Bí Quyết Kiểm Soát Bệnh Chàm Ở Trẻ Em

Nguồn: Shutterstock

Bí Quyết Kiểm Soát Bệnh Chàm Ở Trẻ Em

Cập nhật lần cuối: 01 Tháng Mười Một 2021 | 3 phút - Thời gian đọc

Kiểm soát bệnh chàm ở trẻ em

Chàm là gì?

Chàm là tên gọi của một nhóm tình trạng bệnh có thể gây nên các nốt phát ban đỏ, ngứa và viêm trên da.

Chàm có rất nhiều dạng. Dạng phổ biến ở trẻ sơ sinh và trẻ em gồm có:

  • Viêm da cơ địa (Atopic dermatitis)
  • Viêm da tiếp xúc (Contact dermatitis)
  • Chàm tổ đỉa (Dyshidrotic eczema)
  • Viêm da tiết bã nhờn (Seborrheic dermatitis), hay còn gọi là "cứt trâu".

Tình trạng bệnh chàm thường xuất hiện trong vòng 6 tháng đến 5 năm đầu tiên của trẻ. Bệnh không có tính lây lan. Mặc dù hiện tại chưa có cách chữa khỏi bệnh chàm, nhưng có rất nhiều phương pháp điều trị giúp kiểm soát triệu chứng bệnh.

Triệu chứng bệnh chàm ở trẻ em

Biểu hiện bệnh chàm có thể phát triển theo quá trình trưởng thành của trẻ. Thường thì triệu chứng bắt đầu ở vùng mặt - má, trán và da đầu, và khi trẻ bắt đầu bò thì phát ban thường thấy ở vùng khuỷu tay và đầu gối. Khi trẻ trưởng thành, chàm có thể bắt đầu xuất hiện khô hơn, có vảy hơn và dày hơn, và có khả năng ảnh hưởng đến vùng cánh tay và chân.

Trao đổi với bác sĩ để xác định loại bệnh chàm mà trẻ đang gặp phải, nhờ đó bạn có thể kiểm soát các triệu chứng và tác nhân gây bệnh tốt hơn.

Sơ sinh (0 - 6 tháng)

Chàm ở trẻ sơ sinh thường xuất hiện ở má, cằm, trán, và da đầu. Tình trạng cũng có thể lan đến các vùng khác trên cơ thể, tuy nhiên không phổ biến ở vùng mặc tã. Chàm có thể biểu hiện thành phát ban đỏ, tiết dịch hoặc nhìn có vẻ ẩm ướt.

Trẻ nhỏ (6 - 12 tháng)

Chàm ở trẻ nhỏ thường xuất hiện ở khuỷu tay và đầu gối, những vị trí hay bị gãi hoặc chà xát trong lúc đang bò. Nếu phát ban chàm bị nhiễm trùng, trẻ có thể bị vàng da hoặc hình thành mụn mủ rất nhỏ trên bề mặt da.

Trẻ em độ tuổi tập đi (2 - 5 tuổi)

Chàm ở trẻ em độ tuổi tập đi thường xuất hiện ở nếp gấp khuỷu tay và đầu gối, hoặc cổ tay, mắt cá và bàn tay. Triệu chứng cũng có thể xuất hiện trên da vùng xung quanh miệng và mí mắt.

Da có thể bắt đầu trông khô và có vảy, trở nên dày hơn với nếp nhăn sâu.

Trẻ em độ tuổi tập đi cũng có khả năng mắc bệnh viêm da cơ địa ở mặt, với biểu hiện là các mảng đỏ với những nốt mụn nhỏ.

Trẻ em (5 tuổi trở lên)

Đối với trẻ em, bệnh chàm thường xuất hiện ở nếp gấp khuỷu tay và đầu gối. Đôi khi triệu chứng chỉ xuất hiện trên bàn tay.

Nếu bạn thấy phát ban đỏ và ngứa phía sau vành tai trẻ, trên bàn chân trẻ hoặc da đầu của trẻ, đây có thể là dấu hiệu của viêm da cơ địa hoặc viêm da tiết bã nhờn.

