-
-
Khu vực chăm sóc và điều trị
Nguồn: Shutterstock
Mũi tiêm tăng cường COVID-19 chỉ một liều nữa trong vắc-xin COVID-19 được tiêm cho những cá nhân mà sự bảo vệ khỏi COVID-19 của họ đã suy giảm theo thời gian sau khi đã hoàn thành phác đồ tiêm chủng hai mũi.
Tiêm tăng cường không phải là một hiện tượng mới mẻ. Loại tiêm này thường xuyên được sử dụng cho những bệnh nhiễm trùng do virus như bệnh cúm, cũng như những bệnh khác như Viêm Gan A. Đa số những mũi tiêm tăng cường giống hệt như những mũi tiêm trước đó, nhưng một số được cải tiến để gia tăng hiệu quả của chúng.
Một vài người có thể băn khoăn liệu việc sử dụng mũi tiêm tăng cường có nghĩa rằng những loại vắc-xin COVID-19 hiện tại không đủ hiệu quả. Sự thật không phải như vậy. Mặc dù các vắc-xin COVID-19 bảo vệ hiệu quả khỏi COVID-19 và các biến thể của nó, mức độ bảo vệ này có thể suy giảm theo thời gian. Tiêm mũi tăng cường có thể đẩy mạnh mức độ miễn dịch của cá nhân và tăng cường sự bảo vệ khỏi COVID-19.
Các quan chức y tế Israel đã nói rằng hiệu quả của mũi thứ hai của vắc-xin Pfizer-BioNTech đã suy giảm sáu tháng sau khi mũi tiêm này được thực hiện, tạo ra nhu cầu phải tiêm một mũi tăng cường để tăng sự bảo vệ sức khỏe. Tương tự như vậy, có những bằng chứng cho thấy mức độ kháng thể sau hai mũi tiêm CoronaVac COVID-19 của Sinovac không cao, và suy giảm nhanh chóng trong mọi độ tuổi trong vòng từ 3 tới 6 tháng, trở về mức kháng thể trước khi tiêm chủng vào tháng thứ sáu. Mũi thứ ba của vắc-xin CoronaVac là cần thiết để gia tăng mức độ kháng thể và củng cố sự bảo vệ miễn dịch chống lại COVID-19.
Ngoài người dân nói chung, các cá nhân có tình trạng suy giảm nghiêm trọng hệ miễn dịch, như bệnh nhân ung thư, bệnh nhân ghép tạng và bệnh nhân đang được điều trị bằng phương pháp điều trị ức chế miễn dịch đặc biệt cần mũi tiêm tăng cường COVID-19. Điều này bởi vì những cá nhân này không có sự phản ứng miễn dịch mạnh mẽ với những mũi tiêm phòng vắc-xin giống như phần đông người dân. Mũi tiêm tăng cường sẽ giúp tăng sự phản ứng miễn dịch của họ lên mức độ đầy đủ.
Dù vậy, dữ kiện cho thấy trong khi sự bảo vệ khỏi nhiễm COVID-19 suy yếu sau 6 tháng, sự bảo vệ miễn dịch chống lại bệnh nặng, nhập viện và tử vong vẫn ở mức cao, ngay cả sau 6 tháng, đối với cả COVID-19 và các biến thể dễ lây nhiễm hơn của nó. Một nghiên cứu gần đây trên tạp chí Y Khoa The Lancet, được tiến hành bởi các nhà khoa học, bao gồm vài người đến từ Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO), kết luận rằng sự phản ứng miễn dịch tạo ra bởi các vắc-xin hiện tại đủ để bảo vệ khỏi các biến thể hiện nay. Hơn nữa, hệ miễn dịch của cơ thể có những phương pháp phòng ngự khác, ngoài các loại kháng thể, để tiếp tục bảo vệ cá nhân khỏi bị ốm nặng, ngay cả sau khi mức độ kháng thể đã sụt giảm. Điều này đã dẫn đến việc các nhà khoa học trên khẳng định rằng hiện tại người dân không cần mũi tiêm tăng cường vắc-xin. Xa hơn nữa, thời gian kéo dài của sự bảo vệ đến từ các mũi tiêm tăng cường này vẫn cần phải được khảo sát thêm.
Nhiều quốc gia, bao gồm Singapore, đã bắt đầu tiêm mũi tăng cường vắc-xin COVID-19 cho người dân. Israel là quốc gia đầu tiên tiêm mũi tăng cường trong dân vào cuối tháng 7, và đã bắt đầu tiêm mũi thứ ba của vắc-xin Pfizer-BioNTech cho những người trưởng thành trên 60 tuổi. Nước này mới đây đã mở rộng điều kiện để những cá nhân trên 12 tuổi cũng đủ điều kiện tiêm mũi tăng cường. Khoảng 2.6 triệu người, trong tổng số dân hơn 9 triệu, đã được tiêm mũi thứ ba của vắc-xin Pfizer-BioNTech. Nước Mỹ cũng đã bắt đầu cung cấp mũi tiêm tăng cường Pfizer-BioNTech và Moderna trong dân chúng. Những quốc gia khác cũng đã bắt đầu cung cấp mũi tiêm tăng cường bao gồm Indonesia, Thái Lan, và Campuchia.
