Loét dạ dày-tá tràng - Chẩn đoán và Điều trị

Chẩn đoán loét dạ dày-tá tràng như thế nào?

Để chẩn đoán loét dạ dày tá tràng, ngoài việc khai thác bệnh sử và khám thực thể, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các kiểm tra, xét nghiệm bao gồm: xét nghiệm vi khuẩn H. Pylori, nội soi dạ dày tá tràng và X-quang dạ dày tá tràng.

Xét nghiệm vi khuẩn H. Pylori

Các xét nghiệm nhằm xác định người bệnh có bị nhiễm H. Pylori hay không bao gồm xét nghiệm máu, xét nghiệm phân và xét nghiệm H. Pylori bằng hơi thở.

Với xét nghiệm phân hoặc xét nghiệm máu, người bệnh sẽ được lấy mẫu máu và hướng dẫn lấy mẫu phân để phân tích trong phòng xét nghiệm nhằm xác định sự hiện diện của vi khuẩn H. Pylori.

Để thực hiện xét nghiệm H. Pylori bằng hơi thở, người bệnh sẽ được uống một loại thuốc có chứa đồng vị phóng xạ. Sau đó khoảng 15 phút, người bệnh sẽ thổi vào một chiếc túi. Nếu trong dạ dày có H. Pylori, viên thuốc sẽ bị phân hủy bởi vi khuẩn H. Pylori và sinh ra khí CO2. Kết quả đo lường và phân tích thường sẽ có trong khoảng 5 phút với độ chính xác lên đến 88%, và độ nhạy lên tới 95%. Biện pháp này được coi là biện pháp xét nghiệm H. Pylori chính xác nhất.

Nội soi dạ dày tá tràng

Nội soi dạ dày tá tràng là thủ thuật sử dụng ống soi để kiểm tra đường tiêu hóa trên. Trong quá trình nội soi, bác sĩ đưa một ống rỗng được trang bị một ống kính (ống nội soi) xuống cổ họng, thực quản, dạ dày và ruột non người bệnh để qua đó phát hiện các vết loét.

Nếu phát hiện vết loét, bác sĩ có thể lấy một mẫu mô nhỏ (sinh thiết) để làm xét nghiệm.

Thủ thuật này thường được khuyến nghị với bệnh nhân lớn tuổi, có dấu hiệu chảy máu, giảm cân trong thời gian gần đây hoặc khó ăn và khó nuốt.

X-quang dạ dày tá tràng

X-quang dạ dày tá tràng hay còn gọi là nuốt Bari, là thủ thuật giúp ghi lại hình ảnh về thực quản, dạ dày và ruột non. Để tiến hành thủ thuật này, bệnh nhân sẽ được cho nuốt một loại chất cản quang có chứa bari. Chất này sẽ giúp các cấu trúc cần quan sát hiện rõ trên phim chụp X-quang.

Điều trị loét dạ dày-tá tràng như thế nào?

Phương pháp điều trị loét dạ dày tá tràng tùy thuộc vào độ nặng và nguyên nhân gây ra tình trạng của bệnh nhân, và thường bao gồm:

Dùng thuốc

Nếu bệnh nhân bị nhiễm H. Pylori, phương pháp điều trị thường là thuốc kháng sinh kê đơn để tiêu diệt vi khuẩn kết hợp với các thuốc giúp giảm tiết axít dạ dày, thuốc giúp trung hòa axít dạ dày và thuốc giúp bảo vệ niêm mạc dạ dày và tá tràng.

Phẫu thuật

Loét dạ dày tá tràng nặng có thể đòi hỏi phải điều trị ngoại khoa để sửa chữa thành dạ dày và cầm máu. Các phương pháp phẫu thuật có thể bao gồm cắt bỏ đoạn dạ dày có vết loét, khâu chỗ thủng dạ dày (trong trường hợp vết loét bị thủng).

Ngoài ra, bệnh nhân cũng cần kết hợp với chế độ ăn uống và sinh hoạt khoa học, lành mạnh. Ví dụ như:

  • Tăng cường các loại thực phẩm có tác dụng bảo vệ niêm mạc dạ dày, hỗ trợ chữa lành các vết loét hoặc các loại thực phẩm giúp giảm tiết axít cũng như các thực phẩm giàu vitamin, khoáng chất như bánh mì, cơm, canh, súp, chuối, đậu bắp, và các loại rau củ màu đỏ và màu xanh đậm.
  • Tăng cường các loại đồ uống như nước dừa, trà thảo mộc, nước gừng, tinh bột nghệ và mật ong.
  • Tránh các loại thực phẩm gây tổn thương niêm mạc dạ dày, gây tăng axít dạ dày như dưa cà muối, trái cây chua, các loại đồ uống có cồn như bia, rượu.
  • Tập thể dục nhẹ nhàng thường xuyên, tránh căng thẳng, mệt mỏi kéo dài, cân đối thời gian làm việc và nghỉ ngơi, ăn ngủ đúng giờ, v.v.
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777