Dr Lee Boon Leng Kevin
Bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình
Nguồn: Shutterstock
Bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình
Nếu bạn đau khớp gối và khớp hông, các phương pháp điều trị bảo tồn như dùng thuốc và vật lý trị liệu không thành công, bạn có thể là ứng cử viên cho phương pháp nội soi khớp gối hoặc hông.
Khi bạn báo với bác sĩ rằng bạn đau ở hông, điều đầu tiên bác sĩ nên làm là xác minh rằng hông mới thật sự là nguồn cơn của vấn đề. Cơn đau hông thường được cảm nhận ở bẹn hoặc phía ngoài của hông, ngay vị trí của khớp hông (một khớp dạng cầu-ổ). Việc sử dụng cầu thang là hoạt động chịu tải trọng đầu tiên khiến người bệnh viêm khớp vùng gối giai đoạn đầu cảm thấy đau nhức ngay tại hông hoặc đầu gối của họ.
Viêm xương khớp là nguyên nhân phổ biến nhất gây ra những cơn đau ở hông và đầu gối của bạn. Viêm xương khớp là tình trạng viêm mãn tính của sụn khớp và màng khớp, dẫn đến đau đớn và cứng khớp khi xương cọ xát vào nhau. Viêm mãn tính các khớp xảy ra khi hệ thống miễn dịch tấn công lớp màng trong của khớp là tình trạng có tên viêm khớp dạng thấp (rheumatoid arthritis), và ảnh hưởng lên phụ nữ nhiều hơn khoảng 3 lần so với đàn ông. Đau đớn, viêm nhiễm, cứng khớp, yếu ớt, hạn chế vận động, và biến dạng khớp là những triệu chứng thường gặp của bệnh viêm khớp dạng thấp.
Theo Bác sĩ Kevin Lee, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh Viện Mount Elizabeth, viêm khớp hậu chấn thương (post-traumatic arthritis) có thể phát triển sau khi chấn thương trực tiếp xảy ra ở khớp, tạo ra những điểm không đều trong khớp, khiến bề mặt khớp không còn nhẵn mịn. Những điểm không đều trong khớp dẫn đến tình trạng các bề mặt khớp bị bào mòn nhiều hơn. Chấn thương có thể đến từ thể thao, từ cú ngã, hoặc từ bất kỳ một chấn động mạnh nào khác. Quá trình bào mòn hậu chấn thương của sụn và/hoặc xương sẽ diễn ra nhanh hơn do liên tục gặp sức ép, chấn thương, và khối lượng cơ thể quá lớn. Triệu chứng của tình trạng viêm khớp hậu chấn thương bao gồm đau khớp hông hoặc gối, sưng đau, ứ dịch trong khớp, và giảm khả năng chịu sức khi đi bộ, chơi thể thao, leo cầu thang, và các hoạt động khác gây sức ép cho khớp.
Trong nội soi khớp, một quy trình xâm lấn tối thiểu, một chiếc camera quang học cỡ nhỏ được đưa vào bên trong khớp xương thông qua một vết rạch nhỏ trên da. Những chiếc camera này thường là các ống dài, mảnh, mỏng hơn một cây bút chì bình thường, điều đó có nghĩa rằng vết rạch trên hông hoặc gối của bạn sẽ rất nhỏ, không giống như phẫu thuật hở cần đến một đường cắt rất dài. Điều này cho phép bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình nhìn thấy bên trong khớp một cách rõ ràng để chuẩn đoán bệnh và đồng thời tiến hành điều trị, Bác sĩ Lee chia sẻ.
Những lợi ích của nội soi khớp bao gồm giảm đau sau phẫu thuật, rút ngắn thời gian phục hồi hậu phẫu thuật, vết thương lành tốt hơn (vì vết rạch chỉ là những lỗ khóa nhỏ) và giảm rủi ro nhiễm trùng. Một điểm cộng đáng kể khác của nội soi khớp là quy trình này có thể được thực hiện trong ngày, cho phép bệnh nhân rời phòng mổ và về nhà trong cùng một ngày, nghỉ dưỡng và phục hồi ngay tại nhà của họ.
Những chấn thương đầu gối thường gặp liên quan đến thể thao được điều trị bằng kỹ thuật nội soi khớp bao gồm rách sụn chêm (giảm xóc của đầu gối), rách dây chằng (thông dụng nhất là dây chằng chéo trước, viết tắt tiếng Anh là ACL) và các chấn thương sụn. Những chấn thương hông thường gặp liên quan đến thể thao được điều trị bằng kỹ thuật nội soi khớp bao gồm rách dây chằng vành mép hông (gờ cao su mềm quanh ổ khớp hông) và các chấn thương sụn. Để biết rõ hơn tình trạng bệnh của bạn có thể được điều trị bằng phẫu thuật nội soi hay không, bạn nên đến gặp bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình để khám và kiểm tra tình trạng chấn thương.