Thay khớp hông toàn phần là gì?
Thay khớp hông toàn phần, còn gọi là tạo hình khớp hông toàn phần, là thủ thuật ngoại khoa được thực hiện để thay thế xương đùi và ổ cối bằng khớp nhân tạo.
Trong khi thực hiện thủ thuật, bác sĩ phẫu thuật sẽ thay thế khớp “chỏm cầu – ổ chảo” bị bệnh hoặc bị tổn thương bằng:
- Một xương đùi nhân tạo (chỏm cầu) bằng kim loại cứng hoặc sứ; và
- Một ổ cối (hốc xương) nhân tạo bằng một loại nhựa chống mòn, bền gọi là polyethylene.
Khớp nhân tạo này được thiết kế để có thể trượt lên nhau giống như chuyển động của khớp hông. Nếu được chăm sóc tốt, khớp này có thể dùng được trong khoảng 20 năm.
Những tiến bộ liên tục trong kỹ thuật phẫu thuật và vật liệu khớp nhân tạo có thể giúp các khớp cấy ghép này có tuổi thọ lâu hơn nữa.
Tại sao bạn cần thay khớp hông toàn phần?
Bạn có thể cân nhắc thay khớp hông nếu:
- Các bệnh lý như viêm khớp ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày
- Các biện pháp thay thế không cần phẫu thuật như là vật lý trị liệu và thuốc kháng viêm không thể giảm đau khớp hông
Các bệnh lý có thể góp phần dẫn đến phải phẫu thuật thay khớp hông là:
- Viêm xương khớp, trong đó sự tiêu hủy sụn (mô liên kết đàn hồi) có thể dẫn đến đau, sưng và biến dạng. Viêm xương khớp là khi sụn bị tổn thương không thể giúp chống đỡ khi va chạm hoặc chấn động mạnh.
- Viêm khớp dạng thấp, một bệnh viêm mạn tính dẫn đến đau, cứng và sưng nặng gây ảnh hưởng đến khả năng vận động.
- Hoại tử xương, do thiếu máu cung cấp đến phần “chỏm cầu” của khớp hông, có thể dẫn đến xẹp hoặc biến dạng xương.
Thay khớp hông chỉ được khuyến cáo sau khi bác sĩ đã chẩn đoán cẩn thận vấn đề về khớp của bệnh nhân. Nếu chăm sóc cẩn thận sau khi phẫu thuật, khớp hông cấy ghép có thể dùng được 20 năm hoặc thậm chí lâu hơn.
Các nguy cơ và biến chứng của thay khớp hông toàn phần là gì?
Phẫu thuật thay khớp hông nhìn chung là một thủ thuật an toàn. Như với mọi loại phẫu thuật, thay khớp hông toàn phần cũng có một số nguy cơ, như là:
- Cục máu đông trong tĩnh mạch chân do hạn chế đi lại trong thời gian đầu sau khi phẫu thuật.
- Nhiễm trùng ở chỗ rạch hoặc trong mô sâu hơn gần hông mới thay thế.
- Tổn thương dây thần kinh và mạch máu do sưng hoặc áp lực ở trong và xung quanh khu vực cấy ghép.
- Phải phẫu thuật thêm do khớp mới bị lỏng dần theo thời gian.
- Trật khớp do chỏm cầu trong khớp mới bị trật khỏi hốc xương do cử động hoặc nghỉ ngơi sai tư thế.
Những người bị viêm khớp dạng thấp nặng, lupus hệ thống, đái tháo đường hoặc bệnh máu khó đông có thể phải đối mặt với nguy cơ biến chứng cao hơn. Bạn nên nói chuyện với bác sĩ phẫu thuật để tìm hiểu xem phẫu thuật này có phù hợp cho bạn không.
Bạn chuẩn bị cho thay khớp hông toàn phần như thế nào?
Trước khi phẫu thuật, bác sĩ sẽ thực hiện đánh giá tiền phẫu thuật để xem xét bệnh sử và khả năng phù hợp với phẫu thuật này. Bạn có thể được khám lâm sàng cũng như xét nghiệm hoặc chẩn đoán hình ảnh.
Nhìn chung, bạn cần nhịn đói trước thủ thuật.
Lưu ý: Nếu bạn đang dùng bất kỳ loại thuốc hoặc thực phẩm chức năng thảo dược nào, bạn cần thông báo cho bác sĩ. Bạn có thể cần điều chỉnh hoặc ngừng dùng một số thuốc trước thủ thuật (ví dụ như aspirin, thuốc làm loãng máu).
Điều gì sẽ xảy ra trong phẫu thuật thay khớp hông toàn phần?
Thay khớp hông toàn phần, hoặc tạo hình khớp hông toàn phần, có thể thực hiện bằng cách phẫu thuật mở tiêu chuẩn hoặc phẫu thuật xâm lấn tối thiểu.
Trong phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, đường rạch nhỏ hơn và thủ thuật diễn ra nhanh hơn. Bệnh nhân cũng thường nằm viện trong thời gian ngắn hơn.
Thời gian ước tính
Thủ thuật sẽ mất vài giờ.
Trong khi thực hiện thủ thuật
Phẫu thuật thay khớp hông được thực hiện trong khi gây mê. Nếu bạn được gây mê toàn thân, bạn sẽ ngủ trong suốt thủ thuật. Nếu bạn được dùng thuốc gây tê tủy sống, bạn sẽ tỉnh nhưng bị gây tê từ thắt lưng trở xuống.
Trong khi thực hiện thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật sẽ:
- Rạch một đường phía trước hoặc bên cạnh hông.
- Cắt bỏ phần bị bệnh hoặc bị tổn thương của các xương hông.
- Thay thế các phần bị bệnh hoặc bị tổn thương bằng chỏm cầu và hốc xương giả.
Sau thủ thuật
Đau sau phẫu thuật là điều bình thường và có thể dùng thuốc để kiểm soát đau. Bác sĩ cũng sẽ thực hiện các bước giảm sưng và ngăn ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu.
Để lấy lại khả năng vận động, sức mạnh và độ linh hoạt, bạn có thể khám chuyên gia vật lý trị liệu để đẩy nhanh quá trình phục hồi và lấy lại chức năng.
Chăm sóc và hồi phục sau thay khớp hông toàn phần
Trong thời gian đầu hồi phục, bạn có thể bị hạn chế cử động. Để giảm nguy cơ ngã và giúp thúc đẩy hồi phục suôn sẻ, bạn có thể cần:
- Hạn chế đi cầu thang
- Dùng ghế cứng, có tựa lưng thẳng
- Nhờ giúp đỡ công việc nấu nướng và việc nhà
- Dùng ghế bồn cầu cao để giảm gập khớp hông
- Bỏ bớt thảm, dây điện và các đồ có nguy cơ gây vấp ngã
- Lắp thanh vịn tay, ghế ngồi tắm và các dụng cụ hỗ trợ an toàn khác để tránh ngã
Bạn cũng nên tránh các cử động sau đây trong tối đa 1 năm sau phẫu thuật:
- Quay chân được phẫu thuật vào bên trong
- Xoay hoặc vặn chân được phẫu thuật
- Bắt chéo chân được phẫu thuật qua nửa người bên kia
- Gập hông quá 90 độ, bao gồm ngồi xổm
- Các môn thể thao tác động mạnh và các hoạt động nặng
Nếu chăm sóc cẩn thận, khớp hông cấy ghép có thể dùng được 20 năm hoặc thậm chí lâu hơn.