Joy Marie Lim
Cố vấn y khoa
Nguồn: Shutterstock
Cố vấn y khoa
Vắc-xin là những sản phẩm sinh học được thiết kế để bảo vệ cơ thể của bạn khỏi các loại bệnh gây ra bởi các mầm bệnh như vi khuẩn và virus. Vắc-xin được làm bằng cách sử dụng phiên bản chết hoặc yếu đi của các loại vi khuẩn và virus đã được nhắc đến, gọi là các kháng nguyên. Một vắc-xin, khi được tiêm vào cơ thể, sẽ kích thích hệ thống miễn dịch của bạn để sản xuất ra những kháng thể vô hiệu hóa mầm bệnh, chính xác theo cách nó sẽ làm nếu bạn bị lây nhiễm loại bệnh đó.
Tiêm chủng là một phương pháp đơn giản và hiệu quả cao để giữ cho bản thân và gia đình bạn luôn khỏe mạnh. Tiêm chủng kịp thời, nhất là trong thời thơ ấu, có thể giúp phòng ngừa các căn bệnh gây nên nỗi đau thể xác và các vấn đề sức khỏe dài hạn. Việc tiêm chủng cũng giúp ngăn chặn sự lây lan của các bệnh truyền nhiễm – càng nhiều người trong cộng đồng được tiêm chủng, càng khó khăn hơn cho một căn bệnh để lây lan. Loại phòng ngừa bệnh truyền nhiễm gián tiếp này cũng được gọi là "miễn dịch cộng đồng."
Lấy đại dịch COVID-19 làm ví dụ. Trong khi virus corona chủng mới tiếp tục lây lan, nỗ lực trên toàn cầu để phát triển vắc-xin ngừa COVID-19 ngày càng mạnh mẽ vì một loại vắc-xin an toàn và hiệu quả có thể là một trong những biện pháp quan trọng nhất trong việc bảo vệ thế giới khỏi loại virus chết người này.
Vắc-xin hoạt động bằng cách huấn luyện cho hệ thống miễn dịch của cơ thể nhận diện và chiến đấu với một căn bệnh trước khi bạn phát bệnh. Khi những "kẻ xâm lược từ bên ngoài" như vi khuẩn hay virus xâm nhập vào cơ thể, chúng bắt đầu tấn công và nhân lên. Cuộc xâm lược này chính là thứ gây nên lây nhiễm hoặc bệnh tật. Để đáp trả, hệ thống miễn dịch phản hồi lại bằng cách sản xuất ra những loại protein đặc biệt gọi là kháng thể, những thứ giúp trung hòa các mầm bệnh. Lần đầu tiên cơ thể chạm trán với một mầm bệnh, hệ thống miễn dịch có thể mất hàng ngày trời để chống lại nó. Sau đợt lây nhiễm, hệ miễn dịch của cơ thể nhớ được các mầm bệnh gây bệnh đó và nếu bạn từng bị lây nhiễm với mầm bệnh tương tự, hệ miễn dịch sẽ có khả năng tiêu diệt nó trước khi nó kịp làm bạn bị bệnh. Sự bảo vệ này được gọi là miễn dịch, và khả năng của hệ miễn dịch ghi nhớ mầm bệnh là nền tảng của việc tiêm chủng.
Có nhiều loại vắc-xin, và mỗi loại được phát triển bằng một kỹ thuật riêng biệt. Vắc-xin sống giảm độc lực chứa những virus sống đã được làm yếu đi hoặc sửa đổi để không gây ra bệnh. Vắc-xin MMR (sởi, quai bị, rubella) và vắc-xin varicella (bệnh thủy đậu) thuộc nhóm này. Vắc-xin bất hoạt sử dụng phiên bản bất hoạt của mầm bệnh để tạo nên phản ứng miễn dịch. Các ví dụ về vắc-xin bất hoạt bao gồm vắc-xin ngừa cúm mùa và vắc-xin bại liệt. Vắc-xin dạng độc tố như vắc-xin DTaP (toxoid bạch hầu, uốn ván và ho gà) được tạo thành bằng cách sử dụng các độc tố đã bị bất hoạt. Vắc-xin tiểu đơn vị hoặc vắc-xin liên hợp chứa đựng những mảnh của mầm bệnh mục tiêu để kích thích phản ứng miễn dịch. Vắc-xin Haemophilus influenzae loại B (Hib) là một loại vắc-xin liên hợp.
