Dr Lee Boon Leng Kevin
Bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình
Nguồn: Shutterstock
Bác sĩ phẫu thuật chấn thương chỉnh hình
Người dân Singapore ngày càng quan tâm đến sức khỏe và chọn theo đuổi những lối sống lành mạnh bao gồm vận động nhiều hơn. Tuy nhiên, phương pháp tưởng chừng tốt cho sức khỏe này cũng làm tăng nguy cơ chấn thương. Chạy bộ, một trong những hình thức tập luyện phổ biến và được yêu thích nhất, có khả năng gây nên những nguy hại đáng kể.
Một chấn thương phổ biến thường được gọi là đầu gối vận động viên chạy bộ (runner’s knee). Đây là một thuật ngữ chung để mô tả một số tình trạng dẫn đến đau xung quanh xương bánh chè (chỏm xương phía trước xương đùi) , chẳng hạn như hội chứng đau đầu gối trước, lệch khớp xương bánh chè-xương đùi, sụn hóa khớp bánh chè và hội chứng dải chậu chày.
Nguy cơ chấn thương cao hơn đối với các "chiến binh cuối tuần" ở độ tuổi trung niên - những người lao động bận rộn trên 45 tuổi áp dụng chế độ tập thể dục nửa vời trong nỗ lực giữ gìn sức khỏe khi họ có tuổi. Một nghiên cứu được công bố trên Tạp chí Y học Thể thao Chỉnh hình cho thấy những vận động viên mới tập ở tuổi từ 45 - 65 có nguy cơ chấn thương cao nhất trong lúc chạy, tiếp theo là những người trong độ tuổi 30 - 45.
Tiến sĩ Kevin Lee, bác sĩ phẫu thuật chỉnh hình tại Bệnh viện Mount Elizabeth, Singapore cho biết: "Các chấn thương từ chạy bộ thường là chấn thương do lạm dụng quá mức". "Những chấn thương này có thể xảy ra ở bất kỳ nhóm tuổi nào nhưng các chiến binh cuối tuần ở độ tuổi trung niên thường gặp phải nhiều hơn."
Dựa trên nghiên cứu, đây là 2 lý do chính tại sao tình trạng này xảy ra:
Tiến sĩ Lee nói: “Các chấn thương cơ xương khớp thường gặp trong khi chạy phần lớn là ở chi dưới, như chấn thương đầu gối hoặc mắt cá chân và chúng có thể là chấn thương do lạm dụng vận động hoặc chấn thương bầm dập nghiêm trọng (từ ngã hoặc tai nạn)”.
“Chấn thương do lạm dụng xảy ra thường xuyên hơn và, như thuật ngữ này đã chỉ rõ, xuất hiện từ việc tập luyện quá sức. Chúng không hiếm gặp ở những vận động viên mới chạy, những người đột ngột tăng khối lượng hoặc cường độ chạy một cách không tuần tự. Điều này không cho phép cơ thể (cụ thể là xương, gân, dây chằng và cơ bắp) thích nghi với sự gia tăng khối lượng công việc và từ đó dẫn đến những chấn thương liên quan đến căng thẳng, chẳng hạn như rách dây chằng, chấn thương dây chằng chéo trước (ACL) hoặc bong gân mắt cá chân. “
Theo Tiến sĩ Lee, 5 chấn thương phổ biến nhất do chạy bộ gây ra là:
Đau ống chân xuất hiện dưới dạng cơn đau ở mặt trong của cẳng chân và là dạng chấn thương do lạm dụng quá mức. Điều này là do viêm lớp niêm mạc ở mặt trong của xương chày. Phương pháp điều trị bao gồm nghỉ ngơi, chườm đá, giãn cơ và dùng thuốc kháng viêm giảm đau. Với những biện pháp trên, hầu hết các ca đau ống chân sẽ khỏi sau khoảng 2 tuần. Nếu người chạy cố gắng tiếp tục chạy bất chấp cơn đau, thì đau ống chân có thể tiến triển thành gãy xương do quá tải ở ống chân, gót chân và bàn chân.
Viêm gân bánh chè (hay còn gọi là viêm gân cơ tứ đầu nằm ngay phía trên và dưới xương bánh chè) là một chấn thương phổ biến do lạm dụng, gây ra từ việc tập luyện với cường độ cao nhiều lần.
Dải chậu chày (ITB) là một dải dày mô giống gân bắt đầu từ bên ngoài hông và xương chậu, chạy xuống cạnh bên của đùi và bám vào mặt ngoài và trước đầu gối. Đây là một dạng chấn thương do lạm dụng gây nên cảm giác đau ở mặt ngoài đầu gối hoặc mặt ngoài hông.
Bong gân cổ chân là một chấn thương rất nặng, thường do chạy trên địa hình gồ ghề. Các dây chằng ở cổ chân thường bị rách một phần và điều này gây ra hiện tượng bầm tím và sưng tấy.
Rách sụn chêm là một dạng chấn thương nghiêm trọng ở đầu gối thường liên quan đến chuyển động vặn xoắn xung quanh đầu gối. Có 2 sụn chêm ở đầu gối cấu tạo bởi các mô đàn hồi, đóng vai trò như bộ phận giảm xóc. Khi sụn chêm bị rách, đầu gối sẽ bị đau khi chạy, gập người và ngồi xổm. Người bệnh có thể cảm thấy mất ổn định và bị khóa (cảm giác đầu gối bị kẹt ở một vị trí nhất định).
