Xạ trị điều trị ung thư vú là gì?
Xạ trị là phương pháp điều trị dùng bức xạ năng lượng cao để tiêu diệt tế bào ung thư và thu nhỏ khối u. Xạ trị điều trị ung thư vú nhắm vào:
- Vùng ngực
- Hạch bạch huyết (ở nách)
- Bộ phận khác của cơ thể nếu ung thư di căn
Các loại xạ trị điều trị ung thư vú
Tùy thuộc vào vị trí và kích thước u vú, bác sĩ sẽ khuyến cáo loại xạ trị phù hợp nhất cho bạn:
Xạ trị bằng chùm tia bên ngoài
Đây là loại xạ trị phổ biến nhất dành cho phụ nữ bị ung thư vú. Trong quá trình thực hiện thủ thuật này, một thiết bị lớn gọi là máy gia tốc tuyến tính truyền các chùm tia bức xạ đến vùng cần điều trị từ nhiều hướng khác nhau.
Lưu ý: Liệu pháp chiếu chùm tia proton là loại xạ trị mới dùng hạt proton thay cho X-quang để điều trị ung thư.
Xạ trị trong (Xạ trị áp sát)
Xạ trị áp sát là hình thức xạ trị tiên tiến hơn. Trong hình thức xạ trị này, chất phóng xạ tiêu diệt ung thư được tiêm vào vùng cần điều trị sau khi đã phẫu thuật cắt bỏ u.
Xạ trị trong phẫu thuật (IORT)
IORT là loại xạ trị một phần vú ít phổ biến hơn, trong đó toàn bộ quá trình xạ trị được thực hiện với một liều duy nhất tại vùng ung thư. Nếu bạn phẫu thuật cắt bỏ khối u vú, thủ thuật này sẽ diễn ra trong phòng phẫu thuật. Bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện IORT trước khi đóng vị trí phẫu thuật.
Khi nào bạn cần xạ trị điều trị ung thư vú?
Xạ trị có thể dùng để điều trị ung thư vú ở hầu hết các giai đoạn. Xạ trị thường được dùng:
- Sau phẫu thuật cắt bỏ khối u vú để giảm nguy cơ ung thư tái phát ở vú.
- Sau phẫu thuật cắt bỏ vú (cắt bỏ toàn bộ vú), đặc biệt nếu:
- U lớn hơn 5 cm
- Ung thư đã lan đến hạch bạch huyết
- Không thể loại bỏ hoàn toàn ung thư (bờ mô dương tính với tế bào ung thư)
- Để điều trị ung thư lan rộng (di căn) và giảm tác dụng phụ.
Đôi khi, xạ trị được dùng thay cho phẫu thuật để thu nhỏ khối u. Bác sĩ có thể khuyến cáo phương pháp điều trị này nếu không thể phẫu thuật cắt bỏ u (không thể cắt bỏ) do kích thước hoặc vị trí của u hoặc do bạn không phù hợp để thực hiện phẫu thuật.
Tùy thuộc vào loại ung thư vú và giai đoạn ung thư, xạ trị có thể được dùng kết hợp với các phương pháp điều trị ung thư khác như phẫu thuật và hóa trị.
Những ai không nên xạ trị điều trị ung thư vú?
Xạ trị có thể không phù hợp với bạn nếu:
- Bạn đang mang thai.
- Bạn mắc bệnh mô liên kết như xơ cứng bì, cực kỳ mẫn cảm với các tác dụng phụ của bức xạ.
- Bạn không thể cam kết tuân thủ lịch trình mỗi ngày thực hiện xạ trị.
Các nguy cơ và biến chứng của xạ trị điều trị ung thư vú là gì?
Xạ trị cũng có thể gây ra hoặc làm gia tăng nguy cơ:
- Cánh tay phù nề (phù bạch huyết), nếu phương pháp điều trị nhắm vào hạch bạch huyết dưới cánh tay.
- Biến chứng do cấy ghép (nếu bạn thực hiện tái tạo vú bằng cấy ghép sau phẫu thuật cắt bỏ vú). Vú được tái tạo có thể cản trở quá trình xạ trị tiếp cận vùng bị ung thư.
