Nguồn: Shutterstock
3 dấu hiệu cảnh báo chấn thương vai
Cập nhật lần cuối: 14 Tháng Sáu 2018 | 3 phút - Thời gian đọc
Bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình
Tin tốt dành cho người bị chấn thương vai đó là những chấn thương này có thể được điều trị bằng thuốc, vật lý trị liệu và phẫu thuật.
Cơn đau
Bạn có cảm thấy đau khi vận động vùng vai không? Bạn đã từng trải qua cơn đau vai nghiêm trọng nào khi bị tai nạn lúc chơi thể thao hoặc khi bị ngã chưa? Có thể bạn đã bị rách nhóm cơ và gân có tên là chóp xoay.
Cách điều trị chấn thương ở vùng chóp xoay:
- Các gân bị viêm mà không bị rách sẽ tự lành lại khi sử dụng các loại thuốc kháng viêm không chứa steroidal giúp giảm đau và sưng. Tập vật lý trị liệu sẽ giúp củng cố các cơ quanh vùng chóp xoay. Quá trình hồi phục hoàn toàn có thể từ 3 – 6 tháng.
- Trong trường hợp rách nhẹ hoặc chỉ rách một phần, điều trị với steroid kết hợp thuốc tê để giúp giảm đau và sưng. Bạn cũng có thể cần tập các bài tập củng cố vùng chóp xoay và điều chỉnh tư thế.
- Đối với những vết rách lớn hơn thì cần can thiệp ngoại khoa. Phương pháp thường dùng là phẫu thuật nội soi, vì đây là phương pháp hiệu quả nhất để chữa lành các tổn thương ở vùng chóp xoay. Thời gian hồi phục thường từ 6 – 7 tháng sau khi phẫu thuật.
Để tìm hiểu thêm về các phương án điều trị, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ chuyên khoa.
Trật khớp
Bạn đã bao giờ bị trật khớp vai chưa? Nếu có, bạn có hình dung được mức độ đau khi đó không. Trật khớp vai xảy ra khi ta ngã đè lên cánh tay đang duỗi rộng hoặc khi phải chịu một lực tác động mạnh từ phía sau.
Cách điều trị trật khớp vai:
- Trước hết, đừng tự thử bẻ vai về vị trí cũ vì bạn có thể làm rách các cơ, dây chằng và vùng gân khác hoặc làm tổn thương các dây thần kinh và mạch máu.
- Trong khi chờ can thiệp y khoa, không được di chuyển vùng vai và cánh tay. Giữ cánh tay cố định bằng nẹp tròng quanh khuỷu tay qua cổ.
- Chườm lạnh với đá/ vật chườm khác vào vùng trật khớp để giảm viêm, dùng thuốc giảm đau nếu có sẵn.
- Tại bệnh viện, khi tình trạng trật khớp đã giảm, bác sĩ sẽ chụp X-quang để tìm ra nguyên nhân trật khớp và xác định xem liệu chấn thương này có tái phát hay không (đôi khi khớp vai sẽ trở nên không ổn định và dẫn tới nguy cơ trật khớp cao hơn trong tương lai).
- Bạn có thể cần đeo nẹp tay trong vài tuần, sau đó, bạn có thể bắt đầu tiến hành vật lý trị liệu. Nếu được chữa trị kịp thời, chức năng của khớp vai sẽ được khôi phục hoàn toàn.
Hạn chế vận động
Bạn có thấy chuyển động cánh tay bị hạn chế không? Bạn có cảm thấy đau khi xoay vai không? Có thể bạn đang ở trong giai đoạn đầu của hội chứng đông cứng khớp vai.
Nguyên nhân của hội chứng đông cứng khớp vai là do bao hoạt dịch bao quanh khớp đang dày lên. Chứng bệnh này phát triển một cách từ từ và thường bắt nguồn từ một chấn thương nào đó, ngoài ra, nó cũng có thể liên quan tới các bệnh khác như tiểu đường. Khớp bị viêm dẫn tới hình thành các mô sẹo, khiến cho phần mô xung quanh khớp vai bị cứng lại.
Cách điều trị chứng đông cứng khớp vai:
- Điều trị thường gây đau, cần tiêm steroid và thuốc tê vào khớp để đẩy nhanh tốc độ hồi phục.
- Nên thực hiện một số động tác duỗi vai nhẹ nhàng để làm nóng vai. Phạm vi chuyển động sẽ dần dần được cải thiện khi bạn tham gia vật lý trị liệu thường xuyên, nhưng quá trình này có thể sẽ mất tới 1 năm để khớp vai có thể khôi phục được trạng thái bình thường.
- Nếu phương pháp điều trị không khả quan, đôi khi cần phải thực hiện phẫu thuật nội soi để loại trừ các bao khớp đặc.
Khi đã hiểu về nguy cơ thì việc phòng tránh chúng rất đơn giản. Và như lời bác sĩ luôn dặn dò, nếu muốn bảo vệ vai khỏi các chấn thương, hãy tập theo khả năng và vận động vừa sức!
Nếu bạn lo lắng về chấn thương hiện tại ở vùng vai, hãy đặt ngay lịch hẹn bác sĩ chuyên khoa.