Dr MacDonald Michael Ross
Bác Sĩ Nội Tim Mạch
Nguồn: Shutterstock
Bác Sĩ Nội Tim Mạch
Phần lớn mọi người nhận thức được mức độ nghiêm trọng của các bệnh lý tim mạch, nhưng không phải ai cũng nhận thức được mối liên hệ vốn có giữa huyết áp cao và các bệnh lý này. Khi không được điều trị, hoặc không được quản lý một cách thích hợp, huyết áp cao có thể âm thầm gây tổn hại cho cơ thể bạn trong nhiều năm trước khi các triệu chứng thực sự bắt đầu biểu hiện. Trái tim bạn có thể đang ngày càng tiệm cận nguy cơ gặp phải các tổn thương nghiêm trọng, từ lâu trước khi bạn kịp nhận ra.
Huyết áp cao, hay tăng huyết áp, xảy ra khi máu được đẩy vào các thành mạch và động mạch của bạn, gây nên lực nén và sự căng giãn quá mức lên thành mạch, gây ra các tổn thương lâu dài.
Dải huyết áp lý tưởng nằm ở khoảng từ 90/60 đến 120/80.
Không chắc các con số này có ý nghĩa gì? Số ở vị trí phía trên trong phần kết quả đo, hay áp suất tâm thu, cho biết mức độ áp lực trong động mạch của bạn trong lúc cơ tim co bóp. Ngược lại, số ở phía dưới là áp suất tâm trương, cho biết mức độ áp lực trong lúc cơ tim đang ở giai đoạn giữa những nhịp đập. Huyết áp của bạn được xem là cao khi phần kết quả đo nằm ở khoảng cao hơn 130/80.
Nguyên nhân chính gây ra huyết áp cao là lối sống - chế độ dinh dưỡng kém, và thiếu vận động. Các nhân tố khác góp phần vào sự phát triển của bệnh gồm có:
Các vấn đề về hooc-môn, như các rối loạn tuyến thượng thận hoặc tuyến giáp. Tiểu đường (mức đường huyết cao) Béo phì hoặc thừa cân Hút thuốc Tiêu thụ rượu bia
Bạn cũng dễ có khả năng bị cao huyết áp hơn nếu gia đình bạn có tiền sử mắc bệnh này. Nếu đã được chẩn đoán huyết áp cao, bạn nhất định phải nhận thức được cách bệnh lý này có thể tác động đến tim như thế nào.
Những tác động nguy hại của huyết áp cao có thể vươn xa hơn các mạch máu và động mạch của bạn. Bệnh có thể ảnh hưởng đến toàn bộ hệ tuần hoàn máu, tại trung tâm của hệ tuần hoàn chính là trái tim. Khi toàn bộ hệ tuần hoàn đang suy yếu hoặc bị tổn thương, tim bạn có thể gặp phải các rủi ro.
Sự căng thẳng mà tăng huyết áp đặt lên các mạch máu và động mạch là tiền đề cho nhiều bệnh tim mạch. Những bệnh lý chính yếu cần cảnh giác bao gồm bệnh động mạch vành tim, các cơn đau tim, suy tim, và hội chứng phì đại thất trái.
Mối quan hệ giữa huyết áp cao và bệnh động mạch vành tim gắn liền với chứng xơ vữa động mạch. Đây là một quá trình trong đó các động mạch của bạn trở nên chật hẹp và yếu đi do sự tích tụ của các mảng bám – vốn được hình thành từ mỡ và cholesterol. Bệnh động mạch vành tim vô cùng nguy hiểm, vì bệnh này khiến bạn phải đối mặt với nguy cơ gặp phải một cơn đau tim. Thêm vào đó, khi những động mạch của bạn đã bị tắc nghẽn nghiêm trọng, máu sẽ khó có thể lưu thông đến tim và cung cấp cho tim lượng oxy và các dưỡng chất cần thiết.
