Thủ thuật Whipple là gì?
Thủ thuật Whipple, còn gọi là phẫu thuật cắt tụy tá tràng, là thủ thuật ngoại khoa để điều trị ung thư tuyến tụy hoặc ung thư ống mật. Mục tiêu chính của thủ thuật này là để cắt bỏ khối u nằm trong hoặc xung quanh đầu tuyến tụy.
Trong thủ thuật Whipple, bác sĩ phẫu thuật sẽ cắt bỏ:
- Phần đầu của tuyến tụy
- Tá tràng, là một phần của ruột non
- Một phần của ống mật
- Túi mật
Trong một số trường hợp, bác sĩ phẫu thuật cũng sẽ cắt bỏ:
- Phần thân của tuyến tụy
- Một phần của dạ dày
Sau khi cắt bỏ những cơ quan nội tạng bị ảnh hưởng này, bác sĩ phẫu thuật sẽ nối phần ruột, ống mật và tuyến tụy còn lại.
Thủ thuật này được đặt tên theo Bác sĩ Allen Whipple, bác sĩ phẫu thuật người Hoa Kỳ đầu tiên đã thực hiện phẫu thuật này vào năm 1935.

Tại sao cần thực hiện thủ thuật Whipple?
Cắt bỏ khối u trong tụy bằng thủ thuật Whipple là cách tốt nhất để điều trị ung thư tuyến tụy lâu dài.
Thủ thuật này chỉ phù hợp nếu khối u chỉ hạn chế trong phần đầu của tuyến tụy. Vì nguy cơ của thủ thuật Whipple khá cao, bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện xét nghiệm kỹ càng để xác định xem bạn có đủ điều kiện để tiến hành phẫu thuật không.
Ai không nên thực hiện thủ thuật Whipple?
Phẫu thuật Whipple không phù hợp nếu khối u đã lan ra:
- Khoang bụng
- Phần thân và đuôi của tụy
- Gan
- Phổi
- Các mạch máu lớn
Các nguy cơ và biến chứng của thủ thuật Whipple là gì?
Thủ thuật Whipple là một phẫu thuật phức tạp và có nguy cơ cao. Tỷ lệ tử vong trong khoảng từ 1 – 15% theo kinh nghiệm của các bác sĩ phẫu thuật.
Bệnh nhân được thực hiện thủ thuật Whipple thành công có tối đa 25% khả năng sống thêm 5 năm sau khi được chẩn đoán ung thư tuyến tụy. Nếu không thực hiện thủ thuật Whipple, tỷ lệ sống thêm 5 năm chỉ là 6%.
Biến chứng có thể xảy ra của thủ thuật Whipple bao gồm:
- Chảy máu
- Đái tháo đường
- Các vấn đề về tiêu hóa
- Nhiễm trùng
- Rò tuyến tụy
- Sụt cân
Bạn chuẩn bị cho thủ thuật Whipple như thế nào?
Bệnh nhân trải qua thủ thuật Whipple thường sụt cân nghiêm trọng do tác động của phẫu thuật này lên hệ tiêu hóa. Nếu có thể, bạn nên cố gắng tăng cân trước khi phẫu thuật. Hãy chú ý thực hiện chế độ ăn uống cân bằng và tốt cho sức khỏe. Bạn có thể tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa dinh dưỡng nếu bạn cần tư vấn riêng.
Nhìn chung, bạn cần thay đổi thói quen sinh hoạt trước khi phẫu thuật để tăng cường sức khỏe và giảm nguy cơ gặp phải các biến chứng. Các thay đổi bao gồm:
- Tránh hoặc giảm uống rượu bia
- Tập thể dục thường xuyên hơn
- Bỏ hút thuốc
Thảo luận với bác sĩ phẫu thuật về các loại thuốc bạn đang sử dụng. Bạn có thể cần ngừng dùng một số loại thuốc trong những ngày trước khi phẫu thuật để giảm khả năng gặp biến chứng. Ngoài ra, bác sĩ phẫu thuật có thể kê một số loại thuốc khác để tạo điều kiện thuận lợi cho thủ thuật này.
Điều gì sẽ xảy ra trong thủ thuật Whipple?
Phẫu thuật Whipple là đại phẫu thường cần 2 – 3 tháng để phục hồi.
Thời gian ước tính
Trung bình 6 giờ.
Trước thủ thuật
Bạn sẽ cần thực hiện các bước phòng ngừa sau đây từ ngày hôm trước ngày thực hiện thủ thuật:
- Nhịn ăn và uống, bao gồm nước, từ đêm trước khi phẫu thuật.
- Dùng thuốc theo đơn của bác sĩ phẫu thuật đã kê với thật ít nước.
- Tắm bằng Hibicleans trước khi đến bệnh viện.
- Hibicleans là xà phòng diệt khuẩn để vệ sinh da và giảm nguy cơ nhiễm trùng.
- Sử dụng nhẹ nhàng trên toàn bộ cơ thể, ngoại trừ vùng mặt, tóc và bộ phận sinh dục. Sử dụng xà phòng thông thường cho mặt và tóc, dầu gội thông thường cho tóc.
- Tránh bôi sữa dưỡng, kem, nước hoa, tinh dầu, mỹ phẩm trang điểm, chất khử mùi hoặc nước hoa cologne sau khi tắm.
- Tháo tất cả mọi loại vật thể bằng kim loại, như trang sức hoặc bông tai trước khi phẫu thuật.
