Các khối u ở ngực là những khối phát triển trong tuyến vú. Mặc dù các khối u ở ngực thường không phải là ung thư, điều quan trọng là phải biết các dấu hiệu cảnh báo ung thư và khi nào cần đi khám bác sĩ.
Các Khối U Ở Ngực Là Gì?
Các khối u ở ngực là những khối phát triển trong tuyến vú. Có một số phụ nữ có thể cảm thấy những khối u nhỏ ở cả hai bên vú. Nếu những khối u này được cảm nhận ở cả hai bên vú, thì khả năng cao đây là mô vú bình thường. Một số phụ nữ bị đau các khối u ở ngực khi trải qua chu kỳ kinh nguyệt. Những khối u này hình thành do lượng chất lỏng tăng trong vú, nhưng chúng sẽ giảm dần và biến mất.
Tuy nhiên, bạn có thể cảm thấy các khối u to hoặc cứng hơn phần còn lại của vú. Mặc dù hầu hết các khối u đều không gây ung thư (còn được gọi là khối u lành tính), chúng có thể là nguồn gốc gây lo lắng, bồn chồn cho phần lớn phụ nữ. Trong khi khối u ở ngực hầu hết xảy ra ở phụ nữ, thì đàn ông đôi khi cũng gặp phải tình trạng này.
Các Triệu Chứng Của Khối U Ở Ngực Là Gì?
Một số thay đổi mà bạn có thể nhận thấy bao gồm:
Một khối u ở ngực tròn, mịn, chắc
Một khối u to, cho cảm giác chắc, di động dễ dàng dưới da
Một khối u ở ngực cứng, có hình dạng bất thường
Da nổi mẩn đỏ hoặc có những vết lõm giống như trái cam
Thay đổi kích thước hoặc hình dạng vú
Dịch rỉ ra từ núm vú
Những Nguyên Nhân Phổ Biến Gây Khối U Ở Ngực
U tuyến xơ vú (Fibroadenomas)
U tuyến xơ vú là một khối u lành tính (không gây ung thư) ở ngực, có đặc điểm chắc, mịn, tròn, và dễ di chuyển dưới da khi chạm vào. U tuyến xơ vú thường xuất hiện ở phụ nữ trong độ tuổi sinh sản, tuy nhiên nguyên nhân chính xác gây ra loại u này vẫn chưa được biết đến.
Thay đổi nang dạng xơ (Fibrocystic changes)
Sự thay đổi nang dạng xơ ở vú cho cảm giác đầy ở cả hai bầu ngực, có vùng bị cục, vón. Ngực cũng có thể đau khi chạm vào. Những thay đổi này thường liên quan đến chu kỳ kinh nguyệt và có xu hướng cải thiện sau khi chu kỳ kết thúc.
Nang vú đơn thuần (Simple cysts)
Nang vú đơn thuần là các túi chứa đầy dịch, thường ảnh hưởng đến cả hai bên vú. Chúng có thể có nhiều kích thước khác nhau, và kích thước đó thường xuyên thay đổi theo chu kỳ kinh nguyệt. Các nang vú này có thể được điều trị bằng phương pháp chọc hút bằng kim nhỏ, hoặc cũng có thể tự biến mất.
U nhú lòng ống (Intraductal papilloma)
U nhú lòng ống là một khối u nhỏ, giống như mụn cóc phát triển ở lớp niêm mạc của ống dẫn sữa, nằm gần núm vú. Loại u này thường ảnh hưởng đến phụ nữ trong độ tuổi từ 30 đến 50, và có thể khiến núm vú chảy máu.
Hoại tử mỡ sau sang chấn (Traumatic fat necrosis)
Hoại tử mô mỡ do chấn thương xảy ra khi có tổn thương đến ngực. Điều này khiến mô mỡ hình thành các khối u, thường có hình tròn, chắc, cứng, và không đau. Chúng thường hình thành theo từng khối một.
Khi Nào Tôi Cần Lo Lắng Về Các Khối U Ở Ngực?
Hầu hết phụ nữ lo lắng rằng các khối u ở ngực là dấu hiệu của ung thư. Ở phụ nữ từ 40 tuổi trở xuống, khoảng 80 – 85% các khối u ở ngực không gây ung thư.
