Dr Tan Yau Boon Barrie
Bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng
Nguồn: Shutterstock
Bác sĩ chuyên khoa tai mũi họng
Mất thính lực là một trong những tình trạng y tế thường gặp nhất ở Singapore, với khoảng 360,000 người bị ảnh hưởng tại quốc gia này. Trong số những người này, nhiều người mắc phải tình trạng mất thính lực nặng, dạng khuyết tật thính giác được Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) mô tả là không thể nghe được hơn 40dB ở một bên tai ở người lớn. Ở trẻ em, dạng khiếm khuyết này được mô tả là không thể nghe được hơn 30dB ở bên tai có thính lực tốt hơn.
Điển hình là có 3 nguyên nhân gây mất thính lực ở trẻ em, và các nguyên nhân này bao gồm:
Các vấn đề khi chào đời
Tình trạng mất thính lực ở một số trẻ em có tính di truyền.
Ở những trẻ khác, tình trạng này phát triển trong suốt thai kỳ hoặc trong quá trình chăm sóc trước sinh. Mất thính lực cũng có thể xảy ra khi một người phụ nữ mang thai mắc các tình trạng bệnh lý ví dụ như tiểu đường hoặc tiền sản giật. Các trẻ sinh non cũng có rủi ro cao hơn.
Viêm tai giữa
Một dạng bệnh nhiễm trùng tai giữa, xảy ra ở trẻ nhỏ khi các ống eustachian nối với lỗ tai không phát triển hoàn chỉnh. Dịch có thể tích tụ phía sau màng nhĩ của con bạn và gây ra tình trạng nhiễm trùng. Trong các trường hợp nặng và kéo dài, tình trạng này có thể gây ra tình trạng mất thính lực vĩnh viễn.
Bệnh lý hoặc các chấn thương trong suốt thời thơ ấu
Trẻ nhỏ có thể phát triển tình trạng nghe kém do mắc phải một số bệnh lý như viêm màng não, viêm não, sởi, thủy đậu, và cúm. Con của bạn cũng có khả năng mất thính lực do các chấn thương ở đầu, khi tiếp xúc với âm thanh có cường độ cao. Mất thính lực cũng có thể là một tác dụng phụ nghiêm trọng của thuốc.
Nếu như con của bạn không được chẩn đoán mất thính lực bẩm sinh, điều này không có nghĩa là tình trạng này không tồn tại. Nếu như bạn nhận thấy bất kỳ triệu chứng nào sau đây ở con của mình, hãy tham vấn bác sĩ ngay lập tức:
Ốc tai điện tử là các thiết bị hỗ trợ thính giác đặc biệt được phẫu thuật cấy ghép, trực tiếp kích thích các đầu dây thần kinh thính giác trong ốc tai.
Các thiết bị này bao gồm 2 thành phần. Thành phần đầu tiên là bộ xử lý giọng nói ngoài được đeo ở tai, nơi nó giao tiếp thông qua khớp nối nam châm với thành phần phía trong được phẫu thuật cấy vào dưới da và vào xương hộp sọ.
Bộ xử lý giọng nói thu nhận âm thanh từ môi trường và gửi các thông tin dưới dạng xả điện có chọn lọc đến hệ thống các điện cực nằm trên một điện cực dạng ống rất mỏng được đưa vào trong ốc tai. Các dòng điện này là thứ kích thích các đầu dây thần kinh trong ốc tai, và sau đó tín hiệu được truyền tải dọc theo dây thần kinh thính giác hướng về phía não.
Loại ốc tai điện tử thường gặp nhất chỉ cung cấp kích thích điện đến dây thần kinh thính giác.
Loại thứ hai ít gặp hơn của ốc tai điện tử được gọi là Ốc Tai Lai (Hybrid Implant) hoặc Các Ốc Tai Kích Thích Điện Âm (Electro-Acoustic Stimulation - EAS Implants). Các ốc tai "lai" này có thêm một thành phần trợ thính cung cấp khuếch đại âm thanh cho các âm thanh có tần số thấp. Các thiết bị lai này nhằm hỗ trợ những người bị điếc một phần, trong trường hợp tình trạng điếc tác động chủ yếu đến các âm thanh có tần số cao.
Có các thiết kế và kích thước đa dạng cho cả thành phần bên trong và bên ngoài. Phần có thể nhìn thấy rõ nhất của một hệ thống cấy ốc tai là bộ xử lý giọng nói ngoài và có hai dạng thiết kế chủ yếu. Thiết kế phổ biến nhất là thiết bị xử lý giọng nói kiểu đeo sau tai (behind-the-ear - BTE) hoặc kiểu đeo trên tai được đeo lên tai. Thiết kế này có dây cáp nối với nam châm dính vào da đầu ở vị trí đặt nam châm cấy. Dạng thiết kế thứ hai là bộ xử lý giọng nói không đeo trên tai (off-the-ear), theo thiết kế này, bộ xử lý được tích hợp hoàn toàn vào bên trong nam châm.
Lợi ích tối ưu là ở các bệnh nhân bị mất thính giác hai bên (cả hai tai) từ mức độ nặng đến sâu ở thể thần kinh cảm thụ. Dây thần kinh thính giác cần phải hoàn chỉnh. Một buổi chụp MRI thường được thực hiện trước phẫu thuật nhằm xác định sự hiện diện của một dây thần kinh thính giác toàn vẹn. Những bệnh nhân có cấu trúc ốc tai (cơ quan thính giác) bình thường cũng thường có xu hướng phản ứng tốt hơn những người có bất thường về cấu trúc ốc tai.
