Phẫu thuật cắt bỏ thận là gì?
Phẫu thuật cắt bỏ thận là một thủ thuật cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần thận. Bác sĩ thực hiện thủ thuật này để cắt bỏ thận bị bệnh hoặc bị ung thư, hoặc thận khỏe mạnh trong trường hợp ghép thận từ người hiến sống.
Các loại phẫu thuật cắt bỏ thận
Có hai loại phẫu thuật cắt bỏ thận chính:
- Phẫu thuật cắt bỏ thận hoàn toàn (hay triệt để). Bác sĩ phẫu thuật cắt bỏ toàn bộ thận và các cấu trúc khác, như là niệu quản (đường ống nối thận với bàng quang), tuyến thượng thận hoặc hạch bạch huyết.
- Cắt bỏ một phần thận. Bác sĩ phẫu thuật chỉ cắt phần mô thận bị bệnh và để nguyên phần còn lại của thận như cũ.
Nếu quý vị đang mắc ung thư thận và kích thước u lớn (hơn 7cm), nằm ở trung tâm, hoặc cả hai, sự lựa chọn tốt nhất là cắt bỏ toàn bộ thận, tùy theo thảo luận giữa bạn và bác sĩ phẫu thuật.
Tuy nhiên, nếu chức năng thận của quý vị bị yếu (ví dụ như quý vị chỉ còn một bên thận), khi đó bác sĩ phẫu thuật có thể đề nghị chỉ cắt bỏ một phần thận bị tổn thương.
Nếu cần cắt bỏ cả hai thận, thủ thuật này gọi là phẫu thuật cắt bỏ thận hai bên.
Các kỹ thuật phẫu thuật cắt bỏ thận
Có thể thực hiện phẫu thuật cắt bỏ thận bằng một trong hai phương pháp sau đây.
- Phẫu thuật cắt bỏ thận mở, trong đó bác sĩ phẫu thuật rạch một đường lớn trên bụng để tiếp cận vào thận
- Phẫu thuật cắt bỏ thận bằng phương pháp nội soi, trong đó bác sĩ phẫu thuật rạch một số đường nhỏ trên bụng, sử dụng camera và các thiết bị nhỏ
Do bản chất xâm lấn tối thiểu, phẫu thuật cắt bỏ thận bằng phương pháp nội soi đang trở thành lựa chọn phổ biến hơn.
Tại sao bạn cần phẫu thuật cắt bỏ thận?
Bạn có thể cần phẫu thuật cắt bỏ thận để cắt bỏ toàn bộ hoặc một phần thận nếu thận:
- Có khối u, có thể là ung thư hoặc không phải ung thư
- Bị nhiễm trùng
- Không còn hoạt động được (suy thận)
Nếu bạn hiến tặng một quả thận cho bệnh nhân suy thận giai đoạn cuối, bác sĩ sẽ thực hiện phẫu thuật cắt bỏ thận để lấy thận ra.
Ai không nên được phẫu thuật cắt bỏ thận?
Bác sĩ sẽ thảo luận những lo ngại với bạn nếu họ cảm thấy phẫu thuật cắt bỏ thận không an toàn cho bạn.
Các nguy cơ và biến chứng của phẫu thuật cắt bỏ thận là gì?
Phẫu thuật cắt bỏ thận nhìn chung là một thủ thuật an toàn. Như với mọi loại phẫu thuật, thủ thuật này có những nguy cơ tiềm ẩn như sau:
- Chảy máu
- Nhiễm trùng
- Tổn thương các cơ quan nội tạng khác
Sau phẫu thuật cắt bỏ thận, bạn có khả năng gặp phải những tình trạng sau đây do giảm chức năng thận.
Bạn chuẩn bị cho phẫu thuật cắt bỏ thận như thế nào?
Bác sĩ phẫu thuật sẽ hướng dẫn bạn nhịn ăn uống vào buổi tối trước thủ thuật.
Bạn cần thông báo với bác sĩ phẫu thuật về mọi loại thuốc đang sử dụng trong trường hợp bác sĩ cần bạn ngừng hoặc giảm liều trong những ngày trước phẫu thuật.