Điều quan trọng là phải nhận biết các khối u ở ngực có khả năng gây ung thư, để việc điều trị sớm có thể được tiến hành. Một số dấu hiệu cảnh báo của ung thư vú bao gồm:
Thay đổi kích thước hoặc hình dạng của bầu ngực
Da vùng ngực có vết lõm, đỏ hoặc có vảy
Có khối u ở nách
Khối u tiếp tục phát triển lớn hơn
Khối u tồn tại ngay cả sau kỳ kinh nguyệt
Dịch rỉ ra từ núm vú
Núm vú bị kéo vào trong hoặc đảo ngược
Một phần của ngực trở nên sưng
Chẩn Đoán Khối U Ở Ngực
Khi bạn hỏi ý kiến bác sĩ về khối u ở ngực, ban đầu bác sĩ sẽ ghi nhận tiền sử bệnh án của bạn và tiến hành kiểm tra sức khỏe toàn diện. Bác sĩ cũng có thể yêu cầu thực hiện một số xét nghiệm sau đây:
Chụp tuyến vú (Mammogram) – Phương thức này sử dụng tia X để kiểm tra vú, tìm kiếm các dấu hiệu của ung thư.
Siêu âm tuyến vú (Breast ultrasound) – Siêu âm tuyến vú sử dụng sóng âm thanh để đánh giá các khối u ở vú
Chụp cộng hưởng từ vú (MRI) - Phương pháp này sử dụng từ trường và có thể tạo ra hình ảnh rất chi tiết về tuyến vú
Sinh thiết (Biopsy) - Sinh thiết là việc lấy ra một phần của khối u hoặc toàn bộ khối u, để xác định xem nó có gây ung thư hay không.
Các Loại Khối U Ở Ngực Gây Ung Thư Khác Nhau
Các khối u ở ngực gây ung thư có thể được phân loại theo nhiều cách. Cách phân loại phổ biến nhất là dựa trên loại tế bào cụ thể bị ảnh hưởng trong vú.
Ung thư biểu mô tuyến vú (Ductal carcinomas). Ung thư biểu mô tuyến vú là loại ung thư vú phổ biến nhất. Những khối u này bắt nguồn từ ống dẫn sữa.
Ung thư biểu mô tiểu thùy vú (Lobular carcinomas). Loại ung thư phổ biến thứ hai là ung thư biểu mô tiểu thùy vú. Những khối u này bắt nguồn từ các tuyến sản xuất sữa (gọi là tiểu thùy) của vú.
U mạch máu (Angiosarcoma). U mạch máu là một loại ung thư vú hiếm gặp. Khối u này bắt nguồn từ các tế bào lót (mạch máu hoặc mạch bạch huyết) của vú.
Bệnh Paget vùng núm vú (Paget’s disease). Bệnh Paget vùng núm vú cũng là một bệnh hiếm gặp. Loại này bắt nguồn từ các ống dẫn sữa, nhưng lan đến da của núm vú hoặc vùng da xung quanh núm vú.
U diệp dạng thể (Phyllodes tumours). U diệp dạng thể là loại khối u ở vú hiếm gặp, bắt nguồn từ mô liên kết của vú. Mặc dù phần lớn các khối u diệp dạng thể là lành tính, nhưng 10% trong số đó gây ung thư.
Ung thư vú cũng có thể được phân loại dựa trên việc chúng đã lan rộng hay chưa.
Ung thư vú tại chỗ (In situ breast cancer). Ung thư vú tại chỗ đề cập đến những khối u chưa lan vào các mô vú xung quanh.
Ung thư vú xâm lấn (Invasive breast cancer). Đây là những khối u đã xâm lấn hoặc thâm nhập vào các mô vú xung quanh.
Các Phương Pháp Điều Trị Khối U Ở Ngực Gây Ung Thư Là Gì?
Các phương pháp điều trị khối u ở ngực gây ung thư phụ thuộc vào loại ung thư vú và mức độ lây lan của căn bệnh. Các lựa chọn điều trị hiện có bao gồm:
Cắt u nang cục bộ (Lumpectomy) – Cắt u nang cục bộ bao gồm việc chỉ loại bỏ một phần của ngực.
Cắt bỏ toàn bộ tuyến vú (mastectomy) – Phương pháp này bao gồm việc loại bỏ toàn bộ tuyến vú.
