Xạ phẫu định vị là gì?
Xạ phẫu định vị (SRS) là một dạng xạ trị rất chính xác, sử dụng nhiều chùm tia phóng xạ để điều trị các bất thường trong não và cột sống.
Không giống như phẫu thuật thông thường, SRS không cần tạo đường rạch hay vết mổ hở trên cơ thể. Dưới hướng dẫn hình ảnh 3D, liều cao bức xạ được nhắm vào vùng mục tiêu với tác động rất nhỏ lên mô khỏe mạnh xung quanh.
Vì SRS chiếu xạ với liều lượng và độ chính xác cao hơn rất nhiều nên chỉ cần một lần hoặc ít lần điều trị hơn (thường là 3 - 5 lần) so với xạ trị thông thường.
Cách thực hiện thủ thuật
Trong quá trình thực hiện thủ thuật, các chùm tia phóng xạ được hướng vào u từ nhiều điểm khác nhau, cho phép chiếu xạ với độ chính xác cao hơn.
Liệu pháp này thường được làm trong 6 – 25 lần, được gọi là các phân liều. Một phân liều đơn lẻ của liệu pháp này được gọi là xạ phẫu.
Xạ phẫu định vị hoạt động cũng giống như các loại bức xạ khác, bằng cách phá hủy hoặc làm tổn thương ADN của các tế bào mục tiêu. Điều này ảnh hưởng đến khả năng sinh sản của các tế bào bất thường, khiến các u này không hoạt động nữa hoặc thu nhỏ lai.
Xạ phẫu định vị và xạ trị định vị có gì khác nhau?
Điểm khác biệt giữa xạ phẫu định vị và xạ trị định vị là cường độ và thời gian điều trị bức xạ.
Trong xạ phẫu định vị, bức xạ được chiếu ở cường độ rất cao, trong một liều đơn lẻ, đến một vùng nhỏ.
Trong xạ trị định vị, bức xạ được chiếu vào những thời điểm khác nhau, ở cường độ thấp hơn, đến những vùng lớn hơn. Điều này cho phép mô khỏe mạnh có thời gian hồi phục giữa các buổi điều trị.
Xạ phẫu định vị và xạ phẫu bằng dao gamma có gì khác nhau?
Xạ phẫu bằng dao gamma cũng là một dạng xạ phẫu định vị nhưng là điều trị đặc thù cho các bệnh lý ở não và đầu. Giống như các dạng SRS khác, sẽ không có vết rạch nào mà bác sĩ sẽ dùng các thiết bị chuyên dụng để hội tụ các chùm tia phóng xạ rất nhỏ vào vùng mục tiêu.
Xạ phẫu bằng dao gamma thường là liệu pháp sử dụng một lần trong một ngày.
Tại sao bạn cần xạ phẫu định vị?
Xạ phẫu định vị được dùng để điều trị các bệnh lý thần kinh như là:
- U dây thần kinh thính giác, một loại u không phải ung thư ở nền sọ có thể ảnh hưởng đến thính giác và cảm giác thăng bằng. SRS được sử dụng để ngăn chặn sự phát triển hoặc giảm thiểu kích thước của u để ngăn chặn tổn thương dây thần kinh vĩnh viễn.
- Động kinh. SRS sử dụng nhiều chùm tia phóng xạ được hội tụ chính xác để điều trị một vùng trong não, nơi gây ra co giật, với tác động rất nhỏ lên các mô khỏe mạnh xung quanh. Nếu tổn thương não như là u gây ra động kinh, điều trị u có thể làm giảm khả năng tái phát.
- Đau dây thần kinh sinh ba, một bệnh lý mạn tính gây ảnh hưởng đến dây thần kinh sinh ba và gây đau mặt nghiêm trọng. Các dây thần kinh này chịu trách nhiệm dẫn truyền thông tin cảm giác giữa não với khu vực trán, má và hàm dưới. SRS nhắm vào rễ thần kinh sinh ba để làm gián đoạn các tín hiệu đau này.
Xạ phẫu định vị mang đến những lợi ích như sau:
- Bác sĩ phẫu thuật có thể tiếp cận những vùng sâu nhất trong não không thể điều trị bằng phẫu thuật thông thường
- Vì không có vết rạch nào, bệnh nhân rất ít bị khó chịu và có ít nguy cơ do phẫu thuật
- Bệnh nhân chỉ cần dùng thuốc an thần nhẹ và có thể tỉnh trong toàn bộ thủ thuật
- Đa số bệnh nhân được điều trị trong khoa ngoại trú, hoặc nhiều nhất là nằm viện qua một đêm
- Bệnh nhân ít bị khó chịu hơn và có thời gian phục hồi nhanh hơn nhiều so với phẫu thuật thông thường
Các nguy cơ và biến chứng của xạ phẫu định vị là gì?
Xạ phẫu định vị nhìn chung có ít nguy cơ hơn phẫu thuật thông thường vì không rạch hay cắt.