Bạn cũng sẽ được lấy máu để đội ngũ y tế có thể ghi lại chức năng thận và công thức máu trước phẫu thuật.
Điều gì sẽ xảy ra trong phẫu thuật cắt bỏ thận?
Cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ thận là một thủ thuật lớn. Bác sĩ sẽ chỉ khuyến cáo thủ thuật này như một lựa chọn cuối cùng để bảo vệ sức khỏe của bạn.
Đa số chúng ta sinh ra với hai quả thận, nhưng chúng ta có thể hoạt động bình thường chỉ với một quả thận. Trừ khi bạn cần cắt bỏ cả hai quả thận, phẫu thuật cắt bỏ thận một phần hoặc toàn bộ một quả thận có thể tăng cường sức khỏe thận cho bạn về lâu dài.
Thời gian ước tính
Phẫu thuật cắt bỏ thận thường mất 3 – 5 giờ, tùy thuộc vào mức độ phức tạp của khối u.
Trước thủ thuật
Bạn sẽ được gây mê toàn thân để ngủ trong suốt ca phẫu thuật. Bạn cũng sẽ được đặt ống thông tiết niệu để dẫn lưu nước tiểu từ bàng quang ra ngoài trước khi phẫu thuật.
Trong khi thực hiện thủ thuật
Nếu bác sĩ phẫu thuật thực hiện phẫu thuật cắt bỏ thận bằng phương pháp nội soi, họ sẽ:
- Rạch một hoặc vài đường nhỏ trên bụng.
- Đưa một camera nhỏ gắn với que thông qua các đường rạch.
- Sử dụng hình ảnh camera để điều khiển hướng của các dụng cụ phẫu thuật nhỏ thông qua các đường rạch để cắt bỏ các mô bị bệnh trong thận hoặc toàn bộ thận.
- Đóng tất cả đường rạch bằng cách khâu lại.
Nếu bác sĩ phẫu thuật thực hiện phẫu thuật cắt bỏ thận mở, họ sẽ:
- Rạch một đường trên bụng.
- Cắt bỏ các mô bị bệnh trong thận hoặc toàn bộ thận.
- Đóng đường rạch bằng cách khâu lại.
Đối với phẫu thuật cắt bỏ thận hoàn toàn, bác sĩ phẫu thuật cũng có thể cắt bỏ tuyến thượng thận nằm trên thận nếu khối u nằm gần đó. Trong một số trường hợp, bác sĩ cũng có thể cắt bỏ hạch bạch huyết hoặc các mô khác.
Sau thủ thuật
Bạn sẽ nằm lại bệnh viện để được theo dõi sát. Bạn sẽ tiếp tục mang ống thông nước tiểu trong vài ngày trong khi cơ thể phục hồi sau thủ thuật.
Sau khi hết thuốc gây mê, bạn sẽ cảm thấy đau rát quanh vị trí vết rạch. Bạn sẽ được cho thuốc giảm đau để kiểm soát cơn đau. Bạn cũng có thể thấy khó chịu khi thở sâu vì vết rạch sẽ nằm gần cơ hoành, cơ nằm dưới phổi.
Giai đoạn chăm sóc và phục hồi sau phẫu thuật cắt bỏ thận
Bạn phải tránh các hoạt động gắng sức hoặc nâng vật nặng trong vài tuần sau phẫu thuật cắt bỏ thận.
Khi cơ thể hồi phục, thận có thể bắt đầu hoạt động bình thường và bạn có thể tiếp tục các thói quen và hoạt động bình thường. Tuy nhiên, để bảo vệ quả thận còn lại không bị thoái hóa, bác sĩ có thể khuyến cáo những thay đổi về lối sống sau đây.
- Ăn thức ăn tốt cho sức khỏe
- Tập thể dục thường xuyên
- Đi khám sức khỏe thường xuyên để theo dõi sức khỏe thận
- Tránh các môn thể thao va chạm mạnh có thể làm tăng nguy cơ tổn thương thận
Bạn cũng sẽ cần xét nghiệm sàng lọc nước tiểu (xét nghiệm nước tiểu) và xét nghiệm máu ít nhất một lần một năm để theo dõi sức khỏe thận.