Cấy ghép tế bào gốc tự thân là gì?
Ghép tự thân là cấy ghép tế bào gốc (ASCT) sử dụng tế bào gốc của chính người được ghép, đồng nghĩa với việc bạn là người hiến cho chính mình. Trong loại cấy ghép này, các tế bào gốc của bệnh nhân được thu thập (lấy từ cơ thể), bảo quản đông lạnh và lưu trữ trước khi bạn được xạ trị liều cao, hoặc hóa trị liệu, hoặc cả hai.
Sau khi nhận điều trị ung thư liều cao để loại bỏ các tế bào ung thư khỏi cơ thể và/hoặc tủy, các tế bào gốc đã thu thập sẽ được rã đông và ghép trở lại cơ thể. Phương pháp này được gọi là “giải cứu” trong ghép tự thân.
Cấy ghép tế bào gốc tự thân so với dị ghép
Ghép tự thân sử dụng tế bào gốc của chính bạn để cấy ghép. Ngược lại, dị ghép tế bào gốc sử dụng các tế bào từ một người hiến khác. Tế bào gốc của người hiến phải có kiểu gen khớp với bạn. Thông thường, người hiến có quan hệ gia đình trực tiếp (chẳng hạn như anh chị em ruột).
Tại sao cần cấy ghép tế bào gốc tự thân?
Ghép tự thân là một loại ghép tế bào gốc được sử dụng để điều trị:
- U lympho
- Đa u tủy xương và đôi khi cho một số bệnh ung thư tạng đặc hiếm gặp và bệnh tự miễn không kiểm soát được
Bác sĩ có thể khuyến cáo cấy ghép tế bào gốc tự thân nếu phương pháp này có lợi trong điều trị bệnh.
Vì bạn sẽ nhận các tế bào của chính mình, nên không có nguy cơ hệ miễn dịch sẽ đào thải các tế bào được ghép hoặc các tế bào được ghép sẽ tấn công cơ thể.
Một điểm bất lợi của ghép tự thân là tác dụng phụ của hoá trị liệu liều cao như rụng tóc, buồn nôn, nôn, tiêu chảy, loét trong miệng và nhiễm trùng do lượng tế bào bạch cầu thấp.
Điểm bất lợi của ghép tự thân là các tế bào ung thư có thể được thu thập cùng với các tế bào gốc và sau đó lại được ghép trở lại cơ thể. Để giảm thiểu rủi ro, các bác sĩ có thể điều trị các tế bào này trước bằng thuốc điều trị ung thư hoặc các liệu pháp khác để giảm số lượng tế bào ung thư nếu có.
Ai không nên thực hiện cấy ghép tế bào gốc tự thân?
Bạn có thể không đủ điều kiện để cấy ghép tế bào gốc tự thân nếu bạn có các vấn đề lớn khác về sức khỏe như bệnh tim, phổi, gan hoặc thận nghiêm trọng.
Có những nguy cơ và biến chứng gì khi cấy ghép tế bào gốc tự thân?
Các tế bào ung thư có thể được thu thập cùng với các tế bào gốc và sau đó lại được ghép trở lại cơ thể. Để giảm thiểu rủi ro, bác sĩ có thể điều trị các tế bào này trước bằng thuốc điều trị ung thư hoặc các liệu pháp khác để giảm số lượng tế bào ung thư nếu có.
Nhiều tác dụng phụ của việc ghép tự thân là do hoá trị liệu hoặc xạ trị được thực hiện trước khi cấy ghép. Những tác dụng phụ khác liên quan đến việc cấy ghép tế bào gốc.
Các tác dụng phụ ban đầu có thể bao gồm:
- Đau miệng và họng
- Buồn nôn và nôn
- Nhiễm vi khuẩn, vi-rút hoặc nấm
- Chảy máu và thiếu máu (lượng hồng cầu thấp)
- Các vấn đề về phổi như viêm phổi, nghĩa là viêm mô trong phổi
- Tác dụng phụ của hoá trị điều kiện hóa, chẳng hạn như tổn thương cơ tim, thận và gan
Các tác dụng phụ lâu dài có thể bao gồm:
- Các vấn đề về mắt như đục thủy tinh thể
- Tổn thương cơ quan
- Ung thư tái phát
- Ung thư thứ phát
- Các vấn đề về mô bạch huyết
- Vô sinh
- Các vấn đề về tuyến giáp do thay đổi hoóc-môn
Cần chuẩn bị gì cho việc cấy ghép tế bào gốc tự thân?
Bạn có thể cần phải chuẩn bị nhiều việc trước khi cấy ghép tế bào gốc tự thân, chẳng hạn như:
- Xác định một người chăm sóc chính sẽ chăm sóc cho bạn và cập nhật cho đội ngũ y tế khi cần thiết.
- Sắp xếp công việc và các vấn đề cá nhân cần thiết trong thời gian nằm viện.