Nguyên nhân gây bệnh chàm là gì?

Nguyên nhân trực tiếp gây bệnh chàm hiện vẫn chưa được xác định rõ, nhưng các nhà nghiên cứu tin rằng bệnh lý này có khả năng xuất phát từ một tổ hợp giữa các yếu tố di truyền và môi trường, gây nên sự rối loạn chức năng của hệ miễn dịch.

Trẻ sơ sinh dễ mắc bệnh chàm hơn nếu trong gia đình có tiền sử về bệnh chàm, sốt cỏ khô hoặc hen suyễn.

Các tác nhân kích ứng phổ biến gây bệnh chàm bao gồm

  • Da khô
  • Các tác nhân kích thích
  • Sức nóng và đổ mồ hôi
  • Nhiễm trùng da
  • Các tác nhân gây dị ứng, ví dụ như một số loại thực phẩm, vảy lông động vật, phấn hoa hoặc bụi
  • Nước bọt

Cách điều trị bệnh chàm

Điều trị bệnh chàm tập trung vào kiểm soát tình trạng khô da để ngăn chặn các đợt bùng phát, và vào việc giảm viêm.

Các phương pháp chữa trị bao gồm:

  • Phương pháp "Ngâm và Thoa" bao gồm tắm với loại dung dịch vệ sinh nhẹ dịu và dưỡng ẩm để khóa độ ẩm trong da.
  • Tắm nước pha thuốc tẩy: Cho một lượng thuốc tẩy vào nước tắm tương tự nồng độ thuốc tẩy được sử dụng trong bể bơi đã diệt khuẩn.
  • Liệu pháp băng ướt để giảm bớt các đợt bùng phát nặng và cảm giác ngứa
  • Các loại thuốc không kê đơn, ví dụ như corticosteroid nhẹ, kem dưỡng ẩm và sáp dầu (kem vaselin)
  • Các loại thuốc bôi khác như coricosteroid, chất ức chế canxi thần kinh và chất ức chế PDE4
  • Thuốc kháng sinh, kháng virus hoặc kháng nấm dành cho các trường hợp nhiễm trùng da
  • Thuốc uống dạng ức chế miễn dịch dành cho bệnh chàm ở mức độ từ trung bình đến nặng

5 bí kíp giúp kiểm soát bệnh chàm

Bí kíp 1: Chăm sóc da của trẻ

Chọn loại dung dịch vệ sinh nhẹ dịu, không chứa xà phòng để tắm.

Chọn một loại dung dịch vệ sinh không mùi, dịu nhẹ, không chứa xà phòng để giảm thiểu kích ứng da trong khi tắm rửa. Tránh tắm quá lâu hoặc ngâm mình trong bồn tắm.

Dưỡng ẩm chuyên sâu

Thoa loại dưỡng ẩm không mùi, không phụ gia tối thiểu hai lần một ngày, thoa ngay sau khi tắm bởi vì tắm làm khô da, và thoa trước khi đi ngủ để giữ ẩm cho da và giảm ngứa trong quá trình ngủ.

Tránh các tác nhân kích ứng

Các sản phẩm chứa thành phần hương liệu, paraben và nhiều chất phụ gia có thể kích ứng da trẻ hơn nữa, vì vậy hãy đọc nhãn thật cẩn thận và tránh sử dụng các sản phẩm này cho làn da của trẻ.

Đối phó với các trường hợp nhiễm trùng da

Để ngăn ngừa nhiễm trùng da, sử dụng loại dung dịch sát khuẩn trong khi các đợt bùng phát bệnh chàm xảy ra.

Bạn có thể đưa trẻ đến hồ bơi để được điều trị "vui vẻ" hơn, do lượng chlorine trong nước sẽ giúp giữ da sạch. Sau khi bơi, rửa sạch lượng chlorine dư thừa ở khu vực tắm tráng của hồ bơi và dưỡng ẩm thật kỹ

Khi cần đến steroid

Bạn nên chú trọng kiểm soát bệnh chàm của trẻ để không phải lệ thuộc vào steroid. Tuy nhiên, đôi khi điều này là không thể tránh khỏi và bác sĩ có thể khuyến nghị sử dụng kem steroid trong thời gian ngắn để kiểm soát được tình hình. Do việc sử dụng kéo dài hoặc sai cách của các loại kem này có thể gây đỏ da và mỏng da, nên luôn luôn tuân theo đơn thuốc và hướng dẫn của bác sĩ.

