Dr Gan Wei Tat Aaron
Bác sĩ phẫu thuật bàn tay
Nguồn: Shutterstock
Bác sĩ phẫu thuật bàn tay
Ngón tay cò súng là một trong những nguyên nhân gây đau bàn tay phổ biến nhất ở người trưởng thành. Bệnh lý này có thể làm hạn chế cử động của ngón tay và khiến bạn khó duỗi và gập ngón tay.
Bs. Aaron Gan thông tin thêm cho chúng ta về ngón tay cò súng.
Ngón tay cò súng, còn gọi là chứng hẹp bao gân gấp, là tình trạng đau và sưng ở vùng gốc ngón tay. Bệnh lý này có thể ảnh hưởng đến một hoặc nhiều ngón tay bất kỳ. Khi duỗi ngón tay bị ảnh hưởng ra sau khi siết chặt, ngón tay có thể bị giật, có tiếng bật hoặc tiếng tách – rất giống với cò súng khi khai hỏa. Đây là lý do vì sao bệnh này được đặt tên là ngón tay cò súng.
Các mô liên quan đến việc gập và duỗi ngón tay ở bàn tay và cánh tay bao gồm:
Gân được bao quanh bởi một lớp mô gọi là màng hoạt dịch, một loại màng bôi trơn bao quanh các khớp, cho phép gân có thể trượt lên xuống dễ dàng. Ngón tay cò súng xảy ra khi tình trạng viêm thu hẹp không gian bên trong lớp màng bao quanh gân gấp, gân nối các cơ của cẳng tay với xương, ở ngón tay bị ảnh hưởng.
Tình trạng viêm thường xảy ra nhiều nhất tại vùng ròng rọc A1, nằm ở gốc ngón tay trong lòng bàn tay. Nguyên nhân là do màng hoạt dịch của gân gấp bị sưng lên, có thể gây cảm giác giống như một nốt hoặc cục u nhỏ. Khi duỗi ngón tay bị ảnh hưởng, ròng rọc dày lên sẽ bắt vào nốt sưng vì gân phải cố trượt qua lớp màng. Nốt sưng bị kẹt lại, khiến ngón tay bị khóa ở tư thế gập. Khi bạn dùng nhiều lực hơn để duỗi thẳng ngón tay, nốt sưng sẽ bật qua ròng rọc, gây ra hiện tượng ngón tay cò súng. Trong trường hợp sưng gân và co màng nghiêm trọng, bạn thậm chí không thể gập hoàn toàn ngón tay bị ảnh hưởng.
Ngón tay cò súng thường liên quan đến tuổi tác và bệnh lý hiện đang mắc phải như đái tháo đường, viêm khớp dạng thấp và bệnh gout. Tuy nhiên, nguyên nhân gây ra hầu hết các trường hợp bị ngón tay cò súng vẫn chưa được xác định. Nhiều người cho rằng việc hoạt động ngón tay liên tục hoặc quá nhiều khiến cho vùng tiếp xúc giữa gân gấp và ròng rọc A1 dần bị hao mòn. Theo thời gian, tình trạng này có thể gây sưng và viêm gân gấp, dẫn đến hội chứng ngón tay cò súng.
Triệu chứng ban đầu có thể nhẹ trước khi trở nên trầm trọng hơn theo thời gian. Ngón tay cò súng thường xảy ra vào buổi sáng khi bạn nắm lấy một vật gì đó hoặc khi bạn duỗi thẳng ngón tay.
Các triệu chứng bao gồm:
Bạn nên tìm kiếm hỗ trợ y tế ngay nếu vùng khớp ngón tay bị nóng và viêm vì đây có thể là dấu hiệu nhiễm trùng. Trì hoãn điều trị khi có các triệu chứng trên sẽ khiến bạn gặp thêm nhiều đau đớn và bất tiện.
Đầu tiên, bác sĩ phẫu thuật sẽ thăm hỏi về toàn bộ bệnh sử của bạn trước khi tiến hành khám lâm sàng bàn tay. Độ nặng của hội chứng ngón tay cò súng và bệnh trạng của bạn được bác sĩ phẫu thuật chia thành các cấp độ như sau:
Cấp độ I | Có bằng chứng viêm ở vùng ròng rọc A1 của ngón tay bị ảnh hưởng nhưng không ghi nhận tình trạng bật ngón rõ ràng |
---|---|
Cấp độ II | Có bằng chứng viêm ở vùng ròng rọc A1 của ngón tay bị ảnh hưởng kèm theo tình trạng bật ngón rõ ràng khi bệnh nhân được yêu cầu duỗi thẳng ngón tay đang trong tư thế gập lại hoàn toàn |
Cấp độ III A | Có đặc điểm quan sát được giống như ở cấp độ II, nhưng thêm vào đó, bệnh nhân không thể chủ động duỗi hẳn ngón tay vì ngón tay bị khóa ở tư thế gập và chỉ có thể duỗi khi có sự hỗ trợ từ bàn tay còn lại |
Cấp độ III B | Bệnh nhân không thể gập ngón tay lại hoàn toàn do bị viêm nặng ở vùng ròng rọc A1 |
Cấp độ IV | Xuất hiện biến dạng uốn gập cố định tại vùng khớp liên đốt gần do tình trạng viêm kéo dài |
Phương pháp này áp dụng liệu trình uống thuốc kháng viêm không chứa steroid (NSAID) như ibuprofen, kết hợp với trị liệu bàn tay, nẹp cố định và điều chỉnh hoạt động. Nhìn chung, phương pháp này chỉ được khuyến cáo cho bệnh nhân bị ngón tay cò súng lần đầu hoặc bệnh nhân đang trong cấp độ I hoặc giai đoạn đầu của cấp độ II.
