Dr Kew Chia Yng Cynthia
Bác Sĩ Sản Phụ Khoa
Nguồn: Shutterstock
Bác Sĩ Sản Phụ Khoa
Bác sĩ Cynthia Kew - bác sĩ sản phụ khoa tại Bệnh viện Mount Elizabeth Novena, chia sẻ về khả năng có em bé khi đã có tuổi, những nguy cơ tiềm ẩn có thể nảy sinh, và những mẹo để có một thai kỳ suôn sẻ.
Bất kể nỗ lực của chính phủ nhằm thúc đẩy sự hài hòa giữa công việc và cuộc sống, một số người vẫn cảm thấy khó có thể thu xếp lịch trình công việc bận rộn để hẹn hò. Do đó, lời phàn nàn “không có thời gian hẹn hò” trở nên quen thuộc, và những dự định về việc kết hôn hoặc bắt đầu xây dựng gia đình sẽ bị trì hoãn theo.
Đối với một số phụ nữ, phải đến khi gần chạm mốc tuổi 40, thì họ mới bắt đầu lo ngại rằng đồng hồ sinh học của mình đang chạy.
Đối với những ai có kế hoạch sinh con khi đã chạm ngưỡng tuổi 40, dưới đây là một số vấn đề cần cân nhắc.
Khả năng thụ thai suy giảm theo độ tuổi của người phụ nữ. Tỷ lệ phụ nữ thụ thai thành công sau một năm cố gắng là 75% đối với độ tuổi 30, so với 45% đối với độ tuổi 40.
Khi phụ nữ bước vào giai đoạn giữa đến cuối tuổi 30, chất lượng và số lượng trứng của họ sẽ suy giảm. Trứng của phụ nữ lớn tuổi cũng khó được thụ tinh hơn so với trứng của phụ nữ trẻ tuổi.
Ngay cả khi sử dụng các công nghệ hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong ống nghiệm (IVF), tỷ lệ thành công của những thủ thuật này cũng giảm dần theo độ tuổi của người phụ nữ. Điều này giải thích cho tình trạng: mặc dù hỗ trợ sinh sản đã trở nên phổ biến hơn, nhưng tỷ lệ thụ thai không tăng đáng kể ở phụ nữ trong độ tuổi 40 – 44.
Một số vấn đề cho cả người mẹ và em bé có xu hướng phát sinh cao hơn ở phụ nữ mang thai sau tuổi 30. Chúng bao gồm:
Những rủi ro khi mang thai cao hơn đối với phụ nữ trên 35 tuổi. Nguy cơ sảy thai và các biến chứng khi sinh nở tăng cao hơn nữa ở phụ nữ sau 45 tuổi.
Phụ nữ lớn tuổi có nguy cơ sảy thai cao hơn trong giai đoạn đầu của thai kỳ. Mức độ rủi ro này dao động khoảng 25% ở phụ nữ trên 35 tuổi, so với 12% ở tuổi dưới 30. Mức độ này lên đến hơn 90% ở phụ nữ trên 45 tuổi.
Thai ngoài tử cung là tình trạng thai nhi phát triển ở bên ngoài tử cung. Phụ nữ trên 35 tuổi có nguy cơ bị thai ngoài tử cung cao gấp 4 – 8 lần so với phụ nữ trẻ tuổi hơn.
Nguy cơ này cao hơn có thể là do nhiều yếu tố rủi ro tích lũy theo thời gian, chẳng hạn như viêm vùng chậu và các vấn đề về ống dẫn trứng. Triệu chứng của tình trạng này bao gồm đau bụng hoặc xuất huyết bất thường, nhưng cũng có thể không xuất hiện triệu chứng. Thông thường, bệnh nhân cần được điều trị bằng các mũi tiêm hoặc phẫu thuật, vì để lâu có thể dẫn đến hiện tượng chảy máu trong.
Khả năng mang thai đôi hoặc đa bào tăng theo độ tuổi của người mẹ. Mang thai đa bào có mối liên hệ với khả năng cao hơn về các vấn đề cho cả người mẹ và bé, và đòi hỏi phải được theo dõi chặt chẽ trong suốt thai kỳ.
Phụ nữ trên 40 tuổi có nguy cơ mắc bệnh tiểu đường thai kỳ (loại bệnh tiểu đường phát triển trong quá trình mang thai) cao gấp 3 – 6 lần so với phụ nữ trong độ tuổi 20 – 29. Nguy cơ tiểu đường thai kỳ trong cộng đồng là 3%, so với mức độ 7 – 12% ở phụ nữ trên 40 tuổi. Tiểu đường thai kỳ đặt ra nguy cơ cao hơn về các biến chứng tiềm ẩn cho người mẹ và bé trong quá trình mang thai, cũng như trong giai đoạn sinh nở.
Nguy cơ huyết áp cao do mang thai cũng cao hơn ở những người mẹ lớn tuổi hơn. Điều này dẫn đến rủi ro cao hơn trong việc phát triển một tình trạng gọi là tiền sản giật (pre-eclampsia), một biến chứng của thai kỳ với đặc trưng là huyết áp cao và những dấu hiệu tổn hại đến các hệ thống cơ quan khác, thường là thận. Nếu không được điều trị, tiền sản giật có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của cả người mẹ và em bé.
