Mất thính lực - Chẩn đoán và Điều trị

Mất thính lực được chẩn đoán như thế nào?

Nếu bạn đang gặp triệu chứng mất thính lực, bác sĩ có thể đánh giá bằng các kiểm tra sau:

  • Khám lâm sàng. Bác sĩ sẽ kiểm tra tai để tìm hiểu nguyên nhân gây mất thính lực, chẳng hạn như tích tụ ráy tai, viêm do nhiễm trùng và các vấn đề về cấu trúc tai. Bác sĩ có thể thực hiện kiểm tra âm thoa tại phòng khám. Kiểm tra đơn giản này sử dụng âm thoa hai nhánh tạo ra âm thanh khi va đập. Đánh giá này có thể giúp bác sĩ phát hiện mất thính lực và giúp xác định dạng mất thính lực.
  • Đo thính lực đơn âm. Trong kiểm tra này do bác sĩ thính học thực hiện, âm thanh ở các tần số giọng nói khác nhau sẽ được truyền trực tiếp đến từng tai qua tai nghe. Bạn sẽ được yêu cầu cho biết âm thanh nhỏ nhất có thể nghe được ở mỗi tần số.
  • Kiểm tra giọng nói. Còn được gọi là kiểm tra nhận dạng từ, kiểm tra giọng nói đánh giá khả năng hiểu lời nói của bạn khi có và không có tiếng ồn xung quanh. Giọng nói có thể nghe không rõ nếu khả năng phân biệt giọng nói của bạn không tốt. Điểm kiểm tra giọng nói có thể giúp dự đoán tính hữu ích của máy trợ thính.
  • Đo nhĩ lượng. Kiểm tra này đo áp suất tai giữa. Loại kiểm tra này có thể giúp bác sĩ xác định xem có chất lỏng ở tai giữa, nhiễm trùng tai giữa, thủng màng nhĩ hay gặp vấn đề với vòi nhĩ hay không.

Chẩn đoán đúng của bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng (ENT) là rất quan trọng để xác định phương án điều trị mất thính lực phù hợp nhất cho bạn.

Mất thính lực được điều trị như thế nào?

Việc điều trị mất thính lực tùy thuộc vào nguyên nhân gốc rễ:

  • Ráy tai / dị vật. Bác sĩ phẫu thuật tai, mũi và họng (ENT) có thể loại bỏ ráy tai tích tụ hoặc dị vật trong ống tai bằng cách sử dụng kính hiển vi.
  • Nhiễm trùng tai. Nhiễm trùng tai trong ống tai được điều trị bằng cách làm sạch mủ hoặc chất nhiễm và bôi thuốc ngoài da. Nhiễm trùng tai giữa thường được điều trị bằng thuốc uống thích hợp.
  • Mất thính lực dẫn truyền. Mất thính lực dẫn truyền thường có thể được phục hồi bằng phẫu thuật để tái tạo lại cơ chế thính lực dẫn truyền. Ví dụ, có thể phẫu thuật điều trị thủng màng nhĩ để cải thiện thính lực cũng như để ngăn ngừa nhiễm trùng.

Mất thính lực thần kinh giác quan

Nếu xảy ra mất thính lực thần kinh giác quan đột ngột, tình trạng này có thể phục hồi bằng thuốc nếu được điều trị sớm. Mất thính lực thần kinh giác quan kéo dài thường là vĩnh viễn do tổn thương không thể phục hồi đối với các tế bào thính giác ở tai trong. Nếu tình trạng mất thính lực không quá nghiêm trọng, thông thường sẽ còn lại đủ các tế bào thính giác để máy trợ thính hoạt động tốt.

Tuy nhiên, mất lượng lớn các tế bào thính giác bên trong dẫn đến mất thính lực từ nặng đến sâu, khiến âm thanh khuếch đại từ máy trợ thính cũng không có tác dụng. Cấy ốc tai sẽ giúp ích cho những bệnh nhân như vậy. Cấy ốc tai là cấy một thiết bị điện tử nhỏ để phục hồi thính giác bằng cách kích thích trực tiếp dây thần kinh thính giác. Do đó, không giống như máy trợ thính, thủ thuật này không phụ thuộc tế bào thính giác có ở tai trong để hoạt động.

Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777