Trong một số trường hợp hiếm gặp, xạ trị có thể gây ra hoặc làm gia tăng nguy cơ:
- Viêm mô phổi hoặc tổn thương tim
- Gãy xương sườn hoặc nhạy cảm đau ở thành ngực
- Ung thư thứ phát như ung thư xương hoặc ung thư cơ (ung thư mô liên kết) hoặc ung thư phổi
Chuẩn bị cho xạ trị điều trị ung thư vú như thế nào?
Trước khi bắt đầu điều trị, bác sĩ sẽ gặp bạn để:
- Xem xét bệnh sử
- Thực hiện khám lâm sàng
- Trao đổi về những lợi ích tiềm năng và tác dụng phụ tiềm ẩn khi xạ trị
Bạn có thể kỳ vọng điều gì khi xạ trị điều trị ung thư vú?
Tùy thuộc vào loại xạ trị bạn sẽ thực hiện, quy trình chuẩn bị, lịch trình điều trị và phương pháp truyền tia bức xạ sẽ khác nhau.
Xạ trị thường được thực hiện theo hình thức điều trị ngoại trú tại bệnh viện hoặc cơ sở điều trị. Xạ trị thường bắt đầu:
- 3 – 8 tuần sau phẫu thuật
- 3 – 4 tuần sau hóa trị hoàn tất
Lưu ý: Trong quá trình xạ trị, bạn nên tránh dùng một số thực phẩm bổ sung nhất định (như vitamin A, C, D và E) vì chúng có thể cản trở khả năng tiêu diệt tế bào ung thư của tia bức xạ. Bạn cũng nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời vì vùng da điều trị có thể nhạy cảm hơn
Thời gian ước tính
Bác sĩ có thể khuyến cáo một trong các lịch trình (liệu trình) điều trị sau:
- Liệu trình thông thường. Bao gồm 1 lần xạ trị mỗi ngày, 5 ngày một tuần (thường từ thứ Hai đến thứ Sáu), trong 5 – 6 tuần. Mỗi lần xạ trị kéo dài khoảng 15 – 45 phút.
- Điều trị giảm phân liều (rút ngắn). Bao gồm 2 lần xạ trị mỗi ngày. Liệu trình này thường kéo dài 1 – 4 tuần khi xạ trị toàn bộ vú hoặc 5 ngày khi xạ trị một phần vú.
Xạ trị bằng chùm tia bên ngoài
Trước khi bắt đầu xạ trị bằng chùm tia bên ngoài, bác sĩ và đội ngũ ung bướu – xạ trị sẽ cùng bạn tiến hành buổi lên kế hoạch (mô phỏng) xạ trị, trong đó vùng vú được sơ đồ hóa cẩn thận để nhắm đến chính xác vị trí điều trị.
Trong quá trình mô phỏng, bạn sẽ:
- Được cố định ở vị trí tốt nhất để nhắm đến vùng bị ung thư và tránh làm tổn thương mô bình thường xung quanh. Đôi khi có dùng các tấm đệm hoặc thiết bị khác để giúp bạn giữ nguyên vị trí.
- Thực hiện chụp cắt lớp vi tính (CT) để xác định vị trí vùng điều trị và xác định mô bình thường cần tránh.
- Đánh dấu bằng mực hoặc chấm xăm nhỏ tạm thời để định hướng cho kỹ thuật viên xạ trị khi thực hiện
- Lập kế hoạch điều trị và phân liều xạ trị bởi đội ngũ ung bướu – xạ trị
Bạn sẽ sẵn sàng bắt đầu điều trị sau khi quá trình mô phỏng, lập kế hoạch và kiểm tra đảm bảo chất lượng hoàn tất.
Trong quá trình thực hiện thủ thuật, bạn sẽ:
- Thay áo choàng bệnh nhân.
- Nằm vào vị trí như đã cố định trong quá trình mô phỏng.
- Chụp hình ảnh hoặc X-quang để đảm bảo bạn đã nằm vào đúng vị trí.
