Dr Leong Hoe Nam
Bác sĩ bệnh truyền nhiễm
Nguồn: Shutterstock
Bác sĩ bệnh truyền nhiễm
Với phiên âm tiếng anh là dan-gee, sốt xuất huyết là căn bệnh gây suy nhược do vi-rút truyền từ muỗi gây ra trên toàn thế giới. Có khoảng 390 triệu ca nhiễm sốt xuất huyết xảy ra mỗi năm, với 96 triệu ca mắc bệnh.
Dựa vào khoảng cách từ xa đến gần với hộ gia đình mắc bệnh, các khu vực lân cận lần lượt được gắn nhãn vùng xanh lá, vùng vàng và vùng đỏ để phản ánh nguy cơ bị sốt xuất huyết gia tăng.
“Sốt xuất huyết đang lan rộng tại Singapore và khu vực Đông Nam Á. Tỷ lệ nhiễm vi-rút có liên quan chặt chẽ với tỷ lệ xuất hiện muỗi vằn Aedes, vật trung gian truyền bệnh,” Bs. Leong Hoe Nam, bác sĩ chuyên khoa bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena giải thích.
Dưới đây là hướng dẫn toàn diện giúp bạn hiểu rõ và chuẩn bị sẵn sàng để chống lại căn bệnh này.
Sốt xuất huyết, còn gọi là sốt vỡ xương, là bệnh truyền nhiễm do vật trung gian, lây truyền qua vết đốt của muỗi Aedes cái nhiễm bệnh. Bệnh có thể do 4 chủng khác nhau của cùng một loại vi-rút (DEN-1 đến DEN-4) gây ra.
Sốt xuất huyết có thể có mức độ khác nhau từ nhẹ, biểu hiện giống như sốt, đến nặng. Các thể nặng bao gồm sốt xuất huyết dengue và hội chứng sốc sốt xuất huyết, tất cả đều có khả năng gây tử vong.
Có đến 75 – 90% bệnh nhân bị sốt xuất huyết không có triệu chứng, thậm chí không sốt. Như vậy nghĩa là nhiều người bị “sốt xuất huyết có triệu chứng lần đầu” trên thực tế đã bị lần 2. Bs. Leong cho biết: “Có quan sát và giả thuyết cho rằng đợt sốt xuất huyết lần 2 có xu hướng nặng hơn.”
Sốt xuất huyết phổ biến trên toàn Đông Nam Á và các đảo phía tây Thái Bình Dương, nhưng căn bệnh này đang lan nhanh tại Mỹ La-tinh và Caribe. Tuy nhiên, bất kể vị trí địa lý, các đợt bùng phát sốt xuất huyết có thể xảy ra bất cứ lúc nào và tại bất cứ nơi đâu, miễn là điều kiện thời tiết ấm áp tạo điều kiện cho muỗi tồn tại và hoạt động.
Bs. Leong cho biết: “Cùng với sự nóng lên toàn cầu, chúng ta đang chứng kiến vùng hoạt động của muỗi Aedes ngày càng mở rộng và lan xa. Chính điều này đã dẫn đến sự lây lan của sốt xuất huyết trên toàn thế giới. Chúng ta đã thấy các ca sốt xuất huyết được báo cáo tại Ý và các quốc gia Địa Trung Hải, cũng như tại Florida, Hoa Kỳ, trong các tháng hè.”
Nói ngắn gọn, muỗi Aedes có thể bay xa đến 400 mét để tìm các vật có chứa nước làm nơi đẻ trứng nhưng thường sẽ vẫn ở gần nơi con người sinh sống. Muỗi thích sinh sản trong nước sạch, tù đọng, dễ dàng tìm thấy trong nhà của chúng ta. Một lượng nước sạch bằng khoảng một đồng 20 xu Singapore là đủ để muỗi sinh sản.
Sốt xuất huyết không thể lây trực tiếp từ người sang người nhưng người bị sốt xuất huyết có thể truyền bệnh cho muỗi. Muỗi bị nhiễm bệnh khi hút máu của người bị nhiễm sốt xuất huyết và sốt xuất huyết lây lan khi muỗi truyền vi-rút sang người muỗi cắn sau đó.
Bs. Leong giải thích: “Sau 5 – 14 ngày, vi-rút sẽ trưởng thành trong tuyến nước bọt của muỗi và lây lan sang nạn nhân kế tiếp trong lần hút máu tiếp theo của muỗi.”
