Loét dạ dày-tá tràng - Triệu chứng & Nguyên nhân

Triệu chứng của loét dạ dày-tá tràng là gì?

Loét dạ dày tá tràng ở giai đoạn đầu, khi các vết loét còn nhỏ, có thể bạn không nhận biết được bất kỳ triệu chứng gì. Khi các vết loét lớn dần lên, bệnh có thể gây ra các triệu chứng sau:

  • Đau bụng vùng thượng vị (phía trên rốn), đau âm ỉ hoặc đau quặn thành từng cơn. Cơn đau có thể xuất hiện khi đói, hoặc khoảng ba tiếng sau khi ăn.
  • Trướng bụng, đầy hơi do quá trình tiêu hóa thức ăn bị chậm lại.
  • Đại tiện phân đen, là dấu hiệu của xuất huyết.
  • Ợ nóng, và cảm giác nóng rát ở bụng trên giữa các bữa ăn do axít dạ dày trào lên thực quản.
  • Thay đổi cảm giác ngon miệng.
  • Buồn nôn và nôn do thức ăn và dịch tiêu hóa trào ngược lên thực quản.
  • Sụt cân không rõ nguyên nhân.
  • Nôn ra máu khi bệnh tiến triển nặng.

Nguyên nhân gây loét dạ dày-tá tràng là gì?Các nguyên nhân chính

Các nguyên nhân gây loét dạ dày tá tràng bao gồm:

  • Nhiễm Helicobacter Pylori (H. Pylori), một loại vi khuẩn được tìm thấy trên niêm mạc dạ dày, có khả năng làm suy yếu lớp màng nhầy bảo vệ, khiến cho dịch tiêu hóa tiếp xúc trực tiếp với niêm mạc dạ dày và tá tràng, gây ra tổn thương.
  • Dùng thuốc kháng viêm không phải steroid (NSAID) như aspirin và ibuprofen trong thời gian dài, nhất là với mức liều cao. Do cơ chế hoạt động của các loại NSAID làm chậm quá trình sản sinh lớp màng nhầy bảo vệ niêm mạc dạ dày và tá tràng, khiến chúng bị tấn công bởi dịch tiêu hóa, hay còn gọi là axít dạ dày.

Các yếu tố nguy cơ khác

Các yếu tố nguy cơ khác của loét dạ dày tá tràng bao gồm:

  • Uống quá nhiều bia rượu: việc dùng quá nhiều bia rượu khiến niêm mạc dạ dày bị kích ứng, trở nên sưng, đỏ. Tình trạng này gọi là viêm dạ dày, làm tăng nguy cơ hình thành các vết loét.
  • Hút thuốc lá: các nghiên cứu chỉ ra rằng: (1) hút thuốc lá có thể làm tăng nguy cơ nhiễm vi khuẩn H. Pylori, (2) hút thuốc lá ức chế chức năng sản sinh bicarbonate của tuyến tụy, ảnh hưởng đến việc trung hòa axít trong dạ dày, và (3) hút thuốc lá lâu ngày có thể kích thích dạ dày tiết nhiều dịch tiêu hóa hơn, từ đó dẫn đến viêm loét.
  • Chế độ sinh hoạt và ăn uống không khoa học: việc thường xuyên ăn không đúng giờ, bỏ bữa, ăn quá no, ít vận động, hoặc quá nhiều căng thẳng trong cuộc sống cũng làm tăng nguy cơ bị loét dạ dày tá tràng.

Biện pháp phòng ngừa loét dạ dày tá tràng

Với các nguyên nhân và yếu tố nguy cơ nêu trên, loét dạ dày tá tràng có thể được phòng ngừa nhờ những biện pháp sau đây:

  • Hạn chế tối đa bia rượu
  • Không hút thuốc lá
  • Sử dụng các loại thuốc kháng viêm không phải steroid (NSAID) một cách thận trọng và tránh kéo dài nếu có thể
  • Không bỏ qua các triệu chứng của bệnh (xem tại phần dưới đây)
  • Phòng ngừa vi khuẩn H. Pylori bằng cách rửa tay thường xuyên và ăn chín uống sôi
  • Duy trì thói quen sinh hoạt và ăn uống lành mạnh, tránh lo âu, căng thẳng kéo dài
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777