Thoái hóa cột sống cổ & thắt lưng - Triệu chứng & Nguyên nhân

Thoái hóa cột sống là gì?

Thoái hóa cột sống là tình trạng thoái hóa ở cột sống và thường liên quan đến đĩa đệm, dây chằng và khớp. Bệnh trạng này còn được gọi là viêm xương khớp cột sống.

Thoái hóa cột sống thường xảy ra ở cổ (thoái hóa cột sống cổ) hay vùng lưng dưới (thoái hóa cột sống thắt lưng).

Trong thoái hóa cột sống, các đĩa đệm ở giữa các đốt sống (xương cột sống) mất đi tác dụng đệm và các dây chằng dày lên. Quá trình thoái hóa có thể bắt đầu bằng một chấn thương ở đĩa đệm hoặc do “chất thạch” trong đĩa đệm bị khô dần theo tuổi tác.

Thoái hóa cột sống

Triệu chứng của thoái hóa cột sống là gì?

Hầu hết mọi người không có triệu chứng và thậm chí không biết mình bị thoái hóa cột sống.

Các dấu hiệu thường gặp khi triệu chứng xuất hiện bao gồm:

  • Cứng và đau cổ
  • Đau và cứng lưng dưới
  • Khó giữ lưng ở tư thế thẳng
  • Có cảm giác ngứa ran ở một hoặc cả hai cánh tay, bàn tay, chân hoặc bàn chân
  • Tê bì và yếu ở một hoặc cả hai cánh tay, bàn tay, chân hoặc bàn chân

Nguyên nhân gây thoái hóa cột sống là gì?

Thoái hóa cột sống xảy ra do áp lực lặp đi lặp lại từ tình trạng cột sống quá tải, hao mòn do lão hóa và chấn thương.

Các nguyên nhân khác bao gồm:

  • Đĩa đệm bị khô do lão hóa. Đĩa đệm trong cột sống đóng vai trò như miếng đệm giữa các đốt sống. Đến khoảng 40 tuổi, đĩa đệm trong cột sống bắt đầu khô và co lại, dẫn đến tình trạng các đốt sống tiếp xúc trực tiếp với nhau nhiều hơn.
  • Thoát vị đĩa đệm do lão hóa. Cùng với quá trình lão hóa, mặt ngoài của đĩa đệm trong cột sống bị bào mòn và có thể xuất hiện các vết nứt, dẫn đến phồng (thoát vị) đĩa đệm gây chèn ép lên tủy sống và rễ thần kinh.
  • Gai xương do thoái hóa đĩa đệm. Khi đĩa đệm hao mòn, cơ thể sẽ sản sinh ra thêm xương để giữ vững đốt sống. Các gai xương này thường dẫn đến tình trạng chèn ép rễ thần kinh hoặc tủy sống.
  • Cứng dây chằng do lão hóa. Dây chằng là dây mô nối các xương với nhau. Theo thời gian, dây chằng có thể cứng lại, khiến lưng trở nên kém linh hoạt.

Các yếu tố nguy cơ gây thoái hóa cột sống là gì?

Các yếu tố nguy cơ gây thoái hóa cột sống bao gồm:

  • Tuổi tác
  • Yếu tố di truyền
  • Các công việc liên quan đến việc lặp đi lặp lại cử động cổ hoặc lưng và nâng vật nặng
  • Chấn thương ở cổ hoặc lưng trước đó
  • Hút thuốc được cho là liên quan đến đau lưng và đau cổ nặng hơn

Biến chứng và các bệnh liên quan của thoái hóa cột sống là gì?

Trong những trường hợp dây thần kinh bị chèn ép nặng do thoái hóa cột sống, dây thần kinh có thể bị tổn thương vĩnh viễn và điều này có thể dẫn tới:

  • Đau mạn tính
  • Yếu và dễ bị té ngã, đặc biệt khi leo cầu thang
  • Khó đi lại
  • Dáng đi không thăng bằng hoặc không vững

Thoái hóa cột sống còn có thể dẫn đến một số bệnh trạng khác, bao gồm:

Trượt đốt sống

Trượt đốt sống xảy ra khi các đĩa đệm trong cột sống bị thoái hóa và không có khả năng nâng đỡ các đốt sống, gây ra sự mất vững. Một xương ở cột sống có thể bị trượt ra ngoài vị trí, tạo áp lực lên dây thần kinh.

Thoái hóa cột sống cùng với bệnh lý tủy

Bệnh lý tủy (chèn ép tủy sống) thoái hóa cột sống cổ xảy ra khi cột sống bị thoái hóa khi chúng ta già đi, gây hẹp và tạo áp lực lên tủy sống. Bệnh trạng này phổ biến hơn đối với những người ở độ tuổi 50 trở lên.

Các triệu chứng của bệnh lý tủy thoái hóa cột sống cổ bao gồm:

  • Cứng cổ
  • Ngứa ran hoặc tê bì cánh tay hoặc bàn tay
  • Yếu cánh tay, bàn tay và chân
  • Gặp khó khăn khi cầm nắm hoặc giữ đồ vật
  • Dáng đi không vững
  • Thiếu sự phối hợp trong các kỹ năng vận động tinh, ví dụ như sử dụng đũa, chơi nhạc cụ, cài nút áo hoặc viết

Thoái hóa cột sống cùng với bệnh lý rễ

Bệnh lý rễ (dây thần kinh bị chèn ép) xảy ra khi rễ thần kinh trong cột sống bị chèn ép. Điều đó có thể xảy ra ở các vùng khác nhau dọc theo cột sống, ví dụ như cổ hoặc vùng lưng dưới (thắt lưng).

Các triệu chứng của bệnh lý rễ thường bao gồm các cơn đau, tê bì và ngứa ran.

Làm thế nào để phòng ngừa thoái hóa cột sống?

Chăm sóc tốt phần lưng, thay đổi tư thế và lối sống có thể giúp ngăn ngừa đau lưng.

  • Tránh ngồi làm việc quá lâu. Nên nghỉ giải lao ngắn mỗi giờ để đứng lên, đi tới đi lui và giãn cơ.
  • Khi ngồi, hãy tận dụng triệt để chỗ dựa ở thắt lưng để tựa lưng và hỗ trợ cho phần lưng.
  • Áp dụng công thái học tốt. Ngồi thẳng lưng và đảm bảo cả hai bàn chân đều đặt trên sàn, và khuỷu tay, đầu gối, hông và mắt cá chân ở một góc 90 độ.
  • Giữ phần trên của màn hình máy tính ngang tầm mắt để bạn nhìn xuống màn hình ở một góc 15 đến 20 độ, giúp bạn đỡ mỏi cổ hơn.
  • Nếu đánh máy trong thời gian dài, hãy ngồi gần bàn và để khuỷu tay lên bàn để giảm bớt căng thẳng ở vai và cổ.
  • Thường xuyên tập các động tác giãn cơ và bài tập tăng cường thể lực.
  • Áp dụng tư thế đúng khi nâng vật nặng.
  • Không hút thuốc.
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777