Ghép tủy xương là gì?
Ghép tủy xương còn được gọi là ghép tế bào gốc hoặc ghép tế bào gốc tạo máu. Đây là thủ thuật y tế nhằm thay thế tủy xương đã bị tổn thương do bệnh tật, nhiễm trùng hoặc hóa trị.
Tủy xương là mô mỡ, xốp bên trong xương. Tủy xương chứa tế bào gốc tạo máu có khả năng tạo ra tế bào máu mới. Nhìn chung, cơ thể chúng ta có 3 loại tế bào máu:
- Tế bào hồng cầu (hemoglobin), vận chuyển oxy và chất dinh dưỡng đi khắp cơ thể
- Tế bào bạch cầu, giúp chống nhiễm trùng
- Tiểu cầu, ngăn chảy máu quá nhiều thông qua quá trình đông máu
Trong quá trình cấy ghép, tế bào gốc khỏe mạnh được đưa vào máu để có thể di chuyển đến tủy xương, tạo ra tế bào máu mới và thúc đẩy quá trình hình thành tủy mới.
Các loại ghép tủy xương
Có 2 loại cấy ghép dựa theo nguồn tế bào gốc khỏe mạnh:
- Ghép dị thân, trong đó nguồn tế bào gốc khỏe mạnh là của một người khác.
- Ghép tự thân, trong đó nguồn tế bào gốc khỏe mạnh là của chính bệnh nhân (trước khi bệnh nhân bắt đầu hóa trị hoặc xạ trị)
Tại sao cần thực hiện ghép tủy xương?
Ghép tủy xương được dùng để điều trị các bệnh lý y khoa gây tổn thương đến tủy xương như:
- Thiếu máu, do suy tủy xương gây ra
- Bệnh bạch cầu, loại ung thư gây ảnh hưởng đến tế bào bạch cầu
- U lympho, loại ung thư khác gây ảnh hưởng đến tế bào bạch cầu
- Đa u tủy xương, loại ung thư gây ảnh hưởng đến tương bào (loại tế bào bạch cầu riêng biệt sản sinh ra kháng thể)
- Một số rối loạn về máu, hệ miễn dịch và chuyển hóa
Ghép tủy xương còn có thể khắc phục tủy xương bị tổn thương do điều trị ung thư tích cực.
Bác sĩ sẽ chỉ khuyến cáo ghép tủy xương nếu các phương pháp điều trị khác không hiệu quả và bạn có sức khỏe tương đối tốt mặc dù đang bị bệnh.
Ai không nên ghép tủy xương?
Nhìn chung, tuổi tác không ảnh hưởng đến khả năng đủ điều kiện ghép tủy xương. Tuy nhiên, bạn có thể không đủ điều kiện nếu bị các vấn đề sức khỏe nặng khác như bệnh tim, phổi, gan hoặc thận nghiêm trọng.
Các nguy cơ và biến chứng của ghép tủy xương là gì?
Ghép tủy xương là thủ thuật phức tạp đi kèm với nhiều nguy cơ. Bác sĩ sẽ trao đổi về các nguy cơ và lợi ích tiềm năng để giúp bạn quyết định có nên tiến hành hay không.
Các biến chứng có thể xảy ra khi ghép tủy xương bao gồm:
- Bệnh lý ghép chống chủ (GvHD). Biến chứng này xảy ra trong ghép dị thân khi tế bào cấy ghép bắt đầu tấn công các tế bào khác.
- Nhiễm trùng. Vì ghép tủy xương làm suy yếu khả năng miễn dịch, bạn có thể phải đối mặt với nguy cơ nhiễm trùng cao hơn trong quá trình cơ thể phục hồi.
- Tiểu cầu thấp và tế bào hồng cầu thấp, có thể xảy ra do tủy xương không hoạt động. Tiểu cầu thấp có thể gây chảy máu trong nguy hiểm.
- Đau. Hóa trị và xạ trị liều cao có thể gây viêm miệng và đường tiêu hóa, dẫn đến loét miệng và kích ứng đường tiêu hóa.
- Thừa dịch, tình trạng thận không thể xử lý lượng dịch lớn được cung cấp dưới dạng thuốc tiêm tĩnh mạch (IV), dưỡng chất và chế phẩm máu.
- Suy hô hấp, có thể xảy ra nếu đường thở bị nhiễm trùng hoặc viêm.
- Tổn thương nội tạng. Gan và tim là các cơ quan quan trọng có thể bị tổn thương trong quá trình cấy ghép.
Chuẩn bị cho ghép tủy xương như thế nào?
Ghép tủy xương có thể đòi hỏi phải chuẩn bị rất nhiều, chẳng hạn như:
- Chỉ định một người chăm sóc chính để chăm sóc bạn và cập nhật cho đội ngũ y tế khi cần thiết.
- Tiến hành sắp xếp công việc và việc cá nhân để có thời gian nằm viện.
- Chuẩn bị nhà cửa để tạo điều kiện phục hồi sau khi xuất viện. Có nghĩa là:
- Dọn nhà, đặc biệt là các phòng bạn sẽ nghỉ ngơi. Điều này rất quan trọng vì hệ miễn dịch của bạn sẽ bị suy yếu sau khi ghép tủy xương, khiến bạn dễ bị nhiễm khuẩn hơn.
