FESS là gì?
FESS là thủ thuật xâm lấn tối thiểu được dùng để nhìn thấy, chẩn đoán và điều trị các vấn đề về xoang. Không giống như phẫu thuật xoang thông thường, kỹ thuật này không cần vết mổ bên ngoài.
Vì FESS là một dạng nội soi mũi nên sẽ có một ống nội soi và các dụng cụ phẫu thuật chuyên dụng được đưa vào mũi. Các dụng cụ này sẽ giúp bác sĩ:
- Tiếp cận và nhìn được bên trong mũi và xoang bằng hệ thống camera gắn vào ống nội soi.
- Sử dụng dụng cụ chuyên dụng để loại bỏ tắc nghẽn xoang. Tắc nghẽn có thể do viêm và sưng trong xoang. Nếu không điều trị, tắc nghẽn có thể chặn dòng lưu thông chất nhầy và gây ra viêm xoang, dẫn đến đau, tiết dịch và khó thở.
Tại sao cần FESS?
FESS dùng để điều trị:
- Viêm xoang cấp tính nặng
- Viêm xoang cấp tính tái phát
- Viêm xoang mạn tính
- Bệnh đa polyp mũi
Cũng có thể dùng kỹ thuật phẫu thuật FESS để cắt bỏ u trong mũi và xoang.
Các nguy cơ và biến chứng của FESS là gì?
Giống như bất kỳ phẫu thuật nào, phương pháp FESS có một số nguy cơ, chẳng hạn như:
Chảy máu
Trong khi phẫu thuật, mất một lượng máu nhỏ là bình thường. Nếu chảy máu quá nhiều, ca phẫu thuật có thể bị dừng lại. Tuy nhiên, điều này rất hiếm khi xảy ra.
Sau khi phẫu thuật, thường sẽ bị chảy máu nhẹ trong 24 giờ đầu. Hầu hết bệnh nhân có thể chịu được chảy máu nhẹ trong và sau khi phẫu thuật. Để kiểm soát chảy máu sau khi phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật có thể đặt xốp cầm máu tạm thời vào trong mũi.
Nhiễm trùng
Mặc dù FESS giúp giảm mức độ nhiễm trùng trong xoang, vẫn có nguy cơ nhỏ nhiễm trùng. Để điều trị, kiểm soát hoặc giảm nguy cơ nhiễm trùng, bác sĩ thường cho kháng sinh trong và sau khi phẫu thuật.
Thay đổi về thị lực
Trong kỹ thuật FESS, phẫu thuật được thực hiện rất gần hoặc ngay tại xương ngăn cách giữa xoang và mắt. Mặc dù rất hiếm gặp, tổn thương vô ý cho mắt hoặc chảy máu quanh mắt có thể dẫn đến song thị hoặc mất thị lực. Những thay đổi này có thể là tạm thời hoặc vĩnh viễn.
Một biến chứng hiếm gặp khác là tổn thương ống dẫn nước mắt từ mí mắt xuống mũi. Biến chứng này có thể dẫn đến chảy nước mắt quá nhiều. Tuy nhiên, có thể sửa chữa tình trạng này bằng cách phẫu thuật túi nước mắt.
Rò rỉ dịch não tủy (CSF)
Trong kỹ thuật FESS, phẫu thuật được thực hiện rất gần hoặc ngay tại xương ngăn cách giữa mũi hoặc xoang với não. Mặc dù rất hiếm gặp, rò rỉ CSF có thể xảy ra do cử động vô ý của xương. Thường cần phẫu thuật để sửa chữa tình trạng rò rỉ CSF. Tuy nhiên, phẫu thuật này hầu như luôn được thực hiện bằng nội soi qua lỗ mũi.
Bạn chuẩn bị cho FESS như thế nào?
Trước thủ thuật FESS, bác sĩ có thể khuyên bạn:
- Làm xét nghiệm hoặc khám lâm sàng để kiểm tra sức khỏe và đánh giá xem bạn có phù hợp để phẫu thuật không.
- Hãy báo cho bác sĩ biết về tất cả loại thuốc bạn đang sử dụng, vì một số có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong và sau thủ thuật FESS.
- Dùng thuốc kháng viêm theo chỉ định của bác sĩ nếu cần.
- Bỏ hút thuốc ít nhất 3 – 4 tuần trước khi phẫu thuật.
Điều gì sẽ xảy ra trong FESS?
