-
-
Khu vực chăm sóc và điều trị
Nguồn: Getty Images
Hormone là các tín hiệu hóa chất được tiết ra thông qua dòng máu, và rất cần thiết để cơ thể chúng ta hoạt động đúng. Hormone hỗ trợ điều tiết các quá trình trong cơ thể, như sự thèm ăn của chúng ta, kiểm soát cân nặng, sự tăng trưởng, cân bằng chất lỏng, nữ hóa và nam hóa.
Hệ thống nội tiết là hệ thống các tuyến trong cơ thể chịu trách nhiệm sản xuất ra hormone. Các tuyến nội tiết này bao gồm tuyến yên, tuyến tùng và vùng dưới đồi trong não; tuyến thượng thận ở phía trên thận; tuyến giáp và tuyến cận giáp ở cổ; tuyến tụy; buồng trứng ở nữ giới và tinh hoàn ở nam giới. Các cơ quan khác trong cơ thể, như bao tử, gan và ruột cũng tiết ra các loại hormone liên quan đến tiêu hóa và được coi là một phần của hệ thống nội tiết.
Khi bất kì tuyến nội tiết nào trong cơ thể không hoạt động đúng, nó có thể biểu hiện với hàng loạt các triệu chứng khác nhau báo hiệu một rối loạn nội tiết. Triệu chứng sẽ tùy thuộc vào loại hormone liên quan và mức độ mất cân bằng nội tiết. Do các hormone của chúng ta có thể ảnh hưởng đến nhiều cơ quan trên diện rộng khắp cơ thể, triệu chứng có thể dao động từ mức tối thiểu đến mức nghiêm trọng. Nhưng nếu không được chữa trị, rối loạn nội tiết có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng, kể cả tử vong.
Điều trị rối loạn nội tiết phụ thuộc vào từng rối loạn cụ thể và thường tập trung vào việc điều chỉnh và cân bằng mức hormone. Thông thường điều này được thực hiện bằng việc sử dụng thuốc hoặc hormone tổng hợp. Trong các trường hợp nặng hơn, hoặc khi nguyên nhân gốc rễ là một khối u, có thể cần đến phẫu thuật hoặc xạ trị để đạt được mức cân bằng nội tiết.
Các rối loạn nội tiết thường gặp bao gồm bệnh tiểu đường, bệnh Grave hoặc cường giáp (quá trình sản xuất hormone tuyến giáp), viêm tuyến giáp Hashimoto hoặc suy giáp (tuyến giáp sản xuất không đủ lượng hormone), hội chứng Cushing (mức cortisol hoặc hormone stress cao kéo dài), bệnh to đầu chi (sản xuất quá mức hormone tăng trưởng), bệnh Addison (tuyến thượng thận sản xuất không đủ lượng hormone), và khối u tuyến yên (tuyến yên sản xuất quá mức prolactin).
Điều này có thể nghe qua có vẻ rất phức tạp, nhưng có thể được kiểm soát một cách hiệu quả bởi Bác sĩ Gia đình (GPs). Đặc biệt đối với các rối loạn nội tiết sau đây:
Bệnh tiểu đường là một trong những bệnh mãn tính phổ biến nhất trên thế giới, và được nhận diện bởi mức glucose (đường) trong máu cao.
Bệnh tiểu đường xảy ra khi cơ thể không có khả năng sản xuất đủ lượng hormone insulin ở tuyến tụy (bệnh tiểu đường tuýp 1), hoặc khi cơ thể có độ nhạy cảm với insulin bị giảm (bệnh tiểu đường tuýp 2).
Bệnh tiểu đường tuýp 2 phổ biến hơn ở người trưởng thành, và phần lớn bệnh nhân không có các triệu chứng đáng chú ý. Thường bệnh sẽ được chuẩn đoán thông qua các xét nghiệm máu định kì hoặc trong quá trình sàng lọc sức khỏe. Trong các trường hợp nghiêm trọng, các triệu chứng báo hiệu bệnh tiểu đường bao gồm lượng nước tiểu thải nhiều bất thường (đa niệu), thức dậy vào ban đêm để đi tiểu (tiểu đêm), khát nước bất thường (đa ẩm), mờ mắt, và sụt cân.
