Điều trị ung thư là gì?
Ung thư là một nhóm các bệnh có đặc trưng là sự phát triển của các tế bào bất thường. Điều trị ung thư là quy trình loại bỏ, tiêu diệt hoặc hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư trong cơ thể. Chuyên khoa ung thư là chuyên ngành y tế tập trung vào chẩn đoán và điều trị ung thư.
Có nhiều phương pháp khác nhau để điều trị ung thư. 3 phương pháp phổ biến nhất là phẫu thuật, xạ trị và hoá trị liệu. Lựa chọn phương pháp điều trị lý tưởng được đưa ra dựa trên vị trí u, giai đoạn của ung thư và các yếu tố khác của bệnh nhân.
Bác sĩ có thể khuyến cáo sử dụng liệu pháp hóa trị một cách có chiến lược để tiêu diệt tế bào ung thư, sử dụng liệu pháp kết hợp hóa trị và xạ trị để ngăn chặn ung thư lan sang các bộ phận khác trên cơ thể hoặc các liệu pháp kết hợp khác.
Với những tiến bộ gần đây trong lĩnh vực y học, chúng tôi cung cấp các liệu pháp điều trị ví dụ như xạ trị điều biến cường độ (IMRT), liệu pháp này có thể nhắm trực tiếp chính xác đến các tế bào ung thư bằng một liều phóng xạ cao trong khi các mô lành xung quanh được giảm thiểu phơi nhiễm với phóng xạ ở mức ít nhất có thể. Điều này giúp mang lại hiệu quả điều trị cao hơn và ít tác dụng phụ hơn.
Các loại điều trị ung thư
Phẫu thuật
Phẫu thuật là cách loại bỏ khối u trực tiếp. Đây là cách hiệu quả để loại bỏ tế bào ung thư trong cơ thể nếu ung thư chỉ hạn chế ở một khu vực cụ thể, đặc biệt là trong giai đoạn đầu của một số bệnh ung thư.
Bác sĩ có thể khuyến nghị một trong những phương pháp phẫu thuật sau đây:
- Phẫu thuật nội soi ổ bụng (phẫu thuật lỗ khóa), đây là một thủ thuật xâm lấn tối thiểu
- Phẫu thuật mở
- Phẫu thuật có sự hỗ trợ của robot giúp tăng độ chính xác
Xạ trị
Xạ trị sử dụng phóng xạ để tiêu diệt các tế bào ung thư ở một vùng nhỏ được nhắm mục tiêu. Bác sĩ có thể khuyến cáo xạ trị để:
- Thu nhỏ khối u để dễ dàng cắt bỏ hơn trong phẫu thuật
- Tiêu diệt mọi tế bào ung thư không loại bỏ được trong quá trình phẫu thuật
- Điều trị khối u và giảm nguy cơ tái phát ung thư
Chúng tôi cung cấp các phương pháp xạ trị sau đây:
Hóa trị liệu
Hoá trị liệu, được gọi đơn giản là 'hoá trị', là sử dụng thuốc để tiêu diệt hoặc hạn chế sự phát triển của tế bào ung thư.
Hóa trị liệu có thể liên quan đến nhiều tác dụng phụ không mong muốn, có thể ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống của bệnh nhân. Các tác dụng phụ này bao gồm mất cảm giác ngon miệng, buồn nôn, vết loét, mệt mỏi, rụng tóc, tiêu chảy và tổn thương thần kinh. Tuy nhiên, nhiều tác dụng phụ trong số này chỉ ngắn hạn, có thể hồi phục, và có thể điều trị bằng thuốc hỗ trợ hiệu quả như thuốc chống nôn và thuốc chống tiêu chảy.
Hoá trị liệu có thể được sử dụng để:
- Giảm số lượng tế bào ung thư hoặc kích thước khối u trước khi áp dụng các điều trị ung thư khác. Phương pháp này được gọi là hóa trị tân bổ trợ hoặc hóa trị gây đáp ứng.
- Loại bỏ hết các tế bào ung thư còn lại trong cơ thể sau khi phẫu thuật và xạ trị. Phương pháp này được gọi là hoá trị bổ trợ.
- Ngăn ngừa lây lan tế bào ung thư xa hơn.
- Giảm nguy cơ tái phát ung thư ở một bộ phận khác trên cơ thể.
Ngoài hoá trị liệu thông thường, bác sĩ có thể khuyến cáo hoá trị liệu kết hợp với các phương pháp điều trị khác, chẳng hạn như hóa xạ trị đồng thời.
Liệu pháp nhắm đích
Liệu pháp nhắm đích, chẳng hạn như chất ức chế tyrosine kinase dạng uống cho ung thư phổi và liệu pháp nội tiết tố cho ung thư vú, sẽ ngăn chặn các gen và protein cụ thể để làm gián đoạn khả năng phát triển và lây lan của tế bào ung thư.
