Ngừng tim là gì?
Ngừng tim là tình trạng tim ngừng hoạt động đột ngột, làm gián đoạn việc cung cấp máu cho các phần còn lại của cơ thể. Do đó, bệnh nhân mất ý thức và ngừng thở.
Đây là một tình trạng cấp cứu y tế nghiêm trọng có thể đe dọa tính mạng. Hãy gọi cấp cứu ngay lập tức theo số 1800-PARKWAY (7275929) nếu bạn thấy có người bị ngừng tim.
Ngừng tim không giống như đau tim. Đau tim là một trong những nguyên nhân phổ biến nhất gây ngừng tim. Trong một cơn đau tim, dòng máu chảy đến tim bị chặn lại do cục máu đông. Một người bị đau tim vẫn tỉnh táo và thở được, nhưng nếu không được theo dõi có thể bị ngừng tim và gây nguy hiểm cho tính mạng.
Các triệu chứng của ngừng tim là gì?
Ngừng tim xảy ra đột ngột và các dấu hiệu có thể bao gồm:
- Bất ngờ ngã quỵ
- Không có mạch hay nhịp tim
- Không thở
- Mất ý thức
Có thể có một số dấu hiệu cảnh báo trước khi ngừng tim đột ngột. Các dấu hiệu này bao gồm:
- Khó chịu ở ngực
- Khó thở
- Yếu
- Nhịp tim nhanh, rung động hay đập mạnh
Không may là nhiều trường hợp ngừng tim xảy ra bất ngờ.
Cách giúp người bị ngừng tim
Hãy tìm kiếm trợ giúp y tế khẩn cấp nếu bạn thấy có người bất tỉnh và không thở bình thường.
Trong khi chờ nhân viên cấp cứu đến, bạn có thể làm như sau:
- Thực hiện CPR. Kiểm tra hơi thở của người đó. Nếu họ không thở bình thường, hãy bắt đầu CPR. Ấn mạnh và nhanh lên ngực của người đó, khoảng 100 – 120 lần ép mỗi phút. Nếu bạn được đào tạo về CPR, thực hiện hô hấp nhân tạo sau mỗi 30 lần ép ngực. Tiếp tục làm việc này cho đến khi có máy khử rung tim ngoài tự động (AED) hoặc xe cấp cứu đến.
- Dùng AED. AED có lời thoại được ghi âm để hướng dẫn từng bước cho bạn. Sử dụng AED để kiểm tra nhịp tim của người đó. Máy sẽ khuyến cáo thực hiện sốc điện nếu cần thiết. Nếu vậy, hãy tiến hành thực hiện một lần sốc điện sau đó tiếp tục CPR hoặc chỉ thực hiện ép ngực.
Nguyên nhân dẫn đến ngừng tim là gì?
Ngừng tim có thể do bệnh tim như:
- Bệnh động mạch vành, trong đó động mạch bị tắc nghẽn do cholesterol và các chất tích tụ khác
- Đau tim, có thể gây ra ngừng tim
- Suy tim, là tình trạng tim không thể bơm đủ lượng máu cung cấp cho các mô trong cơ thể
- Phì đại tim, khi thành cơ tim giãn ra và to lên hoặc dày lên
- Bệnh van tim, trong đó van tim bị rò rỉ hoặc hẹp có thể dẫn đến giãn hoặc dày cơ tim
- Các vấn đề về điện trong tim, ví dụ: hội chứng Brugada (có thể gây ra rối loạn nhịp tim nguy hiểm tiềm ẩn) và hội chứng QT dài (có thể gây ra nhịp tim hỗn loạn, không thể kiểm soát được)
- Bệnh tim bẩm sinh, vấn đề về cấu trúc tim có từ khi mới sinh
Những yếu tố nào gây ra nguy cơ ngừng tim?
Các yếu tố gây nguy cơ ngừng tim tương tự như ở bệnh động mạch vành. Những yếu tố này bao gồm các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi và có thể thay đổi.
Các yếu tố nguy cơ không thể thay đổi
Đây là những yếu tố không thể điều chỉnh được. Các yếu tố này bao gồm:
- Tuổi tác. Khi bạn già đi, động mạch của bạn có nhiều khả năng bị tổn thương hoặc hẹp hơn.
- Giới tính. Nhìn chung, nam giới phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh động mạch vành và ngừng tim cao hơn. Tuy nhiên, nguy cơ đối với phụ nữ tăng đáng kể sau khi mãn kinh.
- Tiền sử gia đình. Nếu một thành viên gia đình hoặc họ hàng gần bị bệnh tim, đặc biệt là khi còn trẻ, bạn sẽ có nguy cơ cao hơn.
- Dân tộc. Nếu bạn là người gốc Nam Á, Châu Phi hoặc Caribbe, bạn sẽ phải đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch và ngừng tim cao hơn.
Các yếu tố nguy cơ có thể thay đổi
Đây là những yếu tố bạn có thể thực hiện các biện pháp để điều chỉnh. Các yếu tố này bao gồm:
- Đái tháo đường. Đường huyết cao có thể làm tổn thương mạch máu của tim. Những người mắc bệnh đái tháo đường cũng có nhiều khả năng mắc các bệnh khác làm tăng nguy cơ mắc bệnh tim và ngừng tim.
- Huyết áp cao. Bệnh này có thể làm cho động mạch bị dày lên hoặc cứng lại, làm thu hẹp động mạch và giảm lưu lượng máu.
- Cholesterol cao. Mức cholesterol cao trong máu có thể làm tăng nguy cơ hình thành mảng xơ vữa (mảng lắng đọng cholesterol) còn được gọi là xơ vữa động mạch.
- Béo phì. Thừa cân làm trầm trọng thêm ảnh hưởng của các yếu tố nguy cơ khác.
- Thói quen ngồi một chỗ. Hoạt động thể chất ít góp phần vào bệnh động mạch vành và góp phần vào một số yếu tố nguy cơ như đái tháo đường và huyết áp cao.
- Căng thẳng. Căng thẳng không được kiểm soát tốt có thể làm tổn thương động mạch.
- Hút thuốc. Những người hút thuốc có khả năng mắc bệnh tim cao gấp 2– 4 lần.
- Thói quen ăn uống không lành mạnh. Chế độ ăn nhiều chất béo bão hòa, chất béo trans, muối và đường làm tăng nguy cơ ngừng tim. Đường có thể làm tăng nguy cơ bị cholesterol cao, huyết áp cao và đái tháo đường.
Biến chứng và các bệnh liên quan của ngừng tim là gì?
Ngừng tim khiến não nhận được ít máu hơn. Nếu nhịp tim không được phục hồi nhanh chóng, tổn thương não sẽ xảy ra, dẫn đến tử vong.
Những người sống sót sau ngừng tim kéo dài có thể bị tổn thương não.
Làm thế nào để ngăn ngừa ngừng tim?
Bạn có thể giảm nguy cơ ngừng tim đột ngột bằng cách khám sàng lọc sức khỏe thường xuyên và chăm sóc tốt cho tim bằng cách:
- Áp dụng chế độ ăn uống lành mạnh và duy trì cân nặng có lợi cho sức khỏe
- Tập thể dục thường xuyên hơn, trừ khi bác sĩ bày tỏ lo ngại
- Dùng rượu bia vừa phải
- Bỏ hút thuốc và giảm tiếp xúc với khói thuốc thụ động
Trang này đã được kiểm duyệt.