Trong khi không có phương thức chữa trị cho bệnh tiểu đường, bệnh lý này có thể được kiểm soát để giảm thiểu tác động của các triệu chứng và các biến chứng. Bệnh nhân có khả năng kiểm soát tốt bệnh tiểu đường của mình bằng thuốc men hoặc thay đổi lối sống thường có ít biến chứng hơn. Trong các trường hợp bệnh tiểu đường kém kiểm soát, bệnh nhân sẽ có nguy cơ bị đau tim, đột quỵ, hoặc thậm chí tử vong. Các biến chứng khác bao gồm bệnh lý về mắt (bệnh võng mạc do tiểu đường); các vấn đề về bàn chân như tổn hại hệ thần kinh (bệnh thần kinh do tiểu đường) và loét, cũng như các bệnh về thận liên quan đến tiểu đường.
Đây là lý do tại sao điều quan trọng là bệnh nhân tiểu đường phải tuân thủ theo các kế hoạch kiểm soát bệnh lý và tái khám đúng yêu cầu của bác sĩ. Bác sĩ gia đình có thể kê toa các chương trình điều trị, trong đó sẽ bao gồm điều chỉnh lối sống như giảm thiểu hấp thụ rượu/bia, tập thể dục đều đặn, bỏ thuốc lá, và kiểm soát chế độ dinh dưỡng. Hầu hết bệnh nhân loại 2 cũng cần phải dùng thuốc (viên hoặc chích), trong khi bệnh nhân tiểu đường loại 1 cần phải chích insulin suốt đời.
Cường giáp xảy ra khi tuyến giáp tăng cường hoạt động sản xuất quá nhiều hormone tuyến giáp. Trong khi hormone tuyến giáp có vai trò quan trọng trong khả năng điều tiết quá trình chuyển hóa của cơ thể (cách cơ thể sử dụng và tích trữ năng lượng), việc sản xuất quá mức hormone này có thể gây ra vấn đề.
Các triệu chứng phổ biến của bệnh cường giáp bao gồm cảm giác lo lắng, bực bội, mất ngủ, yếu ớt hoặc mệt mỏi, run rẩy, không chịu nổi nhiệt, tim đập nhanh, giảm cân, hoặc tiêu chảy. Đối với nữ giới, cường giáp có thể dẫn đến kinh nguyệt không đều hoặc mất kinh.
Nguyên nhân phổ biến nhất của cường giáp là bệnh Grave, khi hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất ra một loại kháng thể kích thích việc sản xuất quá mức hormone ở tuyến giáp. Các nguyên nhân khác bao gồm các u tuyến giáp (đặc), viêm tuyến giáp (tình trạng viêm ở tuyến giáp), hoặc dùng quá nhiều thuốc hormone tuyến giáp (thường dùng để điều trị suy giáp).
Điều trị cường giáp bao gồm dùng thuốc, iốt phóng xạ, hoặc phẫu thuật. Bác sĩ gia đình sẽ xác định phương thức điều trị phù hợp nhất dựa trên nguyên nhân gốc rễ và mức độ trầm trọng của bệnh cường giáp, và sẽ cân nhắc đến sự lựa chọn ưa thích của bệnh nhân.
Suy giáp có nguyên nhân là việc tuyến giáp sản xuất không đủ lượng hormone tuyến giáp. Nguyên nhân phổ biến nhất của suy giáp là bệnh Hashimoto, khi hệ thống miễn dịch của cơ thể sản xuất một loại kháng thể gây tấn công tuyến giáp. Tình trạng này dẫn đến hoạt động giảm sút của tuyến giáp, giảm hoặc không có khả năng sản xuất hormone tuyến giáp. Các nguyên nhân khác bao gồm các phương thức điều trị tăng cường giáp, chẳng hạn như phẫu thuật loại bỏ tuyến giáp hoặc điều trị bằng iốt phóng xạ.
Bệnh nhân mắc phải tình trạng suy giáp mức độ nhẹ có thể không có biểu hiện triệu chứng, trong khi bệnh nhân bị suy giáp nặng hơn có thể gặp phải tình trạng mệt mỏi, tăng cân, không chịu được lạnh, da khô và dày lên, sưng lưỡi, khản tiếng, tóc khô gãy rụng, móng tay dễ gãy, nhịp tim chậm hơn, thở nông khi vận động, và táo bón. Suy giáp cũng có thể gây ra các chu kì kinh nguyệt không đều hoặc kinh nguyệt cường độ cao ở phụ nữ.
