Đau Lưng: Hướng Dẫn Toàn Diện

Nguồn: Shutterstock

Đau Lưng: Hướng Dẫn Toàn Diện

Cập nhật lần cuối: 20 Tháng Tư 2018 | 8 phút - Thời gian đọc

Đau lưng là một chứng nhức nhối phổ biến đến nỗi rất khó để xác định nguyên nhân chính xác. Nhưng nếu cơn đau không thuyên giảm trong vòng vài tuần, bạn thực sự nên tham khảo ý kiến bác sĩ. Hãy cùng khám phá cẩm nang của chúng tôi để biết thêm lý do.

Đau lưng là gì?

Đau lưng là gì?
Đau lưng tự nó không phải là một tình trạng bệnh lý—nó chỉ là một triệu chứng của một căn bệnh khác. Nó có thể xuất phát từ các vấn đề về:

  • Cơ bắp
  • Cột sống
  • Xương chậu

Các vấn đề về các cơ quan lân cận, như thận hoặc tụy, cũng có thể là nguyên nhân gây ra đau lưng.

Đau lưng là một chứng nhức nhối phổ biến, và đa số mọi người sẽ gặp phải tình trạng này ở một vài thời điểm trong cuộc sống. Vấn đề thường phát sinh khi con người không nhận ra đó là một vấn đề nghiêm trọng hoặc kéo dài, và trì hoãn việc tìm kiếm sự chăm sóc y tế thích hợp. Nếu hiện có cơn đau lưng đang kéo dài hoặc nghiêm trọng, tốt nhất là bạn nên tham khảo ý kiến chuyên gia y tế để có được chẩn đoán phù hợp.

Cảm giác đau lưng là như thế nào?

Cảm giác và cường độ của cơn đau lưng sẽ khác nhau tùy từng người, nhưng các triệu chứng có thể bao gồm:

  • Cảm giác đau nhức, âm ỉ, hoặc cơn đau nhói lên, dữ dội
  • Không thể đứng thẳng mà không đau
  • Phạm vi cử động của thân trên bị hạn chế

Cơn đau lưng nhẹ thông thường sẽ tự khỏi trong vòng vài ngày hoặc vài tuần. Đau lưng chỉ được xếp vào nhóm 'mãn tính' khi các triệu chứng kéo dài hơn 3 tháng

Đối tượng nào hay bị đau lưng?

Đối tượng nào hay bị đau lưng?
Bất kỳ ai cũng có thể bị đau lưng ở bất kỳ thời điểm nào trong cuộc sống, dù có xuất phát từ những hành động đơn giản như căng cơ hay ngồi quá lâu trong tư thế khó chịu. Tuy nhiên, một số đối tượng nhất định có thể có nguy cơ mắc phải chứng đau lưng cao hơn, bao gồm:

  • Nhân viên văn phòng ngồi nhiều cả ngày
  • Những người tập thể dục nhưng không khởi động căng cơ trước
  • Những người lớn tuổi
  • Những người béo phì
  • Những người hút thuốc

Đau lưng của tôi có phải do chấn thương?

Căng cơ có lẽ là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra đau lưng. Nhấc một vật nặng, kéo giãn cơ thể một cách vụng về, hoặc tập luyện thể thao quá sức đều có thể dẫn đến một chấn thương nhẹ như căng cơ. Thông thường, cảm giác ở vùng chấn thương chỉ đau và cứng trong vòng vài ngày hoặc vài tuần trước khi tự lành lại.

Thậm chí ngồi thõng vai lười biếng ở bàn làm việc hoặc đi giày cao gót cũng có thể là nguyên nhân gây ra đau lưng. Nếu bạn nhận thấy có một hoạt động cụ thể luôn dẫn đến đau nhức, có lẽ nên tìm cách để tránh hoạt động đó hoặc giảm thiểu tối đa tác hại trong tương lai.

Phải chăng tôi đã bị thoát vị đĩa đệm?

Trượt đĩa đệm
Cột sống của bạn được tạo thành từ nhiều xương nhỏ được kết nối với nhau, được gọi là đốt sống. Đĩa đệm là túi mô có tác dụng đệm cho khoảng trống giữa mỗi đốt sống.

