Xạ trị điều biến cường độ (IMRT) là gì?
Xạ trị điều biến cường độ (IMRT), xạ trị điều biến thể tích cung tròn (VMAT) và xạ trị cắt lớp tăng cường thêm khả năng định hình liều phóng xạ để khớp với hình dạng u, so với xạ trị 3D theo hình dạng khối u (3D-CRT).
Trong 3D-CRT, hình dạng của liều phóng xạ về cơ bản chỉ là các hình vuông hoặc hình chữ nhật đơn giản vì cường độ đồng nhất trong toàn bộ trường phóng xạ.
Trong IMRT, VMAT hoặc xạ trị cắt lớp, sử dụng số trường phóng xạ lớn hơn kết hợp với sự thay đổi cường độ chùm tia trong mỗi trường phóng xạ cho phép bác sĩ xạ trị ung thư tạo ra bất kỳ hình dạng gì để khớp với u và tránh các cơ quan bình thường.
Ví dụ như khi u bọc xung quanh một cơ quan bình thường, IMRT, VMAT và xạ trị cắt lớp có thể tạo liều phóng xạ hình chữ C để điều trị u và tránh cơ quan bình thường ở trung tâm. Trong khi với 3D-CRT, cơ quan bình thường ở trung tâm sẽ nhận toàn bộ liều lượng như u bọc xung quanh.
IMRT, VMAT và xạ trị cắt lớp sử dụng phương pháp khác để đạt được kết quả định hình liều tương đương và nhìn chung có thể hoán đổi với nhau.
IMRT và xạ trị có hướng dẫn của hình ảnh
Xạ trị có hướng dẫn của hình ảnh (IGRT) có thể dùng để bổ sung cho IMRT để tăng độ chính xác về vị trí của xạ trị. IGRT sử dụng công nghệ chẩn đoán hình ảnh như X-quang để hiển thị vị trí u để chiếu xạ trị chính xác.
Tại sao cần IMRT?
IMRT có một số ưu điểm như là:
- Tăng tỷ lệ chữa khỏi. Có thể dùng các liều phóng xạ cao hơn để tiêu diệt u.
- Ít tác dụng phụ hơn. Tập trung chùm tia phóng xạ vào mục tiêu cho phép chúng ta hạn chế bớt tác dụng phụ bằng cách tránh hoặc giảm phơi nhiễm cho các mô lành xung quanh.
- Một phương án cho điều trị lại. Nếu cần điều trị lại, IMRT được ưu tiên lựa chọn để giảm tổn thương cơ quan bình thường.
- Nhiều người có thể điều trị hơn. Xạ trị cho phép điều trị u kể cả khi khó tiếp cận u hoặc u nằm gần với cơ quan quan trọng.
- Chất lượng cuộc sống tốt hơn. Cơ thể phục hồi tốt hơn khi dùng IMRT so với xạ trị thông thường.
Các nguy cơ và biến chứng của IMRT là gì?
Xạ trị có thể gây ra tác dụng phụ. Tác dụng phụ có thể do bản thân điều trị hoặc tổn thương do phóng xạ cho các tế bào khỏe mạnh xung quanh khu vực điều trị. Tác dụng phụ có thể khác nhau tùy theo loại cấu trúc mô gần u được chiếu xạ.
Trong những trường hợp hiếm gặp, ung thư mới, khác với loại ung thư ban đầu được điều trị, có thể xuất hiện nhiều năm sau đó. Sau khi điều trị, bác sĩ sẽ thường xuyên kiểm tra các biến chứng và tái phát hoặc ung thư mới.
Tìm hiểu thêm về các nguy cơ của xạ trị.
Bạn chuẩn bị cho IMRT như thế nào?
Có một số bước lập kế hoạch điều trị IMRT:
- Bác sĩ sẽ khám lâm sàng và xem xét bệnh sử của bạn.
- Sẽ có một buổi mô phỏng điều trị, bao gồm chụp cắt lớp vi tính (CT). Bác sĩ sẽ dùng hình chụp này để lên kế hoạch điều trị cá nhân cho bạn.
- Trong buổi này, một dấu hoặc hình xăm nhỏ có thể được đánh dấu lên da để giúp căn chỉnh và nhắm đích cho thiết bị.
Trong một số trường hợp bạn có thể cần:
- Đeo mặt nạ hoặc khuôn đặc biệt để giữ bạn nằm yên trong khi điều trị.
- Tuân theo quy trình chuẩn bị ruột và bàng quang hoặc nhịn ăn trước buổi mô phỏng và điều trị.
- Tiêm thuốc cản quang qua tĩnh mạch trong khi chụp CT để giúp xác định u rõ hơn.