FESS thường là phẫu thuật trong ngày, mặc dù một số bệnh nhân muốn nằm viện trong đêm đầu tiên sau phẫu thuật.
Đa số bệnh nhân sẽ được gây mê toàn thân. Tuy nhiên, tùy vào tình trạng của bạn, bác sĩ có thể khuyến cáo thực hiện FESS trong khi gây tê tại chỗ.
Thời gian ước tính
Đa số thủ thuật FESS mất khoảng 1 – 3 giờ.
Trước thủ thuật
Nếu thủ thuật được thực hiện trong khi:
- Gây mê toàn thân, bạn có thể cần nhịn ăn uống trong 6 giờ trước khi phẫu thuật.
- Gây tê tại chỗ, bác sĩ phẫu thuật sẽ gây tê mũi bằng thuốc xịt và các miếng tẩm thuốc gây tê (các miếng tẩm thuốc là các dải gạc rất nhỏ). Nếu cần, bác sĩ có thể dùng thêm thuốc gây tê tại chỗ qua đường tiêm. Bác sĩ sẽ hỏi xem bạn có cảm thấy thoải mái không trước khi tiến hành phẫu thuật.
Trong khi thực hiện thủ thuật
Bác sĩ sẽ:
- Sử dụng ống nội soi và hệ thống camera để nhìn trong mũi và xoang. Để thực hiện phẫu thuật, bác sĩ sẽ dùng các dụng cụ chuyên dụng.
- Cắt bỏ các vách ngăn rất mảnh trong khoang xoang để mở rộng lỗ mở vào trong xoang. Khi cắt bỏ các vách ngăn này, bác sĩ sẽ bảo toàn các cấu trúc quan trọng trong mũi.
- Hút mủ hoặc cắt bỏ polyp trong xoang thông qua các lỗ mở rộng hơn vào trong xoang, và rửa các khoang xoang bằng nước muối sinh lý.
- Dán băng thích hợp trong khoang xoang để giúp lớp niêm mạc xoang liền lại.
Sau thủ thuật
Bạn sẽ được chuyển sang phòng hồi sức để theo dõi đến khi bạn tỉnh. Đa số bệnh nhân có thể về nhà trong ngày, nhưng một số bệnh nhân có thể chọn nằm viện qua đêm để theo dõi.
Trong khi theo dõi, bác sĩ sẽ tháo băng trong khoang xoang. Bác sĩ sẽ đề xuất nếu bạn cần đặt xốp cầm máu mũi tạm thời để kiểm soát chảy máu sau khi phẫu thuật. Xốp cầm máu mũi thường được đặt trong 24 – 48 giờ.
Chăm sóc và phục hồi sau FESS
Trong giai đoạn hồi phục, bạn cần tránh:
- Tiếp xúc với khói.
- Xì mũi quá mạnh.
- Hoạt động gắng sức, có thể gây chảy máu mũi.
- Cho bất cứ thứ gì vào trong mũi, bao gồm khăn giấy, vì có thể gây nhiễm trùng.
- Thuốc giảm đau có chứa hoặc liên quan đến aspirin, vì các loại thuốc này làm loãng máu và có thể gây tăng nguy cơ chảy máu. Tuy nhiên, bạn có thể dùng paracetamol nếu cần.
- Đến những nơi đông người để giảm nguy cơ bị lây cảm lạnh hoặc cúm. Đặc biệt là cảm lạnh hoặc cúm sẽ không thoải mái chút nào khi mũi vẫn đang trong quá trình lành lại.
Các tác dụng phụ thường gặp
Mũi có thể bị nghẹt trong vài tuần đầu. Cũng có thể có vảy bên trong. Để loại bỏ nghẹt và vảy, bạn có thể:
- Sử dụng nước muối sinh lý cho mũi.
- Ngồi trước một bát nước nóng bốc hơi và hít hơi nước nóng 2 – 3 lần/ngày.
Bạn cũng có thể có tiết dịch dính máu trong vài ngày đầu, điều này là bình thường. Tuy nhiên, chảy máu mũi nhiều với máu đỏ tươi thì không bình thường. Nếu điều đó xảy ra, hãy ngồi xuống và bóp mũi trong khi thở bằng miệng.
Nếu có người ở gần bạn, hãy nhờ họ cho một vài viên đá nhỏ vào trong túi nilon và giữ trên sống mũi. Hoặc là bạn có thể ngậm đá viên. Nếu máu không ngừng chảy trong vòng 15 phút, hãy đến khoa cấp cứu (A&E).