Vắc-xin được tạo ra để bảo vệ bạn trong những lần tiếp xúc với bệnh sau này. Đa số vắc-xin đều đem đến khả năng bảo vệ tốt trong nhiều năm, tuy nhiên, trong một vài trường hợp, một tỉ lệ nhỏ người dân có thể không nhận được đầy đủ phản ứng miễn dịch từ vắc-xin, và do đó có thể không được bảo vệ hiệu quả sau khi đã được tiêm ngừa. Cũng vì thế, mức độ bảo vệ mà các vắc-xin đem đến có thể bị suy giảm theo thời gian hoặc do yếu tố bệnh lý, thuốc men, hay lão hóa. Một điểm quan trọng nữa là một số virus và vi khuẩn có thể biến đổi và tiến hóa theo những cách giúp chúng sống sót trong một thế giới đã được tiêm chủng. Điều này có thể có tác động đến độ hiệu quả của vắc-xin, với một số vắc-xin đánh mất khả năng bảo vệ dần theo thời gian.
Miễn dịch tự nhiên là khả năng tự nhiên của cơ thể để có được sức chống bệnh sau khi mắc bệnh. Vài người tin rằng lây bệnh bằng cách tự nhiên có thể sẽ cung cấp miễn dịch tốt hơn tiêm vắc-xin. Nhưng rủi ro liên quan đến việc hình thành lây nhiễm tự nhiên cao hơn rất nhiều. Một số bệnh rất dễ lây nhiễm có thể dẫn đến những biến chứng nghiêm trọng và chết người, ví dụ như viêm phổi do thủy đậu, ung thư gan do virus viêm gan B và khiếm khuyết bẩm sinh do rubella. Mặt khác, một vắc-xin có thể sản sinh an toàn và hiệu quả phản ứng miễn dịch trong cơ thể bạn mà không gây ra bệnh.
Vắc-xin có một tác động rộng lên sức khỏe của chúng ta, vượt ra ngoài những người được tiêm chủng. Đa số các loại vắc-xin sẽ bảo vệ cả người được tiêm và cả cộng đồng nói chung bằng cách xây dựng miễn dịch cộng đồng. Điều này bởi vì khi tỉ lệ lớn dân số được tiêm chủng, sẽ khó hơn để những bệnh truyền nhiễm có thể lây lan.
Vắc-xin cũng có thể ngăn ngừa ung thư. Được tiêm một loại vắc-xin ngừa ung thư như vắc-xin ngừa virus u nhú ở người (HPV) có thể giúp bảo vệ cả bé trai và bé gái khỏi các dạng nhiễm HPV nhất định, những thứ có thể dẫn đến những căn bệnh hiểm nghèo như ung thư cổ tử cung, ung thư hậu môn và ung thư dương vật.
Những loại vắc-xin bạn cần trong độ tuổi trưởng thành do nhiều yếu tố quyết định, như sức khỏe, độ tuổi, tiền sử tiêm chủng, lối sống, ngành nghề, và thậm chí điểm đến du lịch. Ví dụ, nếu bạn đang mang thai, bạn có thể được tiêm vắc-xin Tdap trong mỗi kì thai nghén để bảo vệ bé khỏi mắc bệnh ho gà. Nếu bạn có bệnh lý dài hạn, ví dụ như tiểu đường, được tiêm vắc-xin ngừa cúm và vắc-xin ngừa phế cầu khuẩn có thể giúp giảm đáng kể rủi ro biến chứng từ bệnh lý nền tảng đó.
Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn để tìm hiểu liệu bạn có cập nhật các mũi tiêm chủng đã cần hay chưa và để trao đổi về những loại vắc-xin nào có thể có lợi với sức khỏe của bạn.