Những tổn thương đĩa đệm là nguyên nhân phổ biến gây đau lưng, đặc biệt là ở người trẻ. Các chấn thương có thể thay đổi từ một vết rách hình khuyên (một vết rách ở lớp lót của đĩa đệm) đến thoát vị đĩa đệm (khi vật liệu đĩa đệm thoát ra ngoài giới hạn thông thường). Thoát vị đĩa đệm có thể gây áp lực lên một hoặc nhiều dây thần kinh, gây ra các triệu chứng như đau lan xuống cánh tay, chân, ngực hoặc bụng.

Thông thường, một chương trình vật lý trị liệu ngắn hạn do bác sĩ thiết kế kết hợp cùng thuốc men có thể giúp làm giảm các triệu chứng. Chỉ định phẫu thuật thường chỉ được khuyến nghị nếu các triệu chứng không biến mất sau 6 tuần, hoặc có các triệu chứng và dấu hiệu tổn thương dây thần kinh nghiêm trọng hoặc tiến triển. Tổn thương thần kinh chi phối bàng quang và ruột là tình trạng cấp cứu, biểu hiện khi có tê vùng mông và khó tiểu.

Phải chăng tôi đã bị gãy xương?

Gãy xương hay đứt gãy ở bất kỳ vị trí nào dọc theo cột sống có thể xảy ra sau một cú đánh hoặc cú ngã đặc biệt mạnh, như do tai nạn xe hơi hoặc chấn thương thể thao. Ở người cao tuổi bị loãng xương, chỉ một cú ngã đơn giản có thể gây gãy xương.

Nếu bạn bị gãy xương, cường độ cơn đau lưng thường nặng hơn rất nhiều, và vận động làm trầm trọng thêm cơn đau lưng. Các triệu chứng kèm theo có thể bao gồm tê, ngứa ran, co thắt cơ, yếu cơ, són tiểu hay thậm chí là liệt.

Gãy xương là một chấn thương nghiêm trọng và có thể gây ra tổn thương vĩnh viễn cho tủy sống hoặc dây thần kinh, vì vậy hãy tìm đến chăm sóc y tế ngay lập tức nếu bạn lo ngại về tình trạng của mình.

Tuổi tác có phải là một nguyên nhân gây đau lưng?

Đau lưng và tuổi tác
Rất tiếc, đúng vậy. Khi bạn già đi, mật độ xương của bạn có thể giảm xuống, khiến cho xương trở nên dễ bị gãy hơn. Tình trạng này được biết đến là loãng xương, và đặc biệt phổ biến ở người cao tuổi, nhất là phụ nữ.

Bạn có thể không biết mình có bị loãng xương hay không cho đến khi xương bị gãy, nhưng tình trạng này cũng có thể được nhận diện thông qua đau lưng và tư thế còng. Một bài kiểm tra mật độ xương sẽ xác định bạn có bị loãng xương hay không bằng cách đo mật độ xương ở cột sống và hông.

Hiện có các loại thuốc giúp tăng mật độ xương và làm cho xương chắc khỏe hơn. Một chế độ ăn đủ canxi cũng sẽ giúp xương chắc khỏe tự nhiên.

Một tình trạng liên quan đến tuổi tác khác cũng có thể gây ra đau lưng là viêm khớp. Đây là tình trạng do khớp bị lão hóa, dẫn đến đau khớp, cứng khớp và giảm phạm vi cử động.

Còn những nguyên nhân liên quan đến cột sống nào khác gây ra đau lưng?

Dưới đây là một số nguyên nhân có thể gây đau lưng liên quan đến cột sống, mặc dù nhiều tình trạng này ít phổ biến hơn:

Thoái hóa đĩa đệm: Khi bạn già đi, các đĩa đệm trong lưng của bạn có thể bắt đầu thoái hóa, khiến cho các xương trong cột sống cọ xát gây khó chịu.

Đau dây thần kinh do thoát vị đĩa đệm: Khi đĩa đệm bị vỡ và lấn (thoát vị) vào đường dây thần kinh sẽ gây tình trạng dây thần kinh bị chèn ép. Điều này gây đau xuống chân (hay còn gọi là đau thần kinh tọa), tê hoặc ngứa xuống chân và bàn chân. Cơn đau thường trở nên nặng hơn khi bạn ho, hắt hơi hoặc vận động mạnh.