Những biến chứng hoặc tác dụng phụ sớm thường chỉ tạm thời. Trong những ca bệnh hiếm gặp, một số người có thể bị những tác dụng phụ muộn. Các tác dụng phụ này có thể xảy ra nhiều tháng sau khi điều trị và khác nhau tùy vào vị trí điều trị trên cơ thể.
Bác sĩ có thể kê thuốc kháng viêm (thuốc corticosteroid) để ngăn ngừa những vấn đề này hoặc điều trị triệu chứng nếu xuất hiện.
Bác sĩ sẽ cùng quý vị thảo luận kỹ hơn về những nguy cơ tiềm ẩn.
Các biến chứng hoặc tác dụng phụ sớm sẽ tùy thuộc vào bộ phận cơ thể được điều trị. Các triệu chứng này bao gồm:
- Mệt mỏi và kiệt sức trong vài ngày đầu sau thủ thuật
- Sưng ở vị trí điều trị hoặc gần đó, có thể tạm thời làm đau nhiều hơn
- Buồn nôn hoặc nôn, nếu u bị chiếu xạ nằm gần ruột hoặc gan
- Rụng tóc/lông ở khu vực điều trị
- Các vấn đề ở miệng và khó nuốt
- Các vấn đề về ăn uống và tiêu hóa
- Tiêu chảy
- Buồn nôn và nôn
- Đau đầu
- Đau và sưng ở vùng điều trị
- Thay đổi về tiết niệu và bàng quang
Các tác dụng phụ muộn có thể bao gồm:
- Những thay đổi về ruột
- Những thay đổi về phổi
- Những thay đổi về tủy sống
- Xuất hiện ung thư mới (ung thư thứ phát)
- Sưng cánh tay và chân (phù bạch huyết)
- Xương yếu hoặc giòn
Bạn chuẩn bị cho xạ phẫu định vị như thế nào?
Tùy thuộc vào bệnh lý và vùng cơ thể được điều trị, các yêu cầu khi chuẩn bị có thể khác nhau. Điều này có thể bao gồm:
- Kiêng ăn hoặc uống sau nửa đêm của đêm trước thủ thuật
- Hãy hỏi bác sĩ về thời điểm bạn có thể dùng thuốc định kỳ
- Mặc quần áo rộng rãi, thoải mái
- Nếu bạn thực hiện thủ thuật ở cột sống, hãy tránh mang:
- Kính áp tròng
- Răng giả
- Trang sức
- Trang điểm
- Sơn móng tay/chân
- Kính
- Tóc giả
Lưu ý: Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn có thiết bị y tế cấy ghép trong cơ thể, như là máy tạo nhịp tim, van tim nhân tạo hoặc có đặt stent.
Điều gì sẽ xảy ra trong xạ phẫu định vị?
Xạ phẫu định vị thường là điều trị ngoại trú.
Thời gian ước tính
Thủ thuật kéo dài khoảng 20 – 60 phút.
Trước thủ thuật
Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn sợ không gian hẹp. Chuẩn bị cho thủ thuật này bao gồm một số bước:
- Bác sĩ sẽ đặt một vật đánh dấu nhỏ bằng kim loại có kích thước khoảng một hạt gạo ở vị trí u hoặc gần đó.
- Bác sĩ sẽ thực hiện mô phỏng để xác định tư thế tốt nhất của cơ thể để căn chỉnh với các chùm tia phóng xạ. Dụng cụ cố định sẽ được sử dụng để giữ cơ thể bạn nằm yên. Bác sĩ sẽ chụp hình để chẩn đoán hình ảnh. Bác sĩ có thể yêu cầu bạn nín thở trong 10 – 30 giây để giảm mọi cử động.
- Với sự hỗ trợ của phần mềm chuyên dụng và chẩn đoán hình ảnh, bác sĩ sẽ lập kế hoạch điều trị và quyết định tổ hợp chùm tia phóng xạ tốt nhất để nhắm vào u.
Trong khi thực hiện thủ thuật
Trẻ em thường được gây mê để chẩn đoán hình ảnh và trong khi xạ phẫu. Người lớn không cần gây mê. Nếu bạn cảm thấy lo lắng, bác sĩ có thể cho bạn dùng thuốc an thần nhẹ để giúp bạn thư giãn.
Thiết bị sẽ di chuyển và xoay quanh mục tiêu trong khi điều trị để chiếu chùm tia phóng xạ từ các góc khác nhau.
Trong khi thực hiện thủ thuật, bạn sẽ không cảm thấy bức xạ và bạn có thể nói chuyện với bác sĩ thông qua micro.
Sau thủ thuật
Bạn có thể ăn uống sau thủ thuật. Bạn có thể về nhà trong ngày hôm đó.
Bạn có thể tiếp tục hoạt động bình thường trong vòng 1 – 2 ngày.
Hãy cho bác sĩ biết nếu bạn gặp phải những triệu chứng như là đau hoặc buồn nôn. Bác sĩ sẽ kê thuốc phù hợp cho bạn.