Con người được xác định là nguồn mang mầm bệnh xuyên biên giới hoặc từ khu vực này sang khu vực khác trong giai đoạn vi-rút tồn tại và sinh sản trong máu.
Trên thực tế, người ta tin rằng việc Nhật Bản chiếm đóng Đông Nam Á trong Thế chiến 2 đã tạo điều kiện cho muỗi phát triển và lây lan, dẫn đến sự tồn tại của vi-rút này trong khu vực của chúng ta. Muỗi đi theo các đoàn quân, nơi cung cấp nước sinh sản và thức ăn cho muỗi.
Sốt xuất huyết biểu hiện bằng các triệu chứng giống như cúm thường xuất hiện trong khoảng 1,5 – 10 ngày sau khi bị muỗi nhiễm bệnh đốt. Nếu là trường hợp nhẹ, các triệu chứng sẽ tự hết trong vòng 2 – 7 ngày.
Các triệu chứng đầu tiên bao gồm sốt, nhức đầu, đau nhức cơ và khớp, sốt cao, đau phía sau mắt và nôn hoặc buồn nôn. Bs. Leong cho biết: “Tình trạng phát ban trên cơ thể có xu hướng xảy ra muộn hơn một chút trong thời gian bị bệnh. Việc không phát ban được xác định là yếu tố nguy cơ gây sốt xuất huyết nặng, phần lớn là do không nhận biết được bệnh.”
Sốt xuất huyết chuyển nặng trong 3 – 7 ngày sau khi xuất hiện các dấu hiệu đầu tiên của bệnh với việc các triệu chứng trầm trọng hơn như đau bụng dữ dội, nôn liên tục, chảy máu nướu răng, nôn ra máu, thở gấp và mệt mỏi hoặc bồn chồn.
Bs. Leong giải thích: “Một đặc điểm riêng biệt của bệnh này là bệnh có thể khiến tiểu cầu (các mảnh tế bào nhỏ tạo thành cục máu đông để cầm máu) giảm mạnh, dẫn đến xuất huyết tại các cơ quan nội tạng, đặc biệt ở đường tiêu hóa.”
Trẻ nhỏ và người chưa từng nhiễm bệnh có xu hướng mắc bệnh nhẹ hơn so với trẻ lớn hơn và người trưởng thành. Tuy nhiên, vẫn có thể mắc phải các vấn đề nghiêm trọng. Các vấn đề này bao gồm sốt xuất huyết dengue (DHF), sau đó có thể tiến triển thành xuất huyết rất nhiều, sốc và tử vong, bệnh trạng gọi là hội chứng sốc sốt xuất huyết (DSS).
Người có hệ miễn dịch suy yếu, cũng như người bị nhiễm sốt xuất huyết lần 2 được cho là có nguy cơ bị DHF cao hơn. Bs. Leong giải thích: “Giáo sư Scott Halsted, nhân vật hàng đầu trong lĩnh vực nghiên cứu về sốt xuất huyết, đã đại chúng hóa niềm tin về việc lần nhiễm bệnh đầu tiên là để chuẩn bị cơ thể cho lần nhiễm bệnh thứ 2 nặng hơn. Tuy nhiên, khi chúng ta hiểu thêm về căn bệnh này, các nhà khoa học đã quan sát thấy lần nhiễm sốt xuất huyết thứ 3 rồi sau đó là thứ 4 có thể bớt nặng hơn!”
Nếu bạn vừa trở về từ khu vực đang có dịch sốt xuất huyết, bạn nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi các triệu chứng bắt đầu xuất hiện để yên tâm.
Các triệu chứng sốt, đau đầu, đau nhức cơ, rất giống với các bệnh thường gặp khác như cúm, nhiễm vi-rút Chikungunya và Zika. Nhìn chung, chúng tôi khuyến cáo bệnh nhân nên đi xét nghiệm máu vào ngày thứ 3 bị bệnh để chẩn đoán bệnh.
Tránh sốt xuất huyết bằng cách ngăn ngừa muỗi đốt. Dùng thuốc chống muỗi, mặc quần dài, áo sơ mi dài tay và đi tất. Tại nhà, hãy lắp đặt các rào cản ngăn cách.
Cách bảo vệ tốt nhất là tránh bị muỗi đốt. Nguy cơ bị đốt sẽ giảm đáng kể nếu bạn để lộ càng ít da càng tốt. Khi ở trong khu vực có muỗi, mặc quần dài, áo sơ mi dài tay và đi tất.
