Đau thần kinh tọa nghĩa là đau dọc theo dây thần kinh tọa. Dây thần kinh này kéo dài từ mặt sau xương chậu xuống hông và mông và xuống mặt sau đùi.
Dây thần kinh tọa là dây thần kinh lớn nhất trong cơ thể và cũng là dây thần kinh chính của chân. Dây thần kinh này kiểm soát cơ và cung cấp cảm giác cho toàn bộ chân.
Đau thần kinh tọa còn gọi là bệnh lý rễ thắt lưng.
Triệu chứng của đau thần kinh tọa là gì?
Triệu chứng đau thần kinh tọa khác nhau ở mỗi người.
Một số triệu chứng thường gặp bao gồm:
Đau thường lan tỏa xuống dưới đầu gối đến bắp chân và bàn chân
Thay đổi cảm giác, ví dụ như tê bì, ngứa ran, châm chích và cảm giác như kiến bò
Yếu
Thường thì đau thần kinh tọa chỉ ảnh hưởng đến một bên cơ thể.
Nguyên nhân gây đau thần kinh tọa là gì?
Đau thần kinh tọa thường xảy ra nhất do thoát vị hoặc “trượt” đĩa đệm ở cột sống, dẫn đến chèn ép dây thần kinh cột sống. Viêm dây thần kinh (viêm rễ thần kinh) cũng có thể gây đau thần kinh tọa.
Các nguyên nhân ít gặp bao gồm:
Chấn thương hoặc nhiễm trùng cột sống
Khối u trong cột sống
Hẹp cột sống, có liên quan đến gai xương, đôi khi có thể gây đau thần kinh tọa
Tổn thương thần kinh do bệnh, ví dụ như đái tháo đường
Các yếu tố nguy cơ gây đau thần kinh tọa là gì?
Các yếu tố nguy cơ gây đau thần kinh tọa bao gồm:
Những thay đổi ở cột sống liên quan đến tuổi tác, như là thoát vị đĩa đệm và gai xương
Béo phì, có thể làm tăng áp lực lên cột sống và góp phần vào những thay đổi ở cột sống dẫn đến đau thần kinh tọa
Ngồi quá nhiều hay thói quen ngồi một chỗ
Đái tháo đường, có thể làm tăng nguy cơ tổn thương dây thần kinh
Các yếu tố di truyền, có thể gây thoát vị đĩa đệm hoặc thoái hóa đĩa đệm ở phần dưới cột sống
Biến chứng và các bệnh liên quan của đau thần kinh tọa là gì?
Tùy thuộc vào nguyên nhân của đau thần kinh tọa, đa số mọi người có xu hướng phục hồi hoàn toàn.
Tuy nhiên trong một số trường hợp, đau thần kinh tọa có thể gây ra tổn thương dây thần kinh vĩnh viễn và dẫn đến:
Mất cảm giác ở bên chân bị ảnh hưởng
Yếu bên chân bị ảnh hưởng
Mất chức năng đại tiện hoặc tiểu tiện
Mất chức năng tình dục ở nam giới
Làm thế nào để phòng ngừa đau thần kinh tọa?
Không phải lúc nào cũng có thể phòng ngừa đau thần kinh tọa và bệnh trạng này có thể tái phát.
Tuy nhiên, chăm sóc lưng cẩn thận, thay đổi tư thế và thói quen sinh hoạt có thể giúp ngăn ngừa đau lưng.
Tập thể dục thường xuyên để giữ cho lưng khỏe mạnh. Chú ý đặc biệt đến cơ cốt lõi ở bụng và phần dưới lưng có vai trò thiết yếu trong việc nâng đỡ, giữ tư thế và căn chỉnh phù hợp.
Duy trì đúng tư thế khi ngồi. Sử dụng chỗ tựa lưng và đảm bảo cả hai bàn chân đặt trên mặt đất và khuỷu tay, đầu gối, hông và mắt cá chân ở góc 90 độ.
Áp dụng cơ học phù hợp cho cơ thể, đặc biệt là khi nâng các tải trọng nặng hoặc đứng trong thời gian dài.
Trong khi nhiều người tìm thấy sự cải thiện từ các phương pháp điều trị không phẫu thuật, phẫu thuật có thể là cần thiết nếu các phương pháp khác không hiệu quả.