Sỏi bàng quang - Chẩn đoán và Điều trị

Sỏi bàng quang được chẩn đoán như thế nào?

Nếu nghi ngờ sỏi bàng quang, bác sĩ có thể xét nghiệm nước tiểu và thực hiện một số kỹ thuật chụp. Các xét nghiệm này bao gồm:

  • Xét nghiệm nước tiểu (phân tích nước tiểu). Máu, nitrit hoặc bạch cầu trong nước tiểu có thể là dấu hiệu cho sự hiện diện của sỏi bàng quang. Độ pH trong nước tiểu thấp và nhiễm trùng đường tiết niệu (UTI) cũng có thể được phát hiện.
  • Chụp chẩn đoán hình ảnh. Ví dụ: siêu âm hoặc chụp CT có thể phát hiện sỏi bàng quang.
  • Nội soi bàng quang. Sỏi bàng quang đôi khi tình cờ được phát hiện qua nội soi bàng quang. Tuy nhiên, kỹ thuật này không được dùng làm công cụ chẩn đoán chính.

Sỏi bàng quang được điều trị như thế nào?

Thông thường, sỏi bàng quang được điều trị thông qua phương pháp phẫu thuật.

Các phương pháp điều trị bao gồm:

  • Nội soi tán sỏi qua niệu đạo. Đây là thủ thuật phẫu thuật phổ biến nhất để loại bỏ sỏi bàng quang. Ống soi bàng quang sẽ được đưa qua niệu đạo vào bàng quang. Bác sĩ sẽ có thể nhìn thấy và làm vỡ sỏi bàng quang bằng laser hoặc thiết bị siêu âm. Các mảnh sỏi bàng quang này sau đó có thể được rửa sạch.
  • Nội soi tán sỏi trên xương mu qua da. Đây là phẫu thuật xâm lấn tối thiểu (MIS) được dùng để điều trị sỏi bàng quang lớn ở người lớn và trẻ em có niệu đạo nhỏ. Bác sĩ sẽ rạch một đường nhỏ dưới 1cm ở vùng bụng dưới để lấy sỏi bàng quang ra khỏi bàng quang.
  • Mổ hở bàng quang. Thủ thuật phẫu thuật này hiếm khi được sử dụng. Thủ thuật được dùng để loại bỏ sỏi bàng quang rất lớn hoặc ở bệnh nhân bị phì đại tuyến tiền liệt nhiều. Quá trình này tương tự như nội soi tán sỏi trên xương mu qua da, nhưng thủ thuật mở bàng quang hở đòi hỏi phải rạch một đường lớn hơn, dẫn đến thời gian phục hồi lâu hơn và thời gian nằm viện kéo dài.
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777