Hội chứng buồng trứng đa nang (PCOS) - Chẩn đoán và Điều trị

PCOS được chẩn đoán như thế nào?

PCOS có thể rất khó chẩn đoán, đặc biệt là ở trẻ vị thành niên và phụ nữ mãn kinh đang gặp phải những thay đổi nội tiết tố thông thường. Một số triệu chứng của PCOS cũng có thể thấy ở các bệnh trạng khác.

Bác sĩ sẽ thảo luận về bệnh sử, chu kỳ kinh nguyệt, thay đổi về cân nặng cùng các triệu chứng của bạn. Để khẳng định chẩn đoán, bác sĩ có thể yêu cầu:

  • Khám lâm sàng vùng chậu
  • Siêu âm
  • Xét nghiệm máu

Bác sĩ có thể chẩn đoán bạn bị PCOS nếu có ít nhất 3 trong số các tiêu chí sau:

  • Kỳ kinh nguyệt không đều (thường ít hơn 6 chu kỳ mỗi năm)
  • Nồng độ androgen cao trong kết quả xét nghiệm máu
  • Các triệu chứng liên quan đến nồng độ androgen cao, như trứng cá, râu hoặc lông mọc nhiều trên mặt hoặc cơ thể và hói đầu kiểu nam giới.
  • Kết quả siêu âm thấy có nang ở một hoặc cả hai buồng trứng

PCOS có thể được kiểm soát thông qua chẩn đoán, điều trị và thay đổi thói quen sinh hoạt phù hợp. Hãy trao đổi với một bác sĩ nội tiết để tìm hiểu thêm.

PCOS được điều trị như thế nào?

Tùy thuộc vào độ tuổi, triệu chứng và kế hoạch sinh sản trong tương lai, bác sĩ có thể khuyến cáo một hoặc nhiều biện pháp sau đây:

  • Điều trị bằng nội tiết tố, ngoài tập thể dục và giảm cân, để có chu kỳ kinh nguyệt bình thường.
  • Giảm cân, chế độ ăn uống lành mạnh và tập thể dục để thúc đẩy chu kỳ kinh nguyệt bình thường. Điều này có thể giúp tăng khả năng sinh sản.
  • Thuốc để kích thích rụng trứng và điều trị vô sinh.
  • Viên uống tránh thai để điều hòa kinh nguyệt, làm giảm nồng độ nội tiết tố nam và giảm các tình trạng mọc râu ở mặt, mụn trứng cá và tóc thưa dần.
  • Phẫu thuật lỗ khóa nội soi ổ bụng đối với buồng trứng đa nang có thể cần thiết nếu việc dùng thuốc không phát huy hiệu quả.
  • Thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nếu không thể điều trị vô sinh thành công bằng phương pháp phẫu thuật.

Các khuyến cáo về chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt

Vì PCOS có thể làm tăng nguy cơ đối với một số bệnh, điều quan trọng là cần cân nhắc thay đổi chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt. Đặc biệt, bạn có thể cần chú trọng đến kiểm soát cân nặng, việc sản xuất insulin và kháng insulin vì mất cân bằng nội tiết tố và các vấn đề về chuyển hóa là một trong những kết quả điều trị chính của PCOS.

Thực hiện chế độ ăn uống đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng — cân nặng khỏe mạnh và nồng độ insulin bình thường — có thể giúp bạn cảm thấy khỏe hơn. Cân nhắc dùng các nguồn thức ăn sau đây trong chế độ ăn uống của bạn:

  • Thức ăn giàu chất xơ, như rau cải bó xôi, rau lá xanh, quả mọng, bí đỏ và khoai lang
  • Thức ăn có thể giúp giảm viêm, như rau cải bó xôi, cà chua và dầu ô-liu
  • Thức ăn có thể giảm huyết áp cao, như cá, gia cầm, ngũ cốc nguyên cám và các sản phẩm từ sữa ít béo

Hạn chế hoặc tránh ăn carbohydrate tinh chế như bánh mì trắng, thức uống có đường, các món tráng miệng và thực phẩm chế biến sẵn. Các loại thức ăn này có thể làm tình trạng kháng insulin nặng hơn và gây viêm.

Chú ý đến vận động thể chất hàng ngày để kiểm soát tình trạng kháng insulin và huyết áp cao. Các hoạt động như thiền và yoga giúp bạn kiểm soát mức độ căng thẳng.

Luôn xin ý kiến bác sĩ hoặc chuyên viên dinh dưỡng để tìm hiểu thêm về bệnh trạng của bạn và các lựa chọn điều trị trước khi thực hiện những thay đổi đáng kể trong chế độ ăn uống và thói quen sinh hoạt.

Trang này đã được kiểm duyệt.

Bạn cần trợ giúp?


Để biết thêm thông tin, vui lòng gọi
+65 6575 7575

Để đặt lịch hẹn, vui lòng dùng WhatsApp
+65 8111 9777