Một cơn đau tim, trong y khoa được biết đến với tên gọi nhồi máu cơ tim (myocardial infarction), xảy ra khi mảng bám mỡ trong thành động mạch bị viêm và vỡ ra. Điều này khiến nhanh chóng hình thành nên một cục máu đông trong động mạch, làm tắc nghẽn dòng máu, cản trở việc cung cấp oxy đến các cơ tim, và gây tổn thương đến một phần của cơ tim. Không có sự điều trị kịp thời, mô tim bị tác động sẽ không còn hoạt động được, và tim rơi vào tình trạng có nguy cơ suy giảm vĩnh viễn. Đau tim có thể gây tử vong, và hiện tại là nguyên nhân gây tử vong xếp thứ hai ở Singapore.
Suy tim xảy ra khi tim bạn không còn khả năng bơm đủ máu cho cơ thể. Nếu bị cao huyết áp hoặc bệnh động mạch vành tim, tim bạn có thể dần dần suy yếu do thiếu lượng máu cung cấp đi qua các động mạch bị hẹp, cuối cùng dẫn đến tình trạng suy tim. Các dấu hiệu của suy tim bao gồm thở không ra hơi, mệt mỏi, sưng phù chân, và có thể dẫn đến tử vong.
Cụm từ cơ tim phì đại thất trái hay hội chứng phì đại thất trái (left ventricular hypertrophy) được dùng để chỉ sự dày lên của các thành tim thuộc về tâm thất trái, vốn là buồng bơm chính của tim bạn. Huyết áp cao có thể khiến tâm thất trái làm việc nhiều hơn mức cần thiết, gây ra hiện tượng mô cơ trong thành tim dày thêm, dẫn đến hội chứng phì đại thất trái. Bệnh lý này thường được tìm thấy ở những người mắc chứng cao huyết áp không được kiểm soát, và có thể góp phần làm tăng nguy cơ gặp phải các cơn đau tim, hoặc đột quỵ.
Bên cạnh việc nghe theo lời khuyên của bác sĩ, dưới đây là một vài bước bổ sung nhằm hỗ trợ bạn trong việc quản lý tình trạng bệnh và các rủi ro:
Một chế độ dinh dưỡng lành mạnh, giàu rau củ quả, ít muối, ít đường, và hạn chế đồ ăn chế biến sẵn có thể hỗ trợ việc hạ huyết áp. Chế độ dinh dưỡng DASH (Dietary Approaches to Stop Hypertension – phương pháp tiếp cận thông qua ăn uống nhằm ngăn chặn tăng huyết áp) – giàu trái cây và rau củ quả, ít natri và giảm chất béo – được chứng minh có khả năng hạ huyết áp của người tham gia chỉ trong một vài tuần, căn cứ theo kết quả từ các thử nghiệm lâm sàng. Nếu đang thừa cân, mỗi kg giảm được sẽ hạ huyết áp của bạn xuống khoảng 1mmHg.
Vận động thể chất đều đặn làm cho tim của bạn khỏe mạnh hơn, đến lượt nó, điều này lại hỗ trợ cho việc hạ huyết áp của bạn. Hãy đặt ra mục tiêu vận động trong khoảng 150 phút mỗi tuần, ưu tiên các hoạt động thể chất hiếu khí (aerobic/cardio) cường độ trung bình. Trao đổi với bác sĩ về một kế hoạch vận động lý tưởng, đúng với tổng quan về sức khỏe của bản thân.
Bị cao huyết áp nghĩa là bạn đang đối mặt với nguy cơ mắc bệnh tim mạch. Khám sức khỏe tim mạch ngừa bệnh là một cách hiệu quả để nhận biết các rủi ro của các bệnh lý tim còn đang ẩn mình. Cam kết thực hiện các buổi khám sức khỏe tim mạch đều đặn, trong lúc kết hợp với bác sĩ để hạ huyết áp của bản thân.