- Ở lại một mình trong phòng điều trị vì máy sẽ tiến hành truyền tia bức xạ.
- Được bác sĩ hoặc nhân viên theo dõi trên màn hình tivi trong phòng khác. Bạn sẽ có thể giao tiếp với họ thông qua hệ thống liên lạc nội bộ. Thông báo cho bác sĩ hoặc nhân viên biết nếu bạn cảm thấy không khỏe hoặc không thoải mái.
- Không cảm thấy đau nhưng có thể cảm thấy hơi khó chịu do phải nằm ở vị trí nhất định.
Sau thủ thuật, bác sĩ có thể khuyến cáo tăng cường bức xạ ngay cả sau khi đã hoàn thành các đợt xạ trị chính.
Xạ trị trong (Xạ trị áp sát)
Trước khi bắt đầu xạ trị trong, bác sĩ sẽ đặt một thiết bị cấy ghép bên trong vú vào thời điểm phẫu thuật hoặc thông qua một thủ thuật riêng.
Thiết bị này sẽ đưa bức xạ nhắm đích đến vị trí mô ung thư khởi phát (còn gọi là giường khối u).
Trong quá trình thực hiện thủ thuật, nguồn phóng xạ — thường là chất phóng xạ niêm phong trong hạt phóng xạ hoặc ống nhỏ — được đưa vào thiết bị cấy ghép truyền bức xạ mỗi lần vài phút.
Sau thủ thuật, bạn có thể cảm thấy đau nhức hoặc nhạy cảm đau ở vùng ảnh hưởng khi mô phục hồi sau phẫu thuật và xạ trị. Bác sĩ sẽ kê một số loại thuốc để giảm đau.
Sau khi hoàn tất toàn bộ liệu trình điều trị, bác sĩ sẽ lấy thiết bị truyền bức xạ ra.
Chăm sóc và phục hồi sau xạ trị điều trị ung thư vú
Tác dụng phụ thường gặp của xạ trị điều trị ung thư vú bao gồm mệt mỏi, kích ứng da như ngứa hoặc mẩn đỏ và sưng vú. Bạn có thể giảm thiểu các tác dụng phụ thường gặp bằng cách:
- Mặc trang phục cotton rộng rãi vì áo ngực và trang phục bó sát có thể chà xát hoặc gây kích ứng da.
- Chăm sóc da nhẹ nhàng và kiểm tra với bác sĩ trước khi dùng sản phẩm khử mùi, sữa hoặc kem dưỡng da bất kỳ trên vùng điều trị.
- Chăm sóc bản thân thật tốt bằng cách ăn uống lành mạnh và nghỉ ngơi đầy đủ.
- Duy trì lối sống năng động, vì tập thể dục thường xuyên có thể giúp giảm mệt mỏi do xạ trị.
Hầu hết các tác dụng phụ sẽ biến mất trong vòng vài tháng kể từ đợt điều trị cuối. Liên hệ với bác sĩ nếu các tác dụng phụ dai dẳng hoặc bạn gặp phải tình trạng bất kỳ sau:
- Đau ngực
- Viêm da hoặc vú nặng
- Có dấu hiệu nhiễm trùng, như sốt, lạnh run hoặc vết thương ngoài da bưng mủ
Tác dụng phụ lâu dài
Hãy trao đổi với bác sĩ về các tác dụng phụ lâu dài có thể xảy ra như:
- Thay đổi kích thước vú (nhỏ hơn hoặc to hơn) và độ nhạy cảm.
- Phù bạch huyết (sưng) vú hoặc cánh tay.
- Thay đổi trên da, như da mẩn đỏ, khô, nhạy cảm đau hoặc ngứa. Một số người có làn da trắng có thể có làn da hơi hồng hoặc sạm đen sau nhiều năm kết thúc điều trị.
- Mạch máu nhỏ (giãn mạch) ở vùng xạ trị, trông giống như những sợi chỉ mảnh màu đỏ. Nhìn chung, đây không phải là tình trạng đáng lo ngại.
Bác sĩ có thể có những đề xuất hoặc cách giúp bạn xử trí những vấn đề này.