Trượt (thoát vị) đĩa đệm - Triệu chứng & Nguyên nhân

Trượt đĩa đệm là gì?

Đĩa đệm nằm giữa các đốt sống trong cột sống để giữ cho cột sống dẻo dai và giảm xóc hoặc tác động từ các hoạt động hàng ngày.

Trượt đĩa đệm xảy ra khi lớp bao phủ bên ngoài đĩa đệm (bao xơ) bị rách và nhân gel bên trong (nhân nhầy) bị đẩy ra khỏi lớp bao phủ (thoát vị), khiến nhân gel đè lên rễ thần kinh.

Tình trạng này còn được gọi là “thoát vị”, “vỡ” hoặc “sa” đĩa đệm.

Lớp gel bên trong cột sống bị đẩy ra ngoài và đè lên rễ thần kinh

Các triệu chứng của trượt đĩa đệm là gì?

Triệu chứng của trượt đĩa đệm thay đổi tùy thuộc vào vị trí của đĩa đệm bị ảnh hưởng và tình trạng chèn ép dây thần kinh của đĩa đệm. Các triệu chứng bao gồm:

  • Tê hoặc đau từ phần lưng dưới và lan xuống mông hoặc chân (đau thần kinh tọa)
  • Tê hoặc ngứa ran quanh bộ phận cơ thể do dây thần kinh bị ảnh hưởng chi phối
  • Đau ở mông, đùi, bắp chân và một phần bàn chân
  • Đau nhói hoặc đau rát ở vai và cánh tay, có thể lan xuống cánh tay hoặc chân khi ho, hắt hơi hoặc chuyển sang tư thế nhất định
  • Yếu cơ gây vấp ngã hoặc ảnh hưởng đến khả năng nâng hoặc cầm nắm đồ vật
  • Khó kiểm soát hoạt động đại tiện và tiểu tiện
  • Tê ở bộ phận sinh dục và hậu môn

Thoát vị đĩa đệm thường gây đau đớn hơn so với phồng đĩa đệm.

Không phải lúc nào cũng dễ dàng phân biệt được sự khó chịu do căng cơ với cơn đau do trượt đĩa đệm. Cảm giác khó chịu do đau lưng hoặc căng cơ thường biến mất trong vòng 6 tuần, trong khi cơn đau do trượt đĩa đệm có thể ngày càng trầm trọng hơn.

Nguyên nhân gây trượt đĩa đệm là gì?

Nguyên nhân chính gây trượt đĩa đệm là do hao mòn dần. Trong quá trình lão hóa, đĩa đệm mất đi tính đàn hồi và dễ bị tổn thương hoặc vỡ hơn chỉ với một lực căng hoặc xoắn nhẹ.

Mọi hoạt động gây áp lực lên cột sống đều có thể dẫn đến trượt đĩa đệm. Tình trạng này có thể xảy ra trong trường hợp:

  • Chấn thương do nâng vật nặng không đúng cách (ví dụ: dùng cơ lưng thay vì cơ chân và đùi để nâng vật nặng)
  • Sự cố gây chấn thương. Trong một số trường hợp hiếm hoi, bị ngã hoặc va đập mạnh vào lưng có thể dẫn đến trượt đĩa đệm.

Các yếu tố nguy cơ gây trượt đĩa đệm là gì?

Những yếu tố sau có thể làm tăng nguy cơ trượt đĩa đệm:

  • Lão hóa. Trượt đĩa đệm xảy ra nhiều nhất ở người trong độ tuổi 30 – 50, trong đó nam giới có khả năng bị trượt đĩa đệm cao gấp đôi.
  • Yếu tố di truyền. Người có tiền sử gia đình bị trượt đĩa đệm nhiều khả năng có khuynh hướng di truyền đối với tình trạng này.
  • Nghề nghiệp. Những công việc vất vả và đòi hỏi nhiều về thể lực làm tăng nguy cơ trượt đĩa đệm.
  • Tư thế xấu. Tư thế xấu trong khi tập thể dục hoặc ngồi trong thời gian dài có thể góp phần gây trượt đĩa đệm.
  • Hút thuốc. Nicotine và các chất độc khác từ thuốc lá và các sản phẩm từ thuốc lá ngăn cản quá trình hấp thụ chất dinh dưỡng của đĩa đệm, từ đó đẩy nhanh quá trình thoái hóa đĩa đệm và góp phần làm đĩa đệm thêm tổn thương.
  • Cân nặng. Trọng lượng cơ thể tăng tạo ra thêm áp lực lên các đĩa đệm ở phần lưng dưới.

Biến chứng và các bệnh liên quan của trượt đĩa đệm là gì?

Vì cơn đau do trượt đĩa đệm ngày càng tồi tệ theo thời gian, nhiều người có xu hướng chỉ xin tư vấn y tế khi:

  • Đau đến mức không chịu được nữa
  • Xuất hiện các triệu chứng khác như tiểu tiện không tự chủ hoặc tê liệt một phần.

Khi không được điều trị, trượt đĩa đệm có thể dẫn đến các biến chứng như:

  • Triệu chứng ngày càng trầm trọng, như đau nhiều hơn, tê hoặc yếu, gây ảnh hưởng đến thói quen sinh hoạt hàng ngày.
  • Mất kiểm soát tiểu tiện hoặc đại tiện, có thể dẫn đến tiểu tiện không tự chủ hoặc tiểu khó ngay cả khi bàng quang đầy.
  • Hội chứng mất cảm giác vùng yên ngựa, trong đó trượt đĩa đệm gây chèn ép các dây thần kinh, dẫn đến mất cảm giác ở bắp đùi phía trong, phía sau chân và vùng quanh trực tràng.
  • Tổn thương thần kinh vĩnh viễn, có thể dẫn đến yếu cơ hoặc tê liệt vĩnh viễn. Chẩn đoán và điều trị chậm trễ có thể gây tổn thương vĩnh viễn cho các dây thần kinh chi phối bàng quang, ruột và chân.

Làm thế nào để phòng tránh trượt đĩa đệm?

Bạn có thể thực hiện một số bước để phòng tránh trượt đĩa đệm:

  • Tập thể dục. Các bài tập tăng cường cơ bắp rất hữu ích trong việc ổn định và hỗ trợ cột sống.
  • Tư thế đúng. Thực hành tư thế đúng để giảm áp lực lên cột sống và đĩa đệm. Khi ngồi, giữ lưng thẳng một hàng. Nâng vật nặng bằng cách gập hông và đầu gối thay vì cúi về phía trước.
  • Cân nặng có lợi cho sức khỏe. Cân nặng hợp lý giúp giảm áp lực lên cột sống và đĩa đệm.
  • Bỏ hút thuốc. Đĩa đệm duy trì đủ nước và mềm dẻo lâu hơn khi không bị chất độc từ thuốc lá lấy đi dưỡng chất thiết yếu.
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777