4 Bệnh Thường Gặp Khi Đi Du Lịch Và Cách Phòng Tránh

Nguồn: Shutterstock

4 Bệnh Thường Gặp Khi Đi Du Lịch Và Cách Phòng Tránh

Cập nhật lần cuối: 09 Tháng Hai 2021 | 8 phút - Thời gian đọc
Dr Andrew Quoc Dutton

Bác Sĩ Phẫu Thuật Chấn thương Chỉnh Hình

Dr Leong Hoe Nam

Bác sĩ bệnh truyền nhiễm

Dr Thia Teck Joo Kelvin

Bác sĩ nội tiêu hóa

Mùa lễ hội đồng nghĩa với việc nhiều người sẽ đi nước ngoài cho kì nghỉ xứng đáng của họ, tất bật với những hoạt động vui chơi hoặc các buổi họp mặt. Không có gì đáng làm giảm không khí vui vẻ trong mùa lễ hội cả, phải không?

Các kì nghỉ thật tuyệt, nhưng chỉ khi không ai phải lâm bệnh hoặc khó khăn mới có thể tận hưởng bữa tiệc vui vẻ! Trong trường hợp bạn bắt đầu lo lắng, đây là một số thông tin và lời khuyên hữu ích từ các chuyên gia về những căn bệnh thường gặp trong mùa lễ.

Bệnh cúm dạ dày (Viêm dạ dày ruột)

Gastroenteritis

Đối với các tín đồ ẩm thực, chắc hẳn các bạn “sống để ăn”, và kỳ nghỉ lễ là dịp hoàn hảo để ăn uống bên ngoài và ăn thả ga. Đối với những người yêu thích du lịch bằng phương tiện đường bộ, thành tích nào lớn lao hơn việc đã thử (và tất nhiên là được đăng lên Instagram) càng nhiều món ăn vỉa hè của địa phương càng tốt? Trước khi các bạn “dân sành ăn” bắt đầu bung xõa, hãy lưu ý về căn bệnh cúm dạ dày - một bệnh lý phổ biến, mang tính truyền nhiễm và thường liên quan đến việc tiêu thụ thực phẩm.

Bệnh cúm dạ dày (viêm dạ dày ruột) là gì?

Là tình trạng viêm dạ dày và ruột, thường do nhiễm trùng virus hoặc vi khuẩn.

Nguyên nhân gây ra bệnh cúm dạ dày (viêm dạ dày ruột) là gì?

Có một số nguyên nhân gây ra bệnh cúm dạ dày, một số thường gặp hơn những nguyên nhân còn lại. Nguyên nhân bao gồm:

  • Virus: Rotavirus là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra tiêu chảy trên thế giới ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ. Một loại virus khác tên là norovirus cũng gây ra viêm dạ dày ruột nghiêm trọng.
  • Vi khuẩn: Hiếm gặp hơn, các loại vi khuẩn như E.coli, salmonella và shigella cũng gây ra bệnh cúm dạ dày. Những chủng vi khuẩn này thường được tìm thấy trong thức ăn hoặc nước uống bị ô nhiễm.
  • Ký sinh trùng: Một số sinh vật như giardia và cryptosporidium có thể lây nhiễm qua bể bơi không đạt chuẩn hoặc khi uống nước nhiễm khuẩn.
  • Các loại độc tố có thể tìm thấy trong một số hải sản.

Viêm dạ dày ruột có thể lây từ người này sang người khác qua:

  • Thực phẩm hoặc nước uống bị ô nhiễm
  • Tiếp xúc với người bệnh
  • Tay không được rửa sạch sau khi thay tã hoặc đi vệ sinh

Triệu chứng của bệnh cúm dạ dày (viêm dạ dày ruột) là gì?

  • Tiêu chảy, thường rất lỏng, và có thể lẫn máu nếu nguyên nhân viêm dạ dày ruột là vi khuẩn.
  • Buồn nôn, nôn mửa, hoặc cả hai
  • Đau bụng, co thắt và chán ăn do tiêu chảy và nôn mửa kéo dài.
  • Mất nước, biểu hiện qua các triệu chứng như da khô, miệng khô, choáng váng và cảm thấy rất khát nước.
  • Mất cân bằng điện giải ở trẻ em do tiêu chảy và nôn mửa, nếu không được điều trị có thể dẫn đến tử vong.
  • Sốt, đau đầu, đau người, cảm lạnh và mệt mỏi là những dấu hiệu của bệnh viêm dạ dày ruột do virus. Các triệu chứng này tương tự với bệnh do virus cúm (flu) gây ra, dẫn đến tình trạng nhầm lẫn giữa hai bệnh lý.