- Thực hiện thêm các thủ thuật chẩn đoán hình ảnh, như chụp cắt lớp bằng bức xạ positron (PET) và chụp cộng hưởng từ (MRI). Các hình ảnh chẩn đoán này có thể được lồng ghép với hình chụp CT lên kế hoạch và giúp bác sĩ xác định vị trí chính xác của khối u mục tiêu.
- Đưa các chỉ dấu phóng xạ vào mục tiêu (u) để xác định vị trí chính xác hơn.
Buổi trị liệu IMRT thường bắt đầu khoảng 1 – 2 tuần sau buổi mô phỏng.
Điều gì sẽ xảy ra trong IMRT?
IMRT thường cần nhiều buổi điều trị (phân liều) trong các ngày khác nhau. Để quyết định số lần điều trị, bác sĩ sẽ cân nhắc:
- Liều lượng đến các cấu trúc mô bình thường
- Vị trí, loại và kích cỡ u
- Sức khỏe của bạn
Thường thì bệnh nhân được lên lịch các buổi IMRT trong 5 ngày mỗi tuần, kéo dài 5 – 8 tuần.
Thời gian ước tính
Buổi điều trị thường mất từ 15 – 60 phút.
Trước thủ thuật
Khi bắt đầu buổi điều trị, bạn sẽ được đặt vị trí trên bàn điều trị, dựa theo dấu trên da (hình xăm) để xác định khu vực điều trị.
Nếu có làm mặt nạ hoặc dụng cụ đúc theo khuôn, bạn sẽ được dùng để giúp bạn giữ nguyên vị trí thích hợp.
Bạn có thể được điều chỉnh vị trí trong khi thực hiện thủ thuật.
Bác sĩ hoặc bác sĩ chẩn đoán hình ảnh sẽ dùng hệ thống chẩn đoán hình ảnh trên máy điều trị như là X-quang hoặc CT để kiểm tra việc đặt vị trí và vị trí đánh dấu.
Trong khi thực hiện thủ thuật
Sau khi ở vị trí thích hợp, nhân viên y tế sẽ để bạn ở lại một mình trong phòng. Việc này giúp họ tránh bị phơi nhiễm phóng xạ.
Bạn có thể nói chuyện với bác sĩ hoặc các nhân viên thông qua thiết bị giao tiếp nội bộ. Họ có thể yêu cầu bạn thở nông hoặc nín thở trong khi điều trị.
Bạn sẽ không bị đau hay khó chịu trong khi điều trị IMRT. Tuy nhiên, nếu bạn cảm thấy khó chịu, hãy báo cho nhân viên để họ có thể dừng máy.
Sau thủ thuật
Trong quá trình điều trị diễn ra và bạn đã thực hiện một số buổi điều trị, bạn có thể gặp phải các tác dụng phụ liên quan đến điều trị.
Số lượng và mức độ nặng của tác dụng phụ sẽ tùy thuộc vào loại phóng xạ, liều lượng và bộ phận cơ thể được điều trị.
Các tác dụng phụ sớm xảy ra trong hoặc ngay sau khi điều trị và thường biến mất trong vài tuần. Các triệu chứng này bao gồm:
- Tiêu chảy
- Các vấn đề về ăn uống và tiêu hóa
- Mệt mỏi
- Rụng tóc/lông ở khu vực điều trị
- Đau đầu
- Các vấn đề ở miệng và khó nuốt
- Buồn nôn và nôn
- Các vấn đề về da - da ở vùng điều trị có thể bị nhạy cảm, đỏ, kích ứng hoặc sưng. Các thay đổi khác bao gồm khô, ngứa, bong da và phồng rộp
- Đau và sưng ở khu vực điều trị
- Thay đổi về tiết niệu và bàng quang
Hãy nói với bác sĩ hoặc y tá để họ có thể giúp bạn kiểm soát tác dụng phụ.
Các tác dụng phụ muộn có thể xảy ra vài tháng hoặc vài năm sau khi điều trị. Mặc dù các tác dụng phụ này thường là vĩnh viễn nhưng hiếm khi xảy ra. Các triệu chứng này bao gồm:
- Thay đổi về não
- Thay đổi về đại tràng và trực tràng
- Vô sinh
- Thay đổi về khớp
- Thay đổi về thận
- Thay đổi về phổi
- Phù bạch huyết
- Thay đổi về miệng
- Ung thư thứ phát
- Thay đổi về tủy sống
Bác sĩ sẽ thảo luận với bạn về các tác dụng phụ tiềm ẩn và cách kiểm soát.
Chăm sóc và phục hồi sau IMRT
Bạn có thể phải đi tái khám thường xuyên với bác sĩ để kiểm tra về tiến trình phục hồi và xem có tác dụng phụ nào không, tác dụng phụ có thể xảy ra khá lâu sau thủ thuật.
Hãy liên hệ với bác sĩ nếu bạn thấy có triệu chứng mới để họ có thể giúp bạn kiểm soát triệu chứng.