Dr Lo Ngai Nung
Bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình
Nguồn: Shutterstock
Bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình
Phẫu thuật thay khớp là một phương pháp hiệu quả để loại bỏ cơn đau khớp bằng cách thay thế khớp bị tổn thương hoặc biến dạng của bạn bằng một khớp nhân tạo. Đây cũng là phương pháp điều trị chính để chỉnh sửa sự biến dạng khớp và cải thiện khả năng vận động của khớp.
Thông thường, bác sĩ sẽ cân nhắc phẫu thuật thay khớp gối, vai và hông nếu các phương pháp điều trị khác như giảm cân, dùng thuốc và vật lý trị liệu không mang lại hiệu quả.
Phẫu thuật thay khớp thường được thực hiện cho bệnh nhân viêm xương khớp và viêm khớp dạng thấp. Những căn bệnh này phá hủy xương và sụn theo thời gian, khiến việc cử động các khớp trở nên vô cùng đau đớn. Bạn có thể dễ mắc bệnh viêm khớp nếu một trong các yếu tố sau đây đúng với trường hợp của bạn:
Bác sĩ sẽ xem xét kỹ trường hợp của bạn để quyết định phẫu thuật có thực sự có lợi hay không. Các yếu tố được cân nhắc bao gồm: tình trạng khớp, mức độ tàn tật do bệnh gây ra, mức độ đau, độ tuổi, tiền sử bệnh và sức khỏe hiện tại
Bạn là ứng cử viên sáng giá cho phẫu thuật thay khớp nếu có những biểu hiện sau, đồng thời không nhận thấy hiệu quả từ các phương pháp điều trị khác:
Phẫu thuật đặc biệt được đề xuất khi bạn gặp khó khăn trong các hoạt động thường ngày như mang vác đồ, đi bộ, mang vớ/tất, lên xuống xe, đi cầu thang...
Trong quá trình phẫu thuật thay khớp, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình sẽ tái tạo bề mặt khớp bị tổn thương bằng một khớp nhân tạo thay thế. Đây có thể là một ca thay thế một phần hoặc toàn phần khớp, sử dụng khớp giả được làm từ titan, hợp chất cô-ban crom, sứ hoặc nhựa. Phần khớp nhân tạo sẽ được gắn chặt vào xương bằng xi măng acrylic, hoặc gắn chặt bằng áp lực để xương phát triển vào khớp cấy ghép.
Cùng tìm hiểu kỹ hơn về quy trình của ba phẫu thuật thay khớp phổ biến nhất: vai, đầu gối và hông.
Thay khớp vai
Nếu bạn bị viêm khớp nặng ảnh hưởng đến khả năng vận động của khớp vai, hoặc đã từng bị chấn thương nặng do gãy xương vai, bác sĩ có thể đề nghị phẫu thuật với mục đích chính là giảm đau.
Phẫu thuật cũng sẽ cải thiện khả năng vận động, sức mạnh và chức năng của khớp. Khớp vai sẽ được thay thế bằng phần khớp giả dạng cầu hốc (chỏm xương và ổ khớp).
Thay khớp gối
Phẫu thuật thay khớp gối được khuyến nghị nếu bạn bị viêm khớp nặng cản trở khả năng sử dụng đầu gối và các hoạt động hàng ngày, chẳng hạn như leo cầu thang hoặc đi bộ đến chợ mua đồ. Viêm khớp gối do tổn thương sụn khớp cũng có thể dẫn đến biến dạng chân cong vào trong hoặc vòng kiềng. Phẫu thuật có thể cải thiện biến dạng này. Phẫu thuật thay khớp gối được thiết kế nhằm thay thế sụn khớp bị tổn thương, cũng như khắc phục bất kỳ tổn thất nào về cấu trúc xương hoặc sự hỗ trợ của hệ dây chằng.
Thủ tục thay khớp gối thường mất khoảng từ một đến hai giờ. Bác sĩ phẫu thuật sẽ thực hiện một đường rạch phía trên đầu gối của bạn, kéo cơ sang một bên và cắt bỏ phần sụn và xương bị tổn thương. Tiếp đó, bác sĩ sẽ gắn khớp mới vào xương đùi và xương ống chân của bạn bằng xi măng chuyên dụng, trước khi khâu kín vết mổ.