Bí kíp 2: Chọn trang phục phù hợp

Chọn quần áo bằng cotton hoặc cotton pha cho trẻ.

Tránh chất liệu vải tổng hợp vì chúng không thoáng khí, gây đổ mồ hôi và kích ứng.

Chọn nước giặt ở dạng nước thay vì dạng bột khi giặt đồ.

Bí kíp 3: Thực phẩm và các tác nhân gây dị ứng khác

Nếu nghi ngờ trẻ bị dị ứng thực phẩm, điều quan trọng là cần tham vấn một bác sĩ chuyên khoa dị ứng để tiến hành xét nghiệm chích da hoặc xét nghiệm máu.

Tránh loại bỏ cùng lúc nhiều loại thực phẩm khỏi chế độ ăn của trẻ, do hầu hết các loại thực phẩm không phải là nguyên nhân gây dị ứng thực sự. Dễ xảy ra tình trạng trẻ bị mất cân bằng chế độ ăn khi bạn loại bỏ quá nhiều loại thực phẩm.

Ở trẻ sơ sinh, không nên dùng kem hoặc lotion có thành phần dưỡng chất từ thực phẩm loại tốt như yến mạch, dừa, v.v, do bằng chứng ngày một nhiều khẳng định thoa cục bộ các loại dưỡng chất này trước khi trẻ tiếp xúc chúng qua đường ăn uống có thể dẫn đến phát triển dị ứng thật sự đối với thực phẩm.

Áp dụng các biện pháp giảm thiểu mạt bụi tại nhà bằng cách giữ gìn vệ sinh môi trường sống cho trẻ lớn hơn.

Bí kíp 4: Bổ sung vitamin

Có một số bằng chứng cho thấy bổ sung vitamin D và vitamin E (lần lượt với liều lượng 1000IU/ngày và 400IU/ngày) cho trẻ bị bệnh chàm có thể giúp giảm diện tích và mức độ nghiêm trọng của bệnh.

Bí kíp 5: Kiểm soát trong các hoạt động ở trường học và thể thao

Thông báo cho các giáo viên về việc trẻ cần tắm sau các hoạt động thể chất.

Cần bảo đảm rằng các giáo viên hiểu rõ việc trẻ của bạn cần được tắm hoặc lau mồ hôi bằng khăn ẩm ngay sau đó, vì mồ hôi có thể gây kích ứng da.

Nhắc nhở giáo viên về quy trình làm vệ sinh và dưỡng ẩm cần thiết, và việc trẻ được phép thay sang bộ đồ khô sạch.

Cho dù gây nhiều phiền toái, bệnh chàm có thể được kiểm soát hiệu quả với sự điều trị và chăm sóc đúng cách. Hãy tìm đến trợ giúp sớm, và áp dụng các biện pháp giúp trẻ kiểm soát bệnh trạng tốt hơn.

Đang khổ sở trong việc kiểm soát và xử lý các đợt bùng phát ở trẻ tại nhà? Tìm hiểu thêm về liệu pháp băng ướt (wet wrap therapy) và cách nó có thể điều trị và xoa dịu các đợt bùng phát nghiêm trọng hơn ở trẻ.

Understanding Eczema in Children. (n.d.) Retrieved October 25, 2021, from https://nationaleczema.org/eczema/children/

Eczema Treatment for Children. (n.d.) Retrieved October 25, 2021, from https://nationaleczema.org/eczema/children/treatment/

An Essential Guide to Baby Eczema: Causes, Symptoms, Treatment and More. (2019, September 10) Retrieved October 25, 2020, from https://www.everydayhealth.com/eczema/guide/baby-eczema/
Bài viết liên quan
Xem tất cả