Dr Andrew Quoc Dutton
Bác Sĩ Phẫu Thuật Chấn thương Chỉnh Hình
Nguồn: Shutterstock
Bác Sĩ Phẫu Thuật Chấn thương Chỉnh Hình
Trong khi những chấn thương thể thao thỉnh thoảng xảy đến dường như không phải là chuyện lớn lao gì trong hiện tại, chúng thật ra có thể đang âm thầm gây ra những tổn hại từ từ cho cơ thể bạn. Liên tục gạt những chấn thương này sang một bên có thể đưa bạn tới bờ vực nguy cơ mắc phải những tình trạng bệnh nặng hơn trong tương lai.
Dưới đây là 5 môn thể thao phổ biến mà bạn có thể đang chơi, và những tác động mà bạn có thể phải chịu trong 10 năm tới.
Bong gân cổ chân và chấn thương gân kheo (hamstring) có lẽ là chuyện hiển nhiên mà tất cả các cầu thủ bóng đá đều trải qua. Nhưng chúng có thể không vô hại như vẻ ngoài của mình.
Bong gân cổ chân có nghĩa các dây chằng của bạn đã bị kéo căng hoặc rách do sự xoay chuyển đột ngột và mạnh mẽ của cổ chân, vượt quá phạm vi bình thường. Khi dây chằng bị kéo dãn, nó có thể sẽ không bao giờ có thể trở về hình dạng ban đầu. Điều này có nghĩa là giờ đây cổ chân bạn sẽ không còn vững vàng như trước nữa, đặt bạn vào nguy cơ cao hơn bị bong gân lần nữa trong tương lai.
Hơn nữa, bong gân cổ chân không chỉ ảnh hưởng đến cổ chân bạn. Nó có thể dẫn tới cứng khớp mãn tính, một tình trạng có tác động đáng kể đến toàn bộ phần còn lại của cơ thể bạn. Dáng đi của bạn bị ảnh hưởng, và các cơ ở chân và xương chậu giảm hiệu suất và sức mạnh. Điều này có thể dẫn đến đau lưng dưới và hông.
Còn chấn thương gân kheo? Phương pháp chữa trị thông thường cho chấn thương gân kheo (hamstring) chính là thời gian. Tuy nhiên, lặp đi lặp lại những đợt chấn thương gân kheo có nghĩa là nhiều mô sẹo sẽ hình thành hơn, ngăn chặn cơ bắp của bạn vận hành khỏe mạnh trong thời gian dài. Trong trường hợp này, có một lựa chọn tiêm huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) để thúc đẩy quá trình làm lành những tổn thương gân kheo không được giải quyết bởi nghỉ ngơi và giãn cơ một cách nhẹ nhàng.
Những người trong chúng ta biết nhảy đều hiểu rằng múa chẳng hề thanh thoát và cân bằng như vẻ ngoài của bộ môn này. Một vài chấn thương không hề hiếm gặp với người tập múa là chuột rút và trật khớp.
Cụ thể, những diễn viên ba-lê chắc chắn đã không còn lạ lẫm gì với tình trạng ngón chân cái vẹo ra ngoài, một dị tật khi ngón chân cái ngả về phía ngón chân thứ hai. Việc vận động trên các đầu nhón chân và mang giày ôm sát những ngón chân với nhau làm gia tăng áp lực lên ngón chân cái, khiến nó bị vẹo ra to hơn. Trong trường hợp nghiêm trọng, điều này có thể gây ra cơn đau, khó chịu và khó khăn trong đi lại về lâu dài.
Chuột rút thường là dấu hiệu bạn đã bắt cơ bắp của mình vận động quá sức. Khi chuột rút xảy ra, có thể bạn sẽ thấy rằng phạm vi vận động của mình bị giảm, và cảm thấy đau. Chuột rút cũng có thể là dấu hiệu cơ bắp của bạn đã bắt đầu rách. Nếu bạn không cho cơ bắp thời gian để lành, bạn có thể gặp phải căng gân và đứt gân.
Trật khớp bàn tay, khuỷu tay, và vai cũng là những điều dễ hiểu. Đáng tiếc, những bộ phận chúng ta bị trật khớp sẽ dễ bị trật khớp thêm lần nữa trong tương lai. Người trưởng thành cần phải thận trọng hơn, bởi vì trật khớp vai có thể khiến gân chóp xoay (rotator cuff) bị rách.
CrossFit đang có được một lượng lớn người theo tập trên toàn thế giới, và cả tại Singapore. Tuy nhiên, những bài tập cường độ cao nhắm vào nhiều bộ phận trên cơ thể đồng nghĩa với việc nguy cơ bị chấn thương cũng cao hơn. Cụ thể hơn, một vài tình trạng bệnh bao gồm viêm gân chóp xoay (rotator cuff) và viêm gân gót (Achilles tendinopathy).