Thay khớp hông
Bác sĩ sẽ đề nghị thay khớp hông nếu cơn đau viêm khớp khiến bạn không thể chịu đựng hay thực hiện các sinh hoạt hàng ngày.
Trong quy trình thay khớp hông, bác sĩ phẫu thuật sẽ tái tạo bề mặt ổ khớp hông bằng một chỏm khớp nhân tạo làm từ nhựa và titan, đồng thời thay phần "chỏm xương" hoặc đầu xương đùi bằng một thân bằng titan được gắn với một chỏm xương làm bằng sứ hoặc kim loại.
Trải nghiệm hồi phục của bạn sẽ khác nhau tùy thuộc vào loại phẫu thuật thay khớp mà bạn đã thực hiện. Hãy cùng tìm hiểu chi tiết cho từng loại:
Thay khớp vai
Sau phẫu thuật, bạn sẽ trải qua quá trình vật lý trị liệu nhằm tập sử dụng khớp trở lại và lấy lại sự linh hoạt. Tuy nhiên, việc này sẽ cần có thời gian, khoảng từ sáu tháng đến một năm.
Mức độ linh hoạt bạn lấy lại cũng sẽ phụ thuộc vào nỗ lực của bạn khi thực hiện các bài tập kéo giãn và vận động theo hướng dẫn. Bạn cần đặt kỳ vọng thực tế vì tiến triển có thể diễn ra khá chậm.
Với những cải tiến về vật liệu sử dụng, thiết kế khớp và kỹ thuật phẫu thuật, bạn có thể trông đợi khớp mới sẽ sử dụng được trong vòng 15 - 20 năm.
Thay khớp gối
Việc đứng dậy và vận động đầu gối ngay một ngày sau phẫu thuật là hoàn toàn khả thi. Trong vòng sáu tuần, bạn sẽ có thể đi lại độc lập với sự hỗ trợ không đáng kể. Đến cuối tháng thứ ba, khớp sẽ có sự cải thiện đáng kể khi cơn đau trước phẫu thuật không còn xuất hiện nhờ vào phần bề mặt khớp mới cho phép cử động trơn tru. Tuy nhiên, cần đến 6 tháng để sức cơ quay trở lại và bạn có thể hồi phục hoàn toàn. Bạn sẽ được khuyến cáo không chạy hoặc nhảy với khớp mới nếu muốn sử dụng khớp được lâu dài. Một nghiên cứu gần đây được công bố trên tạp chí y khoa Lancet cho thấy 80% trường hợp thay khớp gối cho phép sử dụng đến 25 năm.
Thay khớp hông
Một ngày sau phẫu thuật, bệnh nhân đã có thể đứng trên khớp hông mới và thậm chí bắt đầu tập thể dục. Việc đi lại với khung tập đi hoặc nạng có thể thực hiện sau vào ngày thứ hai, với áp lực đặt trên khớp hông ở mức có thể chịu được.
Vào giai đoạn bạn đã tự tin thực hiện các hoạt động cơ bản như đi bộ vững vàng, vào phòng vệ sinh và lên xuống cầu thang mà không cần hỗ trợ, bạn có thể xuất viện về nhà hoặc chuyển đến một bệnh viện cộng đồng để được vật lý trị liệu và phục hồi chức năng thêm nếu cần.
Khoảng 4-6 tuần sau phẫu thuật, bạn sẽ có thể đặt trọng lượng cơ thể đầy đủ lên khớp hông và có thể thôi sử dụng gậy hỗ trợ miễn là bác sĩ cho phép. Nếu cơ bắp của bạn yếu hơn, bạn sẽ cần dựa vào gậy hoặc khung tập đi lâu hơn một chút trong khi luyện tập để tăng cường cơ.
Sau khi hồi phục hoàn toàn, bạn sẽ có thể tham gia vào hầu hết các hoạt động như đạp xe, trượt tuyết và chơi gôn. Tuy nhiên, hãy cố gắng hạn chế các môn thể thao có tác động mạnh lên khớp hông nếu bạn muốn sử dụng khớp trong thời gian dài.
Nếu bạn đang gặp phải tình trạng đau khớp liên tục ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày, hãy tham khảo ý kiến của bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình để có chẩn đoán chính xác và các phương án điều trị phù hợp.