Liệu pháp miễn dịch
Liệu pháp miễn dịch là một loại điều trị ung thư giúp hệ miễn dịch chống lại ung thư. Có nhiều loại liệu pháp miễn dịch khác nhau như:
- Các chất ức chế điểm kiểm soát miễn dịch
- Liệu pháp chuyển tế bào T
- Các loại kháng thể đơn dòng
- Các chất điều hòa hệ miễn dịch
Cấy ghép tủy xương (tế bào gốc)
Ghép tủy xương còn được gọi là cấy ghép tế bào gốc hoặc cấy ghép tế bào gốc tạo máu. Đây là một cách để điều trị:
- Bệnh bạch cầu, một loại ung thư ảnh hưởng đến bạch cầu
- U lympho, một loại ung thư máu gây sưng hạch bạch huyết
- U tủy xương, một loại ung thư gây ảnh hưởng đến tương bào (một loại tế bào bạch cầu cụ thể tạo ra kháng thể)
Điều trị ung thư đặc biệt
Phẫu thuật cắt bỏ phúc mạc và hoá trị nhiệt độ cao trong khoang phúc mạc (HIPEC)
Phẫu thuật cắt bỏ phúc mạc (còn được gọi là phẫu thuật giảm tế bào) và hoá trị nhiệt độ cao trong khoang phúc mạc (HIPEC) là một thủ thuật kết hợp có thể được cân nhắc trên một số bệnh nhân ung thư thích hợp.
Ung thư phúc mạc là bệnh ung thư ảnh hưởng đến phúc mạc, lớp niêm mạc “bao bọc bên ngoài” của các cơ quan trong khoang bụng, ví dụ như dạ dày, đại tràng và trực tràng, ruột non, gan, lách và tụy.
Ung thư phúc mạc có thể tự phát hoặc lan ra từ cơ quan bị ung thư nguyên phát. Tình trạng lan ra này, được gọi là di căn, xảy ra phổ biến đối với các bệnh ung thư ở vùng đại trực tràng, dạ dày, buồng trứng hoặc ruột thừa. Đến 25% bệnh nhân bị ung thư đường tiêu hóa và phụ khoa tiến triển sẽ xuất hiện ung thư phúc mạc.
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp là phẫu thuật cắt bỏ một phần hoặc toàn bộ tuyến giáp. Tuyến giáp là một tuyến hình bướm nằm ở phía dưới cổ, có vai trò tiết ra các hoóc-môn điều chỉnh quá trình trao đổi chất.
Phẫu thuật cắt bỏ tuyến giáp được sử dụng để điều trị:
- Ung thư tuyến giáp
- Các rối loạn tuyến giáp lớn khác như cường giáp, là tuyến giáp hoạt động quá mức.
Kiểm soát ung thư cơ xương khớp
Ung thư xương và mô mềm tương đối hiếm gặp so với các loại ung thư phổ biến nhất. Một trong những phương pháp điều trị là cắt cụt toàn bộ chi bị ảnh hưởng.
Bác sĩ phẫu thuật cơ xương khớp có thể thực hiện phương pháp điều trị bảo tồn chi, để có thể điều trị ung thư xương mà không cần cắt cụt chi.
Điều trị bảo tồn chi là loại bỏ phần xương bị ung thư. Có thể cần ghép xương để thay thế cho phần xương bị cắt bỏ, hoặc trong một số trường hợp có thể sử dụng chân tay giả hoặc cấy ghép.
Điều trị bảo tồn chi có thể cần dùng hoá trị liệu và xạ trị để kiểm soát và tiêu diệt các tế bào ung thư trước hoặc sau khi phẫu thuật.
Đông lạnh mô buồng trứng
Đông lạnh mô buồng trứng, còn gọi là trữ đông, là lấy mô buồng trứng và trứng ra rồi làm đông lạnh để bảo tồn chức năng.
Một số điều trị ung thư nhất định, chẳng hạn như hoá trị liệu và xạ trị, có thể ảnh hưởng đến buồng trứng của bệnh nhân. Điều này đặc biệt đúng đối với ung thư vú, ung thư buồng trứng hoặc ung thư cổ tử cung. Những bệnh nhân ung thư nữ đã trải qua các phương pháp điều trị ung thư này có thể thấy khó thụ thai hơn sau khi hoàn thành điều trị.
Bệnh nhân ung thư nữ có thể chọn làm đông lạnh mô buồng trứng và trứng trước khi điều trị ung thư.
Sau khi hoàn thành điều trị ung thư, mô được bảo quản có thể cấy lại vào cơ thể bệnh nhân hoặc sử dụng cho quy trình thụ tinh trong ống nghiệm (IVF)(/vi/tests-treatments/in-vitro-fertilisation). Theo cách này, bệnh nhân ung thư nữ có thể bảo tồn khả năng sinh sản và tiếp tục thụ thai sau khi chữa khỏi bệnh ung thư. Điều này có thể đặc biệt hữu ích cho những phụ nữ trẻ bị ung thư.