Theo độ tuổi, khả năng béo phì hoặc gặp phải các vấn đề y khoa, chẳng hạn như tiểu đường, cao huyết áp, và bệnh tim cũng cao hơn. Với bất kỳ vấn đề y khoa nào đã có sẵn, quá trình mang thai cần được giám sát kỹ hơn, nhằm theo dõi tình trạng bệnh trở nặng và các biến chứng cho thai kỳ. Nguy cơ phải nhập viện, sinh mổ, và sinh non cũng có thể gia tăng.
Nguy cơ gặp phải tình trạng bất thường nhiễm sắc thể tăng theo độ tuổi của người mẹ, đặc biệt là sau 35 tuổi. Điều này bao gồm hội chứng Down, một bất thường nhiễm sắc thể thường gặp ở phụ nữ mang thai.
Nguy cơ mang thai nhi bị hội chứng Down theo từng độ tuổi người mẹ:
Ở tuổi 30: 1 phần 950.
Ở tuổi 35: 1 phần 350.
Ở tuổi 40: 1 phần 100.
Ở tuổi 45: 1 phần 30.
Vì nguy cơ ngày càng gia tăng, bạn nên trao đổi với bác sĩ sản phụ khoa của mình về việc kiểm tra, phát hiện sự bất thường về nhiễm sắc thể.
Nguy cơ mắc bệnh tim ở trẻ sơ sinh của phụ nữ trên 40 tuổi gần như cao gấp 4 lần so với phụ nữ từ 20 - 24 tuổi. Nguy cơ mắc chân vòng kiềng (chân quay vào trong ở mắt cá chân) và thoát vị hoành (một lỗ trên cơ hoành cho phép các cơ quan trong bụng di chuyển vào khoang ngực) cũng tăng lên. Bác sĩ sản khoa của bạn sẽ sắp xếp một cuộc quét chi tiết để phát hiện những khuyết tật này.
Ở nhóm phụ nữ có độ tuổi 40 – 44, nguy cơ thai chết lưu cao gấp 3 lần so với phụ nữ trong độ tuổi từ 25 – 29. Do đó, thai nhi sẽ được theo dõi sát hơn khi đã gần đến ngày dự sinh.
Những em bé sinh non có thể gặp vấn đề về hô hấp do tình trạng phổi phát triển không đầy đủ. Chúng cũng dễ dàng mắc phải các vấn đề về sức khỏe trong giai đoạn đầu đời, chẳng hạn như nhiễm trùng, hiện tượng chảy máu não, và các vấn đề về việc điều hòa thân nhiệt và nồng độ glucose trong máu. Ngoài ra, trẻ sơ sinh sinh non cũng có nhiều khả năng bị các vấn đề về thính lực và thị lực, cũng như bệnh bại não – đặc biệt là nếu chúng được sinh ra trước khi đủ 32 tuần tuổi.
Bất kể tất cả những rủi ro nêu trên, vẫn có một số lợi thế khi trở thành cha mẹ ở độ tuổi lớn hơn.
Trong một nghiên cứu, người ta đã nhận thấy rằng phụ nữ càng lớn tuổi, sức khỏe và quá trình phát triển của con cái họ càng tốt cho đến khi trẻ đạt 5 tuổi. Những tiêu chí được nghiên cứu là chấn thương ngoài ý muốn, tỷ lệ tiêm chủng, sự phát triển ngôn ngữ và sự phát triển xã hội. Con cái của những bậc cha mẹ lớn tuổi mô tả rằng họ nhận được nhiều sự cống hiến, lòng kiên nhẫn và sự quan tâm hơn từ cha mẹ mình, cũng như hưởng lợi từ sự ổn định tài chính và tình cảm của cha mẹ.
Đến gặp bác sĩ phụ khoa để kiểm tra, phát hiện những vấn đề y khoa đã có sẵn, và đảm bảo bạn đang ở tình trạng sức khỏe tốt nhất trước khi nỗ lực có em bé. Bác sĩ phụ khoa cũng có thể theo dõi tiến triển của bạn, và thảo luận các quá trình xét nghiệm, các lựa chọn về điều trị – bao gồm các công nghệ hỗ trợ sinh sản như thụ tinh trong tử cung (IUI) hoặc thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nếu bạn gặp khó khăn trong việc mang thai.
Chọn một lối sống lành mạnh bằng cách tập thể dục và có chế độ ăn uống đúng đắn, đặt mục tiêu đạt được cân nặng bình thường trước khi mang thai.
Tránh những lựa chọn không lành mạnh cho lối sống, như là hút thuốc lá hoặc uống quá nhiều rượu bia.
Uống axit folic khi cố gắng thụ thai để giảm rủi ro về tình trạng bất thường của tủy sống hoặc sự phát triển não bộ của thai nhi.
Khi biết mình đã mang thai, bạn nên đặt lịch hẹn với bác sĩ sản phụ khoa để tiến hành quét siêu âm, nhằm xác nhận vị trí của thai nhi.
Tham dự các buổi hẹn tái khám theo lịch trình định sẵn của bác sĩ sản phụ khoa, để thai nhi được theo dõi sát sao trong quá trình phát triển, giúp phát hiện sớm các biến chứng có thể xảy ra.