Hẹp cột sống do thoái hóa: Khi người ta già đi, ống trong cột sống nơi có thần kinh tủy nằm trong đó trở nên hẹp hòi hơn dẫn tới tình trạng ép dây thần kinh tủy sống. Khi bạn đi bộ, cột sống ép ống tủy và ép dây thần kinh gây đau, tê hoặc yếu 2 chân. Bạn sẽ phải ngồi xuống hoặc thay đổi tư thế mới có thể tiếp tục đi.

Hội chứng đuôi ngựa: Đây là tình trạng mà rễ thần kinh ở đoạn cuồi của tủy sống bị chèn ép và là một trường hợp cấp cứu phải được đến bệnh viện nhanh nhất. Tình trạng này thường gây tê bì quanh vùng mông và tiểu khó. Nếu không được giải áp nhanh có thể gây hại vĩnh viễn.

Đôi khi, các nguyên nhân đau lưng liên quan đến cột sống có thể đi kèm với một hay nhiều dây thần kinh bị chèn ép. Vậy còn những tình trạng nào khác gây chèn ép dây thần kinh?

Một dây thần kinh bị chèn ép: Chèn ép lên một dây thần kinh thường xuất phát từ thoát vị đĩa đệm. Đôi khi cũng có thể liên quan đến các vấn đề đề cập bên trên.

Hẹp tủy sống: Sự thu hẹp của ống sống có thể gây áp lực lên nhiều dây thần kinh trong cột sống. Tình trạng này có thể khiến cơn đau lan xuống chân khi bạn đi bộ. Chân có thể cảm thấy tê, ngứa ran hoặc yếu.

Hội chứng đuôi ngựa: Đây là một tình trạng cấp cứu. Áp lực lên các dây thần kinh chi phối bàng quang có thể dẫn đến tổn thương vĩnh viễn cho các dây thần kinh này. Nếu bạn có biểu hiện tê vùng mông hay khó tiểu, bạn nên đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Liên tục chèn ép dây thần kinh nghiêm trọng có thể dẫn đến tổn thương dây thần kinh. Nếu bạn có các triệu chứng đề cập trên, xin hãy tìm kiếm tư vấn y khoa.

Còn nguyên nhân nào khác có thể liên quan đến chứng đau lưng của tôi?

Các nguyên nhân khác gây đau lưng
Vâng—hoàn toàn có khả năng chứng đau lưng của bạn hoàn toàn không liên quan đến xương khớp, cơ bắp và dây chằng ở lưng.

Ví dụ, viêm thận có thể gây ra đau lưng dưới, mặc dù thường có cảm giác “sâu” hơn và cao hơn một chút so với cơn đau nhức cơ thông thường. Nang buồng trứng hay ung thư buồng trứng cũng có thể gây đau lưng dưới, mặc dù các trường hợp này thường đi kèm với các triệu chứng khác, như kinh nguyệt không đều, đau bụng, buồn nôn, chán ăn và sụt cân. Ung thư tụy cũng có thể biểu hiện với tình trạng đau lưng, đi kèm với một số triệu chứng khác như tiểu sẫm màu, ngứa da, buồn nôn và sụt cân.

Đây là lý do vì sao việc tìm kiếm một chuẩn đoán y tế là vô cùng quan trọng nếu bạn trải qua cơn đau lưng kéo dài. Bác sĩ sẽ có thể loại trừ các tình trạng bệnh dựa trên các triệu chứng và khuyến nghị hướng điều trị tốt nhất cho bạn.

Khi nào tôi biết liệu đau lưng có nghiêm trọng?

Không có cách nào đảm bảo xác định chắc chắn liệu cơn đau lưng có phải là dấu hiệu của một vấn đề nghiêm trọng. Nếu chứng đau lưng của bạn kéo dài lâu hơn vài tuần, ở mức nghiêm trọng, hoặc mang lại cho bạn nỗi lo lắng, bạn nên đi khám bác sĩ.

