Ung thư đại trực tràng - Chẩn đoán và Điều trị

Chẩn đoán ung thư đại trực tràng như thế nào?

Tầm soát ung thư đại trực tràng

Xét nghiệm tầm soát được sử dụng để phát hiện ung thư ngay từ giai đoạn chưa có triệu chứng. Phương pháp này giúp bác sĩ tìm ra và loại bỏ polyp trước khi chúng phát triển thành ung thư, hoặc phát hiện sớm ung thư từ những giai đoạn đầu, qua đó tăng hiệu quả điều trị.

Xét nghiệm máu trong phân (FOBT)

Polyp và ung thư đại trực tràng có thể được phát hiện khi có máu chảy vào đại tràng. Lượng máu chảy có thể hầu như không nhìn thấy bằng mắt thường. Xét nghiệm máu trong phân (FOBT) và xét nghiệm hóa miễn dịch phân (FIT) là các xét nghiệm ban đầu để phát hiện ra sự hiện diện của một lượng nhỏ máu trong phân. Kết quả dương tính nghĩa là có máu trong phân. Xét nghiệm này có thể được thực hiện tại nhà bằng bộ dụng cụ đơn giản.

Nội soi đại tràng sigma

Để tiến hành thủ thuật nội soi đại tràng sigma, bác sĩ đưa một ống mảnh, mềm, có gắn đèn và camera ở đầu vào hậu môn để kiểm tra sự hiện diện của polyp và ung thư ở trực tràng và đại tràng sigma. Trong quá trình kiểm tra, bác sĩ có thể loại bỏ polyp, ung thư hoặc lấy mẫu mô để tiến hành sinh thiết.

Nội soi đại tràng

Nội soi đại tràng là một trong những thủ thuật kiểm tra sàng lọc phổ biến nhất giúp phát hiện ung thư đại trực tràng. Một ống nội soi linh hoạt có đèn chiếu sáng được đưa vào hậu môn để bác sĩ nhìn thấy thành ruột bên trong của trực tràng và đại tràng. Suốt quá trình này, các mẫu mô có thể được thu thập để xét nghiệm thêm, và các polyp phát hiện được có thể được loại bỏ trước khi phát triển thành ung thư. Khác với nội soi đại tràng sigma, thủ thuật này cho phép bác sĩ quan sát toàn bộ trực tràng và đại tràng.

Do polyp có thể mất 10 đến 15 năm để tiến triển thành ung thư, các nghiên cứu đã khuyến cáo rằng nam giới và phụ nữ trên 50 tuổi nên làm nội soi đại tràng 10 năm một lần hoặc khi xuất hiện các triệu chứng.

Chụp đại trực tràng cản quang kép

Chụp đại trực tràng cản quang kép được tiến hành trên những bệnh nhân không thể thực hiện nội soi đại tràng. Hiểu một cách đơn giản, đây là kỹ thuật chụp X-quang sử dụng 2 loại chất cản quang nhằm thu được hình ảnh rõ nét về đại tràng và trực tràng, cho phép phát hiện các tổn thương nhỏ (dưới 1cm).

Chụp CT đại tràng (nội soi đại tràng ảo)

Đây là thủ thuật sử dụng tia X và máy vi tính để ghi lại hình ảnh toàn bộ đại tràng. Những hình ảnh này sẽ được chiếu trên màn hình, giúp bác sĩ quan sát và phân tích tình trạng bệnh nhân. Chụp CT đại tràng có thể được chỉ định làm thủ thuật thay thế ở những bệnh nhân không thể thực hiện nội soi đại tràng do nguy cơ liên quan đến gây mê, hoặc do tắc đại tràng.

Điều trị ung thư đại trực tràng như thế nào?

Cách điều trị phổ biến nhất cho ung thư đại trực tràng là phẫu thuật để loại bỏ u.

Phẫu thuật

Phẫu thuật cắt bỏ ung thư đại trực tràng có thể theo một trong hai phương pháp sau:

Phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, được thực hiện bằng phương pháp phẫu thuật nội soi ổ bụng (phẫu thuật lỗ khóa). Để thực hiện thủ thuật này, bác sĩ phẫu thuật tiến hành rạch khoảng 4 – 5 vết mổ nhỏ, mỗi vết dài khoảng 1cm trên bụng bệnh nhân. Tiếp đó, một ống nội soi dài, mảnh có gắn camera và đèn ở đầu được đưa vào qua một trong các vết mổ nhằm giúp phẫu thuật viên quan sát phẫu trường. Hình ảnh thu được qua camera được hiển thị liên tục trên màn hình trong toàn bộ quá trình phẫu thuật. Phần đại tràng ung thư sẽ được loại bỏ bằng các dụng cụ phẫu thuật nhỏ đưa vào qua những vết mổ còn lại.

Mổ hở để loại bỏ ung thư và một số các mô đại tràng và hạch bạch huyết (tuyến) lân cận khi cần thiết. Phẫu thuật mở được tiến hành thông qua một vết mổ dài duy nhất trên bụng bệnh nhân bằng cách rạch một đường thẳng kéo dài từ ngay đầu dưới xương ức tới trước xương mu. Tùy vào vị trí ung thư, phẫu thuật điều trị ung thư đại trực tràng được chia thành nhiều loại: cắt toàn bộ đại tràng, cắt một phần đại tràng, cắt đại tràng trái, cắt đại tràng phải, cắt trước, cắt cụt trực tràng qua đường bụng-tầng sinh môn.