Tại Singapore, mũi tiêm tăng cường hiện đã có. Tất cả cư dân Singapore đều được khuyến nghị tiêm vắc-xin mRNA làm mũi tăng cường (trừ khi không thể làm vậy vì lý do sức khỏe như dị ứng hoặc viêm cơ tim sau mũi tiêm trước đó). Những người vì lý do sức khỏe không thể tiêm được vắc-xin mRNA nên cân nhắc các vắc-xin không phải mRNA như Sinovac-CoronaVac hoặc Sinopharm.
Những khám phá từ cuộc triển khai mũi tiêm tăng cường của Israel đã cho thấy mũi thứ ba của vắc-xin Pfizer-BioNTech đã gia tăng đáng kể khả năng bảo vệ khỏi bị nhiễm bệnh và bệnh nguy kịch ở những cá nhân có độ tuổi từ 60 trở lên so với những người chỉ được tiêm 2 mũi. Nghiên cứu cho thấy rằng với mũi tiêm tăng cường Pfizer-BioNTech, rủi ro nhiễm COVID-19 đã giảm đến 11.4 lần, và rủi ro mắc bệnh nguy kịch đã giảm đến hơn 10 lần.
Tương tự như vậy, dữ kiện ban đầu từ một cuộc thử nghiệm giai đoạn đầu của các công ty phía sau vắc-xin Pfizer-BioNTech cho thấy mũi tiêm thứ ba cung cấp lượng kháng thể trung hòa đáng kể cao hơn chống lại virus COVID-19, cũng như chống lại các biến thể Beta và Delta.
Dữ kiện mới đây được công bố bởi Pfizer và BioNTech cho thấy những tác dụng phụ của mũi vắc-xin thứ ba thường ở mức độ từ nhẹ đến trung bình, với tần suất của những tác dụng phụ này tương tự hoặc tốt hơn so với mũi tiêm thứ hai. Những tác dụng phụ phổ biến nhất mà những đối tượng tiêm gặp phải bao gồm đau tại chỗ tiêm, mệt mỏi, đau đầu, đau cơ và khớp, và lạnh run. Những cá nhân đã từng có phản ứng dị ứng hoặc sốc phản vệ với vắc-xin, hoặc bị viêm cơ tim hay viêm màng ngoài tim sau khi tiêm vắc-xin, không nên được tiêm mũi tăng cường vắc-xin COVID-19.
Tại Singapore, những người đã tiêm hai mũi vắc-xin mRNA trong phác đồ tiêm chủng chính của họ được khuyến nghị tiêm mũi tăng cường vắc-xin mRNA ít nhất 5 tháng sau mũi thứ hai của vắc-xin mRNA. Trái lại, những cá nhân bị suy giảm miễn dịch được khuyên là nên tiêm mũi thứ ba cùng loại vắc-xin RNA sau hai tháng kể từ mũi thứ hai. Đối với những người đã tiêm hai mũi Sinovac-CoronaVac hoặc Sinopharm, mũi thứ ba nên được tiêm vào 90 ngày sau mũi thứ hai.
Tại Singapore, những người đã tiêm hai mũi vắc-xin mRNA có thể tiêm Pfizer BioNTech hoặc Moderna làm mũi tăng cường. Vì vậy, mũi tăng cường mRNA không nhất thiết phải cùng nhãn hiệu với hai mũi vắc-xin mRNA đầu tiên. Những người đã tiêm hai mũi Sinovac-CoronaVac hoặc Sinopharm nhưng có thể tiêm vắc-xin mRNA được khuyến nghị sử dụng vắc-xin mRNA thuộc Danh sách sử dụng trong đại dịch (PSAR) của WHO (ví dụ như Pfizer BioNTech và Moderna) trong lần tiêm thứ ba của phác đồ tiêm chủng chính.
Bộ Y Tế Singapore (MOH) không khuyến nghị việc sử dụng Sinovac-CoronaVac hoặc Sinopharm làm mũi tiêm tăng cường. Duy nhất có một ngoại lệ, đó là dành cho những người không thể tiếp nhận được vắc-xin mRNA vì lý do sức khỏe, như dị ứng với vắc-xin mRNA.
Hiện tại vẫn chưa rõ liệu có cần nhiều mũi tiêm tăng cường dành riêng cho việc phòng vệ khỏi những biến thể COVID-19 khác nhau. Xa hơn nữa, dữ kiện hiện nay cho thấy rằng mặc dù những trường hợp nhiễm bệnh đột phá (những người mắc bệnh sau khi đã tiêm phòng) dường như đang tăng lên do sự trỗi dậy của các biến thể COVID-19, các vắc-xin hiện tại vẫn còn hiệu quả, đặc biệt ở việc ngăn chặn nhập viện và tử vong.