- Chuẩn bị bố trí nhà cửa để giúp bạn phục hồi nhanh chóng sau khi xuất viện.
- Vệ sinh nhà cửa, đặc biệt là những phòng mà bạn thường nghỉ ngơi. Điều này rất quan trọng vì hệ miễn dịch sẽ bị suy yếu sau khi cấy ghép tế bào gốc có thể khiến bạn dễ bị nhiễm vi khuẩn hơn.
- Chú ý đến các khu vực có thể có bụi, nấm mốc, và các loại hạt nhỏ khác có thể gây hại cho bạn trong quá trình phục hồi.
- Làm xét nghiệm y tế, như là:
- Xét nghiệm máu
- Hoàn thành khám sức khỏe, bao gồm đánh giá chức năng tim, phổi và thận
- Đối với bệnh nhân trẻ tuổi, hãy thảo luận với bác sĩ về bảo quản tinh trùng và đông lạnh buồng trứng
- Đánh giá tình trạng tâm lý và cảm xúc của bạn.
- Sinh thiết tủy xương
- Chụp CT hoặc Chụp MRI
- Khám nha khoa để thực hiện mọi thủ thuật nha khoa cần thiết trước khi cấy ghép. Sau khi cấy ghép tế bào gốc, bạn sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
- Chú trọng đến việc tập thể dục và chế độ ăn uống. Một lối sống lành mạnh là chìa khóa giúp bạn chuẩn bị cho việc cấy ghép. Hãy bắt đầu với từng bước nhỏ, chẳng hạn như:
- Ăn ít và thường xuyên.
- Thêm protein và các thành phần giàu calo vào bữa ăn.
- Tập luyện nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe và yoga.
Điều gì sẽ xảy ra trong quá trình cấy ghép tế bào gốc tự thân?
Việc cấy ghép tế bào gốc tự thân không liên quan đến phẫu thuật. Đây là thủ thuật đưa kim vào tĩnh mạch và bệnh nhân được nối vào thiết bị để tách chiết và sau đó trả lại tế bào gốc vào cơ thể.
Thời gian ước tính
Toàn bộ quá trình cấy ghép tế bào gốc tự thân có thể mất đến một tuần.
Trước khi thực hiện thủ thuật
Bạn sẽ được cho thuốc để giúp tế bào gốc nhân lên và di chuyển ra khỏi tuỷ xương và đi vào dòng máu của bạn để thu thập dễ dàng hơn.
Trong quá trình thực hiện thủ thuật
Dưới đây là các giai đoạn của thủ thuật cấy ghép tế bào gốc tự thân.
- Thu thập tế bào gốc. Một bác sĩ chuyên khoa sẽ đưa kim vào tĩnh mạch trong cánh tay để rút máu ra. Máu sẽ chảy qua một thiết bị để tách chiết tế bào gốc và trả lại phần máu còn lại cho cơ thể.
- Bảo quản tế bào gốc. Bác sĩ sẽ thêm chất bảo quản vào tế bào gốc trước khi đông lạnh để sử dụng lúc sau.
- Điều kiện hóa. Liệu pháp điều kiện hóa được sử dụng để loại bỏ các tế bào ung thư còn lại trong cơ thể và chuẩn bị tuỷ xương để nhận tế bào gốc của người hiến. Bác sĩ sẽ lên lịch hoá trị liệu hoặc xạ trị, hoặc cả hai. Tuỷ xương của bạn có thể bị tổn thương do các phương pháp điều trị này.
- Truyền tế bào gốc. Để chữa tuỷ xương bị tổn thương, các tế bào gốc đã đông lạnh sẽ được rã đông và truyền trở lại dòng máu. Tế bào gốc sẽ di chuyển đến tuỷ xương và tạo ra các tế bào máu mới.
- Trong khi truyền, bạn có thể bị đau, ớn lạnh, sốt, nổi mề đay và đau ngực.
Sau khi thực hiện thủ thuật
Sau khi cấy ghép tế bào gốc, bạn sẽ được chăm sóc y tế chặt chẽ để theo dõi phản ứng của cơ thể đối với thủ thuật này.
Có khả năng tái phát ung thư sau khi cấy ghép. Tái phát thường xảy ra khi các tế bào ung thư không bị tiêu diệt hết trong quá trình hoá trị và xạ trị.
Tái phát có thể được điều trị bằng hoá trị liệu, cấy ghép tế bào gốc lần thứ hai (có thể sử dụng tế bào của người hiến), hoặc kết hợp cả hai.
Thời gian hồi phục và chăm sóc cho cấy ghép tế bào gốc tự thân
Quá trình phục hồi của bạn có thể mất vài tháng hoặc lâu hơn, trong thời gian đó bạn có thể không quay lại làm việc hoặc tiếp tục sinh hoạt như trước được. Bạn cũng có thể phải đi tái khám theo dõi thường xuyên với bác sĩ để kiểm tra sức khỏe và tiến triển bệnh.