Ngoài ra, hãy dùng thuốc chống muỗi có chứa ít nhất 10% diethyltoluamide (DEET), chất giúp xua đuổi côn trùng đốt. Thời gian tiếp xúc càng lâu, nồng độ DEET cần thiết càng cao nhưng tránh dùng DEET cho trẻ nhỏ. Đồng thời, tránh dùng xà phòng và nước hoa có mùi hương nồng vì các sản phẩm này sẽ thu hút muỗi.
Tại nhà, hãy lắp đặt các rào cản ngăn cách như màn chắn cửa sổ hoặc màn tẩm thuốc diệt côn trùng. Màn tẩm thuốc diệt côn trùng có khả năng bảo vệ cao hơn nhiều. Không chỉ có tác dụng diệt muỗi và các loại côn trùng khác, thuốc diệt côn trùng còn là rào cản vật lý ngăn không cho muỗi xâm nhập vào phòng.
Hãy nhớ muỗi Aedes thích sinh sản trong nước sạch, tù đọng trong nhà bạn, vì vậy hãy loại bỏ mọi địa điểm có thể giúp muỗi sinh sản (ví dụ: xô, bình tưới, thùng chứa). Tập thói quen thường xuyên lau chùi và cọ rửa các chậu cây để loại bỏ trứng muỗi và xới đất khỏi chậu cây để ngăn các vũng nước hình thành trên bề mặt đất cứng.
Kể từ tháng 10 năm 2016, vắc-xin sốt xuất huyết Dengvaxia® đã được Cơ quan Khoa học Sức khỏe phê duyệt để phòng bệnh sốt xuất huyết cho người từ 12 – 45 tuổi. Vắc-xin này cho thấy có khả năng phòng bệnh sốt xuất huyết hiệu quả 70% và phòng bệnh sốt xuất huyết trở nặng, đe dọa tính mạng đến 95%.
Trong đánh giá hội đồng chuyên môn của mình, Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo các quốc gia triển khai chương trình tiêm chủng quốc gia dùng Dengvaxia® nếu tỷ lệ nhiễm sốt xuất huyết trước đó trong dân số giảm xuống dưới 50%. Như vậy, vắc-xin sẽ kém hiệu quả hơn ở Singapore. Người muốn tiêm vắc-xin Dengvaxia® nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước.
Bs. Leong khuyến cáo người từng bị sốt xuất huyết trước đó nên tiêm vắc-xin. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc phòng ngừa lần nhiễm bệnh thứ hai, thường có thể nặng hơn lần thứ nhất.
Có 70% người bị sốt xuất huyết không có triệu chứng trước đó, nghĩa là họ không hề hay biết họ đã bị sốt xuất huyết lần đầu. Để chẩn đoán chính xác bệnh sốt xuất huyết, bạn có thể yêu cầu bác sĩ thực hiện xét nghiệm PanBio Dengue IgG Elisa.
Chẩn đoán sốt xuất huyết có thể gặp khó khăn vì các dấu hiệu và triệu chứng của bệnh rất giống với các bệnh do vi-rút khác như cúm, nhiễm vi-rút Zika, nhiễm vi-rút Chikungunya, sốt rét, sốt thương hàn, v.v.
Để chẩn đoán chính xác bệnh sốt xuất huyết, bác sĩ sẽ đánh giá triệu chứng, tiến hành xét nghiệm máu và đánh giá bệnh sử. Bs. Leong cho biết: “Trong giai đoạn bệnh cấp tính, đặc biệt vào ngày thứ 3, kháng nguyên sốt xuất huyết NS1 đặc biệt nhạy và hiệu quả trong chẩn đoán sốt xuất huyết. Vào hoặc sau ngày thứ 5 bị bệnh, xét nghiệm sốt xuất huyết để kiểm tra kháng thể IgM/IgG sẽ là công cụ chẩn đoán nhiễm bệnh tốt hơn.”
Bác sĩ cũng có thể hỏi về lịch sử di chuyển của bạn – hãy đảm bảo mô tả chi tiết các chuyến đi trong nước, bao gồm cả các quốc gia đã đến và ngày tháng, cũng như mọi thời điểm có thể tiếp xúc với muỗi.