Cắt một phần tư tuyến vú (Quadrantectomy) – Cắt một phần tư tuyến vú, là phẫu thuật cắt bỏ một phần tư tuyến vú và một số cơ bắp xung quanh.
Liệu pháp thuốc (Drug therapy) – Hiện có nhiều loại thuốc được sử dụng cho bệnh ung thư vú. Những loại thuốc này bao gồm thuốc hóa trị, liệu pháp hormon, và liệu pháp thuốc trúng đích.
Xạ trị (Radiation) – Xạ trị bao gồm việc sử dụng tia phóng xạ cường độ cao để tiêu diệt các tế bào ung thư.
Các Khối U Ở Ngực Có Tái Phát Hay Không?
Các khối u ở ngực có thể tái phát nhiều tháng hoặc nhiều năm sau khi điều trị. Nếu bạn đã trải qua phẫu thuật vú, bạn có thể cảm thấy các khối u được hình thành do mô sẹo. Tuy nhiên, một khối u tái phát cũng có thể là do ung thư vú quay trở lại. Các khối u ở ngực gây ung thư có thể tái phát ở vị trí ban đầu hoặc ở một vùng khác của vú.
Khi Nào Cần Gặp Bác Sĩ Vì Khối U Ở Ngực?
Tốt nhất là hãy hỏi ý kiến bác sĩ nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào dưới đây:
Khối u ở ngực kèm theo bất kỳ dấu hiệu cảnh báo nào của ung thư vú
Khối u ở ngực tái phát sau khi điều trị
Khối u ở ngực ở các bệnh nhân có tiền sử gia đình mắc ung thư vú, hoặc bệnh nhân trên 40 tuổi
Một bác sĩ phẫu thuật tổng quát có thể đánh giá khối u ở ngực của bạn và đưa ra lời khuyên về việc có cần thực hiện các xét nghiệm khác hay không.
Breast lump: Early evaluation is essential, retrieved on 10 September 2020 from https://www.mayoclinic.org/healthy-lifestyle/womens-health/in-depth/breast-lump/art-20044839. (8 July 2020)
Breast lumps, retrieved on 10 September 2020 from https://www.radiologyinfo.org/en/info.cfm?pg=breastlumps. (31 January 2020)
Breast Cancer, retrieved on 10 September 2020 from https://www.cdc.gov/cancer/breast/basic_info/symptoms.htm. (11 September 2018)
Komen SG. If you find a lump, retrieved on 10 September 2020 from https://ww5.komen.org/BreastCancer/WhatToDoIfYouFindaLump.html. (8 August 2020)
Hook DLB. When to Worry About Breast Lumps, retrieved on 10 September 2020 from https://www.everydayhealth.com/womens-health/when-to-worry-about-breast-lumps.aspx. (7 September 2017)
Pietrangelo A. Breast Lump, retrieved on 10 September 2020 from https://www.healthline.com/symptom/breast-lump. (14 August 2019)
Brazier Y. What are breast lumps?, retrieved on 10 September 2020 from https://www.medicalnewstoday.com/articles/186084. (12 July 2018)
Types of Breast Cancer, retrieved on 10 September 2020 from https://www.cancer.org/cancer/breast-cancer/understanding-a-breast-cancer-diagnosis/types-of-breast-cancer.html. (20 September 2019)
Breast cancer, retrieved on 10 September 2020 from https://www.hopkinsmedicine.org/breast_center/breast_cancers_other_conditions/phyllodes_tumors.html. (n.d.)
Recurrent breast cancer, retrieved on 10 September 2020 from https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/recurrent-breast-cancer/symptoms-causes/syc-20377135. (16 April 2020)
Recurrent Breast Cancer, retrieved on 10 September 2020 from https://www.breastcancer.org/symptoms/diagnosis/recurrent. (29 January 2020)
Drugs Approved for Breast Cancer, retrieved on 10 September 2020 from https://www.cancer.gov/about-cancer/treatment/drugs/breast. (16 July 2020)
Suspicious breast lumps. (2021, October 29) Retrieved November 29, 2021, from https://www.mayoclinic.org/diseases-conditions/suspicious-breast-lumps/symptoms-causes/syc-20352786
Breast Lumps: Causes & When to Call a Doctor. (2021, February 7) Retrieved November 29, 2021, from https://www.webmd.com/breast-cancer/guide/benign-breast-lumps