Phương thức điều trị suy giáp tập trung vào việc cân bằng mức hormone tuyến giáp. Điều này có thể đạt được thông qua việc thay thế hormone tuyến giáp bằng thuốc hormone tổng hợp, dạng viên nén.
Các u tuyến giáp là các khối u trong tuyến giáp, thường được phát hiện tình cờ trong quá trình khám lâm sàng thông thường của bác sĩ, khi kiểm tra sức khỏe định kì, hoặc trong suốt quá trình chiếu chụp (chụp CT phổi hoặc cổ, chụp siêu âm cảnh, hoặc chụp PET - chụp cắt lớp phát xạ positron) nhằm khảo sát các tình trạng y tế khác. Tuy nhiên, một số u tuyến giáp có thể đủ to để có thể nhìn thấy, hoặc gây ra các triệu chứng chèn ép như khó thở hoặc khó nuốt, và khản tiếng.
Có rất nhiều nguyên nhân gây ra các u tuyến giáp - bao gồm sự phát triển quá mức của các mô tuyến giáp bình thường, tích tụ dịch (nang), viêm nhiễm mãn tính tuyến giáp, thiếu i-ốt, hoặc ung thư tuyến giáp. Điều đặc biệt quan trọng là cần phải kiểm tra bất kể u tuyến giáp nào nhằm loại trừ khả năng ung thư. May mắn thay, hầu hết các u tuyến giáp đều lành tính và không gây ra bất kể triệu chứng nào. Chỉ có một tỉ lệ nhỏ các u tuyến giáp (4 – 6.5%) là ung thư.
Phương án điều trị lệ thuộc vào loại và kích thước u tuyến giáp. U lành tính nhỏ có thể được theo dõi bằng hình thức siêu âm thường xuyên. U có khả năng chứa tế bào ung thư cần được sinh thiết để loại trừ nguy cơ bệnh lý này, và các u đã được xác định là ung thư nên được loại bỏ bằng phẫu thuật.
Testosterone thấp (hội chứng thiếu testosterone/tuyến sinh dục nam suy giảm) là một bệnh lý phổ biến có ảnh hưởng đến khoảng 25% nam giới từ 45 tuổi trở lên. Việc chuẩn đoán và điều trị mức testosterone thấp là quan trọng do mối tương quan giữa testosterone thấp và nhiều loại bệnh mãn tính, như tiểu đường tuýp 2, cao huyết áp, viêm khớp, bệnh tim, đột quỵ, viêm phổi, và trầm cảm.
Tiếc rằng, nhiều bệnh nhân có nồng độ testosterone thấp chưa được chuẩn đoán do gặp phải khó khăn trong việc nhận diện các dấu hiệu và triệu chứng. Do các dấu hiệu và triệu chứng thường lệ thuộc vào độ tuổi xuất hiện và mức độ nghiêm trọng của bệnh lý. Các dấu hiệu điển hình của tình trạng thiếu hụt testosterone bao gồm mức năng lượng thấp, giảm ham muốn tình dục, rối loạn chức năng cương dương, tâm trạng trầm cảm, khó tập trung và giảm trí nhớ, dễ cáu gắt, cơ quan sinh dục nhỏ, giảm lông trên cơ thể/mặt, mất khối lượng cơ, và mô vú nở ra (nữ hóa tuyến vú).
Nguyên nhân của tình trạng testosterone thấp có thể bao gồm các bệnh lý (như nhiễm trùng hoặc chấn thương) ở tinh hoàn hoặc não (vùng dưới đồi hoặc tuyến yên). Nguyên nhân khác bao gồm nghiện rượu, bệnh gan, suy thận, các tình trạng viêm nhiễm như sarcoidosis, HIV/AIDS, và tác dụng phụ của thuốc như opioids hoặc hóa trị liệu.
Điều trị mức testosterone thấp được thực hiện bằng các phương pháp điều trị thay thế testosterone. Có thể dùng nhiều phương thức – tiêm bắp, miếng dán testosterone, hoặc gel bôi testosterone.
Cũng như hầu hết các bệnh lý khác, việc phát hiện và điều trị các rối loạn nội tiết sớm có thể hỗ trợ bạn kiểm soát tốt hơn bệnh lý và các triệu chứng của nó. Nếu bạn lo rằng bạn có thể đang mắc phải tình trạng mất cân bằng hormone hoặc các bệnh lý có liên quan đến hormone, hãy tìm kiếm ý kiến của Bác sĩ Gia đình.