Tất cả các động tác nâng tạ nặng và lặp đi lặp lại có thể gây ra chấn thương ở gân chóp xoay (nhóm 4 cơ xung quanh khớp vai). Trong khi nó sẽ khiến kế hoạch luyện tập của bạn tạm dừng, việc cho cơ gân thời gian để lành lại là điều thiết yếu. Vật lý trị liệu thường được yêu cầu đi cùng với nghỉ ngơi. Không cho vị trí bị chấn thương thời gian để lành có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng, như là bị giảm phạm vi vận động vai cả đời hoặc rách gân.
Squats (đứng lên ngồi xuống), nhảy bật thùng (box jumps), và nhảy dây đôi (double unders) là những động tác luyện tập tuyệt vời, nhưng động tác lặp đi lặp lại lại viết nên thông tin xấu cho gân gót Achilles của chúng ta. Sức ép lệch tâm (eccentric stress) được đặt lên gân gót liên tục, gây ra những cơn đau, sưng, và cứng khớp. Nếu không được chăm sóc, gân gót của bạn thậm chí có thể bị đứt. Đây là một tình trạng sẽ khiến bạn không thể tập luyện trong một thời gian dài, và thậm chí còn phải phẫu thuật.
Bạn nghĩ môn chơi golf hẳn phải là môn thể thao an toàn với nguy cơ chấn thương thấp? Hãy nghĩ lại. Golf, với những động tác lặp đi lặp lại, thường gây đau đến khuỷu tay, cổ, cổ tay, lưng, và ngay cả ngón tay. Đau lưng là tình trạng phổ biến đối với dân chơi golf bởi vì cú xoay khi vung gậy gây sức ép đáng kể lên xương sống và các cơ của chúng ta. Điều này trở nên đáng chú ý ở giai đoạn follow-through (đưa gậy về trạng thái nghỉ), khi phần lưng có thể tạo thành hình chữ C. Điều này có thể gây ra những căng cơ nhỏ ở lưng, và có khả năng biến thành những vết chấn thương lưng nghiêm trọng hơn.
Đầu gối cũng có thể phải chịu hậu quả khi chơi môn thể thao này. Đối với những ai trong chúng ta bị yếu gối hoặc viêm khớp, đau đầu gối có thể xuất hiện từ việc căng cơ nhiều lần. Lực xoay mạnh trong cú vung gậy thậm chí có thể khiến ta rách dây chằng hoặc rách sụn chêm.
Trong khi yoga thường được tán dương là môn thể thao giúp lành vết thương, nhưng thực hành không đúng cách hoặc quá nhiều các tư thế yoga nhất định thật ra có thể làm hại nhiều hơn là làm lợi. Ví dụ, tư thế con chó úp mặt mà chúng ta rất thích tập buộc ta phải đặt áp lực lên cổ tay ở một góc độ không được tự nhiên lắm. Nếu tư thế này được thực hành nhiều lần trong một thời gian dài, nó sẽ gây ra áp lực nhiều lần trên cổ tay, và có thể dẫn tới chấn thương do căng cơ liên tục hoặc rách dây chằng.
Thật ra, những ai trong chúng ta từng bị chấn thương cổ tay trong quá khứ thì nên tránh thực hiện các tư thế như thế, bởi vì việc khiến chấn thương nặng hơn có thể dẫn đến thoái hóa khớp cổ tay trong tương lai.
Thực hiện tư thế cây nến, tư thế cái cày, hoặc tư thế trồng cây chuối cũng đặt một lượng áp lực khổng lồ lên xương sống của chúng ta, có khả năng gây ra chấn thương vai hoặc cổ. Nếu được thực hiện trong một thời gian dài hoặc với kỹ thuật xấu, những tư thế này có thể gây ra vấn đề về xương sống hoặc đĩa đệm sống lưng nghiêm trọng.
Điều này có nghĩa là chúng ta nên tránh chơi mọi môn thể thao? Không hẳn. Phần lớn những chấn thương này xảy đến là kết quả của kỹ thuật thực hiện không đúng cách, hoặc tập luyện quá sức. Tuy nhiên, miễn là chúng ta tiếp tục tập luyện, chúng ta không thể tránh khỏi rủi ro bị chấn thương ở bất cứ khoảng thời gian nào.
Với sự can thiệp và điều trị sớm, bác sĩ sẽ có thể tư vấn cho chúng ta về những kế hoạch phục hồi, để có thể ngăn chặn hoặc giảm thiểu tác động dài hạn có thể xảy đến nếu tình trạng bệnh không được chăm sóc. Hãy chủ động chăm lo cho sức khỏe của mình và hợp tác với bác sĩ chỉnh hình hoặc chuyên gia vật lý trị liệu thể thao để chăm sóc tốt nhất cho cơ thể, đảm bảo bài tập bạn thực hiện đem đến lợi ích, thay vì làm hại cơ thể của bạn.