Phương pháp này dùng nẹp để giữ cố định ngón tay hoặc ngón tay cái và ngăn cử động. Đeo nẹp qua đêm có thể giúp ích nếu ngón tay của bạn thường có cảm giác cứng hơn vào buổi sáng. Đây là phương pháp phù hợp để giảm nhẹ trong thời gian ngắn.
Có một số phương pháp điều trị có thể giúp giảm đau và hỗ trợ phục hồi. Tùy vào độ nặng của bệnh trạng, một hoặc nhiều phương pháp trong số này có thể hữu ích.
Hãy bắt đầu bằng việc tránh các hoạt động góp phần gây ra hội chứng ngón tay cò súng như hoạt động yêu cầu phải cầm nắm liên tục hoặc sử dụng công cụ hoặc thiết bị gây rung.
Vì ngón tay cò súng ảnh hưởng đến phạm vi cử động, các bài tập giãn cơ ngón tay sẽ giúp giảm đau và cải thiện độ linh hoạt. Cố gắng dành 15 phút mỗi ngày tập các bài tập đơn giản như ấn lòng bàn tay – đặt một quả bóng nhỏ hoặc một vật tương tự trong lòng bàn tay và bóp chặt trong vài giây trước khi thả ra và xòe rộng các ngón tay.
Chườm túi nước đá có thể giúp giảm viêm và giảm đau. Cố gắng thực hiện vài lần mỗi ngày, mỗi lần không quá 10 phút.
Vật lý trị liệu có thể giúp ngón tay khôi phục sức mạnh và phạm vi cử động. Trao đổi với bác sĩ về các bài tập giãn cơ và bài tập thể dục có thể hữu ích, đồng thời tránh các hoạt động yêu cầu cầm nắm liên tục hoặc sử dụng thiết bị cầm tay gây rung.
Phương pháp này liên quan đến việc tiêm trực tiếp vào màng bao quanh gân gấp. Thuốc tiêm có chứa hỗn hợp chất gây tê cục bộ và chế phẩm corticosteroid.
Tiêm corticosteroid giúp giảm sưng ở gân, từ đó giúp giảm đau. Ước tính thuốc tiêm mang lại hiệu quả cho 50 – 70% bệnh nhân, với kết quả rõ rệt trong vòng vài ngày hoặc vài tuần.
Thuốc tiêm này giúp chữa viêm tại vị trí ròng rọc A1 và giảm nhẹ hội chứng ngón tay cò súng. Hiệu quả có thể ngắn hoặc lâu dài và luôn có khả năng tái phát bệnh. Không được tiêm nhiều lần. Các bác sĩ phẫu thuật bàn tay chỉ khuyến khích tối đa 2 lần tiêm vào 1 ngón tay bị ảnh hưởng, trừ ngón út chỉ nên tiêm 1 lần.
Corticosteroid được cho là có thể gây yếu gân và dẫn tới vỡ (rách) gân nhẹ nếu tiêm nhiều lần. Phương pháp điều trị này được khuyến cáo khi điều trị không xâm lấn không có hiệu quả và áp dụng cho bệnh nhân ở cấp độ II hoặc III.
Phương pháp này liên quan đến việc cắt bỏ ròng rọc A1, ròng rọc hình tròn, thậm chí một phần ròng rọc A2, nếu cần, thông qua một đường rạch nhỏ tại gốc ngón tay.
Ngón tay cò súng hiếm khi tái phát sau khi phẫu thuật. Đối với ngón tay cò súng ở cấp độ IV, bác sĩ phẫu thuật có thể thực hiện thêm một thủ thuật để giải phóng khớp liên đốt gần, khớp nối giữa các xương ngón tay giúp ngón tay có thể gập vào lòng bàn tay, đang bị kẹt do cứng khớp kéo dài. Sẽ cần rạch thêm một đường riêng biệt trên vùng khớp liên đốt gần để thực hiện thủ thuật.
Tốt nhất là đi khám bác sĩ phẫu thuật bàn tay giàu kinh nghiệm xử trí các bệnh lý về ngón tay, bàn tay và cổ tay. Bác sĩ phẫu thuật bàn tay được trang bị đầy đủ kỹ năng và kiến thức để xử lý mọi cấp độ của ngón tay cò súng. Các trung tâm phẫu thuật bàn tay cũng có đội ngũ chuyên gia vận động trị liệu bàn tay cung cấp các phương pháp trị liệu bàn tay và nẹp cố định chuyên khoa, chẳng hạn như nẹp số tám, để điều trị ngón tay cò súng giai đoạn đầu. Bác sĩ phẫu thuật bàn tay được đào tạo kỹ năng tiêm trong màng bao gân gấp chuẩn xác để tối đa hóa khả năng chữa khỏi và giảm thiểu nguy cơ tái phát. Nếu cần phẫu thuật, bác sĩ phẫu thuật bàn tay sẽ thực hiện quy trình phẫu thuật tỉ mỉ nhất để giải phóng ngón tay cò súng. Các đường rạch trên da được thực hiện theo các đường nếp nhăn tự nhiên, gần như không để lại sẹo.