Dr Chua Soo Yong
Bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình
Nguồn: Shutterstock
Bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình
Loãng xương là một căn bệnh làm yếu xương bằng cách giảm mật độ xương và khối lượng xương. Bệnh có thể do mất cân bằng hoóc-môn (loãng xương thứ cấp), mãn kinh (loãng xương sau mãn kinh) hoặc lão hóa (loãng xương do tuổi tác).
Khoảng 25% người trong độ tuổi 70 đến 79 mắc phải loãng xương, với số lượng nữ giới gấp đôi nam giới.
Bác sĩ Chua Soo Yong, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh Viện Mount Elizabeth, giải thích những hậu quả đau lòng của loãng xương, nhưng cũng nhấn mạnh rằng nó là một căn bệnh có thể ngăn ngừa và điều trị được, với điều kiện bắt buộc là phải hành động sớm.
Sự thật là loãng xương là một căn bệnh thầm lặng. Dấu hiệu phổ biến nhất của loãng xương là gãy xương – cho đến khi xương bị gãy, bệnh nhân có thể không biết rằng họ bị loãng xương. Do đó, phương thức điều trị quan trọng nhất là phòng ngừa.
Các vụ gãy xương do loãng xương thường ảnh hưởng đến 3 vùng cơ thể - cột sống, cổ tay và hông.
Bệnh nhân bị gãy cột sống do loãng xương thường gặp đau lưng, tư thế khòm lưng xấu hơn, hoặc, ít phổ biến hơn là liệt.
Gãy xương cổ tay thường xảy ra khi bệnh nhân té, chống tay xuống đất và cổ tay hứng trọn lực va đập, trở nên biến dạng.
Gãy xương hông thường mang lại tin tức xấu nhất. Ước tính tại Singapore cứ mỗi năm lại có 800-900 vụ gãy xương hông do loãng xương. Trong suốt ba thập kỷ qua, gãy xương hông ở nữ giới từ 50 tuổi trở lên đã tăng gấp 5 lần, từ 75 trường hợp lên 402 trường hợp trên mỗi 100,000 người. Ở nam giới 50 tuổi trở lên, gãy xương hông tăng từ 103 trường hợp lên 152 trường hợp trên mỗi 100,000 người.
Có một câu thành ngữ nói rằng "gãy xương hông là điềm báo của cái chết." Tại Singapore, khoảng một trong năm bệnh nhân qua đời trong vòng một năm kể từ khi bị gãy xương hông do loãng xương. Một phần ba bệnh nhân cuối cùng phải ngồi xe lăn hoặc nằm liệt giường.
Xương không ngừng bị phá vỡ và tái tạo. Ở những người trẻ tuổi, xương mới được sản sinh nhanh hơn tốc độ xương bị phá vỡ. Điều này làm tăng khối lượng xương, khối lượng xương sẽ đạt đỉnh khi bạn 30 tuổi. Sau đó, quá trình tái tạo chậm lại, khiến tốc độ phá vỡ xương nhanh hơn tốc độ tái tạo. Điều này dẫn đến sự mất mát khối lượng xương.
Loãng xương có thể ảnh hưởng đến bất kỳ ai, nhưng những nhóm đối tượng sau đây có nhiều nguy cơ hơn:
Bạn có thể ước tính nhanh nguy cơ bị loãng xương dựa vào bảng câu hỏi 1 phút này của Tổ Chức Loãng Xương Quốc Tế (International Osteoporosis Foundation).
Bạn cũng có thể tính toán nguy cơ gãy xương với công cụ đánh giá nguy cơ gãy xương (FRAX) của Tổ Chức Y Tế Thế Giới (World Health Organisation).
Tin tốt là loãng xương có thể phòng ngừa được đến một mức độ nhất định, dựa vào lối sống chúng ta chọn lựa.
Bởi vì khối lượng xương của chúng ta đạt đỉnh vào độ tuổi trưởng thành trẻ, việc áp dụng các biện pháp để giữ xương chắc khỏe là điều hết sức quan trọng khi chúng ta bước vào những năm tháng tuổi già.
Một số biện pháp bao gồm thực hiện các bài tập chịu trọng lượng, tiêu thụ một chế độ ăn uống dồi dào canxi và vitamin D, thường xuyên ra nắng và tránh hút thuốc hoặc uống quá nhiều rượu.
Có hai loại bài tập giúp phòng ngừa loãng xương, đó là bài tập chịu trọng lượng (weight-bearing exercises) và rèn luyện sức mạnh (strength-training).
Bài tập chịu trọng lượng giúp cơ thể hoạt động chống lại trọng lực, thúc đẩy cơ thể sản sinh xương mới. Điều này có thể bao gồm những hoạt động thường ngày như đi bộ và leo cầu thang, cũng như các hoạt động như thể dục nhịp điệu (aerobics), thể dục nhịp điệu dưới nước (water aerobics), chạy bộ chậm (jogging), chạy (running), thái cực quyền (tai chi) và yoga.
Ngoài những hoạt động này, hãy cố gắng kết hợp cả rèn luyện sức mạnh. Điều này giúp phòng ngừa loãng xương vì luyện tập cơ bắp cũng xây dựng sức mạnh của xương. Những hoạt động hàng ngày như mang vác trẻ em và túi đồ tạp hóa đều giúp xây dựng sức mạnh cơ bắp, cũng như những bài tập như hít đất (push-ups), gánh tạ (squats), và sử dụng tạ tập hay dây đàn hồi tập thể lực.
