ thể.