Ốc tai điện tử hữu ích trong mọi độ tuổi, từ trẻ sơ sinh cho đến các bệnh nhân ở tuổi rất cao mắc phải tình trạng mất thính lực. Bệnh nhân có thể ở giai đoạn tiền ngôn ngữ (trước khi học nói) hoặc hậu ngôn ngữ (sau khi học nói).
Phẫu thuật được tiến hành dưới gây mê toàn thân và thường kéo dài khoảng 3 giờ đồng hồ.
Phẫu thuật bắt đầu bằng một vết rạch ở sau tai. Vết rạch này có độ dài khoảng 4 - 6cm. Xương sọ bên dưới được lộ ra và quá trình phẫu thuật được tiếp tục với thao tác khoan một lỗ qua các khoảng chứa khí trong hộp sọ hướng về phía tai giữa.
Một khi đã vào được tai giữa, điểm cuối có tính mở tự nhiên của ốc tai được gọi là cửa sổ tròn (round window) được nhận biết và được sử dụng như điểm đầu vào để đưa điện cực cấy ghép vào. Thân của bộ phận cấy ghép được khoét sâu vào một vị trí được khoan ở xương sọ sau tai. Tại thời điểm kết thúc phẫu thuật, toàn bộ mạch điện cấy ốc tai được kiểm tra từ xa sử dụng Đo thần kinh từ xa (Neural Response Telemetry), cho phép bộ xử lý giọng nói ngoài ghép nối với bộ cấy bên trong và điện cực được cấy ghép được kiểm tra hoạt động điện ở bên trong ốc tai.
Vết mổ được khâu lại và đầu được băng bó. Bệnh nhân điển hình sẽ yêu cầu ở lại bệnh viện một đêm để hồi phục.
Chỉ sau 2 - 3 tuần từ thời điểm phẫu thuật, khi bệnh nhân trải qua buổi "bật-sáng" đầu tiên, hoặc kích hoạt ốc tai điện tử đầu tiên, thì một bệnh nhân mới bắt đầu có thể nghe.
Lập trình kỹ thuật số đặc biệt cho thiết bị này cho phép bệnh nhân có thể phát hiện âm thanh và nghe trong khi vẫn đảm bảo rằng kích thích sẽ không ở cường độ quá tải hoặc gây đau đớn. Một chuỗi các buổi "lập chương trình" thường xuyên cũng sẽ được sắp xếp nhằm hỗ trợ việc giúp cho bệnh nhân nghe âm thanh càng chính xác càng tốt. Phản hồi được thu thập từ bệnh nhân và gia đình về hiệu suất hoạt động của ốc tai điện tử và "chương trình" kỹ thuật số mới sẽ được tinh chỉnh và xây dựng dựa trên thông tin thu thập từ lần lập trình gần nhất.
Đồng thời, bệnh nhân cũng sẽ trải qua một chuỗi các buổi phục hồi chức năng ngôn ngữ và giọng nói sau phẫu thuật. Điều này vô cùng thiết yếu cho các trẻ em được cấy ghép ốc tai điện tử, những trẻ có thể chưa có bất kỳ khả năng ngôn ngữ nào trước khi được cấy ghép.
Đây là thời điểm việc thực hành và sự hỗ trợ của gia đình và người chăm sóc trở nên hết sức quan trọng nhằm giúp trẻ học cách để nghe và nói bình thường hết mức có thể, thay vì phụ thuộc vào việc đọc khẩu hình, các tín hiệu hình ảnh và cử chỉ để giao tiếp.
Có một vài hạn chế đối với ốc tai điện tử và chúng xảy ra trong các trường hợp sau đây:
Không có dây thần kinh thính giác Đây là tình trạng dây thần kinh truyền tải kích thích âm thanh đến não bị khuyết. Tuy nhiên, các báo cáo y khoa gần đây chỉ ra khả năng kích thích âm thanh có thể truyền tiếp đến não từ ốc tai thông qua các dây thần kinh khác như dây thần kinh tiền đình.
Không có tai trong Một vài trẻ em được sinh ra với tình trạng dị tật tai trong nặng, nơi hoàn toàn không có dấu vết của bất kỳ bộ phận nào của tai trong được hình thành, cho dù là ốc tai hay cơ quan tiền đình (cơ quan cân bằng). Trong trường hợp này, không có cơ quan nào để chèn ốc tai điện tử vào.
Ốc tai bị hóa xương Đây là tình trạng các buồng bên trong ốc tai bị loại bỏ bởi sự hình thành xương mới. Khi điều này xảy ra, không thể chèn điện cực ống mỏng và dẻo của ốc tai điện tử vào trong ốc tai. Nguyên nhân phổ biến nhất của tình trạng này là sau một đợt viêm màng não, nơi hiện tượng viêm ban đầu dẫn đến tình trạng xơ hóa các buồng bên trong ốc tai, theo sau đó là sự hình thành xương mới. Nguyên nhân thường gặp thứ hai là thông qua các chấn thương và gãy xương ốc tai.
Bộ cấy được ghép đặt ở bên trong được kỳ vọng sẽ tồn tại lâu bằng với thời gian sống của bệnh nhân và không cần phải thay thế. Thành phần bên ngoài cũng có thể tồn tại trong một thời gian dài, hơn 10 năm. Tuy nhiên, với sự cải tiến của công nghệ và lập trình kỹ thuật số, bộ xử lý ngoài trở nên tân tiến hơn nhiều và được thu nhỏ đáng kể, và người dùng có thể chọn để nâng cấp lên các bộ xử lý mới hơn sau mỗi vài năm.