Một số dấu hiệu của một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng hơn mà bạn cần lưu ý bao gồm:

  • Mất kiểm soát bàng quang hoặc ruột già
  • Tê hoặc ngứa ran vùng chân
  • Cơn đau dữ dội, liên tục
  • Cơn đau trở nên trầm trọng hơn ban đêm
  • Sụt cân
  • Sốt

Làm thế nào để chuẩn đoán đau lưng?

Chẩn đoán đau lưng
Bác sĩ thường sẽ đặt ra các câu hỏi cụ thể và tiến hành kiểm tra toàn diện chức năng cơ thể để kiểm tra khả năng đứng và đi của bạn, phạm vi chuyển động, cảm giác, phản xạ và sức mạnh cơ bắp.

Trong một số trường hợp, bác sĩ có thể yêu cầu xét nghiệm máu và nước tiểu, chụp X quang, MRI và quét xương để loại trừ các trường hợp có tình trạng bệnh lý tiềm ẩn nghiêm trọng hơn.

Điều trị đau lưng bằng phương pháp nào?

Tùy vào nguyên nhân gây đau lưng, bác sĩ có thể kê đơn thuốc giảm đau như thuốc chống viêm (Ibuprofen) và/hoặc thuốc giãn cơ.

Bác sĩ cũng có thể giới thiệu bạn đến chuyên gia vật lý trị liệu, người có thể hỗ trợ bạn hướng dẫn các bài tập đơn giản để tăng cường sức khỏe của hệ cơ lưng và cơ trung tâm, đồng thời cải thiện tư thế.

Cơn đau lưng nghiêm trọng hơn đôi khi có thể cần dùng biện pháp tiêm hay phẫu thuật để điều trị. Tùy vào nguyên nhân gây ra cơn đau, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn phương pháp điều trị tốt nhất.

Nếu bạn chỉ đang tìm cách làm giảm cơn đau nhẹ tại nhà, đắp gói nước đá có thể giúp giảm viêm và giảm đau. Một khi tình trạng sưng đã thuyên giảm, gạc ấm cũng sẽ hữu hiệu.

Tôi có thể sử dụng các liệu pháp thay thế để điều trị đau lưng?

Các phương pháp điều trị thay thế cho chứng đau lưng
Một số người nhận thấy các liệu pháp thay thế, chẳng hạn như châm cứu, mát-xa, chỉnh hình cột sống, yoga và liệu pháp nhận thức - hành vi (CBT) hữu ích trong việc giảm cơn đau lưng.

  • Châm cứu: Chuyên gia châm cứu sẽ đặt những cây kim mỏng vào da tại các huyệt đạo nhất định để kích thích các chất hóa học tự nhiên trong cơ thể.
  • Mát xa: Chuyên gia trị liệu sẽ mát xa tại các vùng bị ảnh hưởng để giúp nới lỏng cơ bắp.
  • Chỉnh hình cột sống: Chuyên gia về chỉnh hình sẽ tác động vật lý để tăng phạm vi chuyển động và cải thiện các chức năng cơ thể.
  • Yoga: Một hình thức tập luyện kết hợp giữa các bài tập củng cố sức mạnh và giãn cơ.
  • Liệu pháp hành vi nhận thức: Phương pháp trị liệu tâm lý có định hướng mục tiêu, được thiết kế để thay đổi các lối suy nghĩ tiêu cực.

Bạn luôn nên tham khảo ý kiến từ bác sĩ trước khi thử bất kỳ liệu pháp thay thế nào để điều trị đau lưng. Nếu không có chẩn đoán thích hợp, tự điều trị có thể làm trầm trọng thêm tình trạng của bạn hay tệ hơn, trì hoãn việc chẩn đoán cho một tình trạng bệnh lý nghiêm trọng.

Nếu bạn lo lắng về tình trạng đau lưng tái phát, đừng ngại tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa chỉnh hình!

Leonard, M. & Lights, V. (2014, September 15). What is Back Pain? Retrieved February 15, 2018, from https://www.healthline.com/health/back-pain#1

Causes of Back Pain. (n.d.). Retrieved February 15, 2018, from https://www.webmd.com/back-pain/guide/causes-back-pain#1
Bài viết liên quan
Xem tất cả