Mất trí nhớ (Sa sút trí tuệ) - Chẩn đoán và Điều trị

Chẩn đoán mất trí nhớ như thế nào?

Để chẩn đoán chứng mất trí nhớ, bác sĩ sẽ cần:

  • Thực hiện khám thần kinh và điều tra bệnh sử để tìm hiểu các yếu tố nguy cơ.
  • Xét nghiệm và chẩn đoán hình ảnh thần kinh để xác định các nguyên nhân điều trị được theo lâm sàng.
  • Có thể thực hiện các trắc nghiệm thần kinh tâm lý.
  • Đánh giá để phân biệt chứng sa sút trí tuệ với các bệnh sảng, suy giảm trí nhớ do tuổi tác, suy giảm nhận thức nhẹ và các triệu chứng nhận thức liên quan đến trầm cảm.

Điều trị Mất trí nhớ như thế nào?

Hiện vẫn chưa có phương pháp điều trị nào có thể chữa khỏi chứng mất trí nhớ, nhưng có một số phương pháp giúp làm giảm các triệu chứng và điều trị nguyên nhân nền của bệnh. Các phương pháp điều trị này bao gồm:

Phương pháp điều trị bằng thuốc

  • Loại bỏ các thuốc có xu hướng làm trầm trọng thêm sa sút trí tuệ như các thuốc an thần, thuốc kháng cholinergic.
  • Một số chất hỗ trợ cải thiện hội chứng Alzheimer hoặc chứng sa sút trí tuệ thể Lewy như cholinesterase, rivastigmine và galantamine.
  • Bệnh nhân sa sút trí tuệ ở giai đoạn trung gian hoặc muộn có thể được cân nhắc dung Memantine, một chất có thể giúp làm chậm quá trình mất chức năng nhận thức. Đặc biệt Memantine có hiệu quả cộng hưởng khi dùng cùng với cholinesterase.
  • Trong một số trường hợp bác sĩ có thể cho dùng các thuốc có chức năng chống rối loạn hành vi, chống loạn thần, …

Phương pháp điều trị không dùng thuốc (chăm sóc)

Các phương pháp điều trị, hoạt động và hỗ trợ khác cũng quan trọng không kém trong việc giúp người bệnh sống tốt hơn.

Đảm bảo an toàn:

  • Xem xét loại trừ các yếu tố mất an toàn cho bệnh nhân tại nơi ở để tránh các tai nạn.
  • Gắn thiết bị định vị, thiết bị theo dõi thường trực cho bệnh nhân.
  • Có thể tìm kiếm người giúp việc, người chăm sóc sức khỏe để trông nom người bệnh.

Kích thích nhận thức:

  • Tham gia vào các hoạt động nhóm
  • Thực hiện bài tập cải thiện trí nhớ
  • Hướng dẫn các kỹ năng giải quyết vấn đề và khả năng ngôn ngữ

Định hướng:

  • Thiết lập lịch trình cố định hàng ngày và trợ giúp người bệnh thực hiện.
  • Người chăm sóc và người trong gia đình đeo các bảng tên chữ lớn và thường xuyên giới thiệu bản thân.
  • Thiết lập môi trường sống thân thuộc, gần gũi và tinh giản.
  • Đồng hành cùng người bệnh thực hiện các hoạt động thể chất, văn hóa (ví dụ: nghe nhạc) để giảm các tình trạng bồn chồn, lo âu.

Tư vấn và phổ biến kiến thức cho người chăm sóc

Bệnh nhân mất trí nhớ không thể tự sinh hoạt độc lập nên luôn cần có người bên cạnh. Chăm sóc người mất trí nhớ không phải nhiệm vụ đơn giản, do đó, người chăm sóc cần được tư vấn kỹ về nhiều khía cạnh như giờ giấc sinh hoạt, chế độ ăn ngủ của người bệnh và đặc biệt là trong vấn đề tâm lý giao tiếp với người bệnh.

Những điều nên làm:

  • Giải thích ngắn gọn
  • Cho bệnh nhân nhiều thời gian để suy nghĩ và hiểu vấn đề
  • Lặp lại hướng dẫn nhiều lần
  • Không gượng ép bệnh nhân
  • Đồng tình hoặc lảng sang vấn đề khác
  • Phản ứng dựa trên cảm xúc của người bệnh
  • Kiên nhẫn, vui vẻ, mang lại cảm giác an toàn cho người bệnh

Những điều không nên làm:

  • Không trình bày nhiều
  • Không tranh luận
  • Không đối đầu
  • Không chấp nhặt
Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777