Canxi là một khoáng chất cần thiết cho việc xây dựng xương chắc khỏe, dày đặc và cũng giúp chỉnh đốn các chức năng như đông máu, sự co thắt cơ bắp và nhịp tim. Khoảng 99% canxi được tìm thấy trong xương và răng. Vì cơ thể chúng ta không thể sản sinh canxi, điều quan trọng là phải nhận đủ canxi từ nguồn thực phẩm, hoặc nó sẽ phải được lấy từ xương.
Nhu cầu canxi được khuyến nghị ở nữ giới độ tuổi 50 trở xuống và nam giới độ tuổi 70 trở xuống là 1000mg canxi mỗi ngày. Nhu cầu này tăng lên đến 1200mg ở nữ giới độ tuổi 51 trở lên và nam giới độ tuổi 71 trở lên.
Những nguồn cung cấp canxi tốt là các loại rau xanh đậm và các sản phẩm sữa như sữa, sữa chua và phô mai. Ngoài một chế độ ăn uống cân bằng và bổ dưỡng, bổ sung canxi cũng có lợi nhưng chỉ khi bạn không thể có đủ canxi từ thực phẩm thường ngày.
Vitamin D giúp cơ thể bạn hấp thụ canxi và cũng đóng vai trò quan trọng trong phát triển cơ bắp và sức mạnh cơ bắp.
Cả nam giới lẫn nữ giới dưới độ tuổi 50 đều cần từ 400-800 "IU" (đơn vị quốc tế: International Unit) vitamin D mỗi ngày, và những người trên 50 tuổi cần từ 800-1000 IU vitamin D mỗi ngày.
Để có được lượng vitamin D đầy đủ, hãy thường xuyên tiếp xúc với ánh nắng mặt trời để kích thích làn da tự sản xuất lượng vitamin D riêng. Một số nguồn thực phẩm tốt bao gồm các loại cá béo như cá thu, cá hồi, cá ngừ, và nhiều loại thực phẩm khác như các sản phẩm từ sữa cũng được gia tăng thêm vitamin D.
Một chế độ ăn cân bằng sẽ cung cấp cho cơ thể bạn những dưỡng chất và khoáng chất tốt cho sức khỏe tổng thể. Chế độ ăn này nên bao gồm các sản phẩm từ sữa, cá béo, cá hộp còn nguyên xương mềm, và các loại trái cây và rau củ nhiều màu sắc, từ những loại có lá xanh đậm cho đến cà chua và ớt chuông đỏ. Ngoài ra, nạp đủ protein cũng quan trọng cho sức khỏe xương, trong khi quá nhiều muối, rượu và caffeine góp phần làm mất xương.
Tin tốt lành thứ hai là loãng xương hoàn toàn có thể điều trị được.
Với những bệnh nhân có nền tảng bệnh khác, ví dụ như mất cân bằng hoóc-môn khiến cho họ mắc loãng xương, điều trị bệnh lý nền tảng đó thường sẽ giải quyết được vấn đề.
Liệu pháp thay thế hoóc-môn (HRT) theo dạng chỉ bổ sung oestrogen hoặc kết hợp với progestin, giúp giảm thấp nguy cơ gãy xương ở nữ giới sau giai đoạn mãn kinh. Tuy nhiên, bởi vì HRT cũng liên kết với nguy cơ mắc những vấn đề sức khỏe khác, bác sĩ có thể khuyến nghị những lựa chọn khác thay thế. Một số phương pháp điều trị khác bắt chước lợi ích của HRT, ví dụ như raloxifene, trong khi phương pháp tiêm hoóc-môn tổng hợp, ví dụ như abaloparatide và teriparatide, có thể giúp gia tăng mật độ khoáng xương.
Hãy trao đổi với bác sĩ của bạn về những lợi ích và rủi ro của bất kỳ phương pháp điều trị nào.
Cũng có những loại thuốc men điều trị loãng xương. Ngoài việc đảm bảo bạn nạp đủ lượng canxi và vitamin D cần thiết theo độ tuổi, tình trạng hoạt động và thai kỳ, bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn về loại thuốc loãng xương phù hợp.
Về cơ bản, các loại thuốc này sẽ hoặc ngăn ngừa xương bị mất thêm (chống thoái hóa: anti-resorptive), hoặc giúp xây dựng khối lượng xương (đồng hóa: anabolic). Loại thuốc chống thoái hóa xương giúp cơ thể giữ lại lượng xương sẵn có trong khi vẫn tự xây dựng thêm xương thông qua những tác nhân kích thích từ môi trường và chế độ ăn uống. Loại thuốc kích thích đồng hóa xương sẽ trực tiếp kích thích xương phát triển.
Bạn chỉ nên bắt đầu dùng bất kỳ loại thuốc nào, hoặc dạng chống thoái hóa xương, hoặc kích thích đồng hóa, sau khi đã hỏi ý kiến của bác sĩ, để đảm bảo rằng bạn nhận được hình thức điều trị an toàn và hiệu quả nhất dành cho nhu cầu của mình.
Bisphosphonate giúp gia tăng sức mạnh xương và ngăn ngừa xương thoái hóa, do đó giúp ngăn ngừa gãy xương. Loại thuốc này có nhiều hình thức khác nhau, như alendronate, được uống hàng tháng, và risedronic acid, được uống theo liều hàng tuần. Hãy làm theo hướng dẫn một cách cẩn thận để giảm nguy cơ lở loét thực quản.
Loãng xương là căn bệnh "thầm lặng" có thể không được chuẩn đoán cho đến khi quá trễ. Bằng cách nói ra và nâng cao nhận thức về loãng xương, bạn có thể giúp giảm những hậu quả xấu tiềm ẩn của căn bệnh hoàn toàn có thể điều trị được này.