- Tháo tất cả kính áp tròng, thiết bị trợ thính, răng giả và các bộ phận giả.
Sau khi đã nhập viện, bác sĩ gây mê hồi sức sẽ thảo luận với bạn về loại gây mê phù hợp cho phẫu thuật để giúp thư giãn và giảm đau trong khi phẫu thuật.
Trong khi thực hiện thủ thuật
Sau khi thuốc gây mê phát huy tác dụng và bạn đã ngủ, nhóm phẫu thuật sẽ đặt ống thở vào miệng và khí quản để giúp thở trong khi phẫu thuật. Bạn cũng sẽ được đặt ống thông để dẫn lưu nước tiểu trong và sau phẫu thuật.
Bác sĩ phẫu thuật sẽ mở ổ bụng và thực hiện kiểm tra kỹ càng để xác nhận rằng ung thư chưa lan ra ngoài tuyến tụy. Sau khi xác định chắc chắn chưa có lây lan, họ sẽ tiến hành thủ thuật Whipple.
Họ sẽ bắt đầu bằng cách cắt bỏ các cơ quan nội tạng sau:
- Túi mật
- Phần đầu của tuyến tụy
- Một phần của ống mật
- Tá tràng
- (Nếu ung thư đã lan ra) Một phần của dạ dày
- (Nếu ung thư đã lan ra) Phần thân của tuyến tụy
Tiếp theo, bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện phẫu thuật tái tạo để nối các cơ quan nội tạng còn lại với nhau. Điều này nghĩa là gắn lại:
- Dạ dày vào ruột non
- Phần đuôi của tuyến tụy vào đầu của ruột non hoặc dạ dày
- Phần còn lại của ống mật vào ruột non
Sau khi hoàn thành việc này, nhóm phẫu thuật sẽ đóng vết mổ và chuyển bạn sang khoa hồi sức tích cực để theo dõi sát trong 1 – 2 ngày.
Sau thủ thuật
Bạn có thể nằm viện trong 7 – 10 ngày sau thủ thuật Whipple vì cơ thể sẽ cần vài ngày để lành vết thương sau phẫu thuật.
Bác sĩ phẫu thuật sẽ theo dõi các biến chứng và tiến triển về khả năng ăn uống trở lại.
Họ cũng sẽ yêu cầu xét nghiệm để kiểm tra chảy máu, nhiễm trùng, chức năng gan và thận và rò tuyến tụy.
Biến chứng thường gặp nhất sau thủ thuật Whipple là dạ dày mất quá nhiều thời gian để đẩy được hết thức ăn bên trong. Nếu dạ dày mất nhiều hơn 7 – 10 để đẩy hết thức ăn bên trong, bạn có thể cần truyền thức ăn qua ống trong vài tuần.
Chăm sóc và phục hồi sau thủ thuật Whipple
Trung bình mất khoảng 6 – 8 tuần để bệnh nhân phục hồi sau thủ thuật Whipple.
Trong giai đoạn phục hồi sau phẫu thuật này, bạn có thể cần:
- Thuốc giảm đau để giúp giảm đau và khó chịu
- Khẩu phần ăn nhỏ gồm các loại thức ăn dễ tiêu hóa
- Thực phẩm bổ sung men tuyến tụy để giúp cơ thể tiêu hóa
Để chăm sóc vết mổ:
- Giữ băng trong 1 – 2 tuần, cho đến khi bác sĩ nói rằng bạn có thể tháo băng
- Rửa vùng xung quang vết mổ bằng xà phòng dịu nhẹ và nước
- Che vết mổ để giữ vệ sinh
Liên hệ với bác sĩ nếu bạn bị:
- Sốt trên 38°C
- Đỏ hoặc đau ngày càng nặng hơn
- Rỉ quá nhiều máu hoặc dịch khác
- Không đi đại tiện trong 3 ngày trở lên
- Đại tiện thường xuyên hoặc tiêu chảy
- Buồn nôn hoặc nôn dai dẳng
- Nôn ra máu hoặc đi phân đen
Trong các lần khám theo dõi, bác sĩ sẽ:
- Kiểm tra vị trí vết mổ
- Tháo ghim và ống khi thích hợp
- Xem hồ sơ sức khỏe và giảm đau
- Đánh giá chế độ ăn uống và chức năng ruột
- Tư vấn nếu cần thiết, như là về chế độ ăn uống, chăm sóc vết thương và thói quen sinh hoạt
Các tình trạng có thể gặp phải
Sau thủ thuật Whipple, bạn có thể gặp phải các tình trạng sau đây:
- Mệt mỏi kéo dài
- Đái tháo đường (tạm thời hoặc vĩnh viễn)
- Tiêu chảy
- Các vấn đề về tiêu hóa
- Không dung nạp được thức ăn
- Khó chịu liên quan đến dạ dày như là xì hơi, chướng bụng và đau bụng co thắt
Thay đổi lối sinh hoạt
Về lâu dài, bạn sẽ cần thay đổi lối sinh hoạt như sau để củng cố sức khỏe. Các thay đổi này bao gồm:
- Thực hiện chế độ ăn uống cân bằng và tốt cho sức khỏe
- Tránh thức ăn dầu mỡ và chiên ngập dầu
- Tăng lượng rau củ và trái cây
- Tập thể dục thường xuyên
- Nhắm đạt được 150 phút hoạt động thể chất trung bình hoặc mạnh mỗi tuần
- Thực hiện các bài tập luyện sức mạnh hai lần mỗi tuần