Sốt xuất huyết do vi-rút gây ra và không có thuốc hoặc kháng sinh đặc hiệu để điều trị. Đối với sốt xuất huyết điển hình, việc điều trị hướng đến giảm bớt các triệu chứng. Bác sĩ có thể khuyên bạn nên nghỉ ngơi và uống nhiều chất lỏng để tránh mất nước do nôn và sốt cao. Có thể dùng paracetamol để hạ sốt và giảm đau khớp nhưng tránh dùng thuốc giảm đau có thể làm tăng biến chứng xuất huyết như aspirin, ibuprofen và naproxen natri.
Lưu ý có 4 chủng vi-rút gây sốt xuất huyết và sau khi bạn khỏi bệnh từ 1 chủng, bạn sẽ không nhiễm phải chủng này nữa vì cơ thể bạn đã tạo ra miễn dịch chống lại chủng này. Tuy nhiên, bạn có thể bị sốt xuất huyết nhiều lần do các chủng khác gây ra.
Theo dõi các dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng sau đây:
Bs. Leong tư vấn: “Nếu bạn nghi ngờ mình bị sốt xuất huyết, hãy bắt đầu bằng việc uống nhiều nước. Tình trạng đủ nước có thể được đánh giá qua màu nước tiểu. Chúng ta nên nhắm đến nước tiểu trong hoặc màu hơi vàng một chút.”
Các dấu hiệu cảnh báo có thể xuất hiện khi nhiệt độ giảm sau 3 – 7 ngày bắt đầu có triệu chứng. Lưu ý mặc dù nhiệt độ có thể giảm, điều đó không nhất thiết có nghĩa là bạn đang phục hồi.
Khi có dấu hiệu cảnh báo sốt xuất huyết nặng, nhất định phải tham khảo ý kiến bác sĩ và nhập viện để được kiểm soát bệnh. Bs. Leong cho biết: “Các dấu hiệu cảnh báo bao gồm đau bụng dữ dội, nôn liên tục, chảy máu nướu răng, nôn ra máu, thở gấp và mệt mỏi hoặc bồn chồn.
Nếu bạn nghi ngờ mình bị sốt xuất huyết, hãy bắt đầu bằng việc uống nhiều nước. Tình trạng đủ nước có thể được đánh giá qua màu nước tiểu. Chúng ta nên nhắm đến nước tiểu trong hoặc màu hơi vàng một chút.”
Sốt xuất huyết dengue (DHF) là một biến chứng của sốt xuất huyết, có xu hướng ảnh hưởng đến trẻ em dưới 10 tuổi hoặc người cao tuổi. DHF khởi phát đột ngột với việc sốt cao liên tục và đau đầu. Thông thường, có các triệu chứng liên quan đến đường hô hấp và đường ruột như đau họng, ho, buồn nôn, nôn và đau bụng. Tình trạng sốc xảy ra sau 2 – 6 ngày nếu bệnh nhân không được điều trị và các triệu chứng tiến triển thành ngất xỉu đột ngột, các chi lạnh và bị ẩm, mạch yếu và quanh miệng bị thâm.
Đối với DHF, xuất hiện tình trạng xuất huyết kèm dễ bị bầm tím, nổi đốm máu đỏ hoặc tím trên da, khạc ra máu, có máu trong phân, chảy máu nướu răng và chảy máu cam.
Bs. Leong cho biết thêm: “Các biến chứng hiếm gặp nhưng đã được biết đến của sốt xuất huyết bao gồm viêm cơ tim (viêm tim), dẫn đến hạ huyết áp nghiêm trọng và sâu (huyết áp thấp), suy tim và tổn thương các dây thần kinh ngoại biên. Biến chứng sau này kéo dài trong nhiều ngày đến nhiều tuần sau khi phục hồi với tình trạng tê bì chân tay kéo dài.”
Bệnh nhân bị DHF phải được theo dõi sát sao trong vài ngày đầu vì tình trạng sốc có thể xảy ra hoặc tái phát bất ngờ. Tỷ lệ tử vong do DHF khá đáng kể. Với việc được điều trị đúng cách, Tổ chức Y tế Thế giới ước tính tỷ lệ tử vong ở mức 2,5%. Nhưng nếu không được điều trị đúng cách, tỷ lệ tử vong tăng lên đến 20%. Hầu hết các trường hợp tử vong xảy ra ở trẻ em. Trẻ sơ sinh dưới 1 tuổi đặc biệt có nguy cơ.