Khi bị chấn thương do lạm dụng quá mức, có thể khó nhận biết là bạn đang bị một chấn thương nghiêm trọng hay chỉ bị giãn cơ nhẹ. Trừ trường hợp đau dữ dội, ảnh hưởng đến khả năng vận động, Tiến sĩ Lee khuyên nên sử dụng phương pháp RICE (Rest - Nghỉ ngơi, Ice - Chườm đá, Compress - Băng ép, Elevation - Nâng cao) như một phương pháp điều trị ban đầu. Đây là một dạng tự điều trị phổ biến bằng cách áp dụng gạc lạnh vào vùng thương tích và cho chi bị thương nghỉ ngơi, tốt nhất là nằm ở vị trí cao hơn một chút.
Tuân thủ đúng phương pháp RICE thường có thể làm thuyên giảm các chấn thương nhỏ do chạy theo thời gian. "Tuy nhiên, nếu cơn đau và sưng ở một khớp hoặc chi cụ thể vẫn tồn tại 2 tuần sau chấn thương, bất chấp việc nghỉ ngơi, chườm đá vùng bị thương và uống thuốc giảm đau, thì bạn nên tìm đến hỗ trợ y tế từ chuyên gia", Tiến sĩ Lee nói.
Tùy thuộc vào mức độ nghiêm trọng, phương pháp điều trị có thể dao động từ phẫu thuật đến sử dụng thuốc kháng viêm. Đối với những trường hợp mức độ không quá nghiêm trọng, có một số phương pháp điều trị chuyên biệt có thể giúp ích, Tiến sĩ Lee cho biết.
Điều trị bằng sóng xung kích hướng tâm là sử dụng sóng áp suất tác động lên vùng bị thương. Sóng xung kích được hấp thụ bởi các mô, tạo ra phản ứng giúp cải thiện quá trình phục hồi. Phương pháp điều trị này có thể được sử dụng cho chứng viêm gân, ITBS và đau gót chân.
Điều trị bằng huyết tương giàu tiểu cầu (PRP) là một quy trình mới khác có thể được sử dụng để điều trị các tình trạng như chấn thương gân, rách cơ và bong gân khớp. Tiểu cầu là thành phần trong máu, có nhiệm vụ đông máu và chữa lành vết thương. Máu được lấy từ bệnh nhân, và nồng độ tiểu cầu được tăng lên thông qua một quá trình được gọi là ly tâm. Lượng máu giàu tiểu cầu có thể được tiêm vào vùng bị thương để đẩy nhanh quá trình hồi phục. Phương pháp điều trị này có thể được sử dụng cho nhiều dạng chấn thương thể thao và hỗ trợ phục hồi sau phẫu thuật.
Phẫu thuật nội soi, hoặc phẫu thuật xâm lấn tối thiểu, có thể là một lựa chọn cho những người cần phẫu thuật nhỏ. Không giống như phẫu thuật mở truyền thống, phẫu thuật nội soi chỉ sử dụng 2 hoặc nhiều vết rạch nhỏ gần khu vực bị ảnh hưởng. Một camera lỗ nhỏ được đưa vào một vết mổ để cung cấp cho bác sĩ hình ảnh khu vực bị thương. Các dụng cụ phẫu thuật được đưa vào thông qua các vết mổ khác để bác sĩ phẫu thuật có thể phục hồi các vết rách dây chằng và gân. Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng phẫu thuật nội soi được thực hiện bởi một bác sĩ phẫu thuật giàu kinh nghiệm đem lại hiệu quả tương đương với phẫu thuật mở truyền thống, lại có thời gian hồi phục ngắn hơn và ít đau hơn.
Không hiếm trường hợp mọi người phớt lờ những chấn thương do chạy và các môn thể thao khác như những bất tiện nhỏ sẽ tự hết theo thời gian. Nhiều người cũng cho rằng những vấn đề như vậy là do tuổi tác
Tuy nhiên, thiếu điều trị có thể dẫn đến hậu quả nghiêm trọng về lâu dài. Tiến sĩ Lee nói: "Khi trì hoãn điều trị các chấn thương do lạm dụng quá mức như viêm gân bánh chè hoặc hội chứng đau dải chậu chày [ITBS], những tình trạng này sẽ trở nên mãn tính và ít đáp ứng với các phương pháp điều trị bảo tồn hơn". "Điều trị sớm là điều cần thiết để việc phục hồi diễn ra nhanh hơn và bệnh nhân có thể quay trở lại chạy bộ sớm hơn nhiều."
Trong trường hợp chấn thương nặng như rách sụn chêm, nếu chậm trễ điều trị có thể dẫn đến vết rách lan rộng hơn hoặc bệnh nhân bị thương nặng hơn, chẳng hạn như rách dây chằng. Điều này sẽ dẫn đến một cuộc phẫu thuật phức tạp hơn và gây đau đớn nhiều hơn cho bệnh nhân. Một đầu gối bị rách sụn chêm hoặc dây chằng (thường là dây chằng chéo trước) nếu không được điều trị cũng sẽ không ổn định.
Theo thời gian, sụn đầu gối bị mài mòn nhanh hơn, Tiến sĩ Lee giải thích. "Việc mất sụn đầu gối trên diện rộng được gọi là viêm xương khớp đầu gối và trong trường hợp nghiêm trọng, giải pháp duy nhất có thể là phẫu thuật thay khớp gối."