Hen suyễn - Triệu chứng & Nguyên nhân

Hen suyễn là gì?

Hen suyễn, hay hen phế quản, là bệnh viêm đường thở mạn tính.

Người bị hen suyễn thường có tiền sử triệu chứng xuất hiện cách quãng, bao gồm thở khò khè, khó thở, tức ngực và ho.

Theo dữ liệu toàn cầu năm 2019, hen suyễn gây ảnh hưởng đến 262 triệu người trên toàn thế giới.

Các loại hen suyễn

Hen suyễn có thể do nhiều cơ chế khác nhau gây ra. Việc phân loại dựa trên các kiểu hình lâm sàng như đặc điểm nhân khẩu học, biểu hiện lâm sàng và quá trình bệnh. Các loại hen suyễn thường gặp nhất bao gồm:

  • Hen suyễn dị ứng. Loại này thường khởi phát từ thời thơ ấu, liên quan đến bệnh sử trong quá khứ hoặc tiền sử gia đình bị các bệnh dị ứng khác như bệnh chàm, viêm mũi dị ứng và dị ứng thức ăn hoặc thuốc.
  • Hen suyễn ở người trưởng thành hoặc khởi phát muộn. Một số người, đặc biệt là phụ nữ, có thể bị hen suyễn ở tuổi trưởng thành dù không bị dị ứng.
  • Hen suyễn ở trẻ em. Hen suyễn là bệnh mạn tính hàng đầu ở trẻ em. Trẻ bị hen suyễn thường có các đợt thở khò khè tái diễn, mặc dù không phải tất cả trường hợp thở khò khè đều là hen suyễn – thở khò khè do vi-rút là tình trạng thường gặp ở trẻ em.
  • Hen suyễn nghề nghiệp. Hen suyễn có thể xuất hiện hoặc trở nên trầm trọng hơn do các dị nguyên có tại nơi làm việc. Do đó, việc tạm nghỉ làm có thể giúp cải thiện triệu chứng đáng kể.

Triệu chứng của hen suyễn là gì?

Một số đặc điểm riêng biệt của hen suyễn bao gồm việc gặp phải trên một trong số các triệu chứng thở khò khè, khó thở, ho hoặc tức ngực.

Các triệu chứng này có thể:

  • Trầm trọng hơn vào ban đêm hoặc sáng sớm
  • Thay đổi theo thời gian với cường độ khác nhau
  • Khởi phát do cảm lạnh thông thường, tập thể dục, dị nguyên, thay đổi thời tiết, cười hoặc tác nhân gây kích ứng (mùi nồng, khói thuốc hoặc khói các loại)

Khi nào nên đến Khoa cấp cứu (A&E)?

Nếu bị hen suyễn, bạn cần được có kế hoạch hành động khi bị hen suyễn (AAP) theo điều chỉnh cá nhân. Kế hoạch này chính là hướng dẫn giúp kiểm soát hen suyễn và bao gồm thông tin về thời điểm cần được chăm sóc y tế.

Nếu gặp phải các trường hợp sau, bạn nên đến Khoa cấp cứu gần nhất hoặc gọi xe cứu thương:

  • Bạn cần dùng thuốc cắt cơn cứ 4 giờ một lần
  • Bạn đi lại hoặc nói chuyện khó khăn
  • Bạn cảm thấy hụt hơi, thở khò khè hoặc tức ngực hơn dù đã dùng đủ thuốc cấp cứu

Điều gì xảy ra khi bị hen suyễn?

Trong cơn hen suyễn, cơ xung quanh đường thở sẽ co thắt, các mô bị sưng lên và quá trình viêm làm tiết ra một lượng lớn chất nhầy. Tất cả những thay đổi này khiến đường thở bị thu hẹp và gây ra triệu chứng thở khò khè và hụt hơi.

Tác nhân gây hen suyễn ở mỗi cá nhân sẽ khác nhau. Các tác nhân thông thường có thể là nhiễm trùng do vi-rút, dị nguyên (phấn hoa, bụi), dị ứng thức ăn, chất gây ô nhiễm không khí, thời tiết lạnh, không tuân thủ yêu cầu dùng thuốc, tập thể dục và căng thẳng tinh thần.

Những yếu tố nào gây nguy cơ hen suyễn?

Không có câu trả lời chắc chắn về lý do tại sao một số người lại mắc bệnh hen suyễn. Tuy nhiên, có một số yếu tố liên quan đến nguy cơ được chẩn đoán mắc hen suyễn cao hơn:

  • Thành viên trong gia đình bị hen suyễn, đặc biệt là thân nhân bậc một (cha mẹ và anh chị em ruột)
  • Bệnh lý dị ứng khác, chẳng hạn như bệnh chàm da và viêm mũi
  • Sự cố gây ảnh hưởng đến phổi khi còn nhỏ hoặc sơ sinh, bao gồm sinh nhẹ cân, sinh non và nhiễm trùng đường hô hấp
  • Tiếp xúc với tác nhân gây kích ứng trong môi trường như chất gây ô nhiễm không khí, mạt bụi nhà, nấm mốc và hóa chất
  • Bị thừa cân hoặc béo phì

Làm thế nào để ngăn ngừa cơn hen suyễn?

Sau khi cơn hen suyễn xuất hiện, thường sẽ xuất hiện một đợt khác trong vòng một năm. Tuy nhiên, có các bước bạn có thể thực hiện để giảm bớt nguy cơ này:

  • Làm theo AAP và uống thuốc thường xuyên.
  • Tránh để bản thân tiếp xúc với các tác nhân tiềm tàng.
  • Thường xuyên đánh giá việc kiểm soát hen suyễn với đơn vị chăm sóc y tế.
  • Dùng dụng cụ hít đúng kỹ thuật.

Đối với người mẹ muốn giảm nguy cơ con mình bị hen suyễn, sau đây là một số cách hiệu quả:

  • Tránh tiếp xúc với khói thuốc lá trong khi mang thai và trong năm đầu đời của trẻ
  • Chọn sinh thường thay vì sinh mổ
  • Cho em bé bú sữa mẹ để tăng cường hệ miễn dịch
  • Không dùng kháng sinh cho em bé dưới một tuổi trừ khi được bác sĩ kê đơn
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777