Dr Wee Teck Huat Andy
Bác Sĩ Phẫu Thuật Chấn thương Chỉnh Hình
Nguồn: Shutterstock
Bác Sĩ Phẫu Thuật Chấn thương Chỉnh Hình
Viêm dính bao khớp vai, còn được gọi là viêm bao hoạt dịch dính (adhesive capsulitis), là căn bệnh gây đau và hạn chế khả năng vận động của khớp vai, thường gặp ở bệnh nhân độ tuổi từ 40 đến 60. Bệnh xảy ra do các mô sẹo bị viêm hình thành trong khớp vai của bạn, làm giảm sút khả năng vận động trơn tru của khớp. Bệnh còn làm giảm lượng hoạt dịch bôi trơn trong khớp, càng tác động xấu đến khả năng vận động của vai.
Các bác sĩ đôi khi mô tả viêm dính bao khớp vai chia làm 3 giai đoạn. Trong giai đoạn "đau cấp tính và đông cứng" bạn sẽ bắt đầu cảm nhận các cơn đau. Tình trạng vai cứng nhắc dần dần hình thành do các cơn đau và việc không cử động khớp vai. Trong giai đoạn "đông cứng" cường độ đau sẽ giảm nhưng tình trạng cứng nhắc vẫn còn, hoặc trầm trọng hơn, và bạn hầu như không thể vận động khớp vai, mặc dù cảm giác đau có thể thuyên giảm. Giai đoạn cuối cùng là giai đoạn "tan băng" khi bạn dần dần lấy lại khả năng vận động của khớp vai.
Chưa có một nguyên nhân chắc chắn nào được xác định cho tình trạng viêm dính bao khớp vai. Tuy nhiên, một số người có rủi ro cao hơn mắc phải căn bệnh này. Các bệnh nền như tiểu đường hoặc bệnh tim mạch có mối liên hệ với căn bệnh viêm dính bao khớp vai. Bệnh cũng thường gặp hơn ở những bệnh nhân đang hồi phục sau tai biến mạch máu não (đột quỵ), hoặc đang hồi phục sau phẫu thuật ngăn chận khả năng vận động của vai trong một giai đoạn kéo dài. Sự bất động dẫn đến tình trạng viêm và tạo nên các mô gọi là "dải dính", từ đó dẫn đến chứng viêm dính bao khớp vai. Bất kỳ chấn thương nào ở vùng vai đều có thể dẫn đến căn bệnh này nếu có sự xuất hiện của các mô sẹo.
Nếu bạn gặp phải bất kỳ triệu chứng nào của viêm dính bao khớp vai, cần phải đi khám bác sĩ ngay. Họ sẽ tiến hành hàng loạt các xét nghiệm, bao gồm kiểm tra sức khỏe tổng quát và hỏi bạn về tiền sử bệnh tật. Bác sĩ cũng sẽ đánh giá sự vận động của khớp vai. Bạn sẽ được yêu cầu cử động khớp vai theo nhiều hướng khác nhau để giúp xác định mức độ hạn chế hoạt động của khớp. Bác sĩ cũng có thể tiến hành chụp cộng hưởng từ (MRI) để kiểm tra xem bạn có bị đứt dây chằng, hoặc chỉ định chụp X-quang để loại trừ yếu tố viêm khớp dạng thấp.
Có một vài cách tiếp cận khác nhau mà bác sĩ có thể lựa chọn để điều trị căn bệnh này. Viêm dính bao khớp vai tái đi tái lại có thể kéo dài trong vài năm, do đó tất cả các trường hợp viêm dính bao khớp vai nên được điều trị càng sớm càng tốt. Điều trị tích cực có thể rút ngắn thời gian hồi phục của bạn.
Vật lý trị liệu cũng đóng vai trò quan trọng trong việc cải thiện khả năng cử động của khớp vai. Do bệnh viêm dính bao khớp vai thường hình thành do sự bất động, một chương trình tập luyện các động tác phù hợp có thể ngăn ngừa việc này. Bác sĩ của bạn sẽ giới thiệu bạn đến chuyên gia vật lý trị liệu, để nhận được hướng dẫn về các bài tập luyện, nhằm tăng cả tính dẻo dai và độ vững chắc cho khớp vai. Điều quan trọng là không nên tập với áp lực quá cao, các động tác xoay tròn nhẹ nhàng, hoặc đưa vai lên xuống và dịch sang hai bên kết hợp với chườm đá thường cho kết quả tốt. Tránh các hoạt động nặng như nâng vật nặng hoặc chơi các môn thể thao có va chạm mạnh. Vật lý trị liệu là phương pháp phổ biến nhất để điều trị viêm dính bao khớp vai, nhưng cần phải kiên nhẫn.
Hồi phục từ bệnh viêm dính bao khớp vai là một quá trình lâu dài. Có những trường hợp khả năng vận động của khớp bị ảnh hưởng vĩnh viễn, nhưng đa số các bệnh nhân hồi phục hoàn toàn trong khoảng thời gian từ 6 tháng đến 1 năm. Việc can thiệp sớm, kết hợp với vật lý trị liệu đều đặn đóng vai trò quan trọng trong việc rút ngắn thời gian phục hồi chức năng.
Tuy rằng xác định nguyên nhân chính xác của căn bệnh này khá khó, bất động do ít vận động luôn là yếu tố khởi phát. Bạn nên luôn giữ cho khớp vai vận động và tập thể dục đều đặn. Nếu có bị chấn thương, hoặc bị bệnh và không thể cử động, hãy hỏi ý kiến của bác sĩ về chăm sóc sức khỏe khớp xương trong suốt thời kỳ này. Ăn uống hợp lý và kiểm soát tốt bệnh tiểu đường, nếu có.
Bạn nên đi khám bác sĩ càng sớm càng tốt. Can thiệp sớm và kiểm soát tình trạng bệnh hợp lý sẽ mang đến cơ hội phục hồi cao nhất cho bạn.