Hướng Dẫn Về Bệnh Viêm Tuyến Tụy

Nguồn: Shutterstock

Hướng Dẫn Về Bệnh Viêm Tuyến Tụy

Cập nhật lần cuối: 27 Tháng Tám 2020 | 6 phút - Thời gian đọc

Viêm tuyến tụy có thể là một tình trạng bệnh đau đớn gây suy nhược cơ thể. Đọc tiếp để tìm hiểu những gì bạn cần biết về bệnh này, nguyên nhân của nó và các phương pháp điều trị hiện có.

Tuyến tụy là gì?

Dù đây không phải là một cơ quan thường xuyên được nhắc đến, tuyến tụy đóng một vai trò quan trọng trong việc đảm bảo thức ăn được tiêu hóa tốt và điều hòa nồng độ đường huyết. Nó nằm trong ổ bụng, phía sau dạ dày.

Tuyến tụy có chức năng gì?

Tuyến tụy có hai chức năng chính.

Thứ nhất, nó sản xuất các enzyme tiêu hóa - những phân tử sinh học hỗ trợ quá trình tiêu hóa thức ăn. Điều này cho phép thực phẩm chúng ta ăn được phân giải và hấp thụ hiệu quả bởi ruột non.

Ngoài ra, tuyến tụy còn chịu trách nhiệm sản xuất các hormone như insulin và glucagon, giúp điều tiết lượng đường trong máu. Insulin giúp hạ đường huyết khi nó quá cao, và glucagon làm tăng đường huyết khi nó quá thấp.

Viêm tuyến tụy là gì?

Viêm tuyến tụy là gì?
Viêm tuyến tụy là tình trạng tuyến tụy bị viêm. Bệnh có thể cấp tính hoặc mãn tính.

Viêm tuyến tụy cấp tính xảy ra khi tuyến tụy đột ngột bị viêm, dẫn đến cơn đau bụng dữ dội. Mức độ nghiêm trọng của viêm tụy cấp tính có thể thay đổi từ nhẹ đến nguy hiểm đến tính mạng.

Viêm tuyến tụy mãn tính xảy ra khi tuyến tụy bị viêm nhiều lần trong một khoảng thời gian dài, thường là vài năm. Trong trường hợp nghiêm trọng, viêm tuyến tụy mãn tính có thể dẫn đến suy giảm chức năng tiêu hóa, cũng như bệnh tiểu đường.

Nguyên nhân gây ra viêm tuyến tụy là gì?

Có nhiều tình trạng bệnh khác nhau có thể khiến tuyến tụy bị viêm và gây ra viêm tuyến tụy. Phổ biến nhất trong số đó là sỏi mật và rượu.

Các nguyên nhân khác bao gồm:

  • Liên quan đến các thủ thuật như nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP)
  • Tiêu thụ quá nhiều rượu
  • Tác dụng phụ của thuốc
  • Bệnh xơ nang
  • Sỏi mật
  • Tăng canxi máu (nồng độ canxi cao trong máu)
  • Nồng độ triglyceride cao (một loại chất béo trong máu)
  • Nhiễm virus
  • Chấn thương
  • Ung thư tuyến tụy

Triệu chứng của viêm tuyến tụy là gì?

Các nguyên nhân gây ra viêm tuyến tụy có thể khác nhau, và các triệu chứng biểu hiện của bệnh có thể khác nhau tùy theo tình trạng viêm tụy là cấp tính hay mãn tính.

Các triệu chứng liên quan đến viêm tụy cấp tính bao gồm:

  • Đau dữ dội ở vùng thượng vị, thường lan ra phía sau lưng
  • Đau bụng sau khi ăn
  • Sốt cao
  • Mạch đập nhanh
  • Buồn nôn
  • Nôn mửa

Với viêm tuyến tụy mãn tính, bệnh nhân có thể gặp phải các triệu chứng sau:

  • Sụt cân ngoài ý muốn
  • Phân mỡ (màu sáng và mùi hôi)
  • Vàng da (các vùng da và mắt ngả vàng)

Bạn nên đi khám bác sĩ khi nào?

Bạn nên đi khám bác sĩ khi nào?
Nếu bạn bị đau liên tục ở vùng bụng, hãy cân nhắc đặt lịch hẹn với bác sĩ tiêu hóa để được khám và chẩn đoán chi tiết tình trạng bệnh lý tiềm ẩn.

Tuy nhiên, nếu cơn đau dữ dội đến mức bạn không thể ngồi yên hoặc nghỉ ngơi thoải mái, hãy tìm kiếm sự chăm sóc y tế ngay lập tức tại khoa cấp cứu gần nhất.

Viêm tuyến tụy được chẩn đoán như thế nào?

Nếu bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa nghi ngờ bạn bị viêm tuyến tụy, họ có thể yêu cầu thực hiện các xét nghiệm sau để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh.

Xét nghiệm máu

Viêm tụy cấp tính có thể được phát hiện bằng cách tìm kiếm mức độ amylase tăng cao, đây là một trong các enzyme tuyến tụy.

Xét nghiệm phân

Kết quả xét nghiệm phân cho thấy tỷ lệ chất béo cao có thể có nghĩa là hệ thống tiêu hóa không hấp thụ đủ chất dinh dưỡng - một dấu hiệu của viêm tuyến tụy mãn tính.

Các máy quét hình ảnh cũng có thể được sử dụng để tìm kiếm viêm tuyến tụy và nguyên nhân gây ra viêm tuyến tụy.

Các loại hình này bao gồm:

Chụp cắt lớp vi tính (CT)

Chụp CT sẽ có thể cho thấy mức độ viêm trong tuyến tụy của bạn và cũng loại trừ các nguyên nhân khác gây đau bụng dữ dội.

Siêu âm ổ bụng

Đây là biện pháp hữu ích để phát hiện sỏi mật, một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ra viêm tuyến tụy.

Nội soi siêu âm

Thủ thuật nội soi này sử dụng hình ảnh siêu âm để phát hiện các bất thường về cấu trúc trong tuyến tụy hoặc ống mật, những vấn đề có thể gây ra viêm tuyến tụy.

Chụp cộng hưởng từ (MRI)

Chụp MRI sẽ tìm các điểm dị thường ở tuyến tụy, ống dẫn tuyến tụy, ống mật, cũng như túi mật.

Viêm tuyến tụy được điều trị như thế nào?

Nhiều phương pháp điều trị viêm tụy cấp tính mang tính hỗ trợ, cho phép tuyến tụy có thời gian tự phục hồi. Một số nguyên nhân như sỏi ống mật có thể yêu cầu thêm các thủ thuật nội soi đặc biệt để điều trị.

Kiểm soát cơn đau

Bệnh nhân sẽ được cho dùng thuốc giảm đau để kiểm soát cơn đau dữ dội có thể xảy ra khi tuyến tụy bị viêm. Đau cũng có thể được làm giảm bớt trong các trường hợp mãn tính thông qua các thủ thuật nội soi siêu âm hoặc xạ trị nhằm cản trở các dây thần kinh truyền tín hiệu đau.

Nhịn ăn

Việc ăn uống thường khiến cơn đau bụng dữ dội do viêm tuyến tụy cấp tính trầm trọng hơn, do đó bệnh nhân có thể phải nhịn ăn trong một khoảng thời gian ngắn. Một khi cơn đau được cải thiện, họ có thể bắt đầu lại với một chế độ ăn được kiểm soát, thường sẽ được bắt đầu với nước trước, sau đó mới đến thức ăn rắn.

Truyền tĩnh mạch

Bệnh nhân có thể nhập viện và được truyền tĩnh mạch để đảm bảo cơ thể có đủ nước vì bệnh nhân thường bị nhịn ăn lúc đầu và cũng có thể bị nôn mửa do viêm tuyến tụy.

Các thủ tục nội soi

Nếu viêm tuyến tụy của bệnh nhân gây ra bởi sỏi trong ống mật hoặc ống dẫn tuyến tụy, hoặc bởi ống dẫn tuyến tụy bị hẹp, nội soi mật tụy ngược dòng (ERCP) có thể được áp dụng để loại bỏ sỏi, hoặc làm rộng ống dẫn.

Trong quá trình thực hiện ERCP, bác sỹ phẫu thuật sẽ sử dụng một máy nội soi, một ống dài, dẻo có gắn đèn và camera ở cuối, để kiểm tra bên trong ống mật và/hoặc ống dẫn tuyến tụy của bệnh nhân. Đây là phương pháp điều trị sỏi ống mật ưu việt vì không cần phải thực hiện vết rạch nào trên da.

