Chẩn đoán bệnh động mạch ngoại biên (PAD) bằng cách nào?
Bác sĩ có thể dùng các xét nghiệm sau để chẩn đoán PAD:
Chụp mạch máu, trong đó, bác sĩ theo dõi dòng chảy của thuốc nhuộm được tiêm vào cơ thể để xác định vị trí tắc nghẽn động mạch bằng các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh như chụp X-quang, chụp mạch cộng hưởng từ (MRA) hoặc chụp mạch cắt lớp vi tính (CTA).
Chỉ số huyết áp cổ chân – cánh tay (ABI), một xét nghiệm thường được dùng để chẩn đoán PAD, trong đó so sánh huyết áp ở cẳng chân với huyết áp ở cánh tay.
Xét nghiệm máu để kiểm tra nồng độ cholesterol, triglyceride và đường huyết.
Khám sức khỏe để phát hiện các dấu hiệu như mạch yếu hoặc không có mạch ở dưới vùng hẹp của động mạch hoặc tiếng vun vút qua động mạch.
Siêu âm xét nghiệm như siêu âm Doppler cho phép bác sĩ đánh giá lưu lượng máu chảy qua các mạch máu và xác định các động mạch bị tắc nghẽn hoặc thu hẹp.
Điều trị bệnh động mạch ngoại biên (PAD) như thế nào?
Mặc dù không có cách trị hoàn toàn PAD, việc điều trị có thể giúp:
Kiểm soát các triệu chứng để quý vị có thể trở lại với các hoạt động thể chất.
Ngăn chặn sự tiến triển của chứng xơ vữa động mạch để giảm nguy cơ đau tim và đột quỵ.
Quá trình điều trị toàn diện sẽ bao gồm:
Thay đổi lối sống như tập thể dục thường xuyên và chế độ ăn uống lành mạnh
Bỏ hút thuốc
Thuốc điều trị
Bác sĩ có thể kê đơn thuốc ngăn các cục máu đông, giảm huyết áp và cholesterol, đồng thời kiểm soát cơn đau và các triệu chứng khác. Các phương pháp điều trị bao gồm:
Thuốc kiểm soát lượng đường trong máu nếu quý vị bị đái tháo đường.
Thuốc giảm đau và các triệu chứng khác do PAD gây ra.
Thuốc hạ cholesterol (statin) để giảm các mảng lắng đọng chất béo trong động mạch.
Thuốc chống tăng huyết áp để hạ huyết áp nếu quý vị bị tăng huyết áp (huyết áp cao).
Thuốc chống kết tập tiểu cầu để ngăn ngừa các cục máu đông và cải thiện lưu lượng máu đến các chi.
Tạo hình mạch và phẫu thuật
Nếu thuốc không kiểm soát được PAD, bác sĩ có thể khuyến cáo tạo hình mạch hoặc phẫu thuật:
Tạo hình mạch (thủ thuật bóng nong). Trong thủ thuật này, một ống thông có gắn một bóng nong nhỏ ở đầu được dẫn qua mạch máu đến động mạch bị tắc. Khi ống thông đã đặt vào vị trí, bóng nong sẽ được bơm căng, làm giãn động mạch để làm tăng lưu lượng máu. Tạo hình mạch ngoại biên tương tự như tạo hình mạch vành trong lòng mạch qua da (PTCA) mặc dù được thực hiện trên các động mạch khác nhau.
Phẫu thuật bắc cầu. Phẫu thuật này được khuyến cáo cho những người bị hẹp hoặc tắc nghẽn động mạch tim nghiêm trọng, không thích hợp để tạo hình mạch. Bác sĩ phẫu thuật sẽ lấy mạch máu từ một bộ phận khác trên cơ thể hoặc dùng mạch nhân tạo và gắn vào các động mạch ngoại biên để tạo ra đường dẫn máu mới quanh chỗ tắc nghẽn. Nếu có nhiều động mạch bị tắc nghẽn, quý vị có thể phải lặp lại phẫu thuật bắc cầu.
Liệu pháp tan huyết khối. Nếu cục máu đông làm tắc nghẽn động mạch, bác sĩ có thể tiêm thuốc vào qua ống dẫn lưu tĩnh mạch hoặc ống thông để làm tan cục máu đông.
Rung tâm nhĩ (AF hoặc AFib), là rối loạn nhịp tim phổ biến nhất được chẩn đoán trong lâm sàng. Bác sĩ tim mạch Pipin Kojodjojo giải thích tại sao bạn không nên bỏ qua nó.
Bạn nên bắt đầu kiểm tra bệnh tim vào lúc nào, và bác sĩ tiến hành sàng lọc cũng như chẩn đoán bệnh tim bằng cách nào? Bác sĩ tim mạch Paul Ong giải thích chi tiết.
Những cá nhân vận động ở mức độ cao và có thể trạng tốt (fit) cũng không hoàn toàn tránh khỏi các tình trạng tim. Dưới đây là lý do vì sao các vấn đề tim mạch dường như lại phổ biến ở những người có thể trạng tốt, và điều bạn có thể thực hiện để giảm rủi ro mắc bệnh.