Làm thế nào để điều trị bệnh cúm dạ dày (viêm dạ dày ruột)?

Bác sĩ Kelvin Thia, chuyên khoa tiêu hoá tại bệnh viện Mount Elizabeth, khuyến nghị rằng bệnh nhân nên bù nước bằng nước lọc và các loại đồ uống thể thao bù điện giải (isotonic drinks), tránh thức ăn cay hoặc nhiều dầu mỡ, và kiêng sữa cho đến khi các triệu chứng ngừng xuất hiện.

Hãy tìm kiếm trợ giúp y tế ngay lập tức khi sốt cao, đau bụng dữ dội hoặc nôn nhiều, bác sĩ Thia nhấn mạnh. “Ngoài ra, những người đang mắc các bệnh lý nền sẽ chịu đựng hiện trạng mất nước và nhiễm bệnh kém hơn. Họ nên liên hệ với bác sĩ riêng của mình."

Làm thế nào để phòng tránh bệnh cúm dạ dày (viêm dạ dày ruột) khi đi du lịch

Để tránh trường hợp cúm dạ dày làm hỏng chuyến đi của bạn, hãy thực hiện các biện pháp phòng ngừa sau:

  • Rửa tay thường xuyên.
  • Uống nước đóng chai và các loại đồ uống khác. Đảm bảo rằng chúng được đóng kín khi bạn mở ra dùng.
  • Chỉ uống nước của địa phương sau khi đã đun sôi trong 3 phút.
  • Đánh răng với nước đóng chai và ngậm miệng khi tắm vòi sen.
  • Tránh ăn các loại rau củ quả sống trừ khi chúng có vỏ mà bạn có thể bóc.
  • Cố gắng chỉ ăn đồ ăn được nấu chín kỹ khi đi ăn bên ngoài và không ăn đá, thịt hoặc cá chưa chín kĩ.
  • Tránh các quầy hàng thức ăn đường phố, nơi có rủi ro thực phẩm bị ô nhiễm cao hơn so với các nhà hàng.

Cảm cúm và influenza

Common cold and flu

Mùa lễ hội luôn là cơ hội tuyệt vời để kết nối với bạn bè và gia đình. Tuy nhiên, việc tiếp xúc gần với người khác, cùng chia sẻ nước uống, thức ăn làm bạn có nguy cơ bị lây cảm lạnh từ ai đó đang mắc bệnh. Nếu bạn nghĩ cảm lạnh rất bình thường và vô hại thì đó là một sai lầm. Cảm lạnh thông thường nếu không được điều trị có thể phát triển thành viêm phế quản hoặc viêm phổi - những căn bệnh có khả năng làm thời gian bệnh tật của bạn kéo dài hơn.

Cảm cúm và influenza là gì?

Cảm lạnh thông thường (common cold) và cảm cúm (influenza) là bệnh nhiễm trùng hệ hô hấp trên (mũi, miệng, họng, phổi) do virus gây ra. Việc phân biệt hai bệnh lý này là điều khá khó khăn, nhưng cảm lạnh thường có xu hướng gây ho nhiều hơn, đau họng, chảy nước mũi và sốt nhẹ. Ngược lại, cảm cúm gây ho, đau họng và chảy nước mũi ít hơn, nhưng sốt cao, đau đầu và đau cơ nhiều hơn.

Nguyên nhân gây ra bệnh cảm cúm và influenza là gì?

Tiếp xúc trực tiếp với người bệnh hoặc hít phải các giọt dịch chứa virus cúm.

Những triệu chứng của cảm cúm và influenza là gì?

Dấu hiệu của cảm cúm và influenza bao gồm:

  • Chảy nước mũi
  • Hắt xì hơi
  • Ho
  • Đau họng
  • Đau đầu
  • Nghẹt mũi
  • Sốt
  • Đau nhức cơ

Điều trị cảm cúm thường và influenza như thế nào?

Bác sĩ Leong Hoe Nam, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena, khuyên rằng, "Uống nhiều nước và nghỉ ngơi đầy đủ đóng vai trò quan trọng trong việc phục hồi nhanh chóng. Các loại thuốc không kê đơn trị ho hay sổ mũi có thể giúp giảm triệu chứng.

Influenza (cảm cúm) nguy hiểm hơn và có thể dẫn đến viêm phổi, thậm chí nhập viện. Do đó, nếu tình trạng sốt kéo dài, buồn nôn, nôn mửa, tiêu chảy hoặc đau nhức diễn ra, hãy tìm kiếm sự trợ giúp y tế.

Làm thế nào để phòng ngừa cảm cúm thường và influenza khi đi du lịch?

Hãy dùng thìa, muỗng riêng cho các món ăn dùng chung, đeo khẩu trang và rửa tay thường xuyên.

Gãy xương

Bone fractures

Đối với những người ưa vận động, một số có thể đã tận dụng cơ hội này để đi trượt tuyết ở những vùng lạnh hơn của thế giới hoặc đi bộ đường dài để kết nối lại với thiên nhiên. Không may thay, điều này làm gia tăng khả năng xảy ra tai nạn và té ngã trong mùa lễ này. Buồn không chịu được khi bị gãy xương trong khi tận hưởng kì nghỉ!

Gãy xương là gì?

Tình trạng xương bị gãy (vỡ). Xương có thể gãy thành hai hoặc nhiều mảnh. Đối với gãy xương hở, xương sẽ nhô ra ngoài da và có thể thụt vào trong vết thương, trở nên khó nhận biết. Đối với gãy xương kín, da không có vết thương hở.

Những nguyên nhân gây gãy xương là gì?

Một số nguyên nhân gãy xương có thể xảy ra trong chuyến du lịch bao gồm:

  • Ngã khi say mê các hoạt động thể thao như đi bộ đường dài, trượt tuyết, nhảy trên tấm bạt lò xo (trampoline) và chơi các trò chơi như bóng bầu dục và ném đĩa.
  • Đột ngột vận động nhiều. Bình thường không hay đi bộ nhiều nhưng cuối cùng lại đi quá nhiều hoặc đi trên bề mặt không bằng phẳng trong kì nghỉ có thể gây ra tình trạng rạn nứt do áp lực (stress fractures) ở bàn chân và cẳng chân.
  • Mang giày dép không phù hợp có thể làm giảm khả năng hấp thụ lực lặp đi lặp lại của bàn chân khi bạn đi bộ, cũng dẫn đến hiện tượng rạn nứt do áp lực.
  • Tai nạn xe hơi đáng tiếc có thể xảy ra trong các chuyến du lịch, gây ra các ca gãy xương.

Các triệu chứng của gãy xương là gì?

Triệu chứng của một ca gãy xương có thể khác nhau tuỳ thuộc vào khúc xương bị ảnh hưởng, tuổi, tình trạng sức khỏe tổng quan và độ nghiêm trọng của chấn thương. Các triệu chứng chung bao gồm:

  • Đau
  • Sưng tấy
  • Bầm tím
  • Biến màu vùng da bị ảnh hưởng
  • Đoạn bị chấn thương gập lại ở một góc bất thường
  • Không thể tì/chống cơ thể lên vùng bị chấn thương
  • Không thể cử động vùng bị chấn thương
  • Cảm giác lạo xạo ở khúc xương, hoặc khớp xương, bị ảnh hưởng
  • Chảy máu trong trường hợp gãy xương hở

Điều trị gãy xương như thế nào?

Bác sĩ Andrew Dutton, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Mount Elizabeth, chia sẻ cách điều trị và các mẹo chăm sóc bản thân khi gặp trường hợp gãy xương.

“Đối với các chấn thương ở chi trên, hãy ngăn ngừa nguy cơ biến dạng và giảm đau bằng cách bất động chân tay. Ví dụ như dùng đai treo tay cố định chân tay bị thương (arm sling) hoặc bó cánh tay vào thân người. Đối với các chấn thương ở cánh tay, cổ tay hoặc bàn tay, dùng một tấm gỗ phẳng nẹp lại phần chi bị thương.

“Đối với các chấn thương chi dưới, tránh đi bộ. Thay vào đó, hãy đi tập tễnh hoặc sử dụng nạng. Nếu có thể, hãy nâng chân lên cao và nẹp chân vào tấm ván gỗ. Chườm đá lạnh có thể giảm sưng và đau.”

Làm thế nào để phòng ngừa gãy xương khi đi du lịch

Những lời khuyên này có thể giúp bạn tránh rơi vào các tình huống không may dẫn đến gãy xương khi đi du lịch:

  • Lái xe an toàn hoặc nếu thuê tài xế, hãy kiểm tra thông tin an toàn lái xe của họ. Chú ý đến đường sá, hạn chế việc gây phân tâm, tránh uống đồ uống có cồn và giảm tốc độ khi lái xe trên những tuyến đường xa lạ.
  • Tránh lên các phương tiện di chuyển trên cạn hoặc dưới nước, hoặc các trò chơi cảm giác mạnh trong công viên giải trí nếu bạn nhận thấy bất cứ nguy cơ tiềm ẩn nào.
  • Chú ý đến các điều kiện thời tiết và dự báo thời tiết để có thể ăn mặc phù hợp, kể cả chọn giày dép.
  • Mang giày có độ nâng đỡ tốt và làm quen với giày mới trước khi đi du lịch.
  • Để ý đến mọi biện pháp an toàn, đặc biệt là khi tham gia các hoạt động thể thao hoặc thể chất.

Bệnh tay chân miệng

Hand foot and mouth disease

Đối với các bậc phụ huynh, điều gì có thể gây lo lắng hơn việc con của mình bị bệnh? Bệnh tay chân miệng đã phổ biến từ lâu ở trẻ em và cũng có thể lây nhiễm sang người lớn. Bệnh tay chân miệng là một ví dụ điển hình cho thấy các cuộc hẹn chơi, hay tiệc tùng của trẻ em có thể đi vào đường sai như thế nào.

Bệnh tay chân miệng là gì?

Gây ra bởi virus đường ruột (enterovirus) và thường có thời gian kéo dài ít hơn một tuần. Nếu nghiêm trọng, ổ nhiễm trùng có thể xuất hiện trong não, phổi, hoặc tim.

Nguyên nhân gây ra bệnh tay chân miệng là gì?

Tiếp xúc trực tiếp với nước bọt, dịch tiết ở mũi, phân, hoặc dịch tiết trong vết phát ban của người bệnh.

Triệu chứng của bệnh tay chân miệng là gì?

  • Đau họng
  • Sốt
  • Phát ban ở miệng, bàn tay, bàn chân hoặc phần mông
  • Lở loét ở họng, lưỡi và miệng
  • Uể oải
  • Chán ăn

Điều trị bệnh tay chân miệng như thế nào?

Bác sĩ Leong Hoe Nam, chuyên gia về các bệnh truyền nhiễm, đưa ra lời khuyên về các phương pháp tự chăm sóc.

Mặc dù các vết lở loét trong miệng gây đau, uống đủ lượng nước cần thiết vẫn đóng vai trò quan trọng. Đồ uống đá ngọt hoặc các loại kem que có thể giảm đau và hỗ trợ việc bù nước.

Các loại thuốc giảm đau như paracetamol, ibuprofen, etoricoxib, hoặc celecoxib cũng an toàn cho việc sử dụng. Để đẩy nhanh quá trình hồi phục, hãy nghỉ ngơi đầy đủ và cung cấp đủ nước cho cơ thể.

Làm thế nào để phòng ngừa bệnh tay chân miệng khi đi du lịch?

Rửa tay với xà phòng và nước trước và sau khi ăn, cũng như sau khi đi vệ sinh. Tránh dùng chung thức ăn, đồ uống, đồ dùng ăn uống, khăn tắm, và bàn chải đánh răng với người khác. Tránh chạm vào mắt, mũi, miệng với tay chưa được rửa sạch. Khử trùng đồ chơi và những bề mặt thường xuyên được chạm vào. Nếu điều kiện cho phép, hãy cô lập người bệnh ra khỏi những người còn lại trong gia đình.

Không còn cách nào phá hỏng kì nghỉ lễ tàn tệ hơn việc nhiễm một căn bệnh truyền nhiễm hoặc bị gãy xương cả. Mùa lễ này, chúng ta hãy cùng vui chơi hết mình, nghỉ ngơi cho tốt và nhớ giữ gìn sức khoẻ!

Gastroenteritis (Stomach Flu) (n.d.) Retrieved December 16, 2020, from https://badgut.org/information-centre/a-z-digestive-topics/gastroenteritis/

Influenza (Flu) (2018, July 31) Retrieved December 16, 2020, from https://www.cdc.gov/flu/school-business/travelersfacts.htm

What is a Fracture? (2017, December 14) Retrieved December 16, 2020, from https://www.medicalnewstoday.com/articles/173312

Hand, Foot, and Mouth Disease (2013, March 10) Retrieved December 16, 2020, from https://wwwnc.cdc.gov/travel/diseases/hand-foot-and-mouth-disease