- Nhắm đến các khu vực có thể có bụi, nấm, mốc và các hạt siêu nhỏ khác có thể gây hại trong quá trình phục hồi của bạn.
- Thực hiện các xét nghiệm y tế như:
- Xét nghiệm máu
- Khám lâm sàng
- Đánh giá trạng thái tâm lý và cảm xúc
- Sinh thiết tủy xương
- Chụp CT hoặc chụp MRI
- Đi khám nha sĩ để điều trị nha khoa trước. Khi bắt đầu ghép tủy xương, bạn sẽ có nguy cơ nhiễm trùng cao hơn.
- Quan tâm đến chế độ ăn uống và thể lực. Lối sinh hoạt lành mạnh chính là điểm mấu chốt để chuẩn bị cho việc cấy ghép. Bắt đầu bằng các bước nhỏ như:
- Ăn ít và thường xuyên.
- Bổ sung các thành phần giàu protein và calo vào bữa ăn.
- Tập các bài tập nhẹ nhàng như đi bộ, đạp xe và yoga.
Điều gì sẽ xảy ra khi ghép tủy xương?
Ghép tủy xương không cần đến phẫu thuật. Thay vào đó, thủ thuật cần đưa kim vào tĩnh mạch.
Thời gian ước tính
Ghép tủy xương có thể yêu cầu phải nằm viện tối đa 2 – 4 tuần.
Trước thủ thuật
Nếu bạn thực hiện:
Tùy vào bệnh trạng của bạn, bác sĩ có thể khuyến cáo tiến hành điều trị tiên quyết hoặc điều trị đa u tủy xương:
Điều trị tiên quyết
Điều trị tiên quyết thường bao gồm hóa trị và đôi khi là xạ trị. Mục đích là để:
- Tiêu diệt tế bào ung thư hiện có
- Tiêu diệt tế bào tủy xương hiện tại để nhường chỗ cho tế bào gốc khỏe mạnh
- Làm hệ miễn dịch ngừng hoạt động để giảm nguy cơ đào thải tủy xương cấy ghép
Vì điều trị tiên quyết cần dùng đến nhiều loại thuốc, bác sĩ sẽ luồn một ống dẫn trung tâm vào tĩnh mạch lớn gần tim. Ống này cho phép bác sĩ truyền thuốc mà không cần phải tiêm nhiều lần.
Quá trình điều trị tiên quyết thường kéo dài tối đa một tuần. Bạn sẽ ở lại bệnh viện trong suốt thời gian này. Sau khi bạn hoàn tất quá trình điều trị tiên quyết, bác sĩ sẽ để bạn nghỉ ngơi trong 1 – 2 ngày trước khi tiến hành cấy ghép.
Điều trị đa u tủy xương
Đa u tủy xương là loại ung thư gây ảnh hưởng đến loại tế bào bạch cầu riêng biệt, gọi là tương bào. Bệnh khiến tương bào ung thư tập trung trong tủy xương và đẩy tế bào máu khỏe mạnh ra ngoài.
Nếu bị đa u tủy xương, bạn có thể phải thực hiện hóa trị tấn công trong vài tháng để giảm số lượng tương bào trong tủy xương. Sau điều trị này nên tiến hành điều trị tiên quyết.
Trong khi thực hiện thủ thuật
Tế bào gốc sẽ được truyền vào cơ thể bạn qua ống truyền trung tâm. Quá trình này kéo dài vài giờ và bạn sẽ vẫn tỉnh táo trong suốt thời gian này.
Trong khi truyền, bạn có thể bị đau, lạnh run, sốt, nổi mày đay và đau ngực.
Sau thủ thuật
Sau khi ghép tủy xương, bạn sẽ được chăm sóc y tế sát sao để kiểm tra phản ứng của cơ thể bạn với thủ thuật. Bạn sẽ ở lại bệnh viện trong ít nhất vài tuần để ổn định tủy xương và tạo ra tế bào máu mới.
Trong giai đoạn này, bạn có thể:
- Cảm thấy lờ đờ mệt mỏi
- Bị nôn, tiêu chảy và chán ăn
- Nhận truyền dịch qua đường miệng hoặc đường ống để ngăn ngừa tình trạng suy dinh dưỡng
- Truyền tế bào hồng cầu và tiểu cầu định kỳ cho đến khi tủy xương tự sản sinh ra đủ các tế bào này
- Ở trong phòng được khử trùng để giảm nguy cơ bị nhiễm trùng
Nhiều bệnh nhân có thể trở về nhà trong vòng 1 – 3 tháng sau khi cấy ghép. Tuy nhiên, nếu xuất hiện các biến chứng như nhiễm trùng, bạn có thể phải ở lại bệnh viện lâu hơn.
Chăm sóc và phục hồi sau ghép tủy xương
Quá trình phục hồi có thể kéo dài vài tháng hoặc lâu hơn. Trong giai đoạn này, bạn có thể không thể quay lại làm việc hoặc tiếp tục lối sinh hoạt như trước đây.
Bạn sẽ có nguy cơ bị nhiễm trùng trong 1 – 2 năm tới vì phải mất một thời gian hệ miễn dịch của bạn mới hoạt động bình thường trở lại.
Trong giai đoạn phục hồi, bạn sẽ phải tái khám theo lịch hẹn với bác sĩ để kiểm tra sức khỏe và tiến triển của bản thân.