Các thủ thuật X-quang

Đôi khi trong các trường hợp viêm tụy nặng, các dụng cụ dạng ống có thể được đưa vào cơ thể qua da dưới sự hướng dẫn của tia X để dẫn lưu các ổ dịch hoặc mủ xung quanh tuyến tụy.

Phẫu thuật

Phẫu thuật thường không cần thiết trong phương pháp quản lý ban đầu đối với viêm tuyến tụy cấp tính. Tuy nhiên, trong các trường hợp viêm tuyến tụy nặng, khi mà các dụng cụ dạng ống được đặt bằng tia X không thể dẫn lưu đủ chất lỏng hoặc mủ, phẫu thuật có thể vẫn là giải pháp cần thiết để tiến hành dẫn lưu đầy đủ.

Sau khi viêm tụy cấp tính được giải quyết, bác sĩ phẫu thuật cũng có thể đề nghị loại bỏ túi mật nếu sỏi mật là nguyên nhân gây ra viêm tuyến tụy. Điều này nhằm ngăn ngừa các đợt viêm tuyến tụy cấp tính tái phát.

Trong các trường hợp viêm tụy mãn tính, phẫu thuật có thể là giải pháp cần thiết để kiểm soát cơn đau mãn tính nếu các phương pháp khác không mang lại hiệu quả, bằng cách loại bỏ sỏi trong tuyến tụy, hoặc loại bỏ một phần tuyến tụy.

Các phương pháp điều trị bổ sung

Viêm tụy mãn tính có thể cần các phương pháp hỗ trợ bổ sung. Vì viêm tuyến tụy làm gián đoạn quá trình sản xuất các enzyme tiêu hóa, các chất bổ sung enzyme tuyến tụy có thể được kê đơn để bệnh nhân có thể tiếp tục tiêu hóa thức ăn như bình thường. Các enzyme này sẽ cần được uống kèm mỗi bữa ăn.

Có thể tránh được viêm tuyến tụy không?

Phòng ngừa viêm tụy
Viêm tuyến tụy có thể được phòng ngừa bằng các điều chỉnh lối sống. Cụ thể:

Tránh rượu bia

Nghiên cứu đã chỉ ra rằng "tiêu thụ rượu bia mãn tính gây ra 17% – 25% các trường hợp viêm tuyến tụy cấp tính". Cũng có nghiên cứu cho thấy những người tiêu thụ 4 - 5 cốc thức uống có cồn mỗi ngày có nguy cơ mắc bệnh cao hơn.

Bỏ thuốc lá

Nghiên cứu cũng cho thấy mối liên kết giữa việc hút thuốc lá và sự phát triển của bệnh viêm tuyến tụy. Do đó, bỏ thói quen hút thuốc lá có thể làm giảm nguy cơ mắc viêm tuyến tụy mãn tính và ung thư tuyến tụy.

Duy trì cân nặng lành mạnh

Béo phì làm tăng khả năng phát triển sỏi mật, và do đó, viêm tuyến tụy.

Nếu nghi ngờ bị viêm tuyến tụy, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa tiêu hóa để có chẩn đoán chính xác về tình trạng của bạn và các phương pháp điều trị hiện có.

Pancreatitis. Retrieved on 18/07/2020 from https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/pancreatitis/symptoms-causes/syc-20360227

Digestive Diseases and ERCP Testing. Retrieved on 18/07/2020 from https://www.webmd.com/digestive-disorders/digestive-diseases-ercp

Alcoholic Pancreatitis. Retrieved on 18/07/2020 from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/books/NBK537191/

u2028Impact of Smoking on the Risk of Pancreatitis: A Systematic Review and Meta-Analysis. Retrieved on 18/07/2020 from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC4399880/

Obesity and pancreatitis. Retrieved on 18/07/2020 from https://www.ncbi.nlm.nih.gov/pmc/articles/PMC6640854/.

Everything You Need to Know About Pancreatitis. Retrieved on 18/07/2020 from https://www.healthline.com/health/pancreatitis#treatment
Bài viết liên quan
Xem tất cả