Các phương pháp điều trị khác có thể được áp dụng trước hoặc sau phẫu thuật, bao gồm:

Hóa trị

  • Hóa trị giúp phá hủy các tế bào ung thư.
  • Hóa trị là phương pháp điều trị dùng thuốc có chứa những hóa chất mạnh để tiêu diệt các tế bào tăng sinh nhanh trong cơ thể. Hóa trị là một liệu pháp điều trị hệ thống, có tác dụng trên toàn cơ thể, có thể tiêu diệt cả các tế bào ung thư đã di căn ra các cơ quan xa khối u nguyên phát nhưng đồng thời ảnh hưởng lên cả tế bào khỏe mạnh.
  • Có nhiều loại thuốc hóa trị khác nhau. Chúng có thể được dùng độc lập hoặc kết hợp để điều trị nhiều loại ung thư.
  • Có thể dùng hóa trị làm phương pháp điều trị chính và duy nhất cho bệnh nhân mà không cần kết hợp với các phương pháp khác.
  • Nếu lựa chọn phác đồ điều trị kết hợp phẫu thuật và hóa trị, có thể tiến hành hóa trị sau khi phẫu thuật nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư còn sót lại trong cơ thể. Phương pháp này gọi là hóa trị bổ trợ. Bác sĩ cũng có thể tư vấn dùng hóa trị trước khi tiến hành phẫu thuật (hóa trị tân bổ trợ) để làm giảm kích thước khối u, giúp dễ dàng loại bỏ khối u hơn.
  • Hóa trị còn có tác dụng làm giảm nhẹ triệu chứng ung thư thông qua việc tiêu diệt tế bào ung thư (hóa trị giảm nhẹ).

Xạ trị

  • Xạ trị cũng nhằm tiêu diệt các tế bào ung thư.
  • Xạ trị là phương pháp tiêu diệt tế bào ung thư bằng cách dùng tia X mang năng lượng cao hay các chất phóng xạ tác động vào khu vực có tế bào ung thư, khiến ADN của các tế bào ung thư bị phá hủy và do đó những tế bào này không thể phân chia và sau đó chết đi.
  • Phương pháp này chỉ tác động trực tiếp lên các tế bào ung thư ngay vùng xạ trị. Các tế bào bình thường xung quanh cũng có thể bị ảnh hưởng, nhưng hầu hết sẽ hồi phục và hoạt động bình thường trở lại.
  • Xạ trị đạt hiệu quả cao nhất khi được dùng làm liệu pháp bổ trợ trước hoặc sau phẫu thuật.
  • Trong trường hợp bệnh nhân không thể thực hiện phẫu thuật hoặc ung thư đã tiến triển đến giai đoạn cuối, không còn khả năng cứu chữa, có thể sử dụng xạ trị để thu nhỏ kích thước u và giảm nhẹ triệu chứng, giúp bệnh nhân cảm thấy dễ chịu hơn.
  • Đối với một số loại ung thư có thể điều trị bằng cả xạ trị và phẫu thuật, phương pháp xạ trị sẽ được ưu tiên sử dụng do gây ít tổn thương hơn và khả năng hồi phục cao hơn.
  • Ngoài các tác dụng trên lâm sàng, xạ trị còn được đánh giá là phương pháp ít gây ảnh hưởng đến sinh hoạt hàng ngày của bệnh nhân. Các đợt xạ trị thường diễn ra trong ngày, với thời gian chưa đến một giờ đồng hồ, do đó bệnh nhân không cần nhập viện, giúp tiết kiệm thời gian và chi phí.

Liệu pháp nhắm đích

  • Liệu pháp nhắm đích phá hủy hoặc ngăn chặn sự phát triển của tế bào ung thư.
  • Phương pháp này sử dụng các loại thuốc hoặc chất khác để ngăn chặn sự phát triển và lan rộng của tế bào ung thư bằng cách tác động vào các protein điều khiển những quá trình này.
  • Trong hầu hết các trường hợp, bệnh nhân cần tiến hành sinh thiết khối u để kiểm tra xem mình có phù hợp với các liệu pháp nhắm đích hiện có hay không. Mỗi loại thuốc chỉ có hiệu quả đối với một số đột biến gen cụ thể. Nếu khối u của bệnh nhân không có đột biến đó, việc áp dụng phương pháp này sẽ trở nên vô nghĩa.
  • Liệu pháp nhắm đích thường chỉ được áp dụng trên những bệnh nhân mắc ung thư đại trực tràng giai đoạn tiến triển. Đôi khi, bệnh nhân chỉ được điều trị bằng liệu pháp nhắm đích nếu thỏa mãn một số tiêu chí cụ thể của FDA (ví dụ: các liệu pháp khác không có hiệu quả, ung thư